“Tôi là thợ đào lò...”
45 năm qua, tập thể cán bộ, công nhân Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 - TKV cần mẫn như những con ong thợ. Cùng người anh em sinh đôi Xây dựng mỏ hầm lò II, họ đảm trách công đoạn đào lò, xây dựng cơ bản ở hầu hết những công trình trọng điểm của ngành. Để có cái nhìn cận cảnh về công việc đầy vất vả, nặng nhọc của người thợ đào lò, chúng tôi đã có 2 ngày trọn vẹn trải nghiệm cùng công nhân làm việc ở hạng mục giếng đứng Khe Chàm II-IV và một đường lò thông gió thuộc mỏ Khe Chàm III xuyên lòng đất dài 2,6km…
Năng lượng Mới số 369
Khỏe như thợ đào lò giếng đứng
Trong khái niệm thợ lò, nếu hiểu theo nghĩa rộng, thợ đào lò xây dựng cơ bản được xếp đầu bảng, kế đến mới là thợ khai thác, thợ cơ điện, thợ hậu cần… Sự sắp xếp đó tương đương với phần việc trong chuỗi sản xuất than mà họ đảm nhiệm, đó là khâu chuẩn bị các đường lò cơ bản để đồng nghiệp tiếp quản đi vào khai thác than hiệu quả. Để làm thợ lò nói chung, một anh thợ không chỉ cần một sức khỏe trời phú mà còn phải trải qua một quá trình thử thách, rèn luyện đầy gian nan trong môi trường khắc nghiệt…
Ngày đầu tiên hóa thân thành thợ đào lò, chúng tôi được kèm cặp và theo chân anh Nguyễn Tiến Tùng, Phó phòng An toàn và anh Nguyễn Tiến Chỉnh - cán bộ phòng kỹ thuật công ty. Dự án đầu tiên anh em tôi được sắp xếp mục sở thị là Dự án mở vỉa khai thác hầm lò bằng giếng đứng mỏ than Khe Chàm II-IV (Công ty Than Hạ Long). So với giếng đứng Công ty Than Hà Lầm và giếng đứng Công ty Than Núi Béo, thì Khe Chàm II-IV có thiết kế thi công “khủng” vượt trội, với đường kính sử dụng giếng phụ 8,0m, giếng chính 7,0m, độ sâu mức -500m so với mực nước biển, công suất khai thác khi đi vào hoạt động đạt 3,5 triệu tấn than/năm (cao hơn Hà Lầm, Núi Béo cùng 2,5 triệu tấn/năm).
Bên trong giếng đứng Khe Chàm II-IV
Nếu lần đi giếng đứng Hà Lầm nhàn nhã, sung sướng bằng thang máy thì với “anh bạn” Khe Chàm II-IV, chúng tôi phải leo thang bằng… tay. Thang ở đây là những thanh thép to bản, ghim vào thành giếng, bao xung quanh là vòng sắt bảo vệ người đề phòng trường hợp lỡ… tuột khỏi thanh nắm. Giếng chính được nổ phát mìn động thổ đầu tiên vào đầu tháng 9/2013. Giếng này có đường kính đến 7m, đúc bằng bê tông liền khối dày 600mm, mọi âm thanh bên trong được khuếch tán rất rõ, mỗi lần có tiếng khoan, xúc đất đá phía dưới thì thật khổ lỗ tai.
Sau khi hoàn tất các thủ tục an toàn, chúng tôi bắt đầu xuống giếng. Chả mấy chốc ánh sáng bầu trời phía trên dần thu hẹp bằng cái miệng giếng. Càng xuống sâu, bóng tối bao trùm, nó tạo cảm giác rất khó diễn tả, thấy mình chơi vơi trong cái giếng khổng lồ, sâu hoắm như muốn nuốt chửng mọi thứ. Mắt tôi dán chặt vào hai tay mà không dám nhìn xung quanh. Phải vận động tay chân liên tục, chỉ một lúc người tôi mỏi nhừ, ê ẩm. Phút chốc, một suy nghĩ thoáng bay qua tâm tưởng, tôi thấy con người thật nhỏ bé, đất nước đang trao cho họ một công việc hết sức lớn lao, ví như ánh mắt của họ từ đáy giếng ngước lên bầu trời với thật nhiều kỳ vọng!
Đến chiếu nghỉ ở độ sâu 50m, bàn tay tôi bắt đầu đau rát, một đồng nghiệp đi cùng tôi còn nói không ra hơi, hai đầu gối có biểu hiện run run, chúng tôi đành dừng lại khi còn khoảng 200 bậc với 10 chiếu nghỉ nữa (mỗi chiếu nghỉ dài 5m) mới xuống tới nơi thợ lò Hầm lò 1 đang thi công. Cũng khá ngạc nhiên, hầu hết công nhân ở đây đều bảo leo xuống thì không có chuyện nghỉ. Đã “tụt” xuống thì chậm nhất mất 5 phút, leo lên thì 7 phút, không đạt được mốc này thì… kém, đó là còn chưa kể một ngày còn leo vài lần mà đâu chỉ leo không, còn phải khoan, đào đủ việc khác trong 8 tiếng làm việc, có thế mới đạt tiến độ. Mấy anh công nhân bên dưới khoái chí nói vọng lên: “Cửu vạn cũng chẳng bằng chúng tôi”. Đúng là không hổ danh thợ đào lò ngành than, họ rất khỏe.
Thấy chuyện leo trèo kiểu này quá mất sức, tôi bèn thắc mắc sao không thiết kế một loại ròng rọc đưa công nhân xuống giếng cho đỡ vất vả? Anh Chỉnh giải thích, hiện nay công ty cũng chủ động làm việc với Viện Cơ khí năng lượng và mỏ - TKV thiết kế vận thăng (thang máy) để cho công nhân lên xuống. Tuy nhiên, do bản chất thiết kế vận thăng khá mới mẻ, nên cần thời gian về kiểm định, kiểm nghiệm an toàn trước khi đưa vào lắp đặt sử dụng. Nếu xong xuôi mấy cái khâu này phải mất 2-3 tháng, không đáp ứng được tiến độ thi công. Vậy nên công nhân bất đắc dĩ phải đi thang bộ. Theo quan sát của tôi, ở giếng này có một thùng tròn chuyên vận chuyển đất đá lên mặt đất bằng cần cẩu tự hành. Thùng này nặng hơn 1 tấn, có thể chứa được 3m3 đất đá, 4 người vẫn có thể đứng vừa nhưng vì lý do an toàn nên công ty không được đưa công nhân theo cách này.
Thang lên, xuống giếng đứng Khe Chàm II - IV
Chỉ tính riêng phần cổ giếng tại hạng mục Giếng đứng phụ, phải mất một tuần để bóc hết 12.800m3 đất đá thải để đến đá gốc để xây cổ giếng. Thời điểm chúng tôi có mặt, công ty đang tổ chức thi công ở độ sâu 93m (mới đạt khoảng gần 1/5 so với thiết kế). Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ Khe Chàm II-IV được khai thông bằng 3 giếng đứng kết hợp với các lò xuyên vỉa ở 2 tầng khai thác. Tầng trên khai thác từ mức -60 đến -350 và tầng dưới khai thác từ -50 đến -500; trong đó giếng chính được đào từ mức +35 đến -500 chiều sâu 535 mét; giếng phụ từ mức +35 đến -535 chiều sâu 570m; giếng thông gió từ mức +95 đến -150, chiều sâu 255m. Dự án có công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than/năm với tổng mức đầu tư trên 12.500 tỉ đồng.
Dự án này cũng là niềm tự hào của ngành than, vừa tự thiết kế và thi công, một lời giải hết sức quan trọng cho vấn đề nhu cầu than trong những năm tiếp theo. Trữ lượng công nghiệp đạt trên 74 triệu tấn, tổng số có 13 lò chợ đều được cơ giới hóa ở mức cao nhất. Mỏ Khe Chàm II-IV cũng đạt 6 tiêu chí hết sức đáng nể: Mỏ sạch, Mỏ an toàn, Mỏ hiện đại; Mỏ tiết kiệm tài nguyên; Mỏ sản lượng cao; Mỏ ít người. Được thiết kế lựa chọn theo tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác đối với tất cả các khu vực có điều kiện cho phép. Các hệ thống vận tải, thông gió, thoát nước, quan trắc tập trung, tổ hợp công nghệ trên mặt mỏ được cơ giới hóa, tự động hóa tối đa. Khu xử lý nước thải mỏ được thiết kế hiện đại đảm bảo nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng, đủ điều kiện thải ra môi trường... Với một khối lượng công việc đồ sộ như hiện nay, những ai đã và đang từng thực hiện dự án cũng thật xứng đáng là những anh hùng lao động.
Theo anh Chỉnh, trong giai đoạn 1 (thi công cổ giếng) tiến độ của chủ đầu tư giao mỗi tháng phải đào được 10m, tháng vừa qua thợ hầm lò 1 đã đào vượt kế hoạch đạt 13m/tháng. Thoạt nghe thì không cảm nhận hết, nhưng 1m lò giếng đứng này công nhân phải làm đủ thứ việc, nào khoan, nổ mìn, bốc xúc, vận chuyển, căn phá, đổ bê tông... Để thi công từ mét 100 xuống đến đáy giếng đòi hỏi khá nhiều công việc tiếp theo như: lắp đặt hệ thống tháp giếng, các thiết bị tời trục bên giếng; lắp sàn công tác, cốp pha;… với nhiều biện pháp kỹ thuật, an toàn hết sức chặt chẽ. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, với những gì chúng tôi chứng kiến, tin chắc rằng những người thợ mỏ, cán bộ, kỹ sư hầm lò 1 sẽ đảm bảo được tiến độ của cặp giếng.
2.500 ngày khoét núi, đào hầm
Sau một ngày rã rời chui lò giếng đứng, chúng tôi lại chuẩn bị tinh thần để tiếp tục trải nghiệm tìm hiểu công việc của công nhân tại hạng mục lò thông gió mức +112,5 ÷ -300 do Phân xưởng đào lò 6 của công ty đang thi công. Hạng mục này thuộc diện khó khăn nhất của mỏ Khe Chàm III, nó phục vụ cho việc thoát toàn bộ khí thải của các gương lò chợ, chuẩn bị của toàn mỏ than Khe Chàm III với công suất 2,5 triệu tấn/năm. Hạng mục này đã thi công ròng rã gần 7 năm, có chiều dài thông gió độc đạo tới 2,5km, nối với cặp giếng An Khang, Thịnh Vượng.
Không giống như những lần trải nghiệm đi lò trước đó, đi lò 6 không đơn thuần là nghe “phổ biến” qua loa mà buộc chúng tôi phải trải qua một khóa học cấp tốc trước đó 1 ngày. Nào là học an toàn, đối phó tình huống, ăn, ngủ đúng giờ… Bữa cơm tối hôm đó, các anh ở công ty còn chu đáo tẩm bổ cho chúng tôi đủ “của ngon vật lạ” ở Cẩm Phả, rượu bia thì tuyệt đối là không. Hạng mục này mới nghe đã… thấy mệt. Hầu hết những cán bộ, công nhân viên Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 “cảnh báo”: Lò 6 không phải dành cho người đi… tham quan, đối với công nhân thì hạng mục này nhiều cái gian nan nhất, đặc biệt là việc đi lại. Anh Nguyễn Văn Bình, Chánh Văn phòng công ty còn động viên: “Các anh là những nhà báo đầu tiên đi lò này đấy. Phải vào một lần mới hình dung được công việc của anh em nơi đây”.
Dự kiến, để cuốc bộ trong lò 6 nếu nhanh thì cũng mất khoảng 3 tiếng. Trước lúc vào lò, chúng tôi khởi động thật kỹ như trước một trận đá bóng, rồi sẵn sàng nai nịt đầy đủ đồ bảo hộ lao động như mọi lần. Theo lịch trình, 7h sáng chúng tôi xuất phát từ cửa lò ở mặt bằng +112,5 xuyên vỉa xuống mức -100, rồi đi tiếp hơn 1km đường bằng để xem công nhân làm việc và sẽ kết thúc ở tận -300. Khi về, nếu may mắn kịp giờ thì có một chuyến song loan (tàu chở người) vào lúc 11h30 để đưa công nhân lên mặt bằng, còn đi chậm thì chúng ta lại… cuốc bộ từ -300 lên mặt đất. Anh Nguyễn Quang Huệ, Phó phòng An toàn ra điều kiện cho chúng tôi.
Cán bộ, kỹ sư Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1
Cùng đi còn có anh Nguyễn Sỹ Trí, Phó phòng Trắc địa. Kim đồng hồ dừng đúng 6h15 phút, cửa lò mở ra, cái thứ “gió âm” mới thật kinh khủng, táp vào mặt như thách thức, trêu ngươi 2 gã “thợ khờ” như chúng tôi. Đường xuống lò với độ dốc dần ở độ nghiêng 23o, sâu hun hút tối đen như mực. Chiếc đèn lò, chỉ đủ giúp tôi nhìn các bậc thang dưới chân đi cho chuẩn xác. Hình dung giống như đi từ đỉnh núi Yên Tử xuống mặt đất vào hôm trời mưa vậy, đường lò toàn đất đá trộn lẫn với nước ngầm trở nên cực trơn, dù cố gắng lắm tôi cũng trượt chân vài cái nhưng may có 2 cán bộ an toàn hỗ trợ kịp. Đã có lúc chúng tôi còn “van nài” quay lên vì yếu tố sức khỏe, tuy nhiên đường lò này đã xuống rồi mà leo ngược lên thì còn mệt gấp bội. Chỉ còn cách duy nhất là đi theo hệ thống đường lò để lên mặt đất tại cửa lò An Khang, cách ba cây số, đúng là tiến thoái lưỡng nan. Các bậc thang đi “xuống âm” cũng thật tệ hại, nó được hình thành một cách thủ công chứ không được xây đều kích thước như bậc thang trong nhà. Các bậc này chỗ ngắn, chỗ dài, chỗ lại lồi lõm, làm chân chúng tôi phải loạng quạng lúc choãi ra, lúc co vào không khác gì đi từ trên đỉnh núi xuống. Vì không quen, mới đi được vài chục bậc thì hai bắp chân tôi gần như tê cứng, đau nhức. “Khổ như đi Lò 6” không phải là lời đồn.
… 20 phút đi đường dốc trong không khí ẩm thấp và trước mắt còn hơn 2 cây số nữa. Có lúc tôi đã chán nản nhưng nghĩ lại không thể bỏ cuộc. Hằng ngày có hàng trăm công nhân Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1, họ không chỉ đi bộ mà còn phải làm đủ việc nặng nhọc dưới kia.
Có vào đây mới thấu hiểu được công việc của các anh. Càng xuống dưới sâu hệ thống thông gió vẫn chạy ù ù nhưng mồ hôi trộn lẫn với bụi than bắt đầu túa ra. Ở độ sâu này, nhiệt độ hầm lò lên tới gần 300C. Trong điều kiện không gian chật chội, đúng là người bình thường như chúng tôi chỉ đi không thôi cũng đã thấy khó chịu. Sau 20 phút đi bộ, chúng tôi dừng ở đường lò bằng -100 có dịp chứng kiến công việc của các công nhân Phân xưởng đào lò 6 đang đào một đường lò để chuẩn bị đi vào khai thác. Trong âm thanh ồn ã, công nhân Nguyễn Sỹ Chiến, có biệt danh Chiến “Trâu” có thâm niên 10 năm đào lò xởi lởi kể: Không chỉ mình tôi có biệt danh này mà hầu hết anh em ở đây đều có biệt hiệu này. Một ca chúng tôi có 8 người, trung bình một ngày đào được 3m lò. Còn 500m nữa mới xong cái đường lò này”. Anh Chiến cũng trải lòng, nghề đào lò thì vô cùng vất vả, không phải ai cũng đủ sức khỏe mà theo đuổi được. “Dẫu biết nghề này vất vả, nguy hiểm nhưng tôi lại nghĩ khác, mình làm còn vì trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Nó đã thành nghiệp thì mình phải gắn bó với nghề đến khi nào không thể”.
Hiện nay, có gần 300 công nhân của Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 phụ trách các hạng mục quan trọng tại khu vực này gồm: sân ga, hệ thống vận tải, hầm trạm, hầm bơm nước… Nhận xét về công việc thường ngày, anh Trí - Phòng Trắc địa công ty bảo, hạng mục này công nhân cán bộ công ty thi công rất vất vả và thời gian kéo dài gần 7 năm vì điều kiện địa chất phức tạp, phải thay đổi nhiều phương án kỹ thuật. Đường lò này có tiết diện rất lớn, lên tới trên 30m2. Nhiều đoạn đường lò đi qua vùng phay phá, đất đá mềm yếu rất khó khăn. Tuy vậy chúng tôi đều cố gắng vượt qua. Nhìn chung anh em thợ lò ở đây có tính kiên nhẫn rất cao, không ngại khó ngại khổ.
Kế thừa truyền thống
Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1, tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương có kinh nghiệm đào lò, xây dựng cơ bản hơn 45 năm ở ngành than gắn liền với những tên tuổi như ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên Thường vụ, thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giám đốc Xí nghiệp), Nguyễn Đức Phan (nguyên Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than, Bộ Năng lượng và Bộ Công Nghiệp, Phó giám đốc Xí Nghiệp), Đoàn Văn Kiển (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Giám đốc Xí nghiệp)...
Ông Đặng Quốc Hòa, Phó bí thư thường trực Đảng ủy công ty không giấu nổi sự tự hào. Từ năm 1975 Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương đã thực hiện đào giếng phụ, xây dựng sân ga đáy giếng đến mức -98m. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, 45 năm một chặng đường dài, nhiều khó khăn gian khổ nhưng cũng rất nhiều vinh quang và thắng lợi. Công ty đã thi công, xây dựng được hàng trăm hạng mục công trình công nghiệp mỏ và dân dụng lớn. Đặc biệt trong những năm gần đây công ty đã và đang đảm nhận thi công một loạt các dự án trọng điểm như: Dự án khai thác dưới mức -35 khu Lộ Trí, khu Núi Nhện; Dự án khai thác mỏ than Bắc Cọc Sáu; Dự án khai thác dưới mức +38 mỏ than Khe Tam; Dự án khai thác giai đoạn II - mỏ than Mông Dương đến mức -225; Dự án khai thác dưới mức -50 - mỏ than Ngã Hai; Các đường lò, hầm trạm mức -225 mỏ than Khe Chàm I; Dự án khai thác Mỏ than Khe Chàm III,... Như vậy, các dự án hầm lò ở vùng than Cẩm Phả, Hòn Gai đều có những dấu chân, công sức đóng góp của những người thợ lò hầm lò 1.
Sau khi cơ bản đã hoàn thành xong công tác mở vỉa bằng giếng nghiêng cho các công ty than hầm lò khu vực Cẩm Phả và Hòn Gai thì trong giai đoạn hiện nay công ty đang được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản giao cho một trọng trách hết sức quan trọng đó là thi công các cặp giếng đứng. Năm 2012, công ty triển khai dự án mỏ than hầm lò Núi Béo bằng giếng đứng, đây là cặp giếng đứng đầu tiên do ngành Than tự thiết kế và thi công. Đến nay, công ty đã thi công sát đến đáy với chiều dài giếng chính là 406m và giếng phụ là 370m và đang triển khai đào lò nối hai giếng. Trong quá trình vừa học hỏi vừa thi công, đến nay công nhân, cán bộ công ty đã nắm và làm chủ được công nghệ thi công giếng đứng.
Ông Hòa cho biết thêm, từ thành công của các công trình trọng điểm của ngành than như đã nói ở trên, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 tiếp tục với vai trò là tổng thầu thi công xây dựng Dự án Khe Chàm II-IV, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12.600 tỉ đồng, sẽ khai thông xuống mức -500m, mỏ sâu nhất từ trước tới nay. Mỏ Khe Chàm II-IV có công nghệ tương đương các mỏ hiện đại của châu Âu, cơ giới hóa đến mức cao nhất. Hiện nay công ty đang triển khai thi công cặp giếng đứng cho Công ty Than Mạo Khê đến mức -400. Xác định đây không chỉ là trách nhiệm, là danh dự mà là công ăn việc làm của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của công ty.
Trước đó để chuẩn bị nguồn nhân lực công ty được Tập đoàn gửi các công nhân, cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm và kiến thức đào lò tại nước ngoài về làm lực lượng nòng cốt để kèm cặp giúp đỡ cho các công nhân khác trong công ty và các đơn vị trong Tập đoàn. Hiện nay, công ty cũng tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ mỏ, Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, Công ty Cổ phần Chế tạo máy... để chế tạo tháp giếng thi công. Đồng thời, công ty sẽ đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại chuyên sâu về lĩnh vực đào giếng đứng để ngày càng chuyên nghiệp hóa trong công tác đào lò, đạt năng suất, tiến độ nhanh hơn, rút ngắn thời gian thi công các dự án. Tin tưởng rằng, những “con ong thợ” cần mẫn là những CBCN Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 tiếp tục xứng danh với truyền thống vốn có của mình, tiếp tục đem tâm huyết, sức lực của mình góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững ngành than trong giai đoạn tiếp theo.
Hữu Tùng - Mạnh Kiên