Châu Âu: Khi con bệnh từ chối uống thuốc
Hy Lạp sẽ bị trục xuất khỏi khối liên minh tiền tệ (Eurozone) nếu từ chối các biện pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách. Lá phiếu của cử tri Hy Lạp đang bị bên ngoài chi phối.
Biếm họa về việc Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu khả năng trục xuất Hy Lạp khỏi Eurozone
Thủ tướng Đức Merkel đang tìm cách tăng áp lực lên cử tri Hy Lạp, không nên bỏ phiếu cho đảng cực tả. Theo báo Der Spiegel, Thủ tướng Đức chủ trương Hy Lạp nên rời khỏi khu vực đồng euro nếu đảng Syriza, cánh tả cực đoan, giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
Mọi việc bắt đầu từ khi Hy Lạp ba lần thất bại trong việc bầu chọn tổng thống mới. Điều này đã khiến Quốc hội Hy Lạp phải giải tán để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 25/1 tới. Điều đáng nói là theo các kết quả khảo sát, Đảng cánh tả Syriza, với chủ trương phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, hiện đang có cơ hội lớn để giành thắng lợi. Alexis Tspiras, Chủ tịch Đảng đối lập Syriza, nói: “Thời gian cầm quyền của chính phủ đương nhiệm cần phải kết thúc. Chính các chính sách kinh tế sai lầm đang gây ra tỉ lệ thất nghiệp và tình trạng nghèo đói tràn lan”.
Đảng Syriza tuyên bố không muốn Hy Lạp rời Eurozone, nhưng sẽ yêu cầu các chủ nợ tiến hành đàm phán lại các điều khoản cứu trợ. Và nếu thỏa thuận này không đạt được, Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone. Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras khẳng định: "Cuộc bỏ phiếu này sẽ quyết định liệu Hy Lạp có còn ở lại Eurozone hay không".
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính của Hy Lạp trong nhiều năm qua. Sau 5 năm suy thoái, 25% GDP không cánh mà bay. Mãi đến quý 3/2014, Athènes lần đầu tiên mới thông báo kinh tế đã tăng trưởng trở lại. GDP của Hy Lạp tăng được 0,5%. Các nhà lãnh đạo ở Athènes khẳng định là các liều thuốc đắng mà bộ ba nhà tài trợ quốc tế đã kê đơn cho Hy Lạp bắt đầu có “ép-phê” và Hy Lạp bớt lệ thuộc vào các thị trường tài chính, ít trở thành mục tiêu tấn công của các nhà đầu cơ. Thực tế không hẳn là như vậy. Nhất cử nhất động của Athènes cũng đủ để làm lãi suất nhà nước phải đi vay được nhân lên gấp 3, gấp 5 lần trong một sớm một chiều. Nhìn tới thực trạng xã hội, tệ hơn cả so với Tây Ban Nha, gần 28% dân số Hy Lạp trong tuổi lao động không có việc làm.
Giáo sư kinh tế Kostas Vergopoulos, cố vấn của LHQ, đánh giá châu Âu quá kém cỏi trong việc giải quyết khủng hoảng và đã làm Hy Lạp kiệt sức: “Chính sách thắt lưng buộc bụng do quốc tế áp đặt là một thảm họa đối với kinh tế Hy Lạp. Athènes càng cải tổ theo những đường hướng đã được EU và Đức vạch ra thì càng lụn bại. Trong 5 năm vừa qua, tức là từ 2009 đến 2013, GDP của Hy Lạp giảm 25% để rồi trong năm 2014 tăng lên được 0,5%. Trong bối cảnh khối euro giảm phát, tình thế của Hy Lạp lại càng phức tạp hơn. Lương của nhân viên công chức nhà nước cũng như mức lương tối thiểu giảm 40% trong 5 năm vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 28%, một kỷ lục của châu Âu. Tệ hơn nữa 65% thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm. Trong những điều kiện đó, các nhà tài trợ vẫn đòi chính quyền Athènes giảm chi và trả bớt nợ. Tôi chỉ nêu lên câu hỏi là vậy liệu Hy Lạp có thể trông cậy vào đâu để tạo đà cho cỗ xe kinh tế đi lên?”
Có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Hy Lạp vào cảnh khốn khó như ngày nay do bản thân quốc gia này đã có những bất cập về chính sách kinh tế về vấn đề quản trị… Nhưng vì sao không chỉ có Hy Lạp mà cả Ai Len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rồi Ý, và cả Pháp cùng phải đối mặt với những vấn đề rất giống nhau, có nghĩa là không có tăng trưởng, thất nghiệp cao, nợ công chồng chất? Những khó khăn đó nảy sinh từ khủng hoảng tài chính và kinh tế. Thảm kịch của châu Âu nói chung, của Hy Lạp nói riêng không chỉ là cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu mà EU đang trải qua. Mấu chốt của vấn đề còn nằm ở chỗ châu Âu quá kém cỏi trong việc khắc phục hậu quả của khủng hoảng. Bruxelles đã đi nhầm đường, để rồi như những ông thầy thuốc, thay vì kê toa để chữa lành bệnh thì lại làm cho bệnh nhân kiệt sức.
Theo giới quan sát, khủng hoảng Hy Lạp sẽ lại làm xáo trộn châu Âu. Để trấn an, ngày 5/1, Chính phủ Đức cho rằng, nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone thì cũng không sao, mọi việc vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Nh.Thạch