Lớp học đặc biệt của cô giáo khuyết tật
Không phấn, không bảng… nhưng gần 10 năm nay tại lớp học của cô giáo Kiều Thị Ánh Thuyết ở xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đông học sinh. Đặc biệt ở chỗ đây là lớp học tình thương của một cô giáo khuyết tật khi cô chỉ cao có 1m.
Năng lượng Mới số 375
Thấp người - cao nghị lực
Lúc đầu ở xã Cao Phong này người ta kháo nhau lớp học cô Kiều Thị Ánh Thuyết (ở nhà gọi là cô Đạm) luôn đông bởi học trò, “cô giáo Đạm” không thu tiền chứ không phải vì người dạy giỏi. Nhưng rồi theo thời gian, mọi người đều chứng kiến và nhận thấy được “cô giáo” có năng khiếu về sư phạm. Bằng sự nhiệt huyết, đam mê, cô đã “thu hút” các em học sinh theo học ngày một thêm đông.
Ngôi nhà ba gian cấp 4 nằm khiêm tốn trong ngõ sâu, hơn 8 năm nay luôn rộn rã tiếng nói cười của trẻ nhỏ. Cứ tới thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, các em học sinh lại đến nhà cô để được kèm cặp dạy phụ đạo thêm kiến thức. Lớp học của cô không có phấn trắng bảng đen, không có giấy khen cũng không có kỷ luật... Ở lớp học ấy chỉ có niềm đam mê, tâm huyết của cô giáo kém may mắn và những học trò cần mẫn, chăm chỉ học tập.
Cô giáo tí hon với lớp học đặc biệt ngay tại nhà
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 anh chị em, là con út nhưng Đạm không được may mắn như các anh chị, cũng như bạn bè cùng trang lứa, phải mang hình hài không bình thường. Năm cô lên 10 tuổi thì cơ thể không phát triển thêm được nữa.
Thiệt thòi là vậy nhưng cô Đạm rất ham học. Vượt qua mặc cảm về bản thân, cô quyết tâm theo đuổi sự nghiêp học hành. Cô tâm sự: “Những năm tháng tôi còn cắp sách đến trường, đi học đâu có dễ dàng và thuận lợi như bây giờ. Thông thường tôi phải đi bộ cả mấy cây số mới đến được trường. Đường thì xấu, người thì nhỏ con, tôi đi ba bước bằng người ta đi một bước, muốn được đi học thì phải cố gắng thôi”. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ Đạm nghỉ học.
Cả xã Cao Phong thời ấy chỉ có mình cô là con gái theo học hết cấp ba. Suốt 12 năm học Đạm đều là học sinh khá giỏi, được bạn bè, thầy cô quý mến. Cô từng dự thi tuyển vào hai trường Đại học Luật và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng đều thiếu điểm. Cuối cùng, cô quyết định theo học ngành Thư viện, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc.
Đã qua cái tuổi thanh xuân nên Đạm không còn nghĩ đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Bất cứ ai hỏi cô đều trả lời hạnh phúc của cô bây giờ là lũ trẻ và lớp học. Các em học sinh cũng như con của cô vậy, đến học thì cô vui, khi về thì cô nhớ.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Kiều Thị Mai (phụ huynh của em Khổng Thị Phương Ly) cho biết: “Thấy cô mất nhiều công sức với các con, các phụ huynh đến xin nộp tiền học phí nhưng cô một mực từ chối không nhận tiền. Nhờ cô mà kết quả học tập của các con tôi tiến bộ trông thấy. Nhiều cháu từ một học sinh yếu kém đã vươn lên trở thành học sinh tiên tiến, học sinh giỏi”.
Nhà là trường - cô giáo là người làng
Vượt qua những khó khăn trong suốt quãng thời gian theo học, với sự nỗ lực của bản thân, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Năm 2005, cô tốt nghiệp với tấm bằng giỏi trong tay, nhưng khi đem hồ sơ đi xin việc cô luôn bị từ chối bởi ngoại hình “tí hon”. Cô bùi ngùi nhớ lại: “Suốt gần một năm ròng tôi đi xin việc ở khắp mọi nơi nhưng không ai nhận. Người ta không chê tôi học dốt mà chê hình thức của tôi “không ổn”, vừa lùn, vừa xấu thì làm gì được”.
Ở nhà, không nghề kiếm sống, nhưng cô không chấp nhận mình vô ích. Cô xin phép cha mẹ cho mượn nhà để mở lớp dạy thêm cho các em trong thôn, trong xã. “Thấy con quyết tâm, vả lại cũng có chút kiến thức nên tôi với bà nhà đồng ý cho nó nhận trẻ về dạy. Dù sao có tiếng trẻ con ê a học bài cũng vui cửa vui nhà” - ông Nho - bố Đạm chia sẻ.
Cô Đạm đến từng bàn giảng giải cho học trò
Ban đầu lớp học chỉ có 7 em học sinh là con cháu trong nhà, con của những gia đình nghèo, học lực kém lại nghịch ngợm được cha mẹ gửi đến nhờ cô dạy giúp. Thấy các cháu có tiến bộ, dần dần tiếng lành đồn xa, bà con bảo nhau đưa con đến gửi cô kèm cặp dạy phụ đạo cho con em họ.
Đến nay, lớp đã có gần 20 em học sinh được cô kèm thêm nhưng một nửa là học sinh khá. Các em thường đến học vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Vào dịp nghỉ hè sáng nào cũng mở lớp cho các em đến học bồi dưỡng thêm. “Các em học sinh đều rất ngoan ngoãn, nghiêm túc. Có những em ở trường nổi tiếng là nghịch ngợm, nhưng đến đây cũng chăm chỉ học hành. Các em thường đã theo học là theo đến ba, bốn năm liền, đến khi nào tôi không đủ kiến thức dạy nữa các em mới nghỉ” - cô Đạm chia sẻ.
Những ngày mới mở lớp thiếu thốn mọi thứ về cơ sở vật chất. Lúc đầu, chưa có tiền sắm bàn học, cô giáo kê hai tấm phản lớn giữa nhà để các em ngồi quanh đó học bài. Trời nóng, không có đủ quạt cô Đạm lại phải vừa dạy, vừa quạt cho các em. Sách giáo khoa, sách toán chủ yếu mượn của các anh chị khóa trên, còn sách nâng cao cô Đạm phải tự mình trang bị. Cô kể lại, thời gian đầu thương các em ham học mà thiếu thốn, cô đã nảy ra ý định vay tiền của hội phụ nữ để mua trang thiết bị cho lớp. Nhưng đúng lúc đó, có nhà hảo tâm ở Hưng Yên biết được hoàn cảnh của cô giáo Đạm với lớp học nên đã giúp đỡ 10 triệu đồng. Có được số tiền trong tay, cô mua bàn học, quạt và một số sách giáo khoa, sách nâng cao cho lớp học.
Chưa từng được đào tạo qua nghiệp vụ sư phạm nên việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi rảnh rỗi cô tìm đọc sách sư phạm, sách về tâm lý lứa tuổi học sinh để vừa ôn luyện kiến thức vừa học cách truyền đạt sao cho các em dễ hiểu. Cô Đạm chia sẻ: “Các em đến đây học ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có em lớp 2, có em lớp 5, có những em học khá, có em học kém... Bởi vậy, “giáo án” giảng dạy của tôi cũng phải thay đổi linh hoạt”. Suốt buổi học cô đến từng bàn giảng giải cho các em theo cách riêng để các em hiểu bài. Với những em học kém thì giảng lại bài trên lớp, em nào học khá thì cô cho thêm bài tập nâng cao.
Mở lớp dạy thêm cho các em nhưng cô không lấy bất cứ một đồng tiền của học sinh. Với cô được dạy học là niềm vui lớn. Cô bảo “gia đình các em quá nghèo, không có tiền đi học thêm nên tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ các em. Cuộc sống của tôi đã quá thiệt thòi và khổ cực. Hơn ai hết tôi rất thấu hiểu nỗi vất vả ấy. Chỉ hy vọng các em có nghị lực và lòng quyết tâm để vững bước trên những con đường vẫn còn rất nhiều chông gai trước mắt” - cô Đạm vui vẻ nói.
“Cô giáo tí hon” gắn bó với nghề giáo dù chẳng dạy ở bất cứ trường nào nhưng vẫn là người giáo viên mẫu mực trong lòng các em học sinh. Căn nhà ba gian suốt gần 10 năm đã trở thành nơi nuôi dưỡng biết bao ước mơ con trẻ.
Mong ước lớn nhất của cô là trẻ em trong thôn, trong xã đều được đến trường. Trong tương lai, cô muốn xây dựng một thư viện nho nhỏ để các em đến đọc. Giá như có những tấm lòng hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ cô mở thư viện gia đình dẫu chỉ bằng những cuốn sách...
Nguyễn Hoan