Xung quanh đại dịch Ebola:
Nigeria đã kiểm soát thành công dịch Ebola như thế nào?
Ngày 20/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Nigeria chính thức thoát khỏi dịch Ebola. Việc dập dịch ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này là một bài học rất quý giá cho toàn thế giới vào lúc mà virus Ebola đang ngày càng mạnh lên.
Kiểm soát y tế tại sân bay quốc tế Lagos, Nigeria
Hôm qua, WHO tuyên bố Nigeria, quốc gia nằm ở tâm vùng dịch Ebola tại Tây Phi, chính thức thoát khỏi dịch bệnh nguy hiểm này sau 42 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm mới. Theo WHO, những kinh nghiệm mà Nigeria có được trong việc kiểm soát virus Ebola lần này là ánh sáng hiếm hoi trong đại dịch lần này.
Khi nhà tư vấn về phát triển cho Liberia Patrick Sawyer ngã gục khi đến sân bay Lagos với triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Ebola hồi tháng 7/2014, phản ứng đầu tiên, ở cả bên trong lẫn bên ngoài Nigeria, là vô cùng hoảng sợ.
Người ta sợ là hệ thống y tế quá tải, thiếu thốn sẽ không làm sao khống chế được con virus này. Đối với các chuyên gia y tế cộng đồng, chỉ nghĩ là Ebola có thể xâm nhập và bành trướng ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, đã là cơn ác mộng kinh hồn nhất. Có 170 triệu người dân sống ở Nigeria, gấp 8 lần tổng dân số của Guinea, Sierra Leone và Liberia, nơi căn bệnh đang hoành hành. Vậy mà Nigeria đã dẹp được dịch bệnh không cho trở thành đại dịch, và nay chính thức hoàn toàn không có thêm trường hợp nào bị nhiễm Ebola trong 42 ngày qua.
Bác sĩ Simon Mardel, chuyên gia toàn cầu về những căn bệnh mới xuất hiện, diễn tả ảnh hưởng của một căn bệnh như vậy như là một loạt các vòng luẩn quẩn. Căn bệnh sẽ tấn công cá nhân trước, rồi xã hội chung quanh cá nhân đó. Và ở cả hai lĩnh vực này, Nigeria có vẻ đều sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Kết quả, mà lúc đầu đã không ai dám tiên đoán, là nhờ một nỗ lực toàn quốc hiếm có trong đó chính quyền tiểu bang Lagos, các định chế liên bang, khu vực tư và các tổ chức phi chính phủ, tất cả đều chung tay đánh bại căn bệnh. Cùng với nhau, họ cung cấp hy vọng vào lúc mà niềm tin của dân chúng vào nhà nước đang bị lung lay với những vụ scandal tham nhũng khổng lồ và thành tích không mấy vẻ vang của quân đội trong việc chống lại đám phiến quân Hồi giáo ở phía Bắc nước này.
Khi bệnh nhân Ebola đầu tiên bị phát hiện ở Nigeria, một nghị định khẩn cấp của tổng thống cho phép các viên chức lục soát các cú điện thoại di động và cho họ quyền ép các cơ quan an ninh khi cần thiết truy nã những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Sau đó, một hệ thống theo dõi khắt khe tất cả những trường hợp có thể bị nhiễm bệnh được đặt dưới quyền của chính phủ tiểu bang Lagos.
Bác sĩ Eilish Cleary, một chuyên gia về y tế công cộng được WHO thuê để theo dõi những người sống sót ở Nigeria giải thích: “Họ tổ chức rất hệ thống. Họ bỏ hết sức ra truy cho được các liên lạc. Ở Mỹ, bà vợ (của ông Duncan) đã phải chịu đựng năm ngày trong đống đồ đạc bị nhiễm virus. Ở đây họ tẩy trùng ngay tức khắc”.
Tổng cộng có 20 người Nigeria bị nhiễm bệnh, trong đó 8 người chết. Những viên chức tiểu bang và người tình nguyện truy cho ra hơn 800 người đã có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với trường hợp ông Sawyer. Những người này bao gồm cả hai nhà thờ ở thành phố Port Harcourt nơi mà ông ta thường đi lễ.
Thêm vào đó, nhiều bệnh xá tư và phòng mạch được huấn luyện trong việc nhận diện bệnh nhân bị Ebola, và cách ly họ ra khỏi cộng đồng cho đến khi họ được đưa tới các khu cô lập. Một chiến dịch trên các diễn đàn xã hội mạng, được theo dõi và trả lời bởi những chuyên gia tin học... Qua đó, Nigeria đã cho thấy sự quan trọng của việc thông tin cho quần chúng hiểu biết cộng với những cố gắng y tế để giới hạn căn bệnh lây lan.
Nigeria đã may mắn là ông Sawyer đến quốc gia này qua sân bay, đến ngay thủ đô thương mại của Nigeria và bước vào một trong những phòng khám tư hàng đầu ở Lagos. Họ sẽ có nhiều khó khăn hơn, nếu một trường hợp khác đến bằng đường bộ và rơi vào tay điều trị ở một bệnh viện công ở một tỉnh lẻ.
Nigeria như vậy đã dạy cho thế giới một bài học về Ebola. Muốn chống lại Ebola thì hoảng sợ, đổ lỗi cho nhau sẽ chỉ làm cho tình hình thêm trầm trọng. Bình tĩnh, phổ biến kiến thức, hợp tác với nhau để tìm cho ra và cô lập những người có tiềm năng truyền bệnh sẽ giúp chặn đứng căn bệnh.
Nh.Thạch