3 đột phá lớn của TKV
Trước khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, vùng mỏ bị cày xới bởi nạn than thổ phỉ hoành hành. Các doanh nghiệp khai thác than manh mún với công nghệ lạc hậu. Đời sống người thợ mỏ gặp vô vàn khó khăn, lương không đủ ăn chứ chưa nói đến đời sống văn hóa tinh thần. Nhưng kể từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (1994) tới nay, ngành than không ngừng lớn mạnh nhờ sự phát huy truyền thống kỷ luật và đồng tâm của cán bộ, công nhân ngành than; sản lượng than không ngừng tăng qua các năm.
Năng lượng Mới số 379
Xóa sổ than thổ phỉ
Thành tựu đầu tiên và cũng là mục tiêu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam năm 1994 là lập lại trật tự trong khai thác than tại vùng mỏ. Khi đó, nạn khai thác - kinh doanh than trái phép, còn gọi là than thổ phỉ hoành hành khắp các vùng sơn địa Quảng Ninh. Môi trường vùng mỏ bị tàn phá khốc liệt. Khắp vùng mỏ, người ta đào bới nham nhở. Nạn tranh cướp lò than xảy ra như cơm bữa. Các doanh nghiệp ngành than lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, phải cắt giảm sản xuất. Giá bán than trong nước thấp hơn giá thành dẫn tới mất cân đối tài chính. Công nhân lao động ngành than thiếu việc làm, đời sống vô cùng khó khăn. Và than Việt Nam ra đời đã làm tốt việc lập lại trật tự trong khai thác than tại vùng mỏ.
HĐQT tổng công ty khi mới thành lập đã đề ra hàng loạt giải pháp như: tổ chức lại mô hình sản xuất; thống nhất quản lý thị trường tiêu thụ than; kết hợp với các chế tài kinh tế - hành chính lập lại trật tự trong khai thác, chế biến, kinh doanh than; xóa bỏ cấp trung gian trong quản lý; mở mang nhiều ngành sản xuất - kinh doanh mới… Vùng mỏ dần được ổn định và trật tự trong khai thác than.
Công nhân Than Nam Mẫu - TKV
Xóa bỏ công nghệ lạc hậu
Từ việc lập lại trật tự, ổn định sản xuất, thành tựu tiếp theo là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tập trung vào khoa học công nghệ để từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, từng bước hiện đại hóa sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Để đạt được mục tiêu này, Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất. Đến nay, ở các mỏ than lộ thiên đã giải quyết thành công vấn đề khai thác xuống độ sâu rất lớn dưới mức nước biển; sử dụng các thiết bị thủy lực, thiết bị công suất lớn như máy xúc có dung tích gàu trên 5m3, ôtô tải có tải trọng 50-100 tấn...
Lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển ngoạn mục trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ. Từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ cơ giới hóa và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Nhờ đó đã tăng sản lượng than hầm lò từ 1,8 triệu tấn năm 1994 (chiếm 25% tổng sản lượng than) lên 21,5 triệu tấn năm 2013 (chiếm 50% tổng sản lượng than toàn Tập đoàn) và tăng gần 12 lần. Công suất lò chợ đã tăng 2-5 vạn tấn/năm lên bình quân 15 vạn tấn/năm, riêng lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 30 vạn tấn/năm.
Việc đưa công nghệ hiện đại vào khai thác đã giúp ngành than tiết kiệm tối đa tài nguyên và nguyên liệu sản xuất. Hệ số tổn thất than giảm từ mức 40-50% xuống còn 25%; mức tiêu hao gỗ lò bình quân từ 40-50m3 giảm xuống dưới 10m3/1.000 tấn than nguyên khai. Có thể nói lĩnh vực khai thác than hầm lò đã trưởng thành và đảm đương vai trò chính trong việc nâng cao sản lượng than nhằm đáp ứng nhu cầu than tăng cao của nền kinh tế trong thời gian tới. Trong sàng tuyển đã áp dụng nhiều công nghệ mới, giải pháp mới để nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường…
Đời sống đi lên
Sản xuất phát triển, đời sống người thợ không ngừng được cải thiện. Đây là thành tựu rõ nét nhất mà TKV đã đạt được trong 20 năm qua. Nhìn lại chặng đường, hai mươi năm trước, chỉ một số ít đơn vị lớn có truyền thống lâu năm của ngành than mới có nhà ở, nhà ăn tập thể, xe đưa đón công nhân đi làm, nhà tắm cho thợ lò và sân vận động với mấy sân cầu lông ngoài trời… Mỗi người, thậm chí mỗi gia đình người thợ ao ước có một chiếc xe máy và đủ ăn, đủ mặc là hạnh phúc lắm rồi, chứ nghĩ gì đến nhiều thứ khác. Tuy nhiên, cùng với quá trình đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ chăm lo đời sống cho công nhân cũng luôn được Tập đoàn đặc biệt quan tâm, chú trọng, từng bước phát triển mạnh mẽ. Thu nhập của thợ mỏ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu tái sản xuất sức lao động. Nếu trước đây, thu nhập của thợ mỏ chỉ đủ trang trải cuộc sống đạm bạc thì giờ đây, một thợ lò có thể nuôi cả gia đình ổn định. Nhiều thợ mỏ mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền, mua nhà cửa, xây dựng khang trang…
Đến nay, hầu hết các đơn vị đều đầu tư xây nhà tập thể cao tầng, hiện đại cho công nhân. Nhiều dãy tập thể từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước dần được thay thế bởi những khu tập thể mới cao tầng, đồng bộ với hệ thống các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho thợ mỏ khép kín. Đơn vị nào cũng tổ chức đưa đón công nhân đi làm và về bằng xe chất lượng cao có máy điều hòa. Thợ lò sau ca làm việc đều được tắm nước nóng, có người giặt sấy quần áo, ủng đi lò; được ăn cơm tự chọn với trên 20 món ăn ngon miệng...
Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tìm các biện pháp nâng cao sản lượng, tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động. Những năm qua, ngành than khoáng sản luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với họ, đây cũng là quan điểm xuyên suốt của nhiều thế hệ lãnh đạo TKV, đó là “càng khó khăn, càng phải chăm tốt hơn đời sống người thợ mỏ”.
Hà Trang