TS.KTS Ngô Doãn Đức: Chính quyền phải vào cuộc…
Tốc độ đô thị hóa cũng khiến các di tích kiến trúc, di sản đô thị bị phá nát, khiến cho cảnh quan của đô thị trở nên nhộm nhoạm. PV Báo Năng Lượng Mới đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức - phó chủ tịch Hội kiến trúc về vấn đề này.
Năng lượng Mới số 367
PV: Trong quá trình phát triển đô thị với nhịp điệu xây dựng rất mạnh như hiện nay, dường như chúng ta đã có thái độ ứng xử với các di sản, di tích chưa tốt, thưa ông?
TS.KTS Ngô Doãn Đức: Điều dễ thấy đối với không ít trường hợp, công trình đã được xếp hạng là di sản đô thị, di tích kiến trúc ở ta nói chung vẫn đang đối mặt với những thách thức. Nói thẳng thắn là xung quanh chuyện này, tích cực rất ít mà tiêu cực lại chiếm phần nhiều, nguyên nhân từ nhiều phía.
Trước hết, nói đến chuyện bảo tồn di sản đô thị trong quá trình phát triển vừa qua đã có những hệ lụy nên cần nhìn nhận nghiêm túc và trách nhiệm từ quản lý Nhà nước, từ các tổ chức liên quan thì đô thị mới gìn giữ và phát huy được những giá trị vốn có, mới vượt qua được những khó khăn trước mắt: như về kinh tế chưa đủ, về ý thức chưa đúng mức, kinh nghiệm lại chưa nhiều…
Thời gian qua công tác bảo tồn làm chưa tốt, có nhiều việc không ra sao cả. Khâu tiền đề cho việc bảo tồn các di sản kiến trúc phải đặt trong tổng thể quy hoạch cả một đô thị nhưng chúng ta mới chỉ nhìn nhận nó ở góc độ vĩ mô, tức ở mức là “tầm nhìn”. Vậy những cái vi mô thì bắt đầu từ đâu? Sẽ không bao giờ làm được khi không phân ra được đâu là di sản đâu là di tích kiến trúc để có ứng xử phù hợp cho từng trường hợp, bảo tồn phát triển hay bảo tồn nguyên trạng. Vì vậy thường lúng túng trong các vấn đề cụ thể khi triển khai gây ồn ào dư luận, như vừa qua về cây cầu Long Biên, về công trình số 9 Lê Thánh Tông, hoặc tồi tệ như ngôi chùa cổ Trăm gian bị phá dỡ để làm mới…. là những ví dụ cụ thể.
PV: Thế nhưng trong quá trình đô thị hóa để đảm bảo cho sự phát triển nhiều khi cũng phải biết hy sinh, ông có nghĩ vậy không?
TS.KTS Ngô Doãn Đức: Cần cụ thể hơn về sự hy sinh cho phát triển, quan trọng là bây giờ chúng ta đang bảo tồn và phát triển đô thị như thế nào, sự chuẩn bị và những quyết sách đã đúng chưa? Như ở Hà Nội ngay trong khu vực phố cổ chẳng hạn, do cần “phát triển” mà chấp nhận cho xây ngày một nhiều nhà cao tầng như đang làm ở các phố Gia Ngư, Hàng Bè…là sự lựa chọn đúng sao? Tại sao lại có nhiều nhà cao tầng đang được xây chen vào trong khu vực phố cổ? Những khách sạn cao hàng chục tầng và nỗi lo hạ tầng bị phá vỡ cũng không lo bằng sự mất dần đi những không gian phố cổ…một đặc trưng của Hà Nội cần gìn giữ lại đang bị gặm nhấm vì những lý sự kinh tế…Phát triển như vậy là ổn chăng, hy sinh như vậy là đúng chưa?...Có những giá trị chúng ta chưa tính hết được ở khu vực này cho tương lai, nhưng vì rất nhiều lý do hiện tại người ta cứ chen vào đó bằng đủ cách để thực hiện lợi ích riêng, và điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy cho sự phát triển chung.
Ở khu phố cũ, một số dinh thự, công thự cùng những biệt thự xây từ thời Pháp còn hiện diện đến nay, vẻ đẹp ở bản thân của mỗi công trình cũng như không gian bao chứa nó vẫn như ngày nào là do công tác duy tu, bảo tồn tốt. Hà Nội phát triển mà vẫn giữ được những vẻ riêng này thôi theo tôi đã “ngon” lắm rồi... Nếu nói thêm về khu phố cổ trong việc bảo tồn các di sản và di tích kiến trúc, thì đã có hàng vài chục nghiên cứu của các đơn vị trong nước, nước ngoài rồi luận văn thạc sỹ, tiến sỹ đã thực hiện trong nhiều năm nhưng tác động rất hạn chế, hầu như rất ít hiệu quả. Và thực tế đã thấy phố cổ không được tái hiện như mong muốn trong tranh Phố Phái mà chỉ được tái hiện ở dự án Thiên đường Bảo Sơn, cách đó không xa. Nhiều nghiên cứu vẫn chỉ là câu chuyện của riêng nó, không sao đi vào thực tế được. Chúng ta nói dài quá nhưng không làm, đó là một sự bất lực.
