Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh: Câu chuyện thứ ba
Mùa thi năm 2013 xong, tôi gặp ông Bá Thanh. Ông đang được coi là thần tượng của giới trẻ, được học sinh tại tỉnh nhà yêu quý đến mức coi đó là tấm gương trong đề bài tập làm văn của mình.
>> Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh
>> Chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh: Câu chuyện thứ hai
Bây giờ chỉ còn làm thế nào mà thôi
Ông cũng được mọi người công nhận là một Bí thư Tỉnh ủy dám làm, dám quyết, dám đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối mặt với những tiêu cực trong đời sống xã hội. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo đưa tỉnh vươn lên là một vùng kinh tế vào nhóm hàng đầu đất nước. Ông đã xây dựng được một trật tự xã hội nền nếp, văn minh vào bậc nhất ở Việt Nam. Đến tỉnh đó, người ta không nhìn thấy rác rưởi, thậm chí người dân còn không dám vứt rác ra đường, không nhìn thấy những người ăn xin, những cảnh tượng đeo bám du khách. Ông đã làm được rất nhiều việc cho tỉnh mình.
Có lẽ ở Việt Nam chưa có một Bí thư Tỉnh ủy nào dám đối thoại với những người đàn ông hơi một tí là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Ông có thể ngồi thâu đêm, suốt sáng với các cụ về hưu để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, bức xúc của họ. Có câu chuyện như sau, một nhà báo ở nơi khác đến, cùng với vài người bạn đi nhậu bằng xe taxi. Chẳng hiểu “tửu nhập, ngôn xuất” thế nào mà trên đường anh ta lôi vị Bí thư này ra để đàm tiếu. Thật bất ngờ, người lái xe cho xe dừng lại giữa đoạn đường đồng không mông quạnh, đuổi cổ cả nhóm nhà báo này xuống vì tội nói xấu Bí thư Tỉnh ủy. Câu chuyện ấy không hiểu thực hư thế nào nhưng rõ ràng người dân rất yêu ông.
Ông Nguyễn Bá Thanh.
Lại có một chuyện nữa, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn hay nói một đằng, làm một nẻo trong việc thực hiện lãi suất cho vay theo quy định. Ông tuyên bố xanh rờn rằng, nếu các ngân hàng không chịu thực hiện nghiêm trần lãi suất theo quy định thì ông sẽ hô một câu và người dân rút hết tiền ở các ngân hàng ra, thử xem các ngân hàng sống kiểu gì. Các ngân hàng biết là ông không nói đùa và họ cũng quá hiểu uy tín của ông đến mức nào cho nên vội vàng hạ lãi suất cho vay.
Nhân câu chuyện này tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng khẳng định uy tín của mình đó là của Nguyên soái Zhukov. Ông đã từng nói với Khrushchev - khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô: “Nếu không có lệnh của tôi thì không một chiếc xe tăng nào tiến được nửa mét”. Hoảng sợ trước câu nói của ông mà Khrushchev đã phải tìm cách hạ bệ ông bằng được. Tôi hỏi chuyện ông về việc đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương IV. Ông nói rất giản dị: “Khó hay không là ở chính mình thôi. Dân ta vốn rộng lòng tha thứ với tất cả những ai đã mắc khuyết điểm nhưng biết hối lỗi. Vấn đề là Đảng đã nhìn thấy những khiếm khuyết, những thiếu sót của mình nhưng có dám nhận lỗi hay không? Và rồi nhận lỗi xong thì các đảng viên có biết tự tu tỉnh hay không? Người dân rộng lòng tha thứ là thế, nhưng phải nghĩ đến lời của Nguyễn Trãi: “Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước”. Từng đảng viên, từng cán bộ từ cấp nhỏ nhất phải thấy rằng, đừng nghĩ người dân không nói gì, có vẻ cam chịu mà là người ta sợ đâu”. Rồi ông ngừng một lát và nói tiếp: “Đã đến lúc Đảng phải mở một cuộc chiến đấu giành lại lòng tin của người dân. Đây là cuộc chiến đấu sẽ rất gay go, phức tạp bởi nó động chạm đến quyền lợi của không ít cán bộ, đảng viên. Mà trong đó có nhiều kẻ được lên quan, lên chức không phải vì tài năng, mà là vì họ giỏi “chạy”…”
Người dân tin rằng Đảng đã thấy thiếu sót và quyết tâm sửa chữa. Vấn đề bây giờ là làm thế nào? Quả thực, nếu như không có những biện pháp cực kỳ rắn, hết sức cụ thể thì rồi cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Một ví dụ nhỏ thế này, trong 19 điều cấm đảng viên không được làm thì đã có điều rằng, đảng viên không được tổ chức đám cưới, đám tang, sinh nhật, lên chức… xa hoa, lãng phí. Nhưng bao nhiêu năm qua, thử hỏi rằng, liệu có bao nhiêu người làm theo? Chính phủ cũng đã có quy định cấm dùng rượu mạnh của nước ngoài để tiếp khách, nhưng rồi cũng có mấy nơi thực hiện? Khi Thành ủy Hà Nội ra Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội thì cũng vẫn có không ít đảng viên nói rằng, phải tăng cường vận động, giáo dục để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Rồi lại có chương trình truyền hình lấy ý kiến của những cặp đôi chuẩn bị tổ chức đám cưới rằng, như thế là làm đảo lộn kế hoạch mời khách của họ, rằng như thế là làm mất vui đám cưới… Xã hội chúng ta hiện nay đang có những lộn xộn như thế này trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, trật tự xã hội… đó là vì chúng ta quá thiếu những chế tài cụ thể, mang tính bắt buộc, đó là vì không hiếm vị lãnh đạo chỉ lo giữ ghế của mình để kiếm bổng lộc mà không dám ra tay làm gì cả.
Bây giờ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhìn thấy những thiếu sót và xin lỗi nhân dân thì cũng mong sao cần sớm có những biện pháp, giải pháp cứng rắn, nghiêm minh. Có thế mới đưa được nghị quyết vào cuộc sống.
Như Phong
>> Câu chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước
>> Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89…
>> Những nhiệm vụ của ông Nguyễn Bá Thanh
>> Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh