Nhập khẩu Than: Một số việc cần làm ngay
Cùng với sự phát triển kinh tế, những năm tới, nhu cầu than trong nước sẽ tăng cao. Nhiều tập đoàn và các tổng công ty sẽ phải nhập khẩu than để đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn than nhập khẩu ổn định, lâu dài thì còn rất nhiều vấn đề cần làm.
Năng lượng Mới số 358
Phải cạnh tranh quyết liệt
Việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là từ sau năm 2015 trở đi, khi nhu cầu than tăng mạnh và trong nước không thể đáp ứng đầy đủ. Theo Quy hoạch điện VII, dự tính trong những năm tới, khi một loạt các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, nhu cầu tiêu thụ than trong nước sẽ tăng mạnh. Chính phủ đã giao cho ngành than, ngoài việc khai thác than trong nước, còn phải có nhiệm vụ làm đầu mối chính nhập khẩu than để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành điện.
Theo kế hoạch thì từ năm 2015 trở đi đã phải nhập khẩu than và đến năm 2020 than cần cho điện tối thiểu khoảng 67 triệu tấn/năm. Dự báo, chỉ tính riêng năm 2015, cân đối sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất than với nhu cầu tiêu thụ trong nước đã thiếu khoảng 1,3 triệu tấn than cần phải nhập khẩu. Cho thấy sản lượng than trong nước không thể đáp ứng đủ, khi điều kiện khai thác lộ thiên ngày càng cạn kiệt phải xuống sâu. Nhiều mỏ mới còn đang trong quá trình triển khai, xây dựng nhưng gặp nhiều khó khăn về tiến độ, về nguồn vốn v.v...
Nhập khẩu than là giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho những năm tới
Bài toán nhập khẩu được đưa ra đã phần nào giảm bớt sức ép với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tuy nhiên lời giải nhập than thật không dễ dàng.
Nhập khẩu than có ổn định, lâu dài hay không? Đó là một trong những câu hỏi lớn đặt ra hiện nay trong bối cảnh an ninh năng lượng thế giới diễn biến ngày càng phức tạp. Vì lẽ đó, khó tránh khỏi chuyện cạnh tranh về giá giữa các nước, đặc biệt để đàm phán với đối tác nước ngoài ký hợp đồng cung cấp than dài hạn, có tính chiến lược là cực kỳ khó khăn, bởi phần lớn thị trường do các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... là các quốc gia có tiềm lực đang nắm giữ. Mặc dù ngành than đã đi thăm dò một số nước có khả năng xuất khẩu than như: Indonesia, Australia và một số nước khác và được biết việc mua than của các nước này là không đơn giản, đặc biệt là than dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Đó là còn chưa tính đến phương án Chính phủ Indonexia đã có chủ trương duy trì than bitum xuất khẩu ở mức 150 triệu tấn/năm để dành than cho tiêu dùng nội địa.
Như vậy, việc nước ta mới tham gia thị trường nhập khẩu sẽ gặp không ít những khó khăn, thách thức. Đã có chuyên gia cho rằng, việc nhập khẩu than dài hạn với số lượng hàng chục triệu tấn cần phải có những phương án mua mỏ than (mua quyền khai thác) giống như một số nước. Tuy nhiên, việc đầu tư này quá mới mẻ với TKV và chưa đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai sớm được. Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Cảnh Nam, để giải bài toán nhập khẩu than thì điều kiện cần là phải xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược nhập khẩu và đầu tư ra nước ngoài để khai thác than rồi đưa về phục vụ trong nước, đồng thời, có các giải pháp về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác đầu tư ra nước ngoài khai thác mỏ, nhất là chính sách bảo lãnh mua quyền khai thác mỏ.
Những bước chạy đà
TKV đã từng thí điểm nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia than để cung cấp cho thị trường phía nam và mới đây, tàu YIN PU chở 41.500 tấn than antraxit được TKV nhập khẩu từ Liên bang Nga đã cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây là chuyến tàu đầu tiên nhập khẩu than thí điểm của TKV từ Liên bang Nga về khu vực phía Bắc. Đây cũng là lô than đầu tiên có chất lượng cao được nhập khẩu về để cung cấp cho thị trường nội địa, các nhà máy nhiệt điện, sẵn sàng đáp ứng một phần nhu cầu than cho điện khi nhu cầu nội địa tăng. Mặc dù là giai đoạn khởi đầu cho lộ trình nhập khẩu than từ năm 2015, song đã bước đầu chứng minh với giá than nhập khẩu từ Indonesia cộng với chi phí vận chuyển thì cung ứng chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện tại khu vực miền Trung và miền Nam sẽ kinh tế hơn so với việc khai thác và vận chuyển than từ các mỏ phía Bắc.
Theo tính toán, than nhập khẩu từ Indonesia về Đồng Nai rẻ hơn than vận chuyển từ Quảng Ninh vào Đồng Nai vào khoảng 14USD/tấn. Tuy nhiên, chiến lược dài hơi để đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới, Tập đoàn đang tập trung vào các dự án khai thác mỏ có công suất trên 2 triệu tấn/năm như Khe Chàm III, Núi Béo để không ngừng tăng sản lượng khai thác, tiếp đến là Khe Chàm II-IV công suất 3,5 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2017 sẽ xây dựng xong...
Cùng với TKV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đang tiến hành các thủ tục để tìm kiếm nguồn hàng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của mình với nhu cầu tiêu thụ than nhập sẽ khoảng 10 triệu tấn than/năm. Ngoài nguồn than do TKV chủ động sản xuất và nhập khẩu để phục vụ các nhà máy điện theo cam kết, EVN dự kiến sẽ nhập khẩu để đáp ứng yêu cầu. PVN cũng đang chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu cho 5 nhà máy nhiệt điện than nằm trong quy hoạch với tổng công suất 6.000MW, trong đó, 3 nhà máy sẽ dùng than ngoại là Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1. Bước đầu đã ký một số hợp đồng khung và biên bản ghi nhớ về mua bán than dài hạn với các đối tác Indonesia và Australia, dự kiến cuối năm nay sẽ đàm phán hợp đồng mua bán chính thức, với khối lượng nhập cam kết trên 10 triệu tấn/năm.
Nguyễn Kiên