Sử dụng thuốc gì cũng tùy tiện!
Dù không có đơn thuốc của bác sĩ nhưng người dân vẫn dễ dàng mua được rất nhiều loại thuốc kháng sinh cũng như những loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải có bác sĩ kê toa.
Năng lượng Mới số 375
Mua kháng sinh dễ như mua rau
Phần lớn người bệnh đều tự ra nhà thuốc để mua các loại thuốc chữa những bệnh thông thường như cảm cúm nhẹ do thời tiết, tiêu chảy... nhưng cũng không ít trường hợp người mắc bệnh mãn tính như: tim mạch, tiểu đường, viêm xương khớp cũng tự ý mua thuốc qua lời giới thiệu bên ngoài. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là những loại thuốc người dân tìm mua phần lớn là kháng sinh.
Mỗi lần con mình bị ho, sổ mũi, chị Nguyễn Hoàng Vân, ngụ quận 9, TP HCM lại ra nhà thuốc mua về cho con uống. Chị Vân chia sẻ: “Tôi thường ra nhà thuốc kể ra một số triệu chứng của bé là họ kê thuốc cho, thấy cháu uống cũng khỏi. Lần sau, cũng với triệu chứng đó tôi chỉ cần nói tên thuốc là họ bán không cần phải toa của bác sĩ. Tôi chỉ đưa con đi tới bệnh viện khi bé uống thuốc mãi không khỏi hoặc bị sốt nặng bởi mỗi lần đi tới bệnh viện phải chờ đợi rất khổ”.
Dễ dàng mua kháng sinh tại các nhà thuốc mà không cần kê toa của bác sĩ
Theo quy định của Bộ Y tế, nhà thuốc tư nhân chỉ được bán thuốc cần phải kê toa khi có toa thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi nhuận mà hầu hết các nhà thuốc đều “phớt lờ” quy định này. Thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc nằm trong danh mục kê toa của Bộ Y tế nhưng thực sự người dân không gặp phải bất kỳ khó khăn gì khi mua loại thuốc này tại các nhà thuốc.
Tại nhà thuốc N.T trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM khi chúng tôi hỏi loại kháng sinh Zinat nhân viên bán thuốc ở đây không ngần ngại đưa ra bán cho chúng tôi. Điều đáng lưu ý ở đây là loại thuốc này nằm trong danh mục bán theo toa nhưng chúng tôi không phải đưa toa thuốc và cũng không hề nhận được một sự chỉ dẫn nào của nhân viên nhà thuốc. Khi hỏi về cách dùng, cô nhân viên ở đây mở tờ hướng dẫn ghi trong hộp thuốc ra chỉ cho chúng tôi.
Tương tự, tại một hiệu thuốc cạnh nhà thuốc trên, chúng tôi đến hỏi mua kháng sinh Augmentin 250mg dành cho trẻ nhỏ, nhân viên ở đây cũng bán và chỉ hướng dẫn bé uống loại này có thể bị tiêu chảy nên cần bổ sung thêm một loại thuốc tiêu hóa khác.
Có thể nói, đó chỉ là 2 trong số nhiều nhà thuốc trên cả nước bán thuốc kháng sinh không cần theo toa của bác sĩ. Một nhân viên hiệu thuốc chia sẻ: Trong thời buổi này nhà thuốc mọc lên rất nhiều, nếu chỉ bán thuốc thông thường và đòi hỏi người bệnh phải có toa thuốc của bác sĩ thì khách hàng sẽ giảm, ảnh hưởng đến doanh thu của nhà thuốc, không thể cạnh tranh được với các nhà thuốc khác. Có nhiều trường hợp, nhà thuốc muốn lôi kéo khách, tạo uy tín cho mình bằng cách bán thuốc kháng sinh nhiều để người bệnh nhanh hết bệnh, bất chấp những tác hại của thuốc đối với họ.
Khảo sát gần đây do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thực hiện cho thấy, cứ 10 người dân thì có tới 9 người mua thuốc kháng sinh mà không hề có đơn thuốc của bác sĩ. Và riêng lượng thuốc kháng sinh đã chiếm khoảng 1/4 số thuốc được bán ra mỗi ngày.
Các bác sĩ nhận định, Việt Nam là một trong những nước mua thuốc và bán thuốc không cần toa dễ dàng nhất. Khi ốm đau, chỉ cần đến hiệu thuốc kể tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được mua thuốc ngay mà không phải mất thời gian đến bác sĩ khám, kê toa. Ngay cả những loại thuốc đặc trị, trong chuyên môn yêu cầu bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, nhân viên nhà thuốc vẫn vô tư bán mà không cần biết đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với người bệnh.
