Chuyện khó tin nhưng có thật (số 68): Tôi vẫn tha thứ dù chồng ngoại tình nhiều lần
Tôi không nghĩ rằng sẽ có lúc phải kể câu chuyện đau lòng này ra, câu chuyện mà suốt bấy nhiêu năm tôi hằng chôn sâu cất kín trong lòng, tôi đã tự hỏi mình rất nhiều lần rằng tôi là một người đàn bà vị tha hay nhu nhược?
Câu chuyện xảy ra cách đây đã gần 40 năm, và thực ra, nó chưa bao giờ kết thúc. Lúc đó, chồng tôi đang là cán bộ Đoàn xã, còn tôi đang ở cữ sinh đứa con gái đầu lòng. Cuộc hôn nhân của tôi khiến cho bao trai gái trong làng phải thầm ghen tị vì tôi lọt vào mắt xanh của anh Bí thư đoàn xã hiền lành, đẹp trai, năng nổ.
Nhà tôi ở sát một con kênh đào chạy qua. Sáng sáng, các bà các cô trong làng đều ra bến nước để giặt giũ và đó cũng là nơi để cả làng nói chuyện trên trời dưới bể. Và chuyện chồng tôi có tình nhân cũng bắt đầu nghe được từ đây. Người đó chẳng phải ai xa lạ chính là cô Yến ở xóm bên. Tôi nghe ngóng, dò hỏi và bao đêm khóc thầm, gối đẫm nước mắt cho đến ngày cô Yến sinh nở. Cả làng trên xóm dưới xôn xao, tiếng đồn ngày càng dữ, không chỉ tôi đứng ngồi không yên mà chồng tôi cũng không giấu được nỗi lo lắng sợ mất cái chức đang có và cũng rơi luôn cả chức đội trưởng sản xuất mà chồng tôi đang phấn đấu.
Hàng xóm và gia đình bên ngoại nhất quyết bắt tôi đến gặp cô Yến làm cho ra chuyện. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tức thì tức thật nhưng sợ làm to chuyện chồng tôi xấu hổ, mà không chừng chồng tôi sẽ đến ở với cô Yến thì vợ sẽ mất chồng, con sẽ mất bố. Với lại ở nông thôn quê tôi, quan niệm hãy còn nặng nề: "Có chồng mới gọi bằng bà/ Không chồng thì gọi là da lợn lòi". Nghĩ sao làm vậy, tôi quyết giành giật lại chồng tôi. Ngày Yến sinh con trai, tôi gạt nước mắt gắng gượng gánh một gánh gạo đầy và 5 cân nếp tới nhà Yến. Tôi van xin cô ấy hãy buông tha chồng tôi, bởi dù sao tôi cũng đang là vợ của anh ấy. Giờ đây cô đã có một đứa con là giọt máu của anh ấy để an ủi. Nếu cô thương tôi và vẫn còn yêu anh ấy thì hãy đừng khai nhận với mọi người đây là con của anh Hiếu chồng tôi.
Mọi chuyện rồi cũng êm xuôi. Tôi vẫn một mực chiều chuộng chồng tôi như chưa có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi có thêm 4 cháu trai nữa. Năm 1968, giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc dữ dội. Chúng thả bom và pháo kích từ biển vào. Quê tôi, cả làng nhà ai cũng đào hầm trú ẩn. Dân quân cũng đào sẵn các hầm cá nhân ở hai bên đường đi, nếu giặc Mỹ ném bom, người đi đường còn có chỗ mà tránh. Và trớ trêu thay, trong một trận bom, chồng tôi lại có với cô Lành góa chồng một đứa con trai nữa trong lần nhảy hầm tránh bom cùng chị ta. Nuốt hận vào trong, gạt nước mắt một lần nữa, tôi lại gồng gánh gạo nếp xôi gà đến biếu và nói khéo với cô Lành để cô im lặng không khai đứa trẻ trong bụng là của ai.
Tất nhiên, cô Lành cũng như cô Yến đều chiều theo ý nguyện của tôi mà cắn răng mang tiếng chửa hoang chứ nhất quyết không khai cha của những đứa trẻ. Họ nói với tôi cảnh góa bụa quá sớm, chỉ xin chồng tôi một đứa con sớm tối vui vầy chứ không có ý định cướp chồng tôi và hứa cắt đứt quan hệ với chồng tôi. Tội nghiệp thân tôi, cứ nghĩ đến những ngày ấy là nước mắt tôi lại ứa ra. Gia đình tôi giữ được yên ấm thì búa rìu dư luận lại bổ xuống đầu tôi. Người làng nói xa nói gần, có người nói thẳng vào mặt tôi là tôi có mắt giả mù, có tai giả điếc. Họ còn hát vè bóng gió chuyện của tôi: "Đói lòng ăn nắm lá sung/ Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng". Họ bảo tôi nhu nhược, mắc bùa mê thuốc lú của chồng tôi. Thú thực, lòng dạ có đau đớn ghen tuông, song tôi vẫn còn yêu chồng tôi quá nhiều và luôn có một niềm tin không dễ gì lay chuyển được là chồng tôi vẫn yêu tôi, yêu các con. Bây giờ chồng tôi đã là Bí thư đảng ủy xã, tôi không thể nào hắt đổ bát cơm các con đang ăn, cũng như xô đổ cái ghế anh ấy đang ngồi.
Tôi sống êm đềm với chồng tôi cùng lũ con lúc này đã ngót nghét 10 đứa cả trai lẫn gái. Ngày đi làm đồng, tối về nhận nan của hợp tác xã đan lát thêm, nhằm kiếm công đổi thóc ăn cho gia đình đỡ túng thiếu. Thế rồi, một lần nữa chồng tôi đã làm tôi quị ngã vì thói trăng hoa của mình.
(Ảnh minh họa)
Sáng hôm ấy, khi cùng các con lên nhận nan ở đội sản xuất, ông đội trưởng không muốn cho tôi nhận cứ chần chừ bảo hết nan rồi. Chờ mãi đến trưa tôi đi thẳng lên văn phòng hợp tác xã thì nghe được tiếng ông đội trưởng nói nhỏ với mấy người ngồi bên: "Ông Hiếu lại ăn nằm với cô Lê kế toán hợp tác xã có chửa rồi. Vợ ông ấy đó, có lẽ bà ấy bị câm hay chập mạch mới chịu được ông chồng sa đọa như thế. Đừng chia nan cho nhà bà ấy nữa, để vợ chồng đói rách, sinh ra cắn nhau, cho ông Hiếu lo làm ăn không bụng dạ nào mà nghĩ đến đàn bà nữa". Tôi choáng váng, suýt ngất xỉu giữa sân hợp tác trong cái nắng chang chang trưa tháng 6. Thất thểu lê chân về đến nhà, tôi gọi đàn con ra và ôm lấy chúng khóc òa lên. Lần đầu tiên sau chục năm chịu nhịn, tôi đã khóc như mưa như gió, tức tưởi nói với các con: "Chuyến này cả nhà chết đói các con ơi, hàng xóm thì chê cười mẹ ngu muội, dốt nát. Họ hàng khinh rẻ xa lánh, hợp tác thì không chia nan cho nữa, biết lấy gì để sống đây các con ơi". Tôi vừa khóc vừa gào vì tất cả những uất ức nén chịu trong suốt 20 năm trời giờ đây vỡ òa ra. Tôi không có gì mà mất, cũng chẳng còn gì để giữ nữa. Ông ấy nằm trên nhà lẳng lặng chứng kiến tất cả mà không nói năng gì. Suốt 3 ngày liền ông cứ nằm không ăn, không uống. Các con tôi đưa cơm vào, ông ấy bảo: "Ai cũng chê cười, khinh rẻ, chỉ còn có vợ con là chỗ dựa duy nhất mà cũng nói bóng nói gió thì ông còn ăn, còn sống làm gì nữa". Ông ấy thanh minh chỉ vì thương mấy người phụ nữ kia thiếu thốn tình cảm, không nơi nương tựa lúc tuổi già nên đã làm từ thiện giúp đỡ cho họ có đứa con thôi.
