Chuyện khó tin nhưng có thật (số 51): Vì yêu tôi chấp nhận làm... chị dâu của anh
..Im lặng một hồi lâu, Cương mới khó khăn nói ra được ý định của mình, rằng tôi hãy vì anh mà nhận lời làm vợ của anh trai anh. Tôi biết rõ anh trai Cương là thương binh nặng hạng 1, xuất ngũ trước Cương mấy năm, lận đận mãi chưa có được một người yêu làm vợ...
Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ "Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình".
Bảo Ninh, quê cát ấy, ba bề bốn bên là sông nước. Cái mặn mòi của sông, của biển, của nắng chói chang ở miền Trung làm da dẻ ai cũng sạm đen. Thế mà riêng tôi, trời phú cho nước da trắng hồng.
Bạn gái cùng trang lứa vẫn thường đùa tôi: "Cho tao mượn nước da của mày đi tìm người yêu với". 16 tuổi, tôi đã bắt đầu bâng khuâng thầm nghĩ đến tình yêu và người đàn ông của đời mình sau này. Mọi ý nghĩ mông lung, diệu vợi và không cụ thể.
Thế rồi, cái gì đến sẽ đến. Lần đó, tôi ra bãi biển đón thuyền của cha đi đánh cá trở về. Trời nắng chang chang, tôi gánh gánh cá nặng trĩu từ thuyền cha về nhà trên cái cồn cát bỏng giẫy ấy, thỉnh thoảng lại phải dừng nghỉ dưới gốc phi lao vi vút gió.
Bỗng, vai tôi nhẹ hẫng, có một bàn tay ai đó nhấc bổng gánh cá trên vai tôi. Tôi quay lại, thẹn chín mặt, hai má đỏ bừng nhận ra ngay Cương, người con trai làng biển cùng xã với tôi nhưng ở xóm trên.
Cương cao lớn, đôi vai trần vạm vỡ, vồng ngực căng lên những bắp thịt săn chắc. Cương mỉm cười nói: "Mình vào nhà lấy gạo thêm cho cả thuyền, để mình gánh hộ". Nói rồi Cương ghé vai gánh đỡ tôi gánh cá chạy băng băng. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện dưới cái nắng đổ lửa.
Từ hôm đó, mỗi lần đi biển về, Cương thường đến nhà tôi chơi. Anh hơn tôi 2 tuổi, mới học xong lớp 7 (bây giờ là lớp 9) đã phải nghỉ học đi biển cùng với cha. Tình cảm của chúng tôi ngày một nhen lên mơ hồ mà tha thiết.
Một năm sau, Cương trúng nghĩa vụ quân sự. Hôm anh lên đường, tôi không tài nào cầm được nước mắt. Tôi khóc ngon lành mà không muốn che giấu tình cảm thầm kín của mình nữa. Trái tim tôi mách bảo anh là người đàn ông mà tôi sẽ gắn bó cả cuộc đời. Trước lúc lên xe, anh nắm tay tôi và nói: "Hạnh Nhân, chờ anh, em nhé". Đó là mùa hè đổ lửa của năm 1974.
Tình yêu của lớp người như chúng tôi ngày trước chỉ là vậy, sức nặng ngàn cân trong một câu nói nhẹ bẫng: "Chờ anh về". Và đó cũng là thay lời hẹn ước.
Nhà thơ Hữu Loan viết rằng: "Lấy chồng thời chiến chinh/ mấy người đi trở lại". Câu thơ đó như là để dành cho tôi, mặc dù tôi chưa phải là vợ Cương, nhưng nắm tay nóng bỏng lúc giã biệt như lời thề của hai đứa. Tình yêu trong chiến tranh, nén chặt trong nỗi nhớ nhung xa cách. Mẹ tôi, bao nhiêu bận giục con gái đi lấy chồng nhưng mẹ đâu có biết trái tim tôi đã dành trọn cho Cương.
Rồi chiến tranh kết thúc. Tôi là người hạnh phúc nhất trên đời. Cương là một trong những hạt gạo còn nằm lại trên cái sàng chiến tranh.
Lúc đó, tôi đang ngồi đan lưới trước thềm nhà. Bỗng Cương xuất hiện trong bộ quân phục bạc màu, gương mặt cương nghị rắn rỏi, dáng người cao lớn và mạnh mẽ. Tôi chạy bổ nhào ôm chầm lấy Cương mà khóc, không e thẹn, giấu giếm. Cương cũng ôm chặt lấy tôi, xúc động.
Anh nói: "Anh ra quân rồi, được một Huân chương Chiến công hạng ba". Lời nói giản dị của anh đầy tự hào mãn nguyện, nỗi niềm của một đấng nam nhi đã làm tròn sứ mệnh khi Tổ quốc cần.
Được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Hới giúp đỡ, anh được vào làm việc ở một cơ quan Nhà nước. Đồng Hới thuở đó chưa có cầu Nhật Lệ bắc sang Bảo Ninh quê hương mẹ Suốt Anh hùng. Chiều nào, sau giờ làm việc anh cũng xuôi đò về nhà, dù ngày mưa hay nắng, anh dành tình cảm cho tôi thật nhiều. Tình yêu như trái chín, hồng lên theo năm tháng. Bạn bè, bà con ai cũng chúc mừng và hy vọng vào tình yêu của hai đứa.
Các anh chị ơi, chuyện chỉ đến đó thì chẳng có gì cần phải kể. Cái bước ngoặt lớn lao của đời tôi bắt đầu từ sự kiện sau đây.
Tối hôm đó, sau 3 tháng kể từ ngày anh ra quân và đi làm trên thị xã, anh hẹn tôi ra ngồi hóng gió trên một con thuyền neo đậu trước làng, sát bờ sông Nhật Lệ. Khác hẳn mọi khi, nét mặt, giọng nói của Cương buồn lắm. Rất lâu ngồi yên lặng bên nhau, mặt Cương buồn không cất được nên lời.
Lúc đêm đã tàn, Cương nắm lấy bàn tay tôi đặt lên ngực mình, giọng run run xúc động: "Hạnh Nhân, anh nhờ em một việc và anh tin chắc rằng em sẽ không từ chối".
Tôi đặt cả hai tay mình vào tay anh: "Em sẽ đi đến tận cuối trời, nếu anh bảo. Miễn là em được mãi mãi sống bên anh".
Im lặng một hồi lâu, Cương mới khó khăn nói ra được ý định của mình, rằng tôi hãy vì anh mà nhận lời làm vợ của anh trai anh. Tôi biết rõ anh trai Cương là thương binh nặng hạng 1, xuất ngũ trước Cương mấy năm, lận đận mãi chưa có được một người yêu làm vợ.
(Ảnh minh họa)
Anh là chiến sỹ hải quân trên sông Gianh, tháng 9/1972 anh bị thương nặng, mất hai xương sườn và một chân trái. Anh vẫn thường đi chân giả, và đau đớn toàn thân mỗi khi trở trời.
Khi nghe Cương nói thế, tôi như người thụt xuống hố sâu. Và tôi khóc, khóc sướt mướt. Cương lau nước mắt cho tôi. Khi chia tay, anh vẫn nói: "Đó là một nghĩa cử, anh tin ở em".
Và tôi đã lên xe hoa trong nước mắt. Vì yêu Cương hay vì nghĩa cử mà tôi đã nhận lời Cương cũng là đồng ý làm vợ anh trai Cương. Có lẽ tôi yêu Cương quá nhiều, thần tượng anh quá nhiều, đến mức một lời anh nói là mệnh lệnh mà tôi có bổn phận thực thi.
Đám cưới của tôi đông vui nhất xã. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ của xã cử người đến giúp và tham gia tiết mục văn nghệ trong đám cưới đời sống mới. Dĩ nhiên là Cương ngoài mặt rất vui, anh xông xáo làm hết việc này việc nọ với vai trò của một người em đối với anh chị.
Tôi biết trong nụ cười xã giao giữa ngày cưới của tôi, Cương đã nuốt những dòng nước mắt. Với riêng tôi, tôi cũng cố cười và rất hãnh diện với Cương. Vì anh mà tôi sẵn sàng làm tất cả, và tôi đã làm được một việc tốt, một nghĩa cử cao đẹp ở đời, tôi đã làm những gì thiêng liêng nhất của lý trí, của trái tim. Năm đó là năm 1976, tôi tròn 18 tuổi.
Sau đó một thời gian khá dài, khi con trai tôi tròn 3 tuổi thì Cương mới lập gia đình. Vợ Cương là một cô giáo dạy văn ở chỗ anh công tác. Chồng tôi rất thương tôi, anh hiểu tất cả sự hy sinh của tôi và Cương để anh được hạnh phúc, vì thế anh càng trân trọng tôi hơn.
Oái oăm thay, lập gia đình được hai năm, khi vợ Cương trở dạ sinh đứa con gái đầu lòng thì bị băng huyết. Cấp cứu không kịp, vợ Cương qua đời, bỏ lại đứa con thơ dại và người chồng trẻ.
Cương cắn răng nén đau, một tay lo lắng nuôi dạy con. Cương không hề đề cập đến chuyện lập gia đình mới, lúc nào chồng tôi và tôi giục anh, Cương lại nói lảng sang chuyện khác. Lý do để sự trì hoãn kéo dài là con gái còn quá nhỏ, Cương muốn dồn tình yêu thương để chăm sóc con.
Thế rồi sự đời không hết những oái oăm. Chồng tôi là thương binh nặng, sức khỏe vốn dĩ đã rất yếu, năm 1996, sau khi vào Thành cổ Quảng Trị dự cuộc gặp mặt với những cựu chiến binh chiến đấu ở Thành cổ, sau đó đi thăm Côn Đảo, khi trở về anh bị bệnh nặng, xuất huyết não và mất.
Trước khi chồng tôi lâm chung, anh gọi Cương đến bên cạnh, nắm lấy tay Cương và tôi rồi nói rất yếu ớt: "Thôi, hai em hãy về sống với nhau, các em đã làm tròn phận sự cao đẹp rồi, giờ đến lúc hãy nghĩ cho riêng mình".
Cương lặng lẽ lo chu toàn cho đám tang của chồng tôi. Nỗi đau gia đình khiến cho Cương bạc tóc. Năm đó tôi 38 tuổi, còn Cương thì đã bước sang tuổi 40. Chúng tôi vẫn còn trẻ để nghĩ tới hạnh phúc.
Thế nhưng, từ bấy đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, ngày rằm mồng một nào, Cương cũng đưa cháu tạt qua nhà thăm mẹ con tôi, và thắp hương lên bàn thờ của chồng tôi, anh trai Cương.
Con gái của Cương đã vào đại học, con trai tôi đã lớn, nay đã theo bước chân của bố trở thành người lính Cụ Hồ, chiến sỹ hải quân trong Quân đoàn 3, đơn vị mà bố cháu ngày xưa từng chiến đấu.
Cương vẫn thường xuyên đến thăm tôi, và chúng tôi thường ngồi bên nhau hàng giờ im lặng mà không thể nói gì với nhau. Nàng Châu Long của Dương Lễ trong truyện "Lưu Bình - Dương Lễ" thì còn trở về với nhau, còn cuộc chia tay của tôi với Cương thì không bao giờ có ngày đoàn tụ, dù chúng tôi hoàn toàn có thể đến bên nhau, yêu thương nhau và nối lại những gì đã mất.
Thật ra, tôi chưa bao giờ hết yêu Cương và tôi linh cảm Cương cũng vậy. Chúng tôi đã sống vì người khác như một giai đoạn ngày xưa con người chỉ sống vì người khác mà quên đi cái tôi bé nhỏ của riêng mình.
Nhưng đau đớn thay, chúng tôi lại là người trong một gia đình, tôi là chị dâu của Cương, bởi vậy mà chúng tôi không thể đến với nhau đàng hoàng như một cặp tình nhân muộn. Tôi và Cương vô cùng đau khổ.
Chúng tôi đã lặng lẽ yêu thương nhau trong suốt 11 năm qua mà không một ai dám bước qua những định kiến, rào cản vô hình. Nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi quá sức, tôi không đủ sức để gồng mình lên nữa, tôi cần có Cương, và tôi không thể để tuột mất anh lần nữa.
Nhưng sau những cơn mê cuồng, tôi lại tĩnh trí và cay đắng nhận ra rằng tình yêu của chúng tôi đã bị chính chúng tôi khước từ nó quá lâu rồi, lâu và nhiều ràng buộc, rào cản đến mức nó không thể trở lại nữa.
Các anh chị ơi, làm sao để giải hộ chúng tôi bài toán này. Thú thật tôi luôn luôn sống trong tâm trạng giằng xé.
Theo ANTG cuối tháng