Từ thuần Việt?
Bạn đọc: Trong tiếng Việt từ nào là từ “thuần Việt”? (Nguyễn Công Trực - Cao Lãnh, Đồng Tháp) - Tôi cũng muốn biết làm thế nào để phân biệt được đâu là từ thuần Việt? (Nguyễn Hoàng Nhật Minh - Chợ Gạo) - Chúng ta tự hào nghìn năm văn hiến, vậy mà đến giờ hình như vẫn chưa có một quyển từ điển tạm gọi là “các từ thuần Việt”?(Dustman Darkcorner - TP HCM)
Năng lượng Mới số 364
Học giả An Chi: Từ “thuần Việt” là từ thuần gốc của tiếng Việt. Từ thuần gốc, tiếng Pháp là “mot hériditaire” còn tiếng Anh là “native word”. Trong cả ba thứ tiếng thì đây đều là những khái niệm không thực sự đơn giản.
Người Pháp thường quan niệm “mot hériditaire” là (những) từ có nguồn gốc Latinh, Francic và Gaulois. Nhưng tỷ lệ của ba thành phần này thì cực kỳ chênh lệch. Tại bài “Histoire du lexique francais” (bbouillon.free.fr), Bernard Bouillon cho biết thành phần của từ vựng tiếng Pháp như sau:
- Những từ gốc tiền - Celtic, có thể đếm trên đầu ngón tay;
- Di sản Gaulois, chiếm 0,08% từ vựng;
- Những từ Germanic và Francic được 1,35%;
- Những từ gốc Latinh, 86,53%, tạo thành cái vốn chủ yếu của tiếng Pháp;
- Những từ vay mượn ở các thứ tiếng nước ngoài chiếm 10%.
Tổ tiên của người Pháp là người Gaulois; ngôn ngữ chính thức của người Gaulois là tiếng Gaulois đã bị tiếng Latinh bình dân (latin populaire) của bọn thống trị La Mã thay thế để trở thành tiếng Pháp ngày nay. Chính vì thế nên cái di sản chính tông Gaulois của tiếng Pháp hiện còn lại chưa được 1% còn cái vốn mà di duệ của dân Gaulois “thừa hưởng” từ bọn thống trị La Mã lại chiếm đến hơn 86%. Nếu gán cho hơn 86% này cái nhãn hiệu “thuần Pháp” thì chẳng khôi hài lắm ru! Đó là ta còn chưa nói đến chuyện nếu nhìn ngôn ngữ như là một hệ thống của những hệ thống (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng) thì tiếng Pháp hiện đại là một ngôn ngữ Roman (langue romane), tức là tiếng Latinh bình dân do tổ tiên của người Pháp nói từ 2070 năm trước trên xứ Gaule, cái vùng đất bây giờ được gọi theo hình dạng tổng quát của nó là nước “Lục Giác [Sáu Góc]” (l’Hexagone). Nhưng dân Pháp không lấy đó làm tự ti vì đối với họ, đây chỉ là “chuyên nhỏ”. Còn chuyện lớn là với cái “lõi ngôn ngữ” kia của bọn cai trị La Mã, tiếng Pháp đã sản sinh ra những Honoré de Balzac, Gustave Flaubert, Victor Hugo và bao nhiêu tên tuổi lớn khác của văn học Pháp và thế giới.
Còn “native word” (từ thuần gốc) trong tiếng Anh thì đã được I.V.Arnold cho biết như sau: “Từ thuần gốc là từ thuộc về cái vốn tiếng Anh gốc như được biết qua những bản viết tay sớm nhất có giá trị của thời kỳ tiếng Anh cổ đại (…). Rồi từ thuần gốc còn được ngữ học lịch sử chia nhỏ thành những từ thuộc vốn Ấn Âu và những từ có nguồn gốc Germanic chung (…). Một phần lớn của vốn từ vựng thuần gốc này gồm những từ thuộc khối có nguồn gốc Germanic chung, tức là những từ có từ tương ứng với nó trong tiếng Đức, tiếng Na Uy, tiếng Hà Lan, tiếng Iceland, v.v...” (The English word, Moskva, 1986, tr.252).
Thư tịch cho việc nghiên cứu và giới thuyết khái niệm từ “thuần gốc” của tiếng Pháp và của tiếng Anh thì thực sự phong phú và thực sự có thể “nhìn bằng mắt” còn tiếng Việt của chúng ta thì không có cái may mắn đó. Thư tịch đã hiếm mà từ nguyên của rất nhiều từ thì hãy còn là những khoảng trắng. Đã thế, quan niệm của các tác giả về “từ thuần Việt” cũng không thống nhất. Mang tính tổng hợp là quan niệm cho rằng từ thuần Việt là (những) từ gốc Nam Á (chung), gốc Môn -Khmer, gốc Việt - Mường và gốc Tày -Thái. Thế là có từ thuần Việt gốc Nam Á (chung), từ thuần Việt gốc Môn - Khmer, từ thuần Việt gốc Việt - Mường, từ thuần Việt gốc Tày - Thái. Dĩ nhiên không phải ai cũng nhất trí với quan niệm này vì có người còn quan niệm hẹp hơn. Trước tình hình này, chúng tôi nhất trí với Cao Xuân Hạo khi ông viết trong bài “Hán Việt và Thuần Việt”:
“Trước hết, phải nói ngay rằng, không làm gì có những từ có thể gọi một cách chính xác là từ “thuần Việt”, nếu định nghĩa đó là những từ do chính người Việt (dân tộc Việt) sáng tạo ra từ đầu, chứ không bắt nguồn từ tiếng nói của một dân tộc hay một tộc người nào khác. Trước khi có tiếng Việt hiện đại đã từng có một thời đại mà tiền thân của nó là tiếng Việt - Mường, bắt nguồn từ một chi của tiếng Môn - Khmer. Liệu có thể nói rằng những từ ngữ Việt - Mường là “thuần Việt” không, hay nói rằng những từ ngữ Môn - Khmer là “thuần Việt - Mường” không? Khó lòng có thể nói như vậy, vì có thể khẳng định rằng tiếng Việt-Mường là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt, cũng như tiếng Môn - Khmer là một ngôn ngữ khác chứ không phải là tiếng Việt - Mường. Vậy có thể coi những từ
Môn - Khmer hay những từ Việt-Mường là thuần Việt không? Hay đó là những từ mà tiếng Việt đã vay mượn của tiếng Môn - Khmer hay tiếng Việt - Mường? Khó lòng có thể chọn một trong hai cách trả lời, vì cả hai đều không đúng” (Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, in lần thứ 3, NXB Trẻ, 2003, tr.79).
Chúng tôi nhất trí với quan niệm trên đây của Cao Xuân Hạo và cho rằng từ “thuần Việt” là một khái niệm thực sự không thích hợp, nghĩa là không nên đặt ra. Nhưng nếu ta chấp nhận nó thì làm thế nào để biết một từ có phải là “thuần Việt” hay không. Không có cách nào khác hơn là phải biết từ nguyên của nó để đối chiếu với tiêu chuẩn của từ thuần Việt, nhất là nếu ta theo quan niệm hep (vì phải loại trừ những từ thuộc các gốc khác). Nhưng từ nguyên lại là chuyện không đơn giản chút nào. Ngay trong một bài có tính chất tổng hợp như “Khái niệm “từ thuần Việt” và “từ ngoại lai” từ góc nhìn của lịch sử tiếng Việt hiện nay” của Trần Trí Dõi (có bản PDF trên mạng) thì ý kiến của tác giả về từ nguyên của một vài từ cũng không có sức thuyết phục. Chẳng hạn ông đã viết:
“Theo cách viết ấy, những từ tương ứng với tiếng Mường như làng, xóm, chồng… và tương ứng với tiếng Tày-Thái như bánh, bắt, đường... đều là những từ thuần Việt”.
Nhưng “bánh”, “bắt” và “đường” đều là những từ gốc Hán, “Bánh” bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [餅] mà âm Hán Việt hiện đại là “bỉnh”, co nghĩa là… bánh. “Bỉnh” [餅] là một chữ thuộc vận bộ “thanh” [清] (vần ANH) nên việc nó có thể đọc thành “bánh” là chuyện hoàn toàn bình thường. Huống chi những chữ cùng một vận mục thượng thanh với nó như “lĩnh” [领] (cổ áo), [嶺] (dãy núi, sườn núi), “kỉnh” [頸] (cổ) đều đã có thể đọc thành “lãnh”, “cảnh”. Còn “bánh” (cũng = bánh) trong tiếng Thái (Tây Bắc Việt Nam) là một từ gốc Việt (Kinh). “Bánh kẻo” (= bánh kẹo) của tiếng Thái thì gần như y chang “bánh kẹo” của tiếng Việt, một cấu trúc đẳng lập rất mới, và có vẻ như vẫn còn toát ra hơi hám của mậu dịch quốc doanh! Còn tiếng Tày - Nùng “pẻng” (= bánh) thì y chang “pẻng” của tiếng Quảng Đông. Thế thì ta nỡ nào ép duyên Việt -Thái hoặc Việt - Tày - Nùng với nhau! Còn “bắt” là một từ gốc Hán bắt nguồn ở từ ghi bằng chư [撥] mà âm Hán Việt hiện đại là “bát”, có nghĩa là… bắt dẹp, trị yên. “Pắt” (= bắt) của tiếng Thái là một từ gốc Việt. “Pắt mạch”, “pắt phạt”, “pắt phu”, “pắt tội” chẳng qua là sao chép các cấu trúc “bắt mạch”, “bắt phạt”, “bắt phu”, “bắt tội” của tiếng Việt. “Păt” của Tày - Nùng cũng là gốc Việt. “Păt ep”, “păt tèn”, “păt vạ” là sao chép các cấu trúc “bắt ép”, “bắt đền”, “bắt vạ” của tiếng Việt. Trường hợp của từ “đường” vẫn có thể bác bỏ được nhưng vì tác giả không nói rõ đây là “đường lộ” hay “đường mật” nên chúng tôi không bàn đến.
Tóm lại, từ “thuần Việt” là một khái niệm không thích hợp vì mơ hồ nhưng nếu chấp nhận nó và muốn biết từ nào là thuần Việt thì phải biết được từ nguyên của nó mà từ nguyên của nhiều từ lại không phải là điều dễ tìm. Vì vậy nên ý tưởng về một quyển từ điển những từ thuần Việt hãy còn là chuyện viển vông nhưng việc không có một quyển từ điển như thế không phải là cái lý để ta băn khoăn xem có xứng đáng với nghìn năm văn hiến hay không.
A.C