Chiêu trò PR: Ngộ độc… sex!
Có lẽ, công chúng đang bị “ngộ độc” ngày càng nặng với những chiêu trò PR bằng sex, sốc, đồng tính của rất nhiều các sản phẩm văn hóa phim ảnh, ca nhạc, sách gần đây.
Đã qua khá lâu rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, không còn trường hợp một sản phẩm nghệ thuật hay là một nghệ sĩ sẽ tự được công chúng biết đến bằng chính sức hút vốn có mà không cần đến một chiến lược quảng bá rầm rộ. Ngày trước, nghệ sĩ chỉ được công chúng ái mộ khi họ có những tác phẩm hay, nếu không nói là thật sự xuất sắc, gây được tiếng vang lớn. Cũng vậy, một tác phẩm nghệ thuật như một bộ phim, một đĩa nhạc, một vở kịch thật sự ăn khách chỉ khi nào nó là một tác phẩm hấp dẫn thật sự.
Ngày nay thì khác, khi báo chí, nhất là báo mạng và mạng xã hội phát triển cực mạnh, một gương mặt nào đó đã trở thành người của công chúng trước khi chính thức có một tác phẩm. Tương tự, hầu hết các sản phẩm nghệ thuật đều được công chúng quan tâm từ khi nó chỉ mới là ý tưởng. Tất cả là nhờ vào các chiêu trò PR.
Cảnh trong phim "Đập cánh giữa không trung"
PR rõ ràng là một điều cần thiết trong bối cảnh truyền thông hiện tại, PR cũng không có gì là xấu bởi bản thân công tác PR chính là việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với công chúng. PR không xấu, mục đích PR cũng không xấu mà chỉ có cách thức PR của nhiều người là không được đẹp mà thôi.
Vài năm trở lại đây, công chúng đang có cảm giác bị “ngộ độc” ngày càng nặng với những chiêu trò PR của các sản phẩm mang danh là văn hóa cũng như những gương mặt được gọi là nghệ sĩ. Từ các bộ phim, các vở kịch, các videoclip của ca sĩ, thậm chí cho đến một quyển sách cũng đều dùng yếu tố sex, sốc, đồng tính để câu khách. Những “nghệ sĩ” thì lột đồ khoe thân, phát ngôn gây sốc, “lộ” cảnh giường chiếu để thu hút sự chú ý của công chúng về mình.
Chiêu trò phản cảm của người giới biểu diễn chúng ta đã bàn quá nhiều, trong bài viết này xin chỉ bàn sâu về khía cạnh PR các sản phẩm văn hóa. Lấy ví dụ điển hình trong thời gian gần đây nhất, hàng loạt các phim Việt ra mắt công chúng đều dùng sex, đồng tính để PR. Đó là “Đập cánh giữa không trung” (ĐD Nguyễn Hoàng Điệp), “Bước khẽ tới hạnh phúc” (ĐD Lưu Trọng Ninh), Lạc giới (ĐD Phi Tiến Sơn), Hương Ga (ĐD Cường Nguyễn)... Các trailer, teaser và những hình ảnh về cảnh “giường chiếu” trong các phim này được các nhà sản xuất phim này tung ra để làm “mồi” tạo sự lôi cuốn khán giả. Có thể nói, đó là yếu tố cần thiết trong chiến dịch PR cho phim mà các nhà sản xuất phim đang nhắm tới.
Trailer của các phim trên đều xuất hiện những cảnh cặp đôi nam nữ “yêu”, cảnh cởi đồ, cảnh khỏa thân… Ngoài ra, nội dung PR trong các bài viết về những phim này cũng không thiếu việc nhắc đến sex. “Đập cánh giữa không trung” đã bị Hội đồng duyệt yêu cầu cắt bỏ một số chi tiết về hình ảnh phản cảm không phù hợp với văn hoá Việt Nam, cùng một số lời thoại thô tục. “Bước khẽ tới hạnh phúc” cũng phải dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi vì cảnh nóng. “Lạc giới” thì cũng dùng sex và đồng tính câu khách, đặc biệt là vấn đề đồng tính như nội dung phim đề cập.
Phim "Hương Ga"
Trung Dũng - diễn viên chính trong phim thừa nhận anh chính là người đang PR cho phim bằng cách “úp mở” chuyện đồng tính. Đương nhiên, với một diễn viên được yêu mến bởi vẻ nam tính, chuyên trị những vai gai góc như Trung Dũng bỗng một ngày tung loạt ảnh “khoe thân”, miệng thì cứ luyên thuyên về tình yêu đồng tính, thậm chí là “sẵn sàng cưới người đồng tính”… thì khán giả không “sốc” mới là chuyện lạ. Mà khán giả “sốc” thì xem như phim đã PR thành công!
Mới đây, một cô gái trẻ 27 tuổi, tự xưng là đã có 5 năm làm truyền thông đã có tuyên bố sốc “nói không với sex trước hôn nhân”, nhân sự kiện ra mắt cuốn sách “Đừng chết vì yêu”. Trinh tiết, màn trinh rồi đến cả đức hạnh của người phụ nữ Việt… được cô gái này lôi ra bàn luận và qua đó còn mạnh mồm chửi rủa người khác nhân danh đạo đức, thuần phong mỹ tục.
“Với tôi trinh tiết là một trong những thước đo chuẩn mực làm nên giá trị của Con người bao gồm cả Người đàn ông và Người phụ nữ. Nếu một người luôn nói rằng tôi làm theo bản năng, theo ham muốn của mình, sẵn sàng sex với bất cứ ai mà họ có thấy hứng thú, vậy thì con người cũng không khác con vật là bao, bởi Con người là động vật bậc cao, chúng ta hơn các loài vật khác ở điểm là chúng ta có ý thức”.
Hay “người phụ nữ quá buông thả bản thân mình, luôn ngụy biện đòi bình đẳng giới bằng việc cho mình có cái quyền lên giường với thật nhiều đàn ông, với bất kì người đàn ông nào, thì tôi cho rằng đó là một người phụ nữ ngu dốt, và thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng giá trị của bản thân cũng như giá trị của phụ nữ nói chung…”.
Những lời trên thường là của một hotgirl tầm phào, ưa nổi loạn nào đó, nhưng đây lại là lời của một người viết sách. Thật không thể tưởng tượng là giờ đây để bán sách, người ta cũng phải dùng đến sex, sốc, thậm chí là chửi người khác như vậy.
Câu hỏi đặt ra là những tác phẩm đó không có gì thu hút ngoài chuyện sex, sốc, đồng tính hay sao?!
"Bước khẽ tới hạnh phúc"
Lẽ dĩ nhiên, không ai cấm đưa cảnh nóng vào trong phim hay việc cảnh nóng xuất hiện trong trailer là không được phép. Có những cảnh nóng vốn là chuỗi liên kết mạch truyện trong phim, nó minh họa cho nội dung phim, được đạo diễn xử lý khéo léo thì đương nhiên cần có. Song, thực tế có nhiều phim hiện nay đưa cảnh nóng vào chỉ để tạo tính tò mò cho người xem nhằm mục đích câu khách là chính. Những cảnh nóng đấy thường xuất hiện một cách đầy khiên cưỡng, được xử lý một cách vụng về về mặt ý tưởng, bối cảnh, bố cục, ánh sáng. Nhưng các nhà sản xuất đang tin vào sức mạnh vô hình khi cố nhồi nhét cảnh nóng vào trailer 2 phút là có thể gây tò mò mà kéo công chúng đến rạp.
Nhưng đó lại là một cách PR sai lầm, là “phản PR” bởi việc lạm dụng chuyện sex đã tạo nên sự phản cảm nặng nề. Giới PR bây gờ nghĩ đơn giản là làm sao để được đăng báo nhiều nhất và tạo được sự chú ý của công chúng nhiều nhất là đạt mục đích. Song, vấn đề quan trọng của PR không phải là gây chú ý mà quan trọng là còn phải tạo được cảm tình với công chúng.
Liệu ai sẽ bỏ tiền ra mua một quyển sách viết về tình yêu của một cô gái vỗ ngực khoe mình chưa mất trinh và lớn tiếng chửi rủa các cô gái khác nhân danh đức hạnh, trinh tiết? Liệu khán giả có hứng thú xem phim vì bộ phim ấy có cảnh ái ân, diễn viên lột đồ? Liệu ai sẽ đến rạp để xem cảnh hai gã đồng tính yêu nhau?...
Và văn hóa nghệ thuật của ta sẽ đi về đâu nếu như để tạo sự thu hút cho các sản phẩm văn hóa thì người ta chỉ biết dùng sex, sốc, đồng tính?!
Trúc Vân