Nhà “hàm cá mập” - tòa nhà xấu nhất Hà Nội
PV: Đã từng có một thời chúng ta rất tự hào với kiến trúc ở Hà Nội trong công tác bảo tồn và phát triển, giờ thì chỉ nghe di tích này bị lấn chiếm, di sản đô thị này bị phá hủy.... Theo ông, nguyên nhân chính là ở đâu? .
TS.KTS Ngô Doãn Đức: Nỗi buồn đó những người quản lý phải nhìn ra được. Các nhà khoa học, chuyên môn như chúng tôi cũng thấy và từng nêu ra với nhau nhưng chúng tôi không phải người quản lý, những người quản lý không nghe, không làm hay triển khai chậm, đó là một điều đáng tiếc...Để bảo tồn không gian các khu phố cổ, khu phố cũ của Hà Nội cần có những bước đi, theo tôi một liên quan không kém phần quan trọng là công tác dãn dân, giảm mật độ dân cư ở 2 khu vực này đã làm nhưng cần phải quyết liệt hơn. Các khu ở mới nên xây đàng hoàng, khuyến khích di dân ra, giảm thiểu câu chuyện như ở phố cổ là tình trạng xây cất lấn chiếm không gian làm môi trường sống ngột ngạt, không gian chung bị biến dạng đi. Chỉ cần trả lại nguyên vẹn không gian sống trước đây đã là một đóng góp tạo diện mạo kiến trúc cho một tuyến phố, một góc phố hoặc cho cả một khu vực.
Đặc biệt là tôi vẫn muốn nhắc đến khu phố cũ Hà Nội, chúng ta bảo tồn được một số công trình như đã nói trên nhưng còn đánh mất nhiều quá. Hàng nghìn biệt thự trước đây có giá trị giờ còn trên 500 ngôi. Chúng ta đã thừa hưởng một quỹ kiến trúc giá trị cùng văn minh đô thị của người Pháp để lại, những ngôi biệt thự trong khuôn viên cây xanh được bài trí công phu, khéo léo, đặc biệt về sử dụng, môi trường làm việc, sống nhưng mình lại phá đi nhiều…thật tiếc. Trong quá trình phát triển ngàn năm của Hà Nội, để bảo tồn những di sản kiến trúc nói riêng và di sản đô thị nói chung cần có một trù tính khoa học, sự đồng hành của các ngành nghề tham gia và chính quyền phải vào cuộc.
Công tác phát triển đô thị đi đôi với bảo tồn phải “bình tĩnh” hơn, không nóng vội. Kiến trúc một thời đều có những công trình đặc trưng phản ánh tính khoa học, qua cách sử dụng vật liệu, kết cấu công trình, nghệ thuật kiến trúc nên cần những người có chuyên môn đánh giá, xếp hạng để gìn giữ, bảo tồn theo quy định. Những người thực hiện phải nghiêm túc chấp hành chứ không phải như lấy sơn tốt sơn vào cái nhà mà đúng ra quét vôi mới là của nó. Nghĩa là chúng ta phải làm việc có khoa học, không thể ẩu trong công tác trùng tu bảo tồn được.
Chùa Trấn Quốc và đường Thanh Niên
PV: Nói thì dễ nhưng thực ra làm thì rất khó, thưa ông. Bài toán về phát triển đô thị, giải quyết nhà ở cho người dân… là điều mà chúng ta buộc phải ưu tiên hàng đầu?
TS.KTS Ngô Doãn Đức: Bảo tồn di sản mà rộng ra là bảo tồn những cơ ngơi. Ví như Đại học Bách khoa Hà Nội là một công trình được Liên Xô thiết kế bài bản như vậy, đáng ra về lâu dài có thể sẽ trở thành một di sản đô thị nhưng trong quá trình sử dụng ta đã làm hỏng đi, đã lập thành một phường trong khuôn viên đất của trường... Tôi không hiểu họ giải thích ra sao về vấn đề này. Ngoài chuyện một thời nghèo khó nên phải giải quyết tình huống trước mắt rồi dần thành quen và bây giờ buộc phải chấp nhận sao? Đó là lý do vì sao hiện nay đang phải chấp nhận việc một trường từ quy hoạch cơ ngơi bài bản, sử dụng lại không bài bản rồi muốn phát triển mở rộng lại tìm cách di chuyển trường, xin đất nơi khác. Thật là loanh quanh. Bệnh viện Bạch Mai hay Việt Đức cũng vậy, cứ có tiền rồi thấy trống trống chỗ nào là xây nhà chen vào, phá vỡ không gian, làm hỏng đi quỹ kiến trúc vốn cần được bảo tồn.
Nhân đây cũng xin nói rõ việc chúng ta không nên nghĩ rằng cứ cái gì cũ là cũng phải giữ lấy, như vậy là không khoa học, nhưng việc chúng ta phải sàng lọc, thống kê đánh giá và xếp hạng các di sản, di tích để bảo tồn là công việc lâu dài và luôn cần thiết cho một đô thị. Đánh giá, xếp hạng xong thì cần bảo tồn tích cực, đừng bỏ lửng, và nữa là trong công tác bảo tồn các di sản, di tích kiến trúc cần huy động sức dân và chính quyền phải vào cuộc.
PV: Xin cám ơn ông!
Thái Linh (thực hiện)