Từ thiện cũng phải… siết!
Sau vụ ba trẻ tử vong trong phẫu thuật từ thiện sứt môi, hở hàm ếch ở Khánh Hòa, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2014/TT-BYT nhằm siết chặt hơn nữa về quản lý khám, chữa bệnh nhân đạo.
Vụ việc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA - Hà Nội) phẫu thuật nhân đạo cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch khiến ba trẻ tử vong ở bệnh viện Quân y 87 (Khánh Hòa) đã khui ra một mớ tồn đọng trong vấn đề quản lý hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo của ngành y.
Song Bộ Y tế đã kịp có động thái tích cực bằng việc ban hành thông tư 30 quy định chi tiết hơn về điều kiện hoạt động, thẩm quyền cũng như thủ tục cấp phép cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo tại Việt Nam.
Thông tư này thay thế cho thông tư 01 quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo, được Bộ Y tế ban hành năm 2002
Khám chữa bệnh nhân đạo
Thông tư mới, đặc biệt chú trọng đến lực lượng nhân sự sẽ trực tiếp tham gia vào công tác từ thiện nên quy định cụ thể: Người đứng đầu về chuyên môn phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp.
Phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề phù hợp với danh mục kỹ thuật chuyên môn mà đoàn đã đăng ký và đã có thời gian hành nghề khám, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng. Đối với khám chữa bệnh nhân đạo bằng y học cổ truyền thì người đứng đầu như lương y phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo đúng quy định. Các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề.
Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với phạm vi chuyên môn được phân công.
Về điều kiện trang thiết bị y tế và thuốc sử dụng trong chương trình khám chữa bệnh nhân đạo phải có xuất xứ rõ ràng. Thuốc sử dụng phải thuộc danh mục thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, còn hạn sử dụng.
Trong trường hợp đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh thì phải được cơ sở đó đồng ý bằng văn bản. Nếu đoàn thực hiện khám, chữa bệnh tại địa điểm khác ngoài cơ sở khám, chữa bệnh thì phải được cơ quan chức năng sở tại đồng ý bằng văn bản.
Ngoài ra, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; tổ chức, cá nhân thực hiện phải gửi báo cáo kết quả hoạt động đến Lãnh đạo Bộ, Sở, Phòng Y tế hoặc đơn vị cấp phép tổ chức hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo này.
Chiểu theo những gì được quy định trong thông tư mới thì Trung tâm phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) đã vi phạm nhiều điều lệ cơ bản về khám chữa bệnh nhân đạo.
Thừa nhận thời gian qua những hoạt động nhân đạo trong ngành y có ý nghĩa xã hội lớn, đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của bà con ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, dưới "mác" từ thiện rất nhiều hoạt động nhân đạo trong ngành y đã vô tình bị… biến tướng. Đã có hiện tượng cơ sở khám chữa bệnh đã lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm, thậm chí làm giàu trên lưng những bác sĩ có chuyên môn bằng cách kêu gọi họ khám chữa bệnh miễn phí nhưng lại…trục lợi không nhỏ từ loại hình này.
Vậy nên, thông tư 30 được ban hành không phải hạn chế mà tiến tới đảm bảo việc thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Được biết, thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014.
Huy An