Về chủ trương cho vay tín chấp:
Sợ... “thả gà ra mà đuổi”?
Tăng trưởng tín dụng chưa đạt được như kỳ vọng, nguồn vốn “ách” ở ngân hàng khiến doanh nghiệp dù “khát” nhưng cũng chỉ đứng nhìn. Những biện pháp mạnh đã và đang được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông dòng vốn, trong đó có khuyến khích vay tín chấp - vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Năng lượng Mới số 355
Thủ tướng Chính phủ trong văn bản chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và ngân sách cuối năm đã nêu rõ: “Khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây”. Đích thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay không có đảm bảo bằng tài sản…
Rõ ràng, cơ quan quản lý Nhà nước đã bật đèn xanh cho các tổ chức tín dụng để rộng đường triển khai việc cho vay tín chấp, nhưng thực tế cho tới thời điểm hiện tại phía các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng không mặn mà gì với hình thức cho vay này. Lý do tại sao?
Thông tin là niềm tin
Thực tế thì việc cho vay tín chấp ở nước ta cũng đã có tiền lệ, các ngân hàng đã triển khai hình thức này từ lâu - đặc biệt là đối với khách hàng truyền thống và được đánh giá tín nhiệm cao. Đơn cử như ở TP HCM, NHNN đã công bố con số 17% tổng hạn mức vay vốn là tín chấp - thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Nhưng lẽ dĩ nhiên, ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã phải “thông tỏ” về nhau nhiều năm rồi thì mới dám cho vay kiểu này. “Thông tỏ” có thể hiểu theo nhiều cách, đơn giản nhất là ngân hàng nắm được dòng tiền của doanh nghiệp, kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa kể là những mối quan hệ làm ăn được hình thành qua nhiều năm…
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng trăn trở: Ngân hàng cần phải nắm cả việc chậm nộp thuế của doanh nghiệp, rồi thì thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước như thế nào… thông tin nghe rất nhỏ nhặt nhưng đủ để cung cấp cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp. Ở nước ngoài, việc cho vay tín chấp tương đối dễ dàng, bởi vì tất cả các thông tin đều minh bạch, rõ ràng và được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu một cách cẩn trọng. Đây là điều rất khó khăn đối với môi trường ở Việt Nam hiện nay. Phải nói thêm, những dữ liệu này phải được lưu trữ, so sánh và đánh giá trong tối thiểu 5 năm: Đây được coi là thời gian mang tính chu kỳ lên - xuống trung bình của doanh nghiệp đã được quy định trong các công ước quốc tế.
Các ngân hàng, với khả năng hạn chế về việc lấy thông tin của doanh nghiệp, có một cách khác để tiếp cận: Đó là Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) - trực thuộc NHNN Việt Nam. Đây là trung tâm có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích và xử lý các thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý. Kho dữ liệu của CIC đã và đang được kỳ vọng là một nguồn thông tin hữu ích cho các tổ chức tín dụng nhằm “thông tỏ” các doanh nghiệp đang tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin từ CIC cũng đã gây không ít băn khoăn cho các tổ chức tín dụng.
Chúng tôi tình cờ được chứng kiến cuộc tranh luận khá gay gắt giữa một bên là đại diện NHNN, bên kia là đại diện của một NHTM trong việc sử dụng thông tin từ CIC. Bên nào cũng có cái lý của mình xung quanh việc đánh giá tín dụng từ CIC. Theo phía NHTM, thông tin từ CIC sẽ chỉ mang tính chất tham khảo, còn NHTM sẽ phải dựa một hệ thống quản lý thông tin riêng biệt của mình. Nhưng xây dựng hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin thì vô cùng khó khăn và “ngốn” khủng khiếp - theo như cán bộ quản lý rủi ro ở một NHTM cho biết, chúng ta mới chỉ “chập chững” những bước đầu tiên, nguồn lực và con người đều chưa sẵn sàng.
Hơn nữa, thông tin tín dụng từ bên thứ 3 như CIC hoặc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng không đầy đủ và nhiều rủi ro. CIC đi theo một mình một chuẩn và chắc chắn sẽ có độ vênh với “chuẩn” của các hãng xếp hạng quốc tế, NHTM biết đi theo hướng nào? Còn khi khách hàng gặp “sự cố” thì ngân hàng là bên thiệt hại trước hết, rất khó để quy trách nhiệm cho bên cấp thông tin tín dụng. Ví dụ như mấy hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, S&P cũng đã từng “phủi tay” về những đánh giá “toàn A” đối với các tổ chức tín dụng bên bờ vực phá sản trong đợt suy thoái của kinh tế Hoa Kỳ năm 2008.
Sản xuất nông nghiệp là ngành đang rất cần được tạo điều kiện cho vay tín chấp
Vì vậy, việc cho vay tín chấp vẫn sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới bởi hệ thống thông tin tín dụng của chúng ta mới trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Và kể cả khi hệ thống này được hoàn thiện đi chăng nữa thì việc “nhập nhèm” trong nhiều khâu kinh doanh ở Việt Nam sẽ vẫn là một trở ngại lớn để đem lại những đánh giá chính xác cho các ngân hàng, lúc đó thì vay tín chấp sẽ là một con dao mà các tổ chức tín dụng “nắm đằng lưỡi”. Như vậy, các ngân hàng có lý do để cứ “nhắm mắt” đối với hình thức cho vay này.
Giải pháp nào cho tín chấp?
Cho vay tín chấp hiện nay là một giải pháp hay và có khả năng hồi sinh các doanh nghiệp đang “chết lâm sàng”. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay không có đủ tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn sản xuất, trong khi họ vẫn có thể tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, với các nhà sản xuất nông nghiệp thì tài sản thế chấp là một thứ rất “xa vời”. Nhưng làm thế nào để phương thức cho vay này có hiệu quả thì là cả một vấn đề.
Ngân hàng Nhà nước sau khi “bật đèn xanh” cũng đã có động thái kết nối các doanh nghiệp và NHTM: Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định một vài kết quả khả quan tại một số tỉnh, khi đích thân lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã cùng ngồi lại với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh và đại diện các NHTM….
Đó chỉ là một cách làm mang tính “thời vụ” bởi những khó khăn trước mắt không dễ gì giải quyết trong ngày một ngày hai, để tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ra thị trường.
Cũng từng có ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng: Các ngân hàng nên xem xét lại cả hệ thống thẩm định tài sản và tín dụng của mình. Câu chuyện của TS Lê Thẩm Dương trong một buổi hội thảo được NHNN tổ chức cuối năm ngoái sẽ là bài học đáng giá cho các ngân hàng. Theo ông Dương, bây giờ các NHTM cứ mang những người được đào tạo về ngành ngân hàng, tài chính đi thẩm định các dự án kinh doanh là không ổn chút nào. Thực tế là họ không biết gì về “trồng như thế nào và nuôi như thế nào” kể cả thiết bị máy móc sản xuất công nghiệp.
Câu chuyện có lẽ là đùa vui nhưng cũng đầy sâu cay: Tại một ngân hàng trên vùng Đắk Lắk, Lâm Đồng, rất nhiều dự án nông nghiệp, rủi ro rất cao nhưng nợ xấu lại không có, nông dân vay vốn sản xuất luôn được hiệu quả cao, trả tiền đúng hạn. Bởi lẽ phòng giao dịch này có 2 người thẩm định dự án, một người lớn tuổi thì am hiểu về cây công nghiệp như điều, tiêu, cao su… người kia thì biết rõ về gia súc, gia cầm, vật nuôi... Thế là mọi dự án, mọi đơn xin vay vốn đều được xem xét kỹ lưỡng không chỉ trên góc độ người cho vay mà còn như một “nhà nông đích thực”, họ không chỉ giúp người nông dân về hồ sơ vay vốn sao cho đúng, đủ, mà còn tư vấn cả những cách thức trồng trọt, chăn nuôi sao cho khoa học và bài bản.
Các ngân hàng nói chung sẽ rất, rất cần những người thẩm định như thế: Bởi lẽ khi am hiểu một cách rõ nét về dự án, về người đi vay, phía cho vay có thể đẩy dòng tín dụng ra một cách trơn tru hơn mà không cần một sự đảm bảo bằng tài sản ở hướng ngược lại.
Bảo Sơn