Chiêu trò nhào nặn thông tin “hậu trường chính trị” (Phần 2)
Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong một cuộc giao lưu trực tuyến gần đây cũng đã khẳng định: “Những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc cần được kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể".
>> Chiêu trò nhào nặn thông tin “hậu trường chính trị”
“Vải thưa” không che được mắt... nhân dân
Ngày 29/12/2014 vừa qua, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2015, vấn đề xử lý thông tin xấu độc đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập.
Thủ tướng nói: “Quan trọng nhất là chúng ta chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đấu tranh kiên quyết với thông tin xấu, xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ.
Trước đó, ngay từ năm 2012, khi trang Quan làm báo ra đời khiến dư luận xôn xao và chưa được nhận diện rõ như hiện nay, trong văn bản chỉ đạo ngày 12-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: “Những trang web đưa thông tin sai kiểu này chính là thủ đoạn thâm độc gây chia rẽ của những kẻ cơ hội chính trị”.
Sự thật thì không chỉ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta mà các vị đại biểu Quốc hội, phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân đều nhận diện đúng chân tướng của những trang tin hậu trường chính trị. “Vải thưa” của chúng không che được mắt… nhân dân. Tại các kỳ họp thứ 6, thứ 8, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều lưu ý các đại biểu Quốc hội thận trọng trước những thông tin “ngoài luồng”, có ý đồ xấu.
Và sự thật thì những thông tin đó không đánh lừa được xã hội. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, như phân tích ở trên cho thấy, với các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước thì “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Chính kết quả phấn đấu thực tiễn, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cán bộ chủ chốt mới là thước đo phẩm chất, năng lực, đánh giá uy tín của họ.
(Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, về mặt lâu dài, không thể không có biện pháp ngăn chặn, xử lý những trang mạng xấu độc như trên. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, bản chất của các thế lực thù địch thì không bao giờ thay đổi, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, không mơ hồ, ảo tưởng.
“Họ giả nhân giả nghĩa, đã đóng góp gì cho đất nước, dân tộc đâu. Phá Đảng, phá chính quyền cũng chính là “phá dân”. Nếu ai đó bị mê hoặc, tưởng họ tốt thì cứ đặt câu hỏi sao họ không ra trực diện mà phải chui lủi ở đâu. Tuy nhiên, không nên quy chung một rọ những người có ý kiến trái chiều với các thế lực phản động. Đối với những người còn có nhận thức khác, cần chủ động tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều. Cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, khách quan phản hồi kịp thời các kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân là cách tốt nhất đẩy lùi thông tin "bẩn” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhắc đến câu của Anhxtanh mà ông rất tâm đắc, đại ý: Thảm họa của xã hội không phải nằm ở một số kẻ xấu, mà nó nằm ở số đông người im lặng. Mà kẻ xấu thì bao giờ cũng ít hơn rất nhiều so với những người không xấu song im lặng. Nếu toàn Đảng và toàn xã hội làm tốt hơn việc phát huy dân chủ, đấu tranh phê bình và tự phê bình, đẩy lùi những sự “im lặng đáng sợ” thì chắc chắn sẽ không còn đất sống cho các web, blog có nội dung xấu. Chúng sẽ thực sự lạc lõng, bị “bỏ qua” trước "cái kiềng” tư tưởng.
Còn theo ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, không phải tất cả web, blog đều là xấu độc và cũng không nên quá cường điệu hóa nguy cơ từ web, blog có nội dung xấu, nên coi nó như một phần “tối”, phần “rác” không đáng kể trên con đường chúng ta đang lựa chọn để đi.
TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin thật nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài. Chúng ta cần phải nhanh chóng nói đúng bản chất sự việc, nói có tính định hướng để công chúng hiểu”.
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: Bản thân tôi có lúc đã bị xuyên tạc, vu khống trên mạng. Họ bình luận cả những chuyện đời tư của tôi mà không hề có một chút thực tế nào. Lúc đó, một số đồng chí, đồng đội, bạn bè bức xúc, đề nghị phải lên tiếng, nhưng tôi suy nghĩ khác. Chỉ cần nghe qua, xem qua tôi đã biết những thông tin đó là như thế nào, nhằm động cơ gì. Mình là người đàng hoàng, trong sáng làm gì phải bận tâm, mất thời gian bởi những thứ “rác rưởi” như thế. Kể lại những chuyện trên đây, tôi muốn nói một điều: Muốn ngăn chặn cái xấu thì trước hết chúng ta phải mạnh, phải tốt; muốn không bị nhiễm bệnh thì cơ thể phải lành mạnh, khỏe khoắn. Cuộc chiến để ngăn ngừa những luồng thông tin xấu độc trên mạng cũng vậy. Để những thông tin xấu độc, phản động tràn lan trên mạng, ngoài trách nhiệm của công tác quản lý, phải chăng những luồng thông tin chính thống của chúng ta còn chưa mạnh, những hành động thực tế còn chưa thuyết phục! Các biện pháp hành chính là cần, nhưng theo tôi điều quan trọng hơn là thông tin của chúng ta phải công khai, minh bạch hơn và hành động của Đảng thông qua đội ngũ cán bộ các cấp phải trung thực, đúng đắn. |
Nguyên Minh
>> Chiêu trò nhào nặn thông tin “hậu trường chính trị”
>> Chuyện về “hiện tượng” Nguyễn Bá Thanh (Bài cuối)
>> Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89…
>> Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh