Vận chuyển ma túy bằng tàu ngầm
(PetroTimes) - Các băng nhóm tội phạm đã thuê các công ty đầu nậu chuyên đóng tàu thiết kế tàu bằng kính chịu lực và sợi thủy tinh. Loại vật liệu này rất bền, có thể tránh được tổn thất khi gặp điều kiện thời tiết xấu, lại có màu gần giống với nước biển nên rất khó phát hiện. Nhờ thiết kế bằng kính chịu lực và sợi thủy tinh nên tải trọng thực tế của tàu rất ít nhưng thay vào đó chúng có sức chứa rất lớn.
Trong những năm qua, phương thức vận chuyển ma túy với số lượng nhỏ bằng chuyển phát nhanh, giấu vào hành lý xách tay, ký gửi qua đường hàng không do dễ bị phát hiện nên nó không còn thịnh hành nữa. Thay vào đó là thủ đoạn sử dụng tàu biển, tàu ngầm bán tự động cỡ lớn để vận chuyển qua đường thủy. Tuy đã “nhen nhóm” xuất hiện và được sử dụng hiệu quả từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng do có một thời gian bị lực lượng chức năng truy quét gắt gao nên loại hình vận chuyển này tạm thời lắng xuống.
Gần đây, khi hàng loạt các phương thức vận chuyển ma túy mới đã bị lực lượng cảnh sát các nước và cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thì các băng nhóm lại tìm đến những phương thức vận chuyển cũ, nhưng cũng thay đổi một số đặc điểm để tránh bị phát hiện.
Một số vụ bắt giữ ma túy vận chuyển qua đường biểnvới số lượng lớn
Vụ bắt giữ ma túy có thể nói là “đình đám” nhất trong năm 2013 xảy ra vào ngày 19/12. Trong đó, Cơ quan cảnh sát quốc gia Peru đã bắt giữ 5 đối tượng (03 đối tượng người Bolivia, 02 đối tượng người Peru), tịch thu gần 1,6 tấn cocaine trị giá hơn 4 triệu đôla Mỹ tại phía nam tỉnh Arequipa nước này. Khi tuần tra trên vùng biển giáp ranh giữa Peru và Bolivia, cảnh sát Peru phát hiện một chiếc tàu biển cỡ lớn có dấu hiệu khả nghi và tiến hành kiểm tra. Theo vận đơn đăng ký vận chuyển, số hàng hóa trong tàu là dầu hỏa nhưng sau khi kiểm tra cảnh sát phát hiện 274kg cocaine và 100kg Ankaloit (một loại tiền chất dùng để sản xuất cocaine) được cất giấu trong đó.
Điều tra mở rộng vụ án, các đối tượng khai nhận trước đó cũng với thủ đoạn này, chúng đã vận chuyển trót lọt 1.319kg cocaine và 700kg Ankaloit và hiện đang cất giấu tại một ngôi nhà ở vùng ngoại ô Camana, một thị trấn ven biển thuộc miền nam Peru. Lời khai của các đối tượng liên quan cho thấy số ma túy này có nguồn gốc từ phía nam Peru và đang trên hành trình chuyển tới Bolivia, sau đó sẽ được đưa vào châu Âu để tiêu thụ.
Tàu biển vận chuyển ma túy bị bắt giữ
Vào tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng Hà Lan đã phối hợp với cơ quan phòng, chống tội phạm nghiêm trọng của Vương quốc Anh (viết tắt là SOCA) và Cơ quan Quản lý biên giới Vương quốc Anh triệt phá một đường dây buôn bán ma túy trái phép có quy mô toàn cầu, tịch thu 1,2 tấn cocaine có độ tinh khiết cao, một lượng nhỏ ma túy tổng hợp và hơn 1 triệu euro tiền mặt. Số ma túy này được giấu trong một chiếc tàu tuần dương hạng sang dài 65 feet (khoảng 19,8 m), đi từ Louise, Venezuela. Chiếc tàu này đi đến Virgin, Anh thì chuyển toàn bộ “hàng” sang một tàu container khác và tiếp tục hành trình đến Hà Lan.
Tàu ngầm bán tự động bị bắt tại Colombia
Đáng báo động là từ giữa năm 2013, trên tuyến vận chuyển ma túy từ Iran tới khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương cũng xuất hiện những thủ đoạn cất giấu và vận chuyển tương tự. Tháng 5/2013, Hải quan Malaysia đã bắt giữ 02 đối tượng người Iran, tịch thu một lượng heroin trị giá 12,6 triệu đôla Mỹ, được giấu trong 560 bao xi măng vận chuyển bằng tàu biển có lộ trình đi từ Karachi, Pakistan.
Trước đó, vào tháng 3/2013, cơ quan cảnh sát Hoàng gia Malaysia cũng bắt giữ 10 đối tượng người Iran, 01 đối tượng người Thái Lan và thu giữ tổng cộng 92 kg methamphetamine được cất giấu vào các tấm thảm trong một container có lý trình đi từ Bandar Abbas, Iran tới Cảng Kelang, Malaysia và điểm đến cuối cùng là cảng Singapore. Tuy nhiên, theo hợp đồng ký với công ty vận chuyển hàng hóa, chiếc container này chỉ chở hàng nội thất.
Thủ đoạn cũ nhưng đã có “cải tiến”
Theo phân tích của tổ chức Interpol, SOCA và cảnh sát các nước Bolivia, Peru, Iran thì thủ đoạn vận chuyển ma túy với số lượng lớn bằng tàu biển hoặc tàu ngầm bán tự động không phải là thủ đoạn mới xuất hiện. Thủ đoạn này đã được các băng nhóm ma túy “sừng sỏ” sử dụng “thịnh hành” từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Điều đặc biệt, các băng nhóm tội phạm đã thuê các công ty đầu nậu chuyên đóng tàu thiết kế tàu bằng kính chịu lực và sợi thủy tinh. Loại vật liệu này rất bền, có thể tránh được tổn thất khi gặp điều kiện thời tiết xấu, lại có màu gần giống với nước biển nên rất khó phát hiện. Nhờ thiết kế bằng kính chịu lực và sợi thủy tinh nên tải trọng thực tế của tàu rất ít nhưng thay vào đó chúng có sức chứa rất lớn. Trước đây, tàu chỉ có thể chở được số hàng tối đa là 1 tấn, bây giờ số hàng loại tàu này có thể chở đã lên tới 10 tấn hoặc hơn thế nữa (tùy thuộc vào yêu cầu của bên mua, các đầu nậu có thể đóng những chiếc tàu có sức chứa lớn hơn rất nhiều).
Tàu ngầm chở ma túy
Tàu ngầm bán tự động ngày nay có vận tốc rất cao, đạt tốc độ 18km/h, được định vị tự động bằng hệ thống GPS. Mỗi tàu có khoảng 4 thủy thủ, bao gồm: 01 thuyền trưởng, 01 thủy thủ điều hành động cơ, 01 kỹ sư GPS và 01 thủy thủ phụ tá công việc chung trên tàu. Để tránh bị phát hiện, các băng nhóm tội phạm ma túy thường cho tàu vận hành vào ban đêm hoặc vào lúc sáng sớm, hoặc chọn những lộ trình ít có phương tiện qua lại. Phần lớn những chiếc tàu này được sử dụng để chuyển ma túy từ nơi xuất phát ra ngoài khơi xa. Khi sắp cập bến vào địa bàn trung chuyển hoặc nơi tiêu thụ, ma túy từ những chiếc tàu ngầm bán tự động lại được chuyển sang những chiếc tàu, thuyền nhỏ hơn, được cất giấu lẫn với các hàng hóa khác để đánh lạc hướng cơ quan chức trách. Do được thiết kế đặc biệt và được điều khiển bằng hệ thống GPS vô cùng tối tân nên những chiếc tàu này có thể lặn dưới nước rất lâu. Điều này khiến các cơ quan chức năng rất khó phát hiện và định vị chính xác vị trí của chúng.
Số vụ bắt giữ ma túy vận chuyển bằng thủ đoạn này đang có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê do cơ quan cảnh sát quốc gia Colombia cung cấp, từ năm 1993 đến tháng 3/2013, các cơ quan chức năng nước này đã phát hiện và bắt giữ tổng số 58 chiếc tàu ngầm bán tự động được sử dụng để vận chuyển ma túy. Trong đó nhiều nhất là năm 2009, bắt giữ 20 chiếc; năm 2008 bắt giữ 14 chiếc; năm 2011 đã bắt giữ 3 chiếc. Giống như Colombia, nhiều quốc gia khác như: Malaysia, Hà Lan, Úc liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy được cất giấu trong đồ nội thất, vật liệu xây dựng với thủ đoạn vận chuyển tương tự...
Những vụ bắt giữ mới này là minh chứng rất rõ ràng thể hiện sự thay đổi phương thức vận chuyển của các băng nhóm tội phạm ma túy. Đây cũng là lời cảnh báo mới cho các cơ quan thực thi pháp luật thế giới trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Hòa Thu