“Khám phá” Việt Nam đầu thế kỷ XX qua ảnh
Với gần 60 bức ảnh tư liệu về Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 đã được trưng bày, giới thiệu tới công chúng Thủ đô trong triển lãm chuyên đề “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Đám rước trong lễ tế Nam Giao.
Công chúng đến với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam dịp này sẽ có cơ hội khám phá hình ảnh về cuộc sống của người Việt Nam đầu thế kỷ XX với các lễ hội dân gian, những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma hay những cảnh sinh hoạt đời thường như Tết Trung thu…
Bên cạnh đó, số ảnh tư liệu được trưng bày tại triển lãm còn được chia theo ba chủ đề khác. Chủ đề thứ nhất với tên gọi “Khảo cổ học” sẽ giới thiệu những bức ảnh ghi lại quá trình khai quật khảo cổ học, trùng tu di tích của các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Việt Nam. Điểm nhấn là những phát hiện quan trọng về khảo cổ học thuộc văn hóa Chămpa và văn hóa Óc Eo.
Không chỉ có vậy, phòng trưng bày “Góc nhìn Việt Nam-Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ” còn giới thiệu tới công chúng gần 50 hiện vật tiêu biểu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Số hiện vật này tập trung vào hai chủ đề: các dụng cụ tác nghiệp của các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã sử dụng trước đây; những hiện vật do các học giả Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tìm thấy ở các di tích thuộc các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chămpa của Việt Nam.
Là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm “Viện Viễn đông Bác Cổ: Một thế kỷ nghiên cứu tại Việt Nam.” Chương trình do Đại sứ quán Pháp phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng những bức ảnh trưng bày tại triển lãm vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu bởi lẽ nhiều di tích, nhiều công trình khảo cổ bị biến dạng theo thời gian nhưng dựa vào những bức ảnh tư liệu này, các nhà nghiên cứu có thể tái hiện lại.
Triển lãm Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20 được kéo dài đến tháng 3/2015, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, Hà Nội).
Một số hình ảnh trưng bày tại triển lãm:
Những hàng ăn rong gần " trường thi " dành cho các kỳ thi hương
Máy nước trên đường phố Hà Nội.
Bức ảnh "Hàng rong trước cửa đền ngày hội, chụp năm 1930"
Những cô đồng tại một trong những khóa đồng ở đền Ghềnh (làng Phú Viên, Hà Nội)
Bày bán cá chép trong tết Táo quân, Hà Nội
Đèn lồng trong ngày Tết trung thu của trẻ em, phố Hàng Mã, Hà Nội
Cầu có mái tre của làng Chọi (Cầu Chọi)
Dân chài kéo vó
Bắt cá. Dụng cụ bắt cá là đồ đan bằng những nan tre mảnh và dai, có cán cầm
Phố buôn bán ở Hà Nội
Lễ mai táng “Xe tang là một kiểu xe có mái che, được quây kín bằng những tấm màn trướng bằng lụa thêu; các đòn càng có dạng hình con rồng”.
Khảo cổ khu di tích Mỹ Sơn ( Quảng Niam)
Khai quật di tích Chăm Chánh Lộ (Quảng Ngãi)
Du khách tham quan phòng triển lãm.
Nguyễn Hoan