“Công nhân Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ đào giếng đứng!”
Được khởi công từ năm 2009, dự án khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo là dự án hầm lò đầu tiên do “nội lực” Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm nhiệm, từ tư vấn, thiết kế đến thi công, xây lắp... Công ty CP Than Núi Béo được Tập đoàn tin tưởng giao làm chủ đầu tư. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã cuộc trao đổi với chuyên gia Mantynenko Vladimir, Chỉ huy trưởng công trường Nhà thầu Gomvina xung quanh tiến độ thực hiện dự án này.
Năng lượng Mới số 367
PV: Ông đánh giá thế nào về dự án này, nếu so với chính các dự án mà ông đã từng triển khai ở các nước bên ngoài lãnh thổ Ukraine?
Chuyên gia Mantynenko Vladimir: Chúng tôi đã triển khai và hoàn tất 3 dự án khai thác than hầm lò ở miền Nam Liên bang Nga và miền Bắc Ấn Độ. Tất cả đều có độ sâu trung bình từ 1.000m đến trên 1.200m. Tất nhiên dự án nào cũng có khó khăn riêng, nhưng với Núi Béo có lẽ địa chất luôn là vấn đề lớn nhất. Những gì thực tế chúng tôi làm đã cho thấy nó có sự khác biệt so với tài liệu địa chất được cung cấp và so với dự tính ban đầu đưa ra.
Trong đó có 3 vấn đề “hóc búa” nhất là: lưu lượng nước, đất đá phay phá (yếu tố địa chất - PV) và cuối cùng là độ cứng của hệ số đất đá cũng khác. Bởi vậy, sau khi triển khai một thời gian, chúng tôi gặp không ít khó khăn, nếu nắm bắt kịp thời, có lẽ mọi việc sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Một vấn đề lớn so với các dự án khác là khí hậu Việt Nam khá nóng khiến thời gian đầu kỹ sư, công nhân của chúng tôi chưa dễ dàng thích nghi ngay được. Về sự thân thiện, điều kiện ăn ở nơi đây thì thật tuyệt vời, đặc biệt là các món ăn mà chị em ở bếp ăn công nghiệp Công ty CP Than Núi Béo nấu.
PV: Báo cáo mới đây nhất của Công ty CP Than Núi Béo có nhắc đến khó khăn trong công tác thoát nước dưới đáy giếng. Hiện tại, sự cố này đã được khắc phục đến đâu, thưa ông?
Chuyên gia Mantynenko Vladimir: Đúng là trước đây chúng tôi rất vướng mắc về công tác thoát nước. May mắn với chúng tôi là thời điểm hiện tại các sự cố về máy móc, trang thiết bị đã kịp thời được thay thế, khắc phục. Hệ thống máy bơm nước dưới 2 giếng đang hoạt động khá tốt, đảm bảo bám sát được tiến độ thi công. Quả thực, vấn đề chính trị bất ổn tại Ukraine đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thay thế vật tư, phụ tùng… đặc biệt là khi hệ thống máy móc gặp sự cố bất ngờ. Một trong số đó liên quan đến công tác thoát nước, dẫn đến tiến độ gặp nhiều cản trở.
PV: Ngoài ra thì dự án này còn vướng vấn đề gì gây ảnh hưởng đến tiến độ, thưa ông?
Chuyên gia Mantynenko Vladimir: Hiện tại có một công việc phát sinh, chúng tôi đang gấp rút giải quyết. Theo kế hoạch, Gomvina phải hoàn thành các hạng mục xuống đáy giếng phụ, tuy nhiên mới đây, TKV giao chúng tôi phải đào 1 gương lò ở mức -350m nối sang giếng chính. Bởi vậy, chúng tôi phải huy động lực lượng sang thi công lò nối dẫn đến tiến độ thi công giếng phụ chậm hơn so với kế hoạch. Dự kiến, việc thi công giếng chính sẽ kết thúc vào khoảng tháng 11-2014, đồng thời chúng tôi sẽ tập trung vật tư, máy móc tiếp tục thi công đường lò bằng.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác, cũng như tay nghề của thợ xây dựng hầm lò Việt Nam?
Chuyên gia Mantynenko Vladimir: Chúng tôi đánh giá rất cao việc hợp tác của các bạn. Các bạn thấy đấy, hằng ngày, hằng giờ chúng tôi cùng các kỹ sư hầm lò 1 luôn sát cánh bên nhau và cũng rất bất ngờ vì các bạn học hỏi rất nhanh trước một công nghệ thi công giếng đứng còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Điển hình như kỹ sư Việt Nam là anh Ngô Bá Dũng (Phòng Kỹ thuật Công ty Xây dựng hầm lò 1 - PV) là một người rất am hiểu công việc của chúng tôi. Điều cản trở lớn nhất là hai bên bất đồng ngôn ngữ, các ý tưởng đều phải nhờ phiên dịch cho nên đôi lúc không hiểu nhau. Nhìn chung thời gian qua, tay nghề của các kỹ sư hầm lò 1 đã nâng cao rất nhiều so với thời gian đầu, tôi hy vọng trong tương lai gần sẽ tiếp tục được hợp tác cùng các bạn thi công những dự án khác.
PV: Để làm chủ công nghệ trong thời gian tới, theo ông thì thợ Việt Nam cần khắc phục những nhược điểm gì?
Chuyên gia Mantynenko Vladimir: Theo đánh giá của tôi, hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng của các bạn trong việc điều hành, làm chủ công nghệ khi dự án đã đi vào hoạt động. Vấn đề chỉ còn ở chỗ, các bạn cần thời gian để tích lũy thêm kinh nghiệm. Theo cá nhân tôi, để trở thành một công nhân đào lò chuyên nghiệp thì thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm rất quan trọng, trung bình cần 3-4 năm. Hơn nữa, các bạn phải tự tìm tòi, học hỏi để có thể thực hiện một lúc nhiều công việc khác nhau một cách linh hoạt. Tôi tin rằng, trong lương lai không xa, thợ lò Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ đào lò giếng đứng.
5 năm qua, các chuyên gia của chúng tôi từ Tập đoàn Mẹ Ukraine qua đây đều tận tình hướng dẫn, không chỉ nâng cao năng lực của đội ngũ xây dựng hầm lò của ngành than, mà còn giúp cán bộ, công nhân viên Công ty CP Than Núi Béo từng bước làm chủ công nghệ, quy trình khi mỏ chính thức đi vào hoạt động.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Dự án khai thác hầm lò mỏ Núi Béo là dự án khai thác hầm lò có quy mô lớn, công nghệ thi công đào lò giếng đứng hiện đại nhất hiện nay của Ukraine đang được các nước trên thế giới áp dụng. Công nghệ khai thác hiện đại, từ các mức -140m và -350m so với mực nước biển, xây dựng hệ thống sân ga, các đường lò xuyên vỉa, dọc vỉa gặp các vỉa than để chuẩn bị các lò chợ cho các tầng -50m đến 140m và -140 đến -350m. Dự án thiết kế gồm 6 lò chợ, trong đó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ khấu than bằng máy Combai kết hợp với dàn chống tự hành tại 2 lò chợ, công suất từ 400 ngàn đến 600 ngàn tấn/năm; 2 lò chợ giá khung di động hạ trần thu hồi than nóc, công suất 250 ngàn tấn/năm và 2 lò chợ giá khung di động khai thác hết chiều dày vỉa, công suất 200 ngàn tấn/năm. |
Tùng Kiên (thực hiện)