Đối đầu Nga - NATO: Bên bờ vực chiến tranh
Cuộc đấu đầu Nga - NATO vốn căng thẳng trong nhiều năm qua vì khối quân sự này cố tình mở rộng căn cứ và thiết lập hệ thống phòng thủ xung quanh nước Nga, đã được đẩy lên đỉnh điểm cùng với sự kiện Ukraina.
Năng lượng Mới số 371
Bản báo cáo “Bên bờ vực chiến tranh nguy hiểm: Các vụ cọ xát quân sự giữa Nga và phương Tây năm 2014”, do mạng lưới lãnh đạo châu Âu (European Leadership Network ELN) công bố hồi tháng trước đã nêu bật sự cố xảy ra trên không ngày 3/3/2014, cách thành phố Malmo, Thụy Điển 80km về phía đông nam. Vào hôm đó, một chiếc Boeing 737 của Hãng Scandinavian Airlines SAS chở theo 132 hành khách, bay từ Copenhagen đến Roma, suýt nữa đâm vào một máy bay do thám của Nga, khi chỉ còn cách nhau 90m, nếu không nhờ hôm đó trời quang đãng và sự cảnh giác cao của phi công. Lý do là chiếc máy bay quân sự Nga đã không hề cho biết lịch bay, cũng như không thông báo vị trí của mình.
Đối với ELN, nếu xảy ra, thì sự cố liên quan đến chiếc Boeing của Hãng SAS có thể ví với thảm kịch của chuyến bay MH17 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines.
Biểu tình chống NATO tại Ukraina
Sự cố liên quan đến chiếc máy bay của Hãng SAS được xếp vào diện “hiểm nguy cao”, cùng với hai sự cố khác trên bộ tại Estonia và dưới mặt biển tại Thụy Điển. Ngoài ra còn có 11 sự cố nghiêm trọng với nguy cơ leo thang bao gồm bốn trường hợp chiến đấu cơ Nga “vờn” máy bay Mỹ và Thụy Điển trên không phận quốc tế.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã làm cho tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang lên mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Biểu hiện rõ rệt là các hoạt động gia tăng của không quân Nga trên khắp châu Âu nhắm vào các thành viên khối NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng tóm lược tình hình năm 2014 trong vài từ ngắn: Khủng hoảng và xung đột. Để đối phó với các cuộc khủng hoảng này, vào tháng 9 năm nay, chính phủ các thành viên NATO đã quyết định thành lập một lực lượng phản ứng cực nhanh, có thể tham chiến ngay trong 48 tiếng đồng hồ và sẽ hoạt động kể từ năm 2016. Trong khi chờ đợi, một tiểu đoàn đầu tiên gồm quân nhân ba nước Đức, Hà Lan và Na Uy sẽ được thành lập ngay vào năm 2015.
Cũng trong năm tới, NATO tiếp tục thi hành các biện pháp bảo đảm an ninh cho Ba Lan và ba nước vùng Baltic, thành viên ở bắc châu Âu. Các biện pháp quân sự này gồm gia tăng tập trận với nhịp độ thường xuyên hơn, với số máy bay chiến đấu và trinh sát nhiều hơn và số tàu chiến tuần tra trong vùng Hắc Hải và biển Baltic cũng tăng theo.
Để đáp trả NATO, trong những năm qua, Nga một mặt tìm cách ngăn cản không cho khối quân sự Bắc Đại Tây Dương này tiếp cận biên giới của mình bằng cách thuyết phục các nước láng giềng không gia nhập NATO, mặt khác đấu tranh ngoại giao buộc Mỹ và phương Tây phải từ bỏ hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa tại Đông Âu.
Liên quan tới Ukraina, mặc dù chưa gia nhập NATO nhưng chính phủ và Quốc hội mới tại Ukraina đã chính thức thông báo nguyện vọng thương lượng với NATO xin làm thành viên. Quan điểm của Nga với việc Ukraina gia nhập NATO là rõ ràng: Moskva yêu cầu NATO phải đảm bảo chắc chắn là tránh xa Ukraina nếu không muốn xung đột lan rộng và leo thang căng thẳng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov mới đây tố cáo NATO muốn gây bất ổn định tại Bắc Âu với những cuộc tập trận không ngưng nghỉ với những máy bay trang bị vũ khí hạt nhân.
Theo giới phân tích, nguyện vọng của Ukraina được NATO thông hiểu nhưng do tình hình nóng bỏng và tế nhị, liên minh này không thể kết nạp Ukraina vào lúc này. Mặt khác, để làm thành viên NATO, Kiev cũng phải mất nhiều thời gian và nỗ lực cải cách mới hội đủ điều kiện. Bên cạnh đó, sự nổi lên của NATO trên các phương tiện truyền thông những tháng qua không thể che giấu nổi một thực tế, đó là việc khối này hiện nay dường như chỉ tồn tại cho có, vai trò của nó đã gần như không còn sau Chiến tranh Lạnh và nhất là sau khi Nga và Mỹ thực hiện chính sách tái khởi động quan hệ vào năm 2009.
Theo các tuyên bố của Bộ Chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu thì từ năm 1989 đến nay, sự hiện diện quân sự ở châu lục này đã giảm tới 85%. Mỹ liên tục trách cứ các đồng minh châu Âu không đầu tư đủ cho quân đội của mình và muốn giao khoán vấn đề an ninh cho Mỹ. Còn các nước châu Âu, do kinh tế khó khăn triền miên, đã không gia tăng chi phí quân sự và nói rõ là không muốn can thiệp quân sự vào Ukraina.
Do vậy, NATO chỉ đưa ra một loạt các biện pháp khiêm tốn, nhằm trấn an các thành viên Đông Âu, ví dụ như điều động hai máy bay của khối này đến giám sát không phận Ba Lan và Rumani. Theo giới chuyên gia, nếu NATO muốn tỏ ra có sức răn đe mạnh mẽ, cần phải xem xét lại chính sách giảm cam kết quân sự của Mỹ đối với châu Âu. Đồng thời, các đồng minh châu Âu cũng phải tính đến việc tăng ngân sách quốc phòng và thảo luận việc sử dụng các nguồn tài chính này.
Có ý kiến cho rằng, Mỹ đang mượn cớ Nga gây quan ngại tại châu Âu để một lần nữa vực dậy NATO phục vụ cho những lợi ích của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ giảm mạnh ngân sách quốc phòng, kinh tế châu Âu liên tục trì trệ, hiện tại Mỹ không làm được điều đó. “Đây là nỗ lực để bảo toàn và gia tăng sự thống trị toàn cầu trong bối cảnh các tổ chức quốc tế suy yếu. Chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn khác. Đây là một phần nỗ lực giải quyết tất cả các vấn đề phát triển toàn cầu trong khi duy trì quyền bá chủ của Mỹ” - Valery Abramov, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế kinh tế Nga, nhận định.
Nhìn tổng thể thì các đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu với Nga hiện tại đều là những biện pháp gây áp lực chính trị để buộc Nga phải nhượng bộ trong quá trình đàm phán với phương Tây quanh vấn đề Ukraina. Tiến trình này sẽ còn kéo dài. Những biện pháp ăn đũa trả đũa từ hai phía trong thời gian sắp tới cũng không có gì gây ngạc nhiên.
S.Phương (tổng hợp)