Pháp luật có nên bảo vệ giao dịch ngầm, trái phép trong vụ án Huyền Như?
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức với số tiền đặc biệt lớn đang được Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM đưa ra xét xử.
Thông qua bán án của phiên tòa sơ thẩm (từ 6 - 27/1/2014) và diễn biến phiên tòa phúc thẩm, dư luận có thể thấy trong số các bị hại của vụ án phần lớn là các tổ chức, cá nhân là “sân sau” của một số Ngân hàng đứng tên mở tài khoản và gửi tiền vào VietinBank từ nguồn tiền của các Ngân hàng này.
Sau khi vụ án được khởi tố, điều tra, số tiền mà các cá nhân, tổ chức nói trên chưa thu hồi được do bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tính tròn là 3.067 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt của vụ án là 3.986 tỷ đồng.
Sự thật đằng sau những món tiền “khủng”
Thoạt nhìn thì nhiều người cho rằng họ là những người gửi tiền bình thường vào VietinBank mà bị thiệt hại nhưng cũng có nhiều người giật mình đặt câu hỏi “không biết họ là ai mà lại có nhiều tiền như vậy?”, tuy nhiên nếu tìm hiểu sâu về vụ án này thì có thể thấy rõ một sự thật như sau:
Vào thời điểm xảy ra vụ án, tình hình thị trường tiền tệ nước ta có nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, Chính phủ và NHNN đã áp dụng nhiều chính sách để ổn định thị trường, trong đó có quy định về trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD), yêu cầu các TCTD giảm lãi suất và tập trung cho vay để phát triển SXKD…
Chính sách là như vậy tuy nhiên đã xảy ra hiện tượng một số TCTD không chấp hành chính sách của Nhà nước, lợi dụng sự khó khăn của thị trường để trục lợi, điển hình là hiện tượng chuyển vốn của mình cho các cá nhân, đơn vị “sân sau” để họ giả danh là người gửi tiền mang tiền của Ngân hàng này gửi vào Ngân hàng khác.
Dẫn giải bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như sau phiên xét xử.
Mục đích của các TCTD này là để kiếm lời, trục lợi từ sự chênh lệch lãi suất giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường huy động vốn từ dân cư, tổ chức, đẩy lãi suất huy động lên cao, kinh doanh trên lưng các Ngân hàng khác, cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ và phá vỡ mục tiêu điều hành chính sách của Chính phủ và NHNN.
Nhìn vào vụ án Huỳnh Thị Huyền Như thì chúng ta có thể nhận ra các Ngân hàng ACB, NVB, TPB, MSB chính là các ví dụ điển hình cho hiện tượng nói trên.
Hoạt động của các NHTM được pháp luật quy định rất chặt chẽ để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vốn. Một câu hỏi mà dư luận đặt ra là bằng cách nào mà các Ngân hàng nói trên tuồn được tiền của mình cho các cá nhân, đơn vị “sân sau” để đi gửi tiền vào VietinBank? Thông qua các tình tiết của vụ án Nguyễn Đức Kiên và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đã được các Cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, làm rõ thì hành vi cụ thể của các Ngân hàng này được thực hiện dưới các hình thức:
Với trường hợp của Ngân hàng ACB và MSB, thông qua các hợp đồng (HĐ) ủy thác gửi tiền/ủy thác đầu tư, các Ngân hàng này chuyển tiền cho cá nhân và Cty trung gian, chỉ định họ mở tài khoản và gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất vượt trần.
Với trường hợp của Ngân hàng Nam Việt, thông qua các HĐ cho vay tiêu dùng cá nhân, Ngân hàng này chuyển tiền cho nhân viên của mình để đứng tên gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất vượt trần.
Với trường hợp Ngân hàng Tiên Phong, thông qua các HĐ môi giới đặt cọc mua chứng khoán, HĐ tư vấn quản lý danh mục đầu tư, Ngân hàng này chuyển tiền cho Công ty trung gian, chỉ định họ mở tài khoản và ký HĐ gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất vượt trần.
Điều đáng lưu ý là các hành vi của 4 Ngân hàng nói trên, theo kết luận của NHNN và các Cơ quan bảo vệ pháp luật, đều vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động Ngân hàng, đều có sự đồng thuận, nhất trí từ chủ trương đến phương thức thực hiện của cấp lãnh đạo cao nhất.
