Không để thợ lò tủi thân
Nhằm thu hút thợ lò vào làm việc trong điều kiện khó tuyển dụng như hiện nay, TKV đã có nhiều giải pháp, trong đó vấn đề về nơi ăn chốn ở cho thợ lò được xem là những nhiệm vụ trọng tâm mà các đơn vị của TKV đang thực hiện rất tốt.
Năng lượng Mới số 378
Có an cư mới lạc nghiệp
Mới đây, tôi có dịp về dự sự kiện của một đơn vị trong ngành than, hôm đó có đông đủ lãnh đạo Tập đoàn, chính quyền địa phương về chung vui. Sau những tràng pháo tay về bề dày thành tích, đáng chú ý ở phần phát biểu của một cựu lãnh đạo công ty đã khiến cả hội trường sau đó im phăng phắc. Cụ thể vị này đã nhắn nhủ trực tiếp đến các lãnh đạo đương chức rằng: “Bất cứ giá nào cũng không thể để thợ lò phải tủi thân!”. Dù ở góc nhìn “người ngoài ngành” nhưng tôi tin câu nói này có “sức nặng” và hết sức thuyết phục, một điều trăn trở xuyên suốt của rất nhiều thế hệ lãnh đạo. Cũng hiểu điều nhắn nhủ ấy không hẳn là chê trách, mà mục đích là làm sao ngành than phải tiếp tục nâng cao đời sống công nhân lên nữa.
Nhìn vào thực tế, nhiều người cũng hiểu lao động ngành than vô cùng vất vả, gần thế kỷ qua hòn than đã nuôi sống biết bao con người, đáp ứng một nguồn năng lượng không thể thiếu cho đất nước. Câu chuyện “chỉ việc đào than lên mà bán” giờ cũng không cần thiết phải thanh minh, ai muốn hiểu xin cứ một lần vào lò cùng công nhân thử xem họ phải đánh đổi những gì? Bởi vậy, để bù đắp xứng đáng cho người lao động, hàng chục năm qua, cũng thấy hiếm có ngành, nghề nào mà công tác chăm lo đến người lao động như ngành than, thể hiện ở sự toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong bài viết này, tôi chỉ lấy dẫn chứng về câu chuyện xây nhà giúp thợ lò an cư lạc nghiệp.
Khu nhà ở của công nhân mỏ Công ty CP Than Khe Chàm
Có đi nhiều đơn vị trong TKV mới thấy rằng, hiện nay, hầu hết các đơn vị trong khối sản xuất than hầm lò, lộ thiên đã xây dựng các khu tập thể khang trang, hiện đại dành cho người lao động và thậm chí ai có hoàn cảnh khó khăn có thể đưa người thân đến ở. Có thể kể đến các khu tập thể cao tầng như: Công ty Khe Chàm, Hạ Long, Thống Nhất, Dương Huy, Quang Hanh, Hà Lầm, Nam Mẫu, Hồng Thái v.v... được trang bị tương đối đầy đủ, thiết bị nội thất khép kín phục vụ cuộc sống tập thể. Nhiều đơn vị lắp đặt cả truyền hình cáp, Internet, trang bị tủ quần áo, bàn ghế, thiết bị vệ sinh, bếp ăn, phòng sinh hoạt chung, thư viện với hàng trăm đầu sách, báo v.v... Một số đơn vị bố trí cả bếp ăn phục vụ 3 ca, căng tin dịch vụ, thậm chí cả siêu thị đồ dùng sinh hoạt cá nhân, dịch vụ giải trí.
Đặc biệt, hầu như khu tập thể nào cũng được bố trí phòng khách, còn được gọi là “phòng hạnh phúc” để khi công nhân tập thể có vợ con, người thân ra thăm có nơi ăn nghỉ. Về việc thu phí tại hầu hết các khu tập thể chỉ mang tính chất “gọi là”, các đơn vị sẽ dùng phần “gọi là” này (khoảng hơn 100 nghìn đồng/hộ/tháng) để bù lại một phần để duy tu toà nhà luôn khang trang, sạch đẹp, an ninh được tốt hơn. Tôi lấy đơn cử như lần về mục sở thị đời sống công nhân Công ty Than Quang Hanh, một công nhân tâm sự “kịch đường tàu” một tháng đóng chi phí gần 200 ngàn đồng đã “bao” tất tiền điện, nước, dịch vụ… Đây là mức ưu đãi đặc biệt mà khó có ngành nào có thể cung cấp dịch vụ ở tập thể cho công nhân được như các đơn vị trong ngành than.
