Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:
Mỹ lại muốn “một tay che trời”!
Ngoài việc cùng với các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, gần đây Mỹ còn gây sức ép cả với những nước khác không phải đồng minh tham gia cô lập chính quyền Moskva về kinh tế. Cái cớ Mỹ đưa ra là sự liên quan của Nga đến khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Obama (phải) tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, ngày 30/9/2014
Ngày 6/12, Mỹ lên tiếng cảnh báo Ấn Độ không được làm ăn với Nga. Lời cảnh báo này được đưa ra trước chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Từ Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf gửi thông điệp tới chính phủ Ấn Độ: “Chúng tôi đã nói: Giờ không phải là lúc để làm ăn với Nga. Đương nhiên là chúng tôi đã chuyển thông điệp này tới các đồng minh và đối tác trên thế giới”.
Theo các viên chức Ấn Độ, chuyến công du đầu tiên của ông Vladimir Putin từ khi tân Thủ tướng Ấn Narendra Modi lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại Nga-Ấn hiện ở mức 10 tỉ USD/năm. Khoảng 15 hợp đồng dự kiến sẽ được ký kết. Ấn Độ và Nga từ lâu là những đồng minh gần gũi từ thời Chiến tranh lạnh. Tuy vậy, Washington và New Delhi đã xích lại gần nhau một cách ngoạn mục trong 10 năm qua, nhất là dưới thời Tổng thống George W.Bush (2001-2009).
Người kế nhiệm ông Bush là Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 1/2015, theo lời mời của Thủ tướng Modi. Ông Narendra Modi đã được đón tiếp tại Nhà Trắng ngày 30/9. Sự kiện này từng gây chú ý vì nhà lãnh đạo Ấn Độ từng bị Mỹ từ chối cấp visa nhập cảnh năm 2005 do các vụ nổi dậy đẫm máu ở bang Gujarat mà ông là Thống đốc năm 2002.
Trong khi đó, Moskva đang tỏ ra nghi ngờ các nước vùng Balkan giúp Bruxelles phá lệnh trả đũa của Nga.
Cụ thể là từ tháng 9 đến nay, xuất khẩu nông phẩm của nhiều nước Balkan sang thị trường Nga tăng vọt. Tháng 9/2014 cũng là thời điểm Nga ban hành biện pháp trả đũa lệnh cấm vận của Tây phương, ép Nga phải ngưng can thiệp tại Ukraina.
Ba nước Balkan nằm trong tầm nhắm của chính quyền Nga là Bosnia, Albania và Macedonia. Tất cả các nước này đều không ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và Liên minh châu Âu. Moskva cũng hy vọng là các quốc gia Balkan, sẽ không làm đồng minh giúp các nước châu Âu lách biện pháp trả đũa của Nga. Tuy nhiên, thực tế dường như không như Moskva mong chờ.
Đối tượng bị Nga cảnh cáo đầu tiên là Cộng hòa Bosnia. Từ tháng 1 đến tháng 9/2014, quốc gia nhỏ bé này đã bán sang Nga hơn 3.100 tấn nông phẩm từ trái cây cho đến khoai tây, tăng gấp ba lần khối lượng bình thường.
Một viên chức Bosnia xác nhận là phần lớn nông phẩm xuất khẩu sang Nga tăng cao nhất trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10/2014, tức là từ khi lệnh cấm vận của Nga có hiệu lực. Cùng thời điểm này, Bosnia cũng nhập từ châu Âu đến 7.000 tấn khoai tây trong khi cùng thời gian trong những năm trước chỉ nhập có 320 tấn.
Từ đầu mùa thu năm nay, chính quyền Nga nói thẳng là muốn các nước Balkan đừng tuân theo yêu cầu của Bruxelles tham gia vào liên minh trừng phạt Nga. Đổi lại, Nga sẽ mở rộng cửa mua nông phẩm của Balkan. Tháng 10/2014, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi Serbia hãy nhân cơ hội tốt để giành thêm thị phần lương thực tại Nga mà hiện nay Serbia chỉ mới đạt mức khiêm tốn là 0,2%.
Tuy nhiên, giờ đây Nga không tin tưởng mấy vào thế trung lập của Balkan mà từ nhiều thập niên nay là bạn hàng chính của EU.
Moskva đã quyết định rà soát từng quốc gia một mà ngoài Bosnia còn có Albania và Macedonia. Chính quyền Nga yêu cầu ba nước - không bị Moskva cấm vận trả đũa - phải cung cấp trong thời gian ngắn nhất số liệu sản xuất nông nghiệp của năm 2014. Nga còn áp dụng hình thức cảnh cáo gửi trả lại Macedonia 20 tấn khoai tây bị nghi có nguồn gốc từ Hy Lạp, thành viên của EU.
Giới chuyên gia cho rằng chính quyền các nước Balkan phải trấn an Moskva để Nga tiếp tục mở cửa thị trường. Chính quyền Macedonia và Albania đã bảo đảm với Nga là tất cả nông phẩm bán sang Nga được sản xuất tại Balkan chứ không đến từ Tây Âu. Bộ nông nghiệp Macedonia tin tưởng là các số liệu do họ cung cấp sẽ đánh tan mọi nghi ngờ từ phía chính quyền Nga.
Tuy nhiên, những con số xuất khẩu đột nhiên tăng vọt của các nước Balkan vào Nga chắc khó che mắt được Moskva.
Nh.Thạch