Thông tư 36 - động thái quyết liệt xử lý “sở hữu chéo”
Có lẽ, những diễn biến trên thị trường chứng khoán và tác động của Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tới hoạt động ngân hàng, tới thị trường chứng khoán… đã đủ cho thấy thông tư này có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn như thế nào. Với mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, NHNN đã quyết tâm chặt đứt những “vòi bạch tuộc” đó.
Năng lượng Mới số 386
Mặc dù phải tới 1/2/2015, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TT36) mới có hiệu lực nhưng tác động của nó đã ảnh hưởng tới diễn biến của thị trường chứng khoán và hoạt động của các ngân hàng ngay từ thời điểm công bố thông tư.
Một trong những thay đổi lớn, mang tính cách mạng là các nội dung trong giới hạn cấp tín dụng của TT36 so với quy định trước đây (Thông tư số 13/2010/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung - gọi tắt là TT13). Theo đó, NHNN đã có những thay đổi liên quan tới các nội dung như: Khái niệm “Người liên quan”, giới hạn cấp tín dụng, hệ số rủi ro, giới hạn đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và bổ sung thêm các nguyên tắc cấp tín dụng.
Với quy định trong thông tư này, khi đề cập đến khái niệm người có liên quan, NHNN chỉ quy định “thuộc một trong các trường hợp” được liệt kê. Với cách quy định này, đã gây không ít tranh cãi về việc xác định đối tượng liên quan với tổ chức tín dụng. Và thực tế, thời gian qua tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng tồn tại và khó khống chế, kiểm soát cũng xuất phát từ “cách hiểu” người có liên quan này của TT13.
Đến TT36, NHNN đã minh bạch hơn khi quy định người có liên quan “bao gồm các trường hợp” được liệt kê. Đồng thời, TT36 chặt chẽ hơn khi bổ sung thêm các đối tượng được xem là người có liên quan, gồm: Bố chồng (bố vợ), mẹ chồng (mẹ vợ), bố dượng, mẹ kế, con riêng của vợ hoặc chồng) của người quản lý, thành viên BKS, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 5% vốn; cá nhân có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý, thành viên BKS của công ty mẹ (khoản 15, Điều 3, Chương I).
Đặc biệt, TT36 đã khẳng định quyết tâm của NHNN trong vấn đề xử lý sở hữu chéo khi cho phép NHNN có quyền xem xét, yêu cầu tổ chức tín dụng coi những người có lợi ích liên quan với khách hàng vay hoặc tiềm ẩn rủi ro cho tổ chức tín dụng là người có liên quan của khách hàng và áp dụng các nguyên tắc thận trọng khi xem xét cấp tín dụng hoặc xử lý khoản tín dụng đã cấp… (khoản 8b, Điều 13, Mục 3, Chương II). Với quyền đặc biệt này, khi TT36 có hiệu lực, trên cơ sở thanh kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc khi có dấu hiệu cho thấy hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến lợi ích liên quan hoặc có nguy cơ rủi ro cho tổ chức tín dụng, NHNN sẽ được phép yêu cầu tổ chức tín dụng coi đó là những khách hàng có liên quan và xử lý như quy định.
Sở dĩ NHNN phải đưa thêm một quy định cho mình cái quyền “chỉ đâu đúng đấy” này bởi vì thời gian qua quá nhiều tổ chức tín dụng trở thành “sân sau” cho các hoạt động của nhiều nhóm “có lợi ích liên quan”, nhưng trên giấy tờ và quy định pháp luật chưa ràng buộc hết được. Việc cho vay các đối tượng này thường có nhiều vấn đề trong khâu thẩm định, quản lý tiền giải ngân dẫn tới việc sử dụng vốn sai mục đích. Cái chuyện thực hiện cho vay kiểu đúng quy định kiểu “tình gian - lý ngay” tưởng vô lý hóa ra lại tồn tại trong thực tế và là biểu hiện rõ nhất tình trạng “sở hữu chéo”, sử dụng tổ chức tín dụng như công cụ của nhiều cá nhân trong hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, việc cho phép mình có quyền này có lẽ cũng là việc “cực chẳng đã” và là giải pháp tình thế nhằm loại bỏ những nguy cơ và rủi ro tiềm tàng của “sở hữu chéo” cho hệ thống các tổ chức tín dụng như đã từng diễn ra suốt thời gian qua.
Một điểm mới nữa mà TT36 đã quy định nhằm hạn chế việc “sở hữu chéo” trong hệ thống các tổ chức tín dụng, đó là: Khi một ngân hàng thương mại (NHTM) muốn nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác phải đảm bảo các yêu cầu do NHNN đặt ra (chẳng hạn nợ xấu phải dưới 3%) nhằm loại bỏ những tổ chức tín dụng yếu kém nhưng lại có quyền sở hữu cổ phần ở các tổ chức tín dụng khác (Điều 20). Đặc biệt, về giới hạn, NHTM không được nắm giữ cổ phiếu quá hai tổ chức tín dụng khác và không được cử người tham gia HĐQT tại tổ chức tín dụng đã mua trừ các trường hợp đặc biệt. Quy định này đã hạn chế việc các NHTM sở hữu tràn lan cổ phiếu lẫn nhau và lãnh đạo NHTM này cũng đồng thời là thành viên HĐQT NHTM khác như trên thực tế thời gian qua. Thực hiện được quy định này sẽ góp phần làm lành mạnh hoạt động của các NHTM, không để lợi ích giữa các NHTM bị mâu thuẫn nhau và các NHTM sẽ ít bị chi phối và điều khiển bởi một NHTM khác nắm giữ quyền chi phối.
Ngoài ra, NHNN cũng quy định NHTM không được cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu trên cơ sở bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào của tổ chức tín dụng hoặc trên cơ sở bảo đảm bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác; Không được cấp tín dụng trung hạn, dài hạn cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu; hoặc TSBĐ là chính cổ phiếu đó (khoản 2, Điều 14). Trên thực tế, hiện nay việc một tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh dưới các hình thức khác nhau cho một người hoặc một tổ chức khi vay vốn đầu tư kinh doanh cổ phiếu không phải hiếm. Điều này cũng tiềm tàng nhiều rủi ro và là biểu hiện của “mối quan hệ qua lại, chằng chịt” giữa các tổ chức tín dụng. Vì vậy, mục tiêu của quy định này nhằm hạn chế việc các tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh, bảo đảm cho các khoản vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu tại các NHTM, đồng thời quy định này cũng góp phần ngăn chặn những “tác động” của một tổ chức tín dụng này đối với một tổ chức tín dụng khác cho những khoản vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu.
Như vậy, chỉ còn gần 2 tháng nữa, các tổ chức tín dụng sẽ phải áp dụng những quy định của TT36 vào hoạt động của mình. Ngay bây giờ, các tổ chức tín dụng đã phải tính toán và lên kế hoạch ứng phó với những biến động và ảnh hưởng do TT36 mang lại. Tích cực thì có nhiều, nhưng để những tác động tích cực đó trở thành hiện thực thì ngay giờ đây, các NHTM đang chạy đua thời gian điều chỉnh các chỉ tiêu đầu tư, cho vay để trong ít ngày nữa, nó phải vừa với cái khuôn mà NHNN đã quy định. Chắc chắn, nhiều NHTM sẽ không thể đáp ứng được một số nội dung trong quy định này, nhưng đây là động thái cần thiết để NHNN kiên quyết loại bỏ tình trạng “sở hữu chéo” trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay.
Thành Trung