Nữ sinh 3 lần được vinh danh thủ khoa
Đỗ đầu vào khối D1 đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội với 24 điểm, Nguyễn Đức Tâm An đã một lần nữa trở thành thủ khoa đầu ra với tấm bằng xuất sắc (9,06/10) và là một trong 132 gương mặt thủ khoa xuất sắc được Thành đoàn Hà Nội lựa chọn để trao tặng bằng khen.
4 tuổi "học lén", đọc thông viết thạo
Sinh ra trong gia đình có truyền thống học tập, bố và mẹ đều là giáo viên tại Hà Nội, vì vậy ngay từ nhỏ, Nguyễn Đức Tâm An đã được tiếp xúc và nảy sinh tình yêu với những con chữ và cuốn sách.
Tâm An kể lại: “Mẹ là giáo viên tiểu học, nên mỗi khi dạy học sinh tại nhà mình thường xuyên nghe lén. Từ đó, những con chữ dường như ngấm vào mình lúc nào không hay".
15 tuổi, Nguyễn Đức Tâm An trở thành thủ khoa của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 18 tuổi, Tâm An tiếp tục đỗ đầu khối D1, ĐH Sư phạm Hà nội, và 4 năm sau, cô nữ sinh này đã tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc (9,06/10).
Thủ khoa Nguyễn Đức Tâm An
Dù đỗ trường THPT Hà Nội - Amsterdam nhưng Nguyễn Đức Tâm An lại lựa chọn học chuyên Văn của ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhớ lại quyết định năm đó, Tâm An chỉ cho rằng “mình chọn chỗ nào còn kém để khẳng định bản thân hơn nữa”.
Sau ba năm học phổ thông, hầu hết bạn bè cùng lớp đều đăng ký Ngoại thương, Kinh tế, chỉ riêng An vẫn tiếp tục theo đuổi nghiệp văn chương khi thi vào khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Lựa chọn này của Tâm An khiến thầy giáo dạy văn ngỡ ngàng và phải gọi điện cho bố mẹ em để hỏi lý do.
Tâm An lý giải: "Vào trường sư phạm càng trở thành ước mơ của mình khi thời gian phổ thông mình được nhiều thầy cô từ trường đại học về dạy. Văn học qua sự truyền đạt đầy nhiệt huyết của thầy cô trở thành những bài học cuộc sống gần gũi và đầy thi vị đã cuốn hút mình từ đó. Thời phổ thông, mình thấy có lẽ văn học là môn duy nhất học sinh được bày tỏ chính kiến của bản thân-điều mà những người trẻ luôn mong mỏi. Tất cả những lí do trên thôi thúc mình phải thi vào trường sư phạm".
Theo nữ thủ khoa, việc học ở trường đại học khác khi bạn còn ngồi trên ghế trường phổ thông rất nhiều. Sinh viên chủ yếu tự nghiên cứu và tự học nhiều. Giảng viên chỉ là những người hướng dẫn, điều tiết hoạt động học cho sinh viên.
Quan trọng nhất là bạn phải xác định mục tiêu học của mình. Bản thân mình may mắn khi sớm xác định mục tiêu phải học thật tốt và nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Tất cả đã mang lại kinh nghiệm cả về học thuật lẫn cuộc sống quý báu cho mình. Khi bạn đã có “con đường đúng” thì sẽ về đích với kết quả tốt thôi.
Chia sẻ về những thành công của mình, nữ thủ khoa tâm sự: “Từ trước đến nay, nếu mình cố gắng hết sức thì đều được đáp trả kết quả xứng đáng. Vì vậy, dù từng nghe nhiều thông tin cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, nhưng mình không cảm thấy lo lắng mà luôn phấn đấu đi lên bằng chính năng lực của bản thân”.
Mong muốn đọc những bài văn "thật"
Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra một đại học lớn với nhiều cơ hội rộng mở, nhưng Tâm An lại chọn THCS Ngô Sĩ Liên - ngôi trường đã từng gắn bó với em suốt 4 năm cấp hai - để dạy học. Chính thức trở thành giáo viên của trường THCS Ngô Sĩ Liên từ ngày 1/8, nhưng Nguyễn Đức Tâm An mới chỉ đứng lớp một buổi.
Sau giờ giảng đầu tiên, cảm nhận được sự thích thú của học trò trước những phương pháp giảng dạy mà mình áp dụng, nữ thủ khoa rất hạnh phúc và coi đó là động lực để mình tiếp tục tìm ra nhiều hướng đi sáng tạo hơn trong công việc.
Tâm An hào hứng chia sẻ: "Học sinh tỏ ra rất tò mò khi biết mình là thủ khoa. Thấy mình còn trẻ nên các em rất thích, nhiều bạn giờ ra chơi còn chạy ra ôm lấy cô".
Nguyễn Đức Tâm An nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Điều Tâm An sợ nhất đó là học sinh không yêu môn học và chưa đáp ứng được những yêu cầu của các em. Vì vậy, cô cho rằng nếu giáo viên chỉ nói những điều các em đã đọc trong cuốn sách học tốt môn Văn thì chắc chắn học sinh sẽ không nghe. Đồng thời, Tâm An mong muốn mình sẽ mang lại những giờ giảng hấp dẫn và tìm ra những phương pháp mới để tạo nên sự hứng thú cho học sinh.
Với quan niệm dạy học khuyến khích học sinh sáng tạo muốn đọc những bài văn thật, nguyên bản, thể hiện cá tính của các em, khi đó giáo viên chỉ là người chỉ dẫn, uốn nắn câu chữ giúp trò hoàn thiện hơn.
Nữ thủ khoa đánh giá: “Điều hay nhất của môn Văn hiện nay đó là chú trọng phần đọc hiểu. Điều đó giúp học sinh hình thành kỹ năng bám sát và thanh lọc thông tin. Các em cần đọc báo, tham gia các trang mạng xã hội tỉnh táo. Đây cũng là điều nhiều phụ huynh mong muốn con em mình làm được”.
Để kích thích sự sáng tạo của học sinh, cô giáo này đã có sẵn trong đầu nhiều đề văn độc đáo và hy vọng những gì mình ấp ủ, tâm đắc sẽ được các em đón nhận và đem lại hiệu quả.
Thành tích học tập, nghiên cứu của Nguyễn Đức Tâm An: Cả 4 năm là sinh viên xuất sắc Học bổng Nguyễn Tuân dành cho sinh viên ngành sư phạm văn của trường Hai năm liên tiếp giành giải Nhất và giải Ba nghiên cứu chuyên ngành văn học nước ngoài của trường. Tham gia đội thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường của khoa và giành giải Nhất. Giành nhiều bằng khen của đoàn đội nhà trường. |
Khánh An