Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 29)
Tôi nghe có dư luận là ông bán rất nhiều công trình cho các bên “bê phảy” và được chúng chi ngược lại cho hàng tỉ đồng. Cẩn thận, vô cùng cẩn thận đấy ông bạn của tôi ạ.
Năng lượng Mới số 367
>> Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 28)
Vũ lại chạm ly và uống hết ly rượu. Và cứ thế anh lần lượt uống với Mạnh rồi với Lân. Mọi người nhìn anh uống rượu Tây như uống nước lã mà sợ hãi.
Lân tiễn Vũ về và khi xuống dưới sân, Lân đưa cho Vũ một túi quà:
- Công ty có chút quà gửi ông.
Vũ nói với vẻ không vui:
- Ông gọi tôi đến những cuộc này làm gì. Nói thật với ông, người ta đang rình từng nhất cử nhất động của tôi trong vụ án này đấy.
- Tôi hiểu. Ông cứ việc thẳng tay mà làm. Chứ tôi nghe tên các vị nhận tiền của nó mà buồn cho chính quyền tỉnh mình quá.
Bỗng nhiên, Vũ ôm lấy vai Lân thân tình:
- Ông bây giờ ngồi nghế cao ngất ngưởng, cũng phải vô cùng thận trọng. Trong quản lý kinh tế, đồng tiền đi liền khúc ruột, chớ để sơ xảy đấy.
- Ông cứ yên tâm. Tôi là thằng biết mình biết người.
- Tôi nghe có dư luận là ông bán rất nhiều công trình cho các bên “bê phảy” và được chúng chi ngược lại cho hàng tỉ đồng. Cẩn thận, vô cùng cẩn thận đấy ông bạn của tôi ạ.
Vũ treo túi quà vào xe máy và đi về. Lân đứng nhìn theo bằng ánh mắt khó hiểu.
Lân quay trở lại phòng ăn và nghe thấy Mạnh nói oang oang:
- Cái thằng cha Vũ đó, đúng là ở Đắk Lắk mới về, chả hiểu ông Công là người thế nào. Tôi mà là Bộ trưởng Bộ Công an, loại giám đốc ù lỳ như ông Công, tôi cho về từ lâu rồi. Hôm này tôi phải nói với ông Lâm, Bí thư tỉnh ủy, cũng không nên để ông ấy làm Giám đốc thêm khóa nữa.
Thượng tá Luân nói vuốt:
- Anh ấy cũng do không được học hành cơ bản, toàn đi học tại chức, cho nên điều hành công việc mang nặng tính gia đình chủ nghĩa lắm.
Mạnh cười hô hố:
- Thảo nào... “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”!
Luân nói:
- Cái vụ thằng Thư, các ông nhà báo là phải nhớ theo sát. Tôi biết là lãnh đạo tỉnh không muốn bung vụ này ra đâu. “Xấu chàng hổ ai” mà.
Mạnh gật gù:
- Các ông yên tâm. Tôi đố ông nào dám ém đi vụ này. Tôi mà biết thì có giời ngăn tôi cũng đưa lên báo. Đố thằng nào dám cách chức Tổng biên tập đấy. Tôi chống tham nhũng mà ông cách chức tôi, dân họ để cho yên đấy hay sao?
- Không, thế nào Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng có ý kiến với các báo đấy.
Nghe Luân nói vậy, Mạnh xua tay:
- Đó là cái cơ quan hữu danh vô thực. Họ làm gì được ai. Việc họ nói thì cứ nói, còn nghe hay không là ở chúng tôi. Dù không muốn thừa nhận thì chúng tôi vẫn là cơ quan cứ tạm coi là quyền lực thứ tư đi.
Một hồi lâu sau, cuộc tiệc tan. Hoàng đưa cho mỗi người một túi quà giống hệt như của Vũ. Mạnh mở ra xem:
- Các ông lại cho tiền à?
- Dạ, công ty làm ăn được, cũng là nhờ sự ủng hộ của các anh.
Mạnh đút phong bì vào túi nói thủng thẳng :
- Cái này thì phải giấu vợ.
Và không ai ngờ rằng việc họ nhận quà của Lân được một người đứng ở góc xa dùng máy camera kỹ thuật số quay lại toàn bộ.
***
Vũ về đến nhà, anh đưa túi quà cho vợ:
- Anh Lân gửi quà cho mình đây.
Thục mở và lấy ra một hộp bánh quy, một chai rưọu Tây và một phong bì. Chị bảo anh:
- Anh Lân cho cả tiền mình ạ.
Vũ ngạc nhiên:
- Sao, cả tiền à?
Thục mở ra và chị trố mắt khi thấy một chục tờ đôla loại 100.
- Giời ơi, anh ấy cho nhiều quá.
Vũ cầm tập đôla, anh nhíu mày, suy nghĩ rồi gọi điện thoại di động cho Lân:
- Lân à? Các ông nhậu xong chưa?
- Xong rồi. Tôi đang về nhà?
- Ông lại nhà tôi có chút việc được không?
- Tôi say quá. Mai có được không?
- Ông nên lại nhà tôi ngay bây giờ.
- Có chuyện gì gấp vậy hả Vũ.
- Chắc anh Luân và ông Tổng biên tập kia cũng được phong bì tiền như của tôi phải không?
- Kìa Vũ, chuyện nhỏ mà. Công ty tôi làm ăn được, cũng không nên quên...
- Tôi rất cám ơn ông và rất biết ơn ông đã giúp đỡ vợ chồng tôi trong lúc khó khăn. Nhưng lần này... tôi...tôi... không thể!
***
Sáng sớm hôm sau, Lân vừa đến văn phòng thì đã thấy Vũ chờ ở cổng.Trông thấy Vũ, Lân có vẻ hơi ngượng:
- Ông lên phòng tôi đã. Mà này, ông chắc chưa ăn sáng. Tôi bảo chuẩn bị ông ăn luôn với tôi nhé.
Vũ cố vui cho Lân đỡ suy nghĩ:
- Rất hay. Mà cho tôi xin ly cà phê đen nhé. Tôi nghiện uống cà phê từ hồi ở Đắk Lắk.
- Đơn giản quá. Nhưng hình như ông toàn tự pha cà phê phải không?
- Sao ông biết?
- Tôi có gặp ông đi uông cà phê bao giờ đâu.
- Đúng thế. Tôi có mấy anh bạn gửi cà phê cho, uống quen rồi.
Nói rồi Lân chạy vào văn phòng nói với cô phục vụ làm đồ ăn sáng cho hai người rồi đưa Vũ lên phòng làm việc.
Vũ nhìn phòng làm việc của Lân, đọc một bức thư pháp và tấm tắc khen:
- “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ” - Có bạn bè từ xa đến chơi, há chẳng vui lắm sao? Hôm nay tớ là bạn “viễn phương lai” đấy. Bức thư pháp này đẹp quá.
- Cậu vẫn nhớ ghê nhỉ. Bức này hồi tớ đi Trung Quốc, ông Phó thị trưởng đặc khu Thâm Quyến tặng.
Vũ nhìn thấy nghiên mực, bút lông của Lân để trong tủ kính, anh bỗng nổi hứng:
- Trong phòng của ông có những chữ Phúc, chữ Tiến, bây giờ tôi cho ông một chữ nhé.
Lân vui mừng thật sự:
- Sao hôm nay sáng sớm mà đã có niềm vui bất ngờ quá. Được rồi, nhưng mà ông cho tôi chữ gì?
Vũ lấp lửng:
- Tôi vừa nghĩ ra.
Vừa lúc đó, cô phục vụ mang đồ ăn sáng vào. Lân vừa định mời Vũ ăn thì anh ngăn lại:
- Chữ này tôi cho ông, phải là lúc thanh tâm.
Lân nhìn Vũ cảm động:
- Ông làm tôi nhớ lại những ngày xưa quá.
Rồi Lân lấy nghiên mực, bút lông và lấy trong tủ ra một cuộn giấy của Trung Quốc bày ra bàn. Vũ đổ mực Tàu pha sẵn ra nghiên, chấm bút lông, viết thử lên một giấy rồi lại đặt xuống. Anh lấy trong túi áo ngực ra phong bì tiền hôm qua:
- Trước khi cho ông chữ, tôi phải gửi lại ông cái này. Tôi không chê tiền bởi tôi đang rất cần tiền. Nhưng tôi hứa với ông, nếu lúc nào tôi cần thì người đầu tiên tôi đến xin, đó là ông. Tôi nhắc lại là tôi đến xin, chứ không vay đâu.
Lân khẽ thở dài:
- Tôi hiểu ông. Và tôi rất sẵn sàng, nếu như lúc đó tôi còn đủ khả năng có tiền cho ông.
Vũ lại tự lấy chai rượu trong tủ của Lân, rót ra hai ly, hào sảng:
- Nào, chúc ông đọc kỹ chữ này của tôi.
Nói xong, Vũ ngửa cổ uống cạn rồi chấm bút viết chữ “Tĩnh”. Anh ghi ngày tháng, tên của mình và dòng chữ rất trân trọng “Tặng bạn tôi”. Anh viết chữ rất chân phương, nắn nót, như thể người đang tập viết. Xong xuôi, anh đưa bằng hai tay cho Lân. Lân đón lấy, nói với vẻ cảm động:
- Tôi rất hiểu ông khi cho tôi chữ “Tĩnh” này.
Hai người ngồi ăn sáng rất vui vẻ. Vũ đắn đo:
- Vụ án thằng Thư sẽ rất phức tạp, nhất là chuyện nó biếu tiền các quan chức. Hôm qua, có tay Mạnh, Tổng Biên tập, tôi không muốn nói, nhưng hôm nay với ông, tôi phải nói thật: Làm ăn kinh tế bây giờ vô cùng phức tạp, vì thế ông phải cẩn trọng, giữ gìn. Nên có lúc nào tĩnh tâm, suy xét lại...
- Rất cám ơn ông. Tôi không bao giờ nghĩ đời mình lại có lúc được may mắn thế này. Tôi hứa sẽ thận trọng.
- Tôi nhớ ngày xưa, thầy nói là tử vi của ông bạo phát bạo tàn. Ông là người giỏi xem, sao không tính cho mình xem thời vận ra sao?
- Lâu lắm rồi, tôi có xem cho mình đâu. Thôi thì cứ... - Lân ngừng nói và chỉ lên bốn chữ Hán: “Cao sơn cảnh hành”.
- Cũng được đấy. “Cao sơn cảnh hành” - núi cao ngẩng trông, đường lớn đi tới. Hay, ông mang chữ từ đền Hùng về cũng là có ý lắm.Vấn đề là nhìn núi nào và đi đường nào phải không ông.
***
Vũ ra về, Lân đứng trên gác trông xuống bằng ánh mắt khó hiểu. Chờ cho Vũ đi khuất, Lân mới quay vào phòng và đọc lại một bản hợp đồng kinh tế với UBND huyện Nam Hưng. Có tiếng gõ cửa, Lân dõng dạc:
- Xin mời vào.
Hoàng đi vào và hất hàm hỏi ngay với giọng hơi xấc xược:
- Ông bạn cũ đến sớm thế. Chắc có thông tin gì mới?
Lân ngước mắt nhìn, khó chịu:
- Anh hỏi ai đấy?
Hoàng lúng túng giây lát rồi vội đổi giọng:
- Em thấy anh Vũ vào với anh từ sáng sớm cơ mà?
- Chú theo dõi cả anh đấy à?
- Hình như ông anh có chuyện không vui rồi. Em cũng đến sớm, định mời ông anh đi ăn sáng, nhưng dưới văn phòng bảo anh đang có khách. Em nhìn chiếc xe cúp ghẻ, biết ngay là của anh Vũ.
Lân dịu giọng:
- Có thông tin mới đấy - Nói rồi, Lân mở ngăn kéo lấy phong bì tiền hôm qua đưa cho Vũ ra, ném lên bàn - Khi một cảnh sát không nhận tiền của mình, mặc dù mình chưa hề nhờ vả người ta cái gì thì điều đó có nghĩa là họ đã cảnh giác với mình.
- Ông anh cả nghĩ rồi. Anh Vũ với anh là bạn thân cơ mà?
- Không phải là bạn theo nghĩa của đúng từ này được, mà chỉ là có quan hệ với nhau từ rất lâu thôi.
- Ông anh dạo này hay triết lý quá. Nhưng tại sao anh Vũ lại không nhận nhỉ?
- Thế mới là đáng sợ.
Hoàng cười nhạt:
- Anh lại cả nghĩ rồi. Em thì lại sợ nhất là những người đã ăn tiền của mình nhưng hơi tý là lại lên giọng dạy bảo mình và nếu có điều gì không may cho mình, họ lại quên ngay. Em làm kinh tế lâu năm hơn ông anh nhiều, em biết lắm. Phải làm việc, duy trì các mối quan hệ theo kinh tế thị trường nhưng lại nói với nhau theo cái giọng khuôn sáo của thời bao cấp.
Hoàng mở cặp lấy ra một chồng văn bản các loại:
- Ông anh ký cho em các kế hoạch này.
- Đã có chữ ký ruồi của trưởng phòng Kỹ thuật, Trưởng phòng Kinh doanh và của em.
- Thế thì được.
Lân lấy ra cây bút Parker loại chuyên dùng để ký, thử mực cẩn thận... Hoàng thuyết minh:
- Đây là bản duyệt thiết kế cho cải tạo và nâng cấp đoạn đường từ huyện Nam Hùng đi đến ba xã vùng cao.
Lân vung bút ký liền vào ba bản.
Hoàng lại giở tập khác:
- Đây là hợp đồng mua đá dăm, cát để làm đường.
Lân xem phần tổng giá rồi tặc lưỡi:
- Hơn hai tỉ đồng cơ à? Sao các ông hào phóng với chúng nó thế... trả trước những năm chục phần trăm.
- Báo cáo anh, chỗ công ty này là chú Hiển cũng đã có ý kiến. Tay giám đốc xin gặp anh vào Chủ nhật này. Nhưng nó muốn được đón anh trên Hà Nội.
Lân vung bút ký.
Hoàng lại giở một tập khác:
- Báo cáo anh, đây là bản quyết toán thuê nhân công mở rộng năm chục cây số đường loại bốn lên hai xã vùng xa của huyện Nam Bình.
Lân nhìn qua, cười hỉ hả :
- Lần này thì đúng là bà con dân tộc được xóa đói giảm nghèo thật sự nhé. Thuê bốn chục ngàn cho một ngày công, món tiền này với bà con miền núi là quá lớn.
- Báo cáo anh, chỉ không bằng hai phần ba so với dưới xuôi, mà họ làm nhiệt tình, có trách nhiệm lắm, lại thật thà nữa.
Lân ký xong, bỗng tặc lưỡi:
- Cứ nhắm mắt nhắm mũi ký thế này, khéo có ngày chết.
- Nếu có chết, chúng em chết trước, anh lo gì.
Hoàng cất những văn bản mà Lân đã ký vào cặp rồi lấy ra một phong bì rất dầy:
- Báo cáo anh, đây là của công ty Cầu đường số 1 gửi biếu anh.
- Ông nhớ tuần này phải lên thăm ông Thạc đấy nhé.
- Anh cứ yên tâm. Em lo quà đủ rồi. Lần này cứ đưa cho ông ấy bốn chục ngàn nhé?
- Không, xé lẻ ra. Ông Thạc hai chục, thằng Tú một chục, cho con gái ông ấy một ngàn, đưa cho vợ ông ấy năm ngàn. Đưa hết cho ông ấy thì không khéo lại béo người khác.
Hoàng hiểu ý gật đầu. Lân nhắc nhở:
- Nhớ bài học của thằng Thư đấy. Không được để lọt một chứng từ nào ra nghe chưa.
- Vâng ạ.
Hoàng lại lấy một phong bì khác mỏng hơn:
- Thưa anh, ngày mai giỗ chị Mai, em lại đi theo đoàn của tỉnh kiểm tra mấy đoạn đường mới làm. Anh thắp hương giúp em.
Lân thở dài:
- Sống kể ngày, chết kể năm, chả mấy chốc mà thay áo cho cô ấy.
Hoàng lễ phép chào Lân rồi quay ra. Lúc trong phòng, hắn giữ nét mặt trang nghiêm là thế vậy mà ra khỏi phòng, nét mặt hắn tươi hơn hớn. Có tiếng chuông điện thoại di động. Hoàng nghe và trả lời:
- Xong rồi. Sếp ký cả rồi... Tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ giải trình đấy. Lần này ông ấy làm chặt lắm. Thôi nhé, chỉ lần này thôi đấy.
***
Lân ở trong phòng bóc phong bì tiền của Công ty Xây dựng cầu đường số 1 ra và thấy có hai cọc tiền đôla, mỗt cọc là 10.000. Lân gật gù rồi lấy phong bì cho vào máy hủy tài liệu còn tiền thì bỏ vào két. Rồi Lân lại mở phong bì của Hoàng và đếm thấy có mười tờ loại 100 đôla. Lân cũng hủy phong bì và lại bỏ tiền vào két.
Lân vừa cất xong tiền thì Phó tổng giám đốc Quân và Trưởng phòng Hành chính Hồng đến. Cả hai đều có nét mặt không vui.
- Chúng tôi có mấy việc muốn báo cáo riêng với anh - Quân nói rồi đưa cho Lân một số lá thư của công nhân các công ty.
- Anh để cho lúc khác được không, tôi sắp phải đi họp bên tỉnh rồi.
- Việc cũng rất cần và theo tôi anh cũng nên biết sớm. Qua công tác năm tình hình và qua những đơn thư của công nhân thì thấy hiện nay các “bê phảy” đang làm ăn cực kỳ gian dối. Nhiều tuyến đường họ mở không đúng thiết kế, họ thay đá răm bằng đá hộc, thậm chí có nơi lấy cả cành cây, lá cây lấp ổ gà...
- Báo cáo anh, họ thuê nhân công làm đường chỉ trả có mười ngàn đồng một ngày, nhưng theo biểu giá thì phải trả là ba mươi lăm cho đến bốn chục ngàn một ngày công - Hồng nói chen vào.
Lân giật mình nhưng rồi xua tay:
- Thôi, thôi. Việc ấy tôi biết cả rồi. Làm gì đến mức thế. Tôi sẽ trực tiếp đi kiểm tra. Thằng nào làm láo chết với tôi.
***
Trần Quang Vũ chủ trì buổi họp của Ban Chuyên án AT285. Dự họp có Trung tá Tình, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Trung tá Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự; Thiếu tá Quang, Đội trưởng Đội Điều tra án ma túy, Thiếu tá Cường, Đội phó; Thiếu tá Vinh, Đội trưởng Đội Điều tra án kinh tế và hai cán bộ khác nữa là của Phòng Cảnh sát hình sự.
Vũ nói từ tốn:
- Báo cáo các đồng chí, hôm nay chúng ta họp đánh giá lại vụ án qua một tuần điều tra. Đồng chí giám đốc và là Trưởng ban chuyên án phải đi họp trên Bộ nên giao cho tôi bàn bạc với các đồng chí. Trước hết, chúng tôi muốn nghe bên Phòng Cảnh sát hình sự cho biết kết quả trinh sát truy tìm tên Túc.
Trung tá Bình báo cáo:
- Báo cáo đồng chí Phó trưởng ban thường trực chuyên án. Thực hiện kế hoạch trinh sát mà Ban Chuyên án giao cho, chúng tôi tập trung rà soát lại tất cả các mối quan hệ của tên Túc và đã xác định được nơi hắn trốn, đó là tại một xóm liều ở khu vực giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và thị xã Hà Đông.
***
Túc ở trong căn nhà của một cô gái làm nghề gội đầu. Cô ta tên là Miện, có vóc người thon thả, đôi mắt rất lẳng. Miện mua xôi ăn sáng cho Túc và nói mỉa mai:
- Đàn ông các anh có một căn bệnh giống nhau, ấy là chỉ tỏ ra chung tình khi mà không còn chốn nào nương thân.
Túc mặc kệ Miện nói, hắn nắm xôi ăn ngon lành. Miện ngêu ngao hát “Hết cơm ăn... ta về với vợ ta thôi”. Túc phì cười:
- Thế là em nhận làm vợ anh rồi nhé - Rồi Túc nhại lại bài hát - “Có cơm ăn, ta về... ta về với vợ ta thôi”.
Miện lườm Túc:
- Chỉ được cái khéo mồm. Nhưng mà liệu trốn công an được bao nhiêu ngày đây.
Túc thở dài:
- Sao mà cái lão Thư ngu đến thế. Tiền thiếu gì mà lại vẫn lao vào đi buôn ma túy.
- Sao sáng nay, em ra chợ, thấy người ta kháo nhau là trong vụ Giám đốc Công ty Anh Thư buôn ma túy là do lái xe lợi dụng xe của giám đốc, rồi chế tạo một ngăn nhỏ để chứa hàng. Chính tay Thư cũng có biết gì đâu? Có đúng là anh không?
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong