Ấn Độ và Nhật Bản quyết chống lại chủ nghĩa bành trướng tại châu Á
New Delhi và Tokyo đều quan ngại trước tham vọng bành trướng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương (đều có tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Trung Quốc), và việc này đã thúc đẩy Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Shinzo Abe cùng đưa ra tuyên bố (1-9), nếu châu Á lãnh đạo trong thế kỷ 21, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy khu vực tiến tới một con đường phát triển hòa bình.
Theo ông Narendra Modi, cả thế giới đều biết thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, nhưng hình dạng và chất lượng của nó vẫn chưa rõ ràng. Điều này sẽ được quyết định sau khi Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác và chuyển sang một cấp độ mới. New Delhi và Tokyo muốn thắt chặt quan hệ song phương để làm đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy một cách bất thường - Nhật Bản và Ấn Độ phải chọn con đường phát triển hòa bình chứ không phải “chủ nghĩa bành trướng của thế kỷ 18”, bởi chủ nghĩa bành trướng không dẫn tới sự phát triển toàn cầu trong thế kỷ 21.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Những tuyên bố và nhận định kể trên được đưa ra nhân chuyến công du Tokyo của Thủ tướng Ấn Độ (từ 30-8 đến 3-9 và là điểm đến nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức) và ông Narendra Modi đã chỉ trích chủ nghĩa bành trướng ở châu Á - một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Theo giới truyền thông Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Shinzo Abe đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, tổ chức tập trận hải quân song phương và đa phương với Mỹ, đàm phán về việc Ấn Độ mua thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản, cũng như thiết lập cơ chế đối thoại và tham vấn 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước. Nhật Bản đã áp dụng cơ chế 2+2 với Mỹ, Australia, Nga và Pháp.
Theo nhận định của Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi Brahma Chellaney, quan hệ Nhật-Ấn có thể định hình địa-chính trị châu Á tương tự như sự trỗi dậy của Trung Quốc hay chiến lược xoay trục của Mỹ; đồng thời cho rằng Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là một tam giác chiến lược tại châu Á và Bắc Kinh sẽ làm tất cả để ngăn chặn sự xích lại gần nhau giữa New Delhi và Tokyo. Được biết, trung tuần tháng 9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Ấn Độ. Còn theo chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Australia), Thủ tướng Narendra Modi muốn thắt chặt quan hệ chính trị và an ninh với Nhật Bản và Mỹ, trong khi cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Ông Modi (trái) và ông Abe trò chuyện trong chuyến thăm một ngôi đền tại Kyoto hôm 31-8
Hãng Kyodo vừa dẫn nguồn tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, JCG muốn tăng gấp đôi ngân sách hiện tại (50,4 tỷ Yen cho tài khóa 2015), để tăng cường an ninh ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, JCG cũng đẩy nhanh các nỗ lực thiết lập hệ thống tuần tra trên không 24/24 và tăng cường tuần tra trên biển ở khu vực này. Ngày 29-8, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cảnh báo về thông tin cho rằng, Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở liên quan đến quân sự ở các đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - đang gây quan ngại với cộng đồng quốc tế.
Ông Yoshihide Suga đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Đài NHK đưa những bức không ảnh do quân đội Philippines chụp cho thấy, Trung Quốc không ngừng xây dựng các cơ sở liên quan đến quân sự (như trạm radar, ụ súng máy và bãi đáp trực thăng) ở đá Gạc Ma và một số bãi đá khác ở Trường Sa. Trước đó (28-8), Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, 3 binh chủng của lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển và trên không sẽ tập trận quy mô lớn ở khu vực Kyushu và các đảo Tây Nam của nước này trong tháng 11.
Ngày 31-8, trang tin Defence News (Ấn Độ) cho biết, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định mua máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Chinook và máy bay trực thăng chiến đấu Apache của hãng Boeing (Mỹ) với trị giá 2,5 tỉ USD. Ngày 21-8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley cho rằng, có những mối đe dọa đến từ xung quanh nước này bởi người hàng xóm “không an phận”, nên cần chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để bảo đảm tốt nhất cho hòa bình.
Ấn Độ cho rằng, chỉ có chuