Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa Bảo hiểm Toàn Cầu như thế nào?
Ngày 30/12, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP HCM, bảo vệ quyền lợi cho VietinBank đã có ý kiến đối đáp với VKS và luật sư của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (gọi tắt: Công ty Toàn Cầu).
>> Sơ đồ sai phạm giữa Huyền Như và ACB
>> “Cắt khúc” vụ án để hướng Huyền Như đến tội danh khác?
Luật sư Hòa đưa ra quan điểm, hành vi của bị cáo Như với 125 tỉ đồng của Công ty Toàn Cầu đã thể hiện rõ. Một loạt những hành vi giả mạo để Công ty Toàn Cầu mắc bẫy thì làm sao có thể nói Như là không chiếm đoạt tiền của Công ty Toàn Cầu.
VKS có nêu nhiều quy định Bộ Luật Dân sự và luật sư Hòa cũng đã đề cập quyền sở hữu: “Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt”. Công ty Toàn Cầu hoàn toàn nghe theo dẫn dụ của bị cáo Như và không còn các quyền sở hữu.
Dẫn giải bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đến phiên tòa sáng 30/12.
Trước khi phản bác lại luật sư của Công ty Toàn Cầu, luật sư Hòa nhấn mạnh: “Tâm niệm của luật sư chúng tôi không làm xấu đi tình trạng của bất kì ai. Nhưng với trách nhiệm bảo vệ VietinBank, chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của VietinBank và cũng không muốn làm xấu tình trạng của bất kì ai”.
Luật sư của Công ty Toàn Cầu có đặt 6 câu hỏi cần làm rõ: “(1) Giao dịch ở quán café nào, ai tham gia?; (2) Số tiền chi ngoài là có hay không?; (3) Giao dịch giữa cá nhân Như với Công ty Toàn Cầu chứ không phải VietinBank với Công ty? (4) Công ty Toàn Cầu giao dịch trái với điều luật nào của Luật Doanh nghiệp? (5) Giao dịch giả tạo nào?; (6) Động cơ gì?”.
Luật sư Trương Thị Hòa phân tích, về 3 vấn đề đầu tiên đều có trong lời khai của các bị cáo Huyền Như (tại Bút lục 1073, 1074): “Đối với Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, tôi bắt đầu huy động vốn từ tháng 7/11, chênh lệch 10%/năm, …cách thức giao dịch như Phúc Vinh nhưng hình thức bằng hợp đồng ủy thác. Tôi trực tiếp chi hoa hồng cho chị Giang”.
Tại Bút lục 1117: “Công ty Toàn cầu thông qua quen biết Huyền Trân, gặp tại quán café… Sau đó, tôi làm việc trực tiếp với chị Giang thư kí Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu… Thông qua quen biết với Trân, tôi và anh Võ Anh Tuấn gặp Giám đốc Công ty Toàn cầu…. Các hợp đồng bảo hiểm với Toàn Cầu phải chuyển cho chị Giang. Số tiền chênh trả cho Giang và Trân đều trả bằng tiền mặt do Quyên mang đến”.
Trong phần lời khai, bị cáo Huyền Như nói rõ: “Chi cho Giang 1,7 tỉ và Trân là hơn 5 tỉ”. Cũng trong bút lục, Trân có khai: “Tôi không biết, không quan hệ với Công ty Toàn Cầu, nghe anh Thuận nói xin số điện thoại của Như để làm môi giới cho Công ty Toàn Cầu. Sau nghe Thuận nói Công ty toàn cầu có cho Như vay tiền…”.
Lời khai của Thành Thuận: “Tôi gặp chị Giang tại cà phê Highland tại góc đường Trần Cao Vân… Huyền Như đưa cho Thuận số tiền trên 5 tỉ và Như nói đưa lại cho chị Giang hơn 2 tỉ đồng. Còn lại là tổ chức đám cưới cho Thuận và các khoản đầu tư khác…".
Trong vấn đề thứ 4, Công ty Toàn Cầu phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Điều 94, Luật Doanh nghiệp có nêu: “Đại Hội cổ đông có quyền quyết định đầu tư, có quyền bán tài sản 50% giá trị tài sản nếu điều lệ công ty không có quy định khác”. Điều 108 về Hội đồng quản trị: “Hội đồng quản trị không thể thay đổi quyết định của Đại hội đồng cổ đông quyết định phương án đầu tư. Giám đốc có quyền thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư kinh doanh”.
Tại Bút lục 235, Ban hành điều lệ Công ty Toàn Cầu thì Quy định rõ về quyền của Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc… Đại Hội đồng cổ đông có quyết định cao nhất. Điều 46, Khoản 2 quy định: “Tổng Giám đốc công ty điều hành và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị”. Công ty Toàn Cầu phải chứng minh là việc đầu tư ủy thác phải có quyết định của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.
Luật sư Trương Thị Hòa phân tích vấn đề giao dịch giả tạo và động cơ mục đích trong giao dịch giữa bị cáo Huyền Như với Công ty Toàn Cầu. Luật sư Hòa khẳng định, đây là giao dịch giả tạo vì Công ty Toàn Cầu mở tài khoản tại VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh thì không cho biết có những hợp đồng giao dịch và đó là hợp đồng giao dịch không hợp pháp. Nếu VietinBank biết thì đã không cho phép. Nếu là sự giả tạo thì Điều 129 quy định việc vô hiệu của giao dịch giả tạo. Điều 137 quy định giao dịch giả tạo phải được hủy bỏ.
Thực sự, Công ty Toàn Cầu đã thực hiện giao dịch gian dối với bị cáo Huyền Như với mục đích động cơ đã thể hiện rõ trong 5 hợp đồng ủy thác nhằm mục đích cho số tiền phát sinh lợi. Đó không phải là mục đích chuyển tiền mà là để thu lợi.
Luật sư Hòa đưa ra lập luận rằng: Công ty Toàn Cầu đã trình bày vượt quá yêu cầu khi buộc VietinBank phải bồi thường.
P.V (tổng hợp)