Liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn lớn:
Quy định ở trong... ngăn kéo
Năm 2014, trên địa bàn toàn quốc xảy ra 2.357 vụ cháy, làm 90 người chết, hơn 140 người bị thương. Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 166 vụ cháy, nổ. Sau mỗi vụ cháy, cơ quan chức năng đều đưa ra các nguyên nhân dẫn đến cháy và khuyến khích người dân tập trung vào các biện pháp phòng cháy, nhưng trên thực tế các quy định này đang không được thực hiện nghiêm túc.
Năng lượng Mới số 392
Cháy và cháy
Hẳn dư luận cả nước chưa quên vụ cháy tại quán karaoke Nhật Thực (địa chỉ số 43G Giảng Võ, Hà Nội) lúc 12 giờ trưa ngày 3/5/2014 khiến 5 người tử vong. Đám cháy bắt nguồn từ tầng 1 sau đó bén lên tầng 2, khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà, biển quảng cáo phía trước bị ngọn lửa thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập bảng điện ở chân cầu thang tầng 1, sau đó đám cháy lan rộng lên các tầng khác.
4 tháng sau, cũng tại một địa điểm ăn chơi trên địa bàn Hà Nội lại xảy ra hỏa hoạn. Khoảng gần 23 giờ ngày 23/9/2014 tại quán bar Luxury (địa chỉ số 153 Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) xảy ra một vụ cháy lớn khiến 9 người bị thương do bỏng hô hấp. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu cháy 10 tỉ đồng. Nguyên nhân gây ra vụ cháy quán bar Luxury cũng được xác định do chập điện.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội
Có thời điểm trong cùng một ngày, ở Hà Nội xảy ra hai vụ cháy. Ngày 18/10/2014, tại Hà Nội đã cùng xảy ra cháy tại Khu công nghiệp Quang Minh (thị trấn Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Ngay sau đó là cháy hệ thống quán ăn, xưởng mộc, gara ôtô gần Tòa nhà Keangnam (nằm trên đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội). Tổng thiệt hại do hai vụ cháy gây ra lên đến gần 140 tỉ đồng.
Mới đây, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2014 cả nước xảy ra 2.357 vụ cháy, làm 90 người chết, hơn 140 người bị thương. Đáng chú ý, có hơn 2.000 vụ xảy ra tại nhà dân và phương tiện giao thông. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.300 tỉ đồng, trong đó có 31 vụ cháy lớn, gây thiệt hại hơn 900 tỉ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người trong thời gian qua là ý thức của người dân về công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế như: Lơ là, sơ suất trong sử dụng thiết bị tiêu thụ điện, tùy tiện sắp xếp nhiều hàng hóa lấn chiếm diện tích của lối đi và đường thoát nạn, không bố trí trang bị đầy đủ dụng cụ và các phương án thoát nạn trong nhà ống...
Quy định để “ngăn kéo”
Trả lời phóng viên Báo Năng lượng Mới, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: Về kiến trúc, cách bố trí trang thiết bị của các địa điểm vui chơi giải trí đều có quy chuẩn. Tuy nhiên, việc họ thực hiện có đúng không và việc giám sát của ngành chức năng đến đâu thì mới đáng phải bàn.
“Thiết kế nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đều có những cơ quan thẩm định và duyệt về mức độ an toàn phòng cháy chữa cháy. Những nơi này phải có hệ thống cảnh báo hỏa hoạn, tự động chữa cháy, tự động ngắt điện... Tuy nhiên, ở nhiều nơi, các cơ quan chức năng có dấu hiệu buông lỏng quản lý” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.
Hiện trường vụ cháy Khu công nghiệp Quang Minh
Theo Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, trong công tác phòng cháy chữa cháy, điều đầu tiên phải kể đến là quản lý chất cháy và nguồn nhiệt. Chất cháy tại các quán karaoke đều vô cùng nguy hiểm, khi xảy ra cháy sẽ bị ngộ độc gây mất khả năng điều khiển và nguy cơ tử vong nhanh. Hơn nữa, do đám cháy âm ỉ nên tạo ra lượng khói rất lớn, tính độc càng cao. Nguồn nhiệt trong các quán karaoke cũng đủ loại từ thuốc lá, diêm, đến nhiệt phát sinh do tiêu thụ điện với công suất lớn. Khi có điều kiện sẽ nhanh chóng phát triển thành đám cháy lớn và lan tỏa nhanh.
Khi xảy ra hỏa hoạn người ta mới đặt vấn đề về những thiếu sót của cơ sở này, thiếu sót quan trọng nhưng lại thường thấy là lối thoát nạn. Lối thoát nạn, thoát hiểm tại các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ, hộp đêm là một trong những yêu cầu thiết kế quan trọng nhất bởi những nơi này luôn luôn tập trung đông người đặc biệt là vào buổi tối, mọi điều kiện để quan sát lối thoát nạn không dễ như ban ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này luôn bị xem nhẹ.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của những vụ cháy trên xuất phát từ việc không thực hiện nghiêm túc các quy định phòng cháy chữa cháy.
Khi các vụ cháy xảy ra, người ta đều xem xét đến trách nhiệm của những người liên quan. Xem xét đến từng đối tượng cụ thể để điều tra nguyên nhân của vụ việc. Tuy nhiên, khi để xảy ra các vụ cháy thì có phần không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng cháy. Xét đến cùng, có một yếu tố cũng ảnh hưởng không nhỏ đó là vấn đề nhận thức về phòng cháy chữa cháy của người dân. Nhiều người chưa có nhận thức đầy đủ về các quy định phòng cháy nên dễ dẫn đến việc các quy định phòng cháy đang ở trong ngăn kéo, không được thực hiện.
Phân tích về nguyên nhân vụ cháy karaoke Nhật Thực, Đại tá Sơn nói: “Sau khi vụ cháy tại quán karaoke Nhật Thực xảy ra, một số cơ quan báo chí có nêu nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khiến 5 người chết là do quán karaoke nằm ở cuối ngõ, rất hút gió, khi cửa mở ra, lượng lớn ôxy được đẩy lên các phòng làm đám cháy lan nhanh. Tuy nhiên, tôi thấy điều này chưa chính xác.
Ở các công trình này, khi cầu thang được thiết kế không hợp lý thì sẽ giống như cái ống khói, khi mở ra sẽ tạo nên hiện tượng chênh lệch áp xuất, hút gió ở bên ngoài vào. Khi đó cả khói và nhiệt độ của đám cháy sẽ ảnh hưởng tới con người, giảm lượng oxy của con người, khiến họ ngạt thở và chết. Trong khi theo quy định phòng cháy, các cơ sở này phải có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở thì ở quán karaoke Nhật Thực lại có thiết kế theo kiểu “tự sát”.
Còn về vụ cháy tại Khu công nghiệp Quang Minh, Đại tá Sơn nói: Tại công trình, khu công nghiệp khi có cháy sẽ liên quan đến bể nước, khu cấp nước để phục vụ công tác chữa cháy. Vậy nên ở mỗi công trình đều phải có bể chứa nước phục vụ công tác chữa cháy khi có cháy xảy ra. Trong vụ cháy xảy ra tại Khu công nghiệp Quang Minh, khó khăn nhất là hệ thống nước trong nước Khu công nghiệp Quang Minh không đảm bảo cho việc phòng cháy chữa cháy. Việc này buộc các lực lượng chữa cháy phải huy động rất nhiều lượt xe cấp nước hỗ trợ. Trong khi quy định xây dựng các cơ sở như thế phải có nguồn nước phòng khi xảy ra hỏa hoạn thì nơi đây lại thiếu.
Đại tá Sơn khuyến cáo, với các công trình tòa nhà, các cơ quan chức năng thường căn cứ vào độ cao, công năng hoạt động để quy định làm bao nhiêu cầu thang hay bao nhiêu cửa thoát hiểm. Những nơi nào có một cầu thang bộ thì khi xảy ra cháy sẽ nguy hiểm nhưng cũng phụ thuộc vào diện tích của lối thoát.
Một yếu tố nữa là trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, học tập, làm việc người dân chưa nêu cao ý thức phòng cháy chữa cháy. Nếu mỗi người dân có ý thức phòng cháy thì đương nhiên nguy cơ cháy nổ sẽ giảm ngay. Ngược lại, mỗi người dân không có ý thức thì mình đều có thể tạo ra cháy. Vậy nên đây là trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân trong toàn xã hội, mỗi người cần ý thức khi làm việc, sản xuất để xã hội được an toàn.
Xuân Hinh