Đường bay thẳng - vẫn phải đợi!
Quá trình bay thử nghiệm với buồng lái giả định (SIM), đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua không phận hai nước Lào và Campuchia đã rút ngắn thời gian bay được 5 phút so với đường bay hiện tại, tiết kiệm được quãng đường 85,2km và 190kg dầu. Nhưng đấy là… trên máy, còn thực tế thế nào thì vẫn phải đợi. Tuy vậy, hành khách đi máy bay có quyền hy vọng về một sự thay đổi căn bản trong cung cách phục vụ của ngành hàng không - từ câu chuyện lần này.
Việc nghiên cứu mở đường bay mới không phải việc mang tính “thời vụ” của ngành hàng không mà đã nằm trong một đề án tổng thể nhằm cải cách toàn diện từ cơ sở vật chất dưới đất cho đến những đường bay, chặng bay sao cho hiệu quả nhất. Cũng vì thế mà trong buổi họp với các cơ quan chức năng của ngành hàng không và các hãng hàng không mới đây vị Tư lệnh ngành giao thông liên tục nhắc nhở: Tất cả các đơn vị liên quan đến hàng không, kể cả các hãng hàng không tư nhân phải nhận thức được rằng, việc điều chỉnh đường bay, tiết kiệm chi phí là việc của chính mình, không nên cho rằng đó là mệnh lệnh từ cấp trên áp xuống. Vị tư lệnh cũng khẳng định: Mọi sự nghiên cứu thay đổi trước hết là để phục vụ hành khách.
Sự thúc ép liên tục từ lãnh đạo khiến việc nghiên cứu đường bay thẳng được tiến hành ở tốc độ cao nhất, với sự nỗ lực đầy quyết tâm của tất cả các bên. Nhìn lại tổng thể, đề xuất nghiên cứu đường bay thẳng này được đưa ra vào giữa tháng 7, trong một cuộc họp của Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) và Bộ Giao thông Vận tải nhằm tối ưu hóa các tuyến đường hàng không hiện nay. Ngay lập tức, Cục Hàng không, Tổng Công ty Quản lý bay… đã vào cuộc, xây dựng các phương án bay dựa trên thông số kỹ thuật của JICA (Nhật Bản) cung cấp, làm việc với Lào và Campuchia để “mở đường” trên không. Cho tới thời điểm này, tức là sau 2 tháng triển khai, ít nhất chúng ta cũng biết - con đường này không hề “trải hoa hồng” như một số chuyên gia đã từng quả quyết. Còn chuyện “con đường” này ngắn hơn tới 400km như một vị tiến sĩ tự phong dám khẳng định thì là chuyện hoang tưởng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì tại cuộc họp
Đường bay thẳng đang vướng ở đâu?
Cho tới thời điểm này, có 2 khó khăn chính đang cản trở đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất
Trước hết, mực bay và chi phí qua nước bạn Lào chưa thể đàm phán đến kết quả cuối cùng. Là đầu mối tập trung trong “dự án” đường bay này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thành khẳng định: Hai nước Lào và Campuchia đều ủng hộ chúng ta trong việc mở đường bay này, bởi lẽ tính như hiện tại, cứ nhân lên 73 chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn thì việc thu phí quản lý bay của Lào và Campuchia là rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta lại đang gặp khó khăn trong quá trình đàm phán sử dụng tầm bay và chi phí qua không phận của hai nước này. Cho đến nay, qua hai lần đàm phán, Lào chỉ cho bay ở tầm trong dải từ FL240 đến FL280 (dưới 10.000m). Lý do nước bạn giới hạn độ cao như vậy là vì trang bị kiểm soát bay vẫn lạc hậu, chưa thể kiểm soát một lượng lớn máy bay tầm cao - điều này đã được Tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Đinh Văn Thắng khẳng định. Chúng ta cũng không thể mạo hiểm bằng mọi cách đạt được tầm bay tối ưu nếu không kiểm soát được tốt nhất an toàn bay. Chính vì lý do đó, hiệu quả đường bay thẳng sẽ bị giảm đi đáng kể.
Một điều vướng nữa đó chính là những khu vực cấm bay được thiết lập xung quanh các thành phố lớn và khu vực huấn luyện bay quân sự.
Liên quan đến chi phí khi khai thác đường bay qua không phận Lào và Campuchia, ngay lập tức người đứng đầu ngành giao thông quả quyết, chúng ta phải đánh bài ngửa, sòng phẳng, công khai. Phải công bố tổng số lợi nhuận chênh lệch khi khai thác đường bay thẳng và đường bay hiện hữu trong quá trình đàm phán, nếu cần thì công khai luôn cả tỷ lệ “ăn chia”. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định sẽ đứng ra để đàm phán tiếp nếu Cục Hàng không “bó tay” và cũng không loại trừ khả năng nhờ Chính phủ đứng ra can thiệp. Chúng ta sẽ “tiếp cận” phía bạn bằng mọi cách để tìm ra một chi phí và giải pháp hợp lý.
Theo ông Đinh Việt Thắng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, trong mọi trường hợp có đường bay thẳng vẫn tốt hơn không có, như thế sẽ giải quyết được tổng thể về hệ thống đường bay. Nếu các hãng hàng không không lên lịch bay, thì 1 năm trong mùa thời tiết xấu có trên 100 chuyến bay phải bay theo hướng Tây qua không phận Lào, Campuchia. Hai nước bạn cũng đã chấp nhận trong những ngày thời tiết xấu mới cho máy bay bay đường này. Vì kỹ thuật và trình độ kiểm soát không lưu của Lào còn nhiều hạn chế nên Tổng Công ty Quản lý bay đã đề xuất phương án sẽ phân luồng chiều Hà Nội - TP HCM và ngược lại theo 2 đường khác nhau. Đây là phương án được cho là tối ưu nhất, vừa tận dụng được đường bay mới (nếu có) đồng thời cũng giảm bớt chi phí cho các hãng hàng không vì chỉ phải trả phí quản lý quốc tế một chiều.
Còn theo ông Phan Xuân Đức - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, trong 5 năm qua, Vietnam Airlines đã nắn chỉnh 20 đường bay, tiết kiệm 4.300 giờ bay. Dù chưa có tính toán đầy đủ, nhưng đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh sẽ tiết kiệm 5 phút. Dù ít nhưng rất quý giá về thời gian và kinh tế.
Tham gia đóng góp ý kiến buổi họp, Trung tướng Phương Minh Hòa - Tư lệnh Quân chủng PKKQ (Bộ Quốc phòng) cho hay, kết quả bay thử có sự tinh toán, đáng tin cậy. Chúng ta phải quyết tâm cao độ mở đường bay này. Mở thì chúng ta có phương án dự bị, nếu không mở thì chung ta chẳng có đường bay dự bị nào. Về các vùng cấm, Quân chủng PKKQ sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng để tháo gỡ những điểm bay qua không phận quân sự huấn luyện.
Khó cũng phải làm
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu tham gia buổi họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ xem xét lại quy hoạch vùng trời. Đồng thời yêu cầu các cảng hàng không tính toán làm sao sử dụng hiệu quả nhất vùng trời hàng không. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kết cấu hạ tầng hàng không. Các cơ quan liên quan phải tập trung triển khai, hoàn thành tiến độ và chất lượng mở rộng Cảng Tân Sơn Nhất, Nhà ga T2 Nội Bài…
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục nghiên cứu các đường bay thẳng, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đồng thời nghiên cứu nắn lại các đường bay cho thẳng hơn là trách nhiệm của của tất cả đơn vị liên quan, trước hết là của ngành Hàng không.
Tổ công tác nghiên cứu đường bay thằng tiếp tục thống nhất lại đường bay, sớm làm việc với cơ quan hàng không của Lào và Campuchia. Nghiêm cấm các hành động mang động cơ thắng thua, mà là trách nhiệm đối với người dân, không phải để chứng minh điều gì.
Trong tháng 9-2014, Cục Hàng không phải có báo cáo để Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ trưởng Giao thông Vận tải 2 nước bạn Lào, Campchia. Nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ để giải quyết. Trong tháng 10 chúng ta sẽ có kết quả cuối cùng về việc nắn thẳng đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Thiên Minh - Bảo Sơn