Chuẩn bị cho việc nhập khẩu than
Xác định rõ mục tiêu kể từ năm 2015 nhu cầu tiêu thụ than tăng mạnh, đặc biệt nguồn than cho các dự án nhiệt điện. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho việc nhập khẩu than hiện nay đang được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gấp rút chuẩn bị để đáp ứng chiến lược giữ vững an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.
Năng lượng Mới số 356
Chủ trương cân đối than và bài toán nhập khẩu than đã được tính tới từ lâu khi sản lượng khai thác trong nước được dự báo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai. Theo tính toán của các chuyên gia, sau năm 2015 trở đi, khi nhu cầu than tăng mạnh và trong nước không thể đáp ứng đầy đủ, nhất là lượng than cho các dự án nhiệt điện. Tuy nhiên, thời gian qua, trước tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đã kéo theo những thay đổi trong bài toán năng lượng phục vụ phát triển nên các cơ quan hoạch định đang phải xây dựng lại những định hướng, kế hoạch mới trong sản xuất, khai thác, tiêu thụ than cũng như đầu tư các nhà máy điện than, điện khí trong thời gian tới. Việc nhập khẩu than cho sản xuất điện là vấn đề hết sức cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh thiếu nhiên liệu hiện nay. Thời gian không còn nhiều, bởi vậy việc nhập khẩu than cho điện những năm tới là giải pháp cần thiết của 3 tập đoàn chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng TKV, PVN và EVN.
Theo tổng hợp của Bộ Công Thương, cân đối cung - cầu than hiện đang thực hiện theo nguyên tắc: Than sản xuất trong nước (từ loại cám 4 trở xuống) cân đối cho điện trước, còn lại dành cho các lĩnh vực tiêu thụ khác trong nước. Tính toán thực tế cho thấy, thời điểm nhập khẩu than cho điện sẽ có thể đến sớm hơn, khối lượng nhập khẩu tăng do khả năng huy động sản lượng than toàn ngành có sụt giảm so với quy hoạch được duyệt. Một số nhà máy nhiệt điện giãn tiến độ vào vận hành sau năm 2020 so với quy hoạch được duyệt, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ than sau năm 2020 tăng.
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại
Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo TKV chủ động và tích cực trong việc thực hiện vai trò đầu mối chính trong việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện trong nước. Cũng trong chỉ đạo của Phó thủ tướng, ngay từ bây giờ cả 3 tập đoàn cần khẩn trương ký hợp đồng nguyên tắc hoặc biên bản ghi nhớ dưới sự xem xét của Bộ Công Thương trong việc cung cấp than với các đối tác nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn than ổn định, phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo TKV đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư cảng trung chuyển than Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên tinh thần này, hiện nay TKV và PVN đã và đang tích cực chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này. Bước đầu, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ TKV và Tổng Công ty Đông Bắc phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện tốt nhiệm vụ là đầu mối nhập khẩu than cung cấp cho các hộ tiêu thụ than trong nước nhằm bảo đảm việc nhập khẩu có hiệu quả, duy trì nguồn cung ổn định dài hạn, chất lượng phù hợp với yêu cầu của các hộ tiêu thụ than với giá cạnh tranh. Các dự án điện của các Tập đoàn và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than trực tiếp cần được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
TKV đã chính thức giao Công ty CP Xuất nhập khẩu Than (Coalimex) làm đầu mối cho công tác nhập khẩu than. Được biết, Coalimex có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc nhập khẩu than từ năm 2010, theo đó, đơn vị đã cắt cử cán bộ tìm hiểu, nắm bắt kỹ những thị trường tiềm năng như Malaysia, Nga, Indonesia, Australia… Thông qua Coalimex, đối tác Indonesia và Malaysia đã cung cấp được hơn 180 nghìn tấn than Á Bium là loại than không tro, nhiệt lượng cao, hàm lượng lưu huỳnh thấp ít gây tổn hại đến môi trường đã được sử dụng thử nghiệm tại nhà máy điện của Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng).
Đối với PVN, để chủ động nguồn than cho các dự án nhiệt điện trong ngành, công tác này được giao cho Công ty Nhập khẩu và Phân phối Than Điện lực Dầu khí (PV Power Coal) tập chung vào hai thị trường lớn nhất khu vực là Indonesia và Australia nhằm đảm bảo nguồn than nhập khẩu phù hợp và ổn định dài hạn. Công ty cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư để giành quyền mua than dài hạn từ các mỏ than khác, tăng thêm cơ hội chủ động về nguồn nguyên liệu vận hành các nhà máy điện dùng than nhập khẩu. PV Power Coal đã ký một số hợp đồng khung về cung cấp than dài hạn (COFA) giữa Ensham của Australia với khối lượng cam kết khoảng 3 triệu tấn than/năm và dự kiến cuối năm 2014 sẽ tiến hành đàm phán mua bán than chính thức với các đối tác này. Bên cạnh đó, PV Power Coal tập trung phát triển cơ sở hạ tầng trong việc tiếp nhận và chuyển tải than cho các dự án nhiệt điện. Đồng thời, công ty tiến hành tiếp xúc, làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải đường biển hàng đầu khu vực tiến tới hợp tác trong vấn đề thu xếp phương tiện vận chuyển than về các nhà máy.
EVN đã phối hợp với PVN nghiên cứu phương án sử dụng cảng Trung tâm Điện lực Duyên hải làm cảng trung chuyển than để cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 trước khi cảng trung chuyển than khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đưa vào vận hành... EVN cũng đang chủ động làm việc với TKV các nhà thầu, đơn vị tư vấn để nghiên cứu việc sử dụng than nhập khẩu cho các nhà máy điện: Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 đã được thiết kế sử dụng loại than Antraxit; các giải pháp kỹ thuật cần thực hiện để có thể đốt được than nhập khẩu.
Nguyễn Kiên