Báo động kháng thuốc, nhờn thuốc
Ở một số một số nước châu Âu người dân rất khó mua được thuốc nếu không có toa của bác sĩ. Theo chị Nguyễn Thị Hường, du học sinh tại Pháp, thói quen của người Việt mình có bệnh là đến nhà thuốc trước khi đến bác sĩ nhưng ở Pháp thì hầu như không có chuyện đó. Không chỉ mua thuốc kháng sinh mà một vài loại thuốc khác nằm trong danh mục cần kê toa thì người dân không thể nào mua được ở các nhà thuốc nếu không có toa của bác sĩ. Bên cạnh đó, toa thuốc của bác sĩ cũng được dược sĩ bán thuốc kiểm tra rất kỹ, nếu toa đó hết ngày sử dụng thuốc hoặc nhận thấy thuốc không phù hợp họ cũng không bán và yêu cầu gặp bác sĩ điều trị.
Dược sĩ giới thiệu một số thuốc đặc trị
Theo bác sĩ Phạm Văn Bùi, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người nước ngoài họ uống thuốc một cách thận trọng hơn. Còn người Việt Nam thì sử dụng thuốc quá tùy tiện dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều loại thuốc trên thế giới vẫn đang còn sử dụng nhưng ở nước ta đã không còn tác dụng bởi kháng thuốc. Cụ thể, thuốc kháng sinh Amoxicillin là một loại kháng sinh điều trị trong viêm họng, có giá thành rất rẻ nhưng ở Việt Nam loại thuốc này đã bị kháng, trong khi đó ở Pháp họ vẫn sử dụng được. Còn loại thuốc HP điều trị đau dạ dày chỉ có 4 phổ nhưng ở Việt Nam đã sử dụng đến phổ thứ 4 có nghĩa là những phổ trước đó đều đã bị kháng hết.
Khi kháng thuốc kháng sinh trong cộng đồng cao bao nhiêu thì nguy hiểm về bệnh tật cao bấy nhiêu. Các bác sĩ khuyến cáo, việc dùng kháng sinh một cách khá thoải mái như hiện nay sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng như: làm tăng chi phí điều trị bệnh bởi phải mất thời gian điều trị lâu hơn và phải đổi những thuốc cao cấp có giá thành đắt hơn; kháng thuốc còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh với nguy cơ không còn thuốc chữa được. Còn đối với các loại thuốc khác không phải kháng sinh nhưng việc sử dụng không đúng cũng dễ gây ảnh hưởng đến chức năng của các bộ phận trong cơ thể, nhất là gan và thận. Do đó, người dân phải hết sức thận trọng trước khi sử dụng thuốc. Tốt nhất là nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cục của 19 bệnh viện lớn tại: Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74% khiến việc điều trị nhiều bệnh gặp khó khăn, thậm chí thất bại; làm cho bệnh tật ngày càng thêm nặng, tăng tỷ lệ tử vong; tăng gánh nặng bệnh cũng như tốn kém về kinh tế cho bệnh nhân và xã hội.
Bác sĩ Phạm Văn Bùi nhận xét, sở dĩ chúng ta để xảy ra tình trạng trên là do thói quen và sự thuận tiện của người dân. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thói quen đó chính là do hệ thống khám chữa bệnh của chúng ta đang trong tình trạng quá tải. Khi đến bệnh viện người bệnh phải mất một thời gian chờ đợi khá lâu để được khám và được bác sĩ kê toa thuốc. Trong khi đó, người bệnh chỉ cần tốn vài phút kể những triệu chứng bệnh cho nhân viên nhà thuốc là có thuốc mang về uống ngay. Để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc chúng ta cần phải giảm thiểu được vấn nạn sử dụng thuốc và bán thuốc một cách quá dễ dàng như hiện này. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng phải hết sức cân nhắc trong việc kê toa thuốc cho người bệnh, nhất là những loại kháng sinh mạnh.
Thật ra, từ rất lâu Bộ Y tế đã quy định về việc các nhà thuốc không được tự ý bán các loại thuốc kê toa khi không có toa thuốc của bác sĩ nhưng việc giám sát thực hiện của các nhà thuốc hầu như bị bỏ ngỏ. Thiết nghĩ, nếu quy định này được thực hiện đến nơi đến chốn, không còn nhà thuốc bán thuốc “dễ dãi” thì người bệnh sẽ bỏ được thói quen đến nhà thuốc trước khi đến gặp bác sĩ. Và người bệnh cần nhận thức tác hại khi sử dụng thuốc tùy tiện để ý thức việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về sử dụng.
Mai Phương