“Cắt khúc” vụ án để hướng Huyền Như đến tội danh khác?
Đây là vụ án hình sự, vì vậy phải áp dụng các quy định của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự để giải quyết. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND TP HCM đã xem xét, đánh giá và xác định sự thật của vụ án một cách hết sức khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Do có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, bị cáo Huyền Như đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo các tổ chức, cá nhân mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản tại VietinBank. Giao dịch giữa bị cáo Huyền Như với các tổ chức, cá nhân trước khi họ chuyển tiền vào Vietinbank đều là các giao dịch bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm đã bị xử lý hình sự bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.
Không thể cắt khúc vụ án ra mà chỉ xem xét hành vi của cá nhân bị cáo Huyền Như sau khi chiếm đoạt tiền của các tổ chức, cá nhân đã được chuyển vào tài khoản của họ tại Vietinbank. Đây là việc cố tình loại bỏ nguyên nhân, động cơ, mục đích và các hành vi vi phạm pháp luật mà các tổ chức, cá nhân đã thực hiện theo thỏa thuận.
Thậm chí, các tổ chức, cá nhân đã có hành vi móc ngoặc với Huyền Như trước khi mở tài khoản và việc “cắt khúc” vụ án để cho dư luận thấy rằng Huyền Như đã tham ô tài sản của Vietinbank do Huyền Như quản lý, hoặc Như đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Vietinbank quản lý. Một số ý kiến, quan điểm phiến diện, một chiều chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng có quan điểm căn cứ Điều 618 Bộ Luật Dân sự quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao” để yêu cầu VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ với lý do Huỳnh thị Huyền Như là cán bộ của Vietinbank.
Nên nhớ, đây là một vụ án hình sự!
Huyền Như đã dùng thủ đoạn gian dối, huy động vốn vượt trần lãi suất quy định, chi ngoài hợp đồng, giả mạo con dấu, tài liệu của VietinBank và nhiều cơ quan, tổ chức khác là hành vi phạm tội hình sự, hoàn toàn không phải thực hiện nhiệm vụ được VietinBank giao. Do đó, lập luận này hoàn toàn không có căn cứ, trái pháp luật và mâu thuẩn ngay với quy định của Bộ Luật Dân sự.
Các bị cáo trong vụ án.
Ý kiến của một vị luật sư đưa ra, Hợp đồng giữa người gửi tiền với Vietinbank là “Hợp đồng vay tài sản” hoặc “Hợp đồng gửi giữ tài sản”. Từ đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho thân chủ suy ra rằng: “Vietinbank phải có nghĩa vụ trả nợ vay hoặc trả lại tài sản gửi giữ theo quy định của Bộ Luật dân sự!”.
Luật sư Nguyễn Văn Trung khẳng định, căn cứ Điều 42 Bộ Luật Hình sự quy định “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.
Tòa sơ thẩm buộc bị cáo Huyền Như bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại là hoàn toàn áp dụng đúng quy định của pháp luật và bản chất của vụ án.
Hưng Long (tổng hợp)