Nhưng chưa đủ!
Qua tìm hiểu cho thấy, một thực tế khiến công tác đầu tư vào các khu nhà ở tập thể cũng cần phải được các đơn vị khảo sát, xem xét kỹ trước khi xây dựng. Đó là hầu hết nhiều khu tập thể cao tầng hiện nay đều chưa được lấp kín người ở, hiệu suất còn thấp. Đơn vị có số công nhân đến ở cao nhất với dịch vụ và sự quản lý tốt nhất cũng chỉ đạt 70-75%. Trong khi đó, qua khảo sát số công nhân có nhu cầu về nhà ở vẫn rất cao. Qua trao đổi, đa phần công nhân lao động được biết, về tâm lý của người lao động, nhất là lao động trẻ là không muốn ràng buộc theo quy định tại các khu tập thể. Trái lại, họ thích được tự do hơn. Bởi, theo quy định của các khu tập thể công nhân đương nhiên phải được quản lý chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như không được tụ tập rượu chè, ăn nhậu, trong các mối quan hệ cá nhân vẫn chưa có sự thoải mái.
Trong khi đó, trên thực tế, một nhà trọ tại nhiều xóm trọ bên ngoài có giá cả cũng không cao. Nếu hai hoặc ba người ở ghép cùng nhau cũng chỉ phải chi phí chừng vài ba trăm ngàn đồng/người/tháng. Do vậy, công nhân sẵn sàng lựa chọn ở các khu nhà trọ để được tự do hơn. Đây là một thực tế vì hầu hết các đơn vị khai thác than hầm lò, đối tượng thợ lò đa phần là công nhân trẻ. Họ từ nhiều vùng quê ra làm việc và lập nghiệp. Nhiều phong tục tập quán cũng khác nhau, rất nó nắm bắt hết tâm tư, tình cảm mỗi người cần gì, muốn gì.
Hiện nay, hai vấn đề lớn nhất được lãnh đạo Tập đoàn trăn trở giúp các hộ gia đình công nhân có nhà ở ổn định, đó là quỹ đất và nguồn kinh phí xây dựng nhà. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn đã nhiều lần bàn thảo cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về quỹ đất cho các hộ gia đình công nhân. Về việc này, tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý về chủ trương cho TKV xây dựng mặt bằng và cơ sở hạ tầng để có đất cho các hộ gia đình công nhân xây dựng nhà ở. Đây là thuận lợi lớn cho các gia đình trẻ lập nghiệp và ổn định cuộc sống lâu dài tại Vùng mỏ. Trước mắt, một số khu vực có quỹ đất hẹp đã được Tập đoàn dành để xây dựng các khu tập thể cho công nhân các hộ độc thân.
Trên thực tế, từ nhiều năm trước, ý tưởng về lập lên những khu làng mỏ đã được thực hiện thành công. Trong đó, thành công nhất là khu làng mỏ Cao Sơn và làng mỏ Mông Dương. Khu làng mỏ Cao Sơn giờ đã trở thành một khu đô thị khá đẹp và đông đúc. Khu vực này trước đây được lập lên từ những bãi sú vẹt khu vực Hòn Hai, Cao Sơn. Giờ đây, khu làng mỏ này có cả những công viên, bãi tắm, hồ nước… đẹp mắt. Trong một tương lai gần, vấn đề mấu chốt giúp thợ lò an cư, lạc nghiệp là ngành than cần nguồn vốn để ổn định, đầu tư phát triển quỹ nhà ở một cách dài hơi, bởi sắp tới nhu cầu nhà ở cho người lao động sẽ còn tăng cao.
Nguyễn Kiên