Chính vì lý do trên, trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã bị kết án về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại VietinBank gây thiệt số tiền 718 tỷ đồng.
Bất chấp luật pháp vì lợi nhuận
Khi tuyên án tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên, HĐXX phúc thẩm cũng đã có đánh giá về hậu quả từ việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank như sau: “Chính sách tiền gửi của Nhà nước huy động tối đa mọi nguồn tiền nhàn rỗi, sau đó thông qua cho vay để đưa vào SXKD, tạo của cải vật chất cho xã hội, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người gửi tiền, vay tiền.
Việc ACB dùng tiền mang gửi vào VietinBank làm thay đổi sự lưu thông bình thường của tiền gửi, gây ảnh hưởng chính sách của Nhà nước, méo mó hình ảnh DN làm ăn chân chính, ảnh hưởng xấu tới điều tiết kinh tế vĩ mô, vận hành của nền kinh tế quốc dân”.
Cũng theo trình bày của bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa này, bằng hoạt động ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền vào các Ngân hàng khác theo chủ trương của thường trực HĐQT ACB ngày 22/02/2010, Ngân hàng này đã thu lợi tổng số tiền trên 3.000 tỷ đồng, nếu trừ đi số tiền bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt là 718 tỷ đồng khi ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại VietinBank thì ACB vẫn thu lợi từ chủ trường ủy thác trái pháp luật là trên 2.000 tỷ đồng.
Từ thông tin này thì dư luận cũng có thể hiểu lý do tại sao một số TCTD lại bất chấp pháp luật để kinh doanh theo kiểu “ngồi mát ăn bát vàng” như ACB.
Như vậy, thực chất số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của các cá nhân, tổ chức đứng danh gửi tiền vào VietinBank như đã nói ở trên là tiền của các Ngân hàng ACB, NVB, TPB, MSB núp bóng dưới các cá nhân, Công ty “sân sau” để gửi tiền vào Ngân hàng khác nhằm thu lãi suất vượt trần, vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động Ngân hàng.
Các cá nhân, tổ chức đã cho các Ngân hàng mượn tư cách người gửi tiền, mượn tài khoản để gửi tiền vào VietinBank nhằm mục đích thu lợi bất chính, được hưởng lợi ích vật chất từ tiền phí/tiền công do các Ngân hàng này trả cũng là các hành vi tiếp tay cho sai phạm của các Ngân hàng, bao che cho các giao dịch trái pháp luật.
Trở lại với diễn biến của phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như tại TP HCM trong mấy ngày vừa qua, một vấn đề đặt ra mà các Cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xem xét và giải quyết thấu đáo là nếu chấp thuận buộc VietinBank phải bồi thường cả gốc và lãi cho các cá nhân, Công ty là “sân sau” của các Ngân hàng đứng tên gửi tiền trong vụ án thì vô hình chung pháp luật lại đang bảo vệ cho các hành vi trái pháp luật với mục đích thu lợi bất chính, cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn trên thị trường tiền tệ và phá hoại chính sách của Nhà nước.
Hệ lụy của quyết định theo hướng đó chắc hẳn làm xói mòn niềm tin cho các TCTD khác đang hoạt động kinh doanh lành mạnh, tuân thủ đầy đủ pháp luật và các chính sách của Chính phủ và NHNN.
21 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB, được ACB ủy thác mang tiền đi gửi tại VietinBank với tổng số tiền 1.101 tỷ đồng. 14 cá nhân là nhân viên Ngân hàng Nam Việt (NVB) được NVB cho vay để đi gửi tiền tại VietinBank với tổng số tiền 1.543 tỷ đồng 3 Công ty gồm: Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên được Ngân hàng Hàng Hải ủy thác đi gửi tiền tại VietinBank với tổng số tiền 2.501 tỷ đồng 2 Công ty gồm: CK Phương Đông, An Lộc được Ngân hàng Tiên Phong (TPB) giao tiền đi gửi tại VietinBank với tổng số tiền 1.860 tỷ đồng. |
Ngọc Việt (t/h)