Nghe ông phân trần, lòng người đàn bà còn nặng tình với chồng cũng phần nào nhẹ nhõm. Xét cho cùng tôi thấy chồng tôi cũng xuất phát từ ý tốt, từ lòng cao thượng. Thế là tôi quyết bảo vệ ông ấy đến cùng. Ai bảo chồng tôi có con riêng tôi đều gạt phắt. Ai xui tôi đi kiện, tôi bảo rỗi hơi. Tổ chức đến nhà nắm tình hình, tôi bảo rằng gia đình tôi yên ấm, hạnh phúc, tôi không có gì phàn nàn về ông ấy cả. Chuyện người, chuyện đời thế gian cười 3 tháng chứ ai cười 3 năm.
Giờ các con tôi đã lớn, cháu chắt nội ngoại hai bên đã 12 đứa. Hai người phụ nữ là cô Yến và cô Lành đều đã mất cả, hai đứa con của họ đều dắt díu nhau về gặp rồi xin lỗi tôi thay cho mẹ nó và xin nhận bố, nhận anh em. Tôi vui lòng cho họp các con lại, nói với chúng: Đây là 2 người anh em cùng cha khác mẹ với các con. Chúng thiếu thốn tình cảm từ thơ bé, các con nên bù đắp cho cả hai anh em về tình cảm lẫn vật chất. Các con tôi ngoan ngoãn vâng lời. Chúng không hề hé răng chỉ trích bố hay ghét bỏ hai người anh em ruột thịt. Riêng thằng bé con cô Lê nó kiên quyết không chịu nhận bố vì nó bảo nó không có một người bố như thế, đẻ con ra mà không dám nhận con. Nó đã đưa mẹ nó vào Nam để đoạn tuyệt với quá khứ, xóm giềng.
Tôi năm nay đã 65 tuổi rồi, tôi mãn nguyện với những gì mình đã hy sinh chịu đựng vì các con và trên hết là vì chồng tôi. Hạnh phúc đã đến ngày hái quả, con cháu dâu rể đề huề, một sân hòe quế bốn bề ấm êm. Ấy vậy mà tết Ất Dậu năm nay, các con tôi về tề tựu đông đủ. Ăn tết xong, con gái đầu lòng của tôi đã quỳ xuống trước mặt tôi và òa lên nức nở. Cháu nói rằng: "Mẹ ơi! Mẹ làm hư bố. Mẹ nhu nhược quá, mẹ đã để bố con theo hết người này đến người khác, có đứa con rơi này, đến đứa con vãi khác. Mẹ làm thế là bôi gio trát trấu vào mặt chúng con... Chúng con không cất mặt lên được để mà nhìn thiên hạ". Tôi khẽ khàng: "Chuyện gì mà con lại oán trách bố mẹ vậy. Chuyện cũ qua lâu, năm mới nhắc lại làm gì". Con tôi càng nức nở: Hôm qua, chồng con bảo: "Bố mày tốt đẹp lắm đấy à. Có tới 3 đứa con rơi, không biết chừng cha nào con nấy thì nói gì được ai. Ôi mẹ ơi, con chết nhục vì bố mẹ đấy. Tại mẹ quá nuông chiều bố, nếu ngay từ đầu mẹ làm to chuyện, kiên quyết ngăn cản bố thì làm chi có chuyện như hôm nay".
Các anh chị ơi! Suốt 40 năm, tôi cắn răng chịu đựng là vì chồng và các con, là vì nỗi đau mình tôi gánh chịu. Nhưng khi nỗi đau ấy hành hạ sang cả con gái tôi, để nó oán trách tôi thì tôi không thể chịu đựng được. Tôi rất hiểu tâm trạng của con và càng thương con. Con tôi nói đúng hay sai? Tôi đã sai trong suốt chừng ấy năm hay chồng tôi sai? Tôi là người đàn bà cao thượng, có lòng vị tha, hay tôi nhu nhược đớn hèn? Suốt 40 năm, tôi chưa bao giờ gục ngã vì đau đớn, nhưng trước những lời kết tội của con gái tôi, tôi đã sụp đổ. Tôi buồn, tôi ốm từ tết đến giờ mới gượng dậy nổi để viết bức thư này đến các anh chị, nhằm tâm sự với báo cho vơi bớt nỗi buồn. Xin các anh chị hãy cho tôi một lời khuyên.
Theo ANTG cuối tháng