Tiết lộ sốc từ "lò" đào tạo chân dài
Người mẫu được đào tạo trong “lò” những gì, ra sao? Đó là câu hỏi mà công chúng đặt ra trước hàng loạt các tai tiếng trong giới người mẫu liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
Đầu tiên, chúng tôi đi tìm hiểu về quá trình tuyển chọn người mẫu của một số công ty người mẫu hiện nay. Hàng năm, các công ty đều mở ra nhiều đợt chiêu sinh, đào tạo người mẫu. Ở mỗi công ty có tiêu chí khác nhau và cách thức tuyển không giống nhau. Tạm chia ra có 3 cách tuyển phổ biến nhất hiện nay. Thứ nhất, tuyển theo hình thức chính thống đó là đăng báo tuyển sinh và tuyển chọn trực tiếp sau đó. Cách phổ biến thứ hai là tuyển những gương mặt quen, tức là những người mẫu đã có chút tên tuổi, xuất thân từ các cuộc thi nhan sắc hay là từ một scandal nào đó chẳng hạn.
Và cuối cùng là cách đặc biệt hơn hết, có một vài công ty lại tuyển người mẫu trong các… vũ trường hàng đêm, như cách tuyển của giám đốc công ty V., công ty có nhiều người mẫu scandal nhất tại TP HCM chẳng hạn.
Anh A.T, giám đốc một công ty người mẫu tiết lộ với phóng viên rằng ở các công ty mà người mẫu của họ đi lên bằng tai tiếng thì quản lý hay giám đốc công ty ấy có cách tuyển khác thường như trên. Họ thường xuyên tụ tập ở vũ trường, quán bar và mục tiêu săn đón của những công ty này là những cô gái làng chơi, những hotgirl có tiền, có đại gia “chống lưng”. Những cô gái này thường xuyên vào bar và họ sẽ mồi chài, rủ rê về công ty.
Ngọc Trinh - người đẹp đầy tai tiếng trong giới người mẫu
Anh T. cho biết nếu chú ý vào dàn người mẫu trẻ của công ty người mẫu V. thì sẽ phần nào chứng minh điều đó, những chân dài ấy hầu hết là những gương mặt khá tai tiếng và hình ảnh của họ thường gắn liền với những đêm chơi bời, thác loạn trong quán bar. Và khi vào công ty, họ tiến thân bằng hình ảnh nóng tung lên mạng.
Anh T. khẳng định, mục đích của hầu hết các chân dài kia là được gắn mác người mẫu bởi những cô gái làng chơi nào cũng muốn mình được cái danh, để có “giá”, càng kiếm được nhiều tiền hơn. Đương nhiên, những công ty tuyển chân dài kiểu bá đạo như trên thì không cần đến tiêu chí trình độ văn hóa, học vấn của thí sinh, họ chỉ cần ngoại hình đẹp; thậm chí chỉ cần có “vốn tự có” – số đo các vòng thật lý tưởng!
Và đặc biệt là họ phải biết nghe lời. Giám đốc công ty người mẫu nổi tiếng A.Đ chia sẻ, tiêu chí “biết nghe lời” là quan trọng nhất. Và theo anh đối với những cô người mẫu xuất thân từ chốn vũ trường thì không ngại bất cứ điều gì. “Họ sẵn sàng làm theo những gì mà phía công ty chỉ dẫn. Họ có thể sẵn sàng lao vào các cuộc mua bán thân xác thầm kín, bởi suy cho cùng đó cũng là một phần “cuộc sống” của các cô trước đó” – Anh này nói.
Nghề người mẫu vốn nhiều cám dỗ...
Sau khi biến một cô gái bình thường thành người mẫu, thì bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng, các công ty bắt đầu tìm hướng PR cho người mẫu, có thể nói đây là bước “lột xác” về danh tiếng. Và ở mỗi công ty, người quản lý sẽ PR người mẫu theo phong cách khác nhau. Có 2 phong cách đối lập rõ ràng đó là: nổi tiếng bằng scandal và nổi tiếng từ danh hiệu đạt được ở các cuộc thi.
Ở trường hợp nổi tiếng bằng scandal thì lại chia ra nhiều cách khác nhau, có những công ty thì cho người mẫu chụp hình nude, khoe body để tung lên mạng. Có nơi thì “đánh bóng” tên tuổi người mẫu mình bằng những phát ngôn, hành động gây sốc. Ngọc Trinh, cô người mẫu thuộc công ty Venus của “ông trùm chân dài” Vũ Khắc Tiệp là một ví dụ. Từ sau phát ngôn “không tiền thì cạp đất mà ăn”, Ngọc Trinh trở thành cái tên “hot” nhất trong giới chân dài khi ấy, dù chẳng có tài năng gì ngoài khoe thân.
Ngược lại, có công ty muốn người mẫu mình được nổi tiếng thì họ phải có danh hiệu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có mục đích giống nhau khi mưu cầu đến những danh hiệu đó. Người thì cần danh hiệu như là một minh chứng để khẳng định tài năng, vị trí của mình; để hoạt động nghề nghiệp được dễ dàng hơn. Nhưng có những trường hợp đặc biệt hơn, chủ yếu là trong giới người mẫu trẻ, đến từ những gương mặt thiếu tài năng nhưng thừa tham vọng, họ cần có danh hiệu không phải chỉ vì hám danh mà còn là để làm thương hiệu bán thân!
Chân dài được dạy nhiều về làm đẹp, kỹ năng đi đứng trình diễn catwalk
Về vấn đề đào tạo chân dài hiện nay cũng là điều dễ gây sốc! Theo chương trình đào tạo người mẫu tương đối hoàn chỉnh nhất thì thời gian đào tạo một người mẫu sẽ mất ít nhất là 1 năm đến 2 năm. Tức là sau khi hoàn thành những kiến thức cơ bản về kỹ năng cần thiết. Nhưng việc giảng dạy trong nhiều lò đào tạo người mẫu hiện nay không đảm bảo đủ thời gian như vậy, có khi chỉ vài tháng đã cho người mẫu diễn. Việc dạy chủ yếu là nghề dạy nghề, người đi trước dạy người đi sau chứ không hề có một giáo trình chuẩn cụ thể nào.
Và theo chia sẻ của một số người mẫu trẻ đang theo học tại các công ty đào tạo có tiếng thì nội dung giảng dạy chủ yếu là kỹ năng đi đứng, trình diễn, tạo dáng chụp hình, làm đẹp. Ngoài ra, vấn đề văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của người mẫu thì không được chú trọng, thậm chí có nơi… bỏ qua.
Đó cũng là một phần lý giải vì sao vấn đề văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của một số người mẫu trẻ hiện nay xuống cấp một cách báo động như thế. Bởi phần lớn họ chỉ được dạy cách kiếm tiền, chiêu trò để nói tiếng, họ không được dạy để yêu, quý trọng nghề mình một cách chân chính!
T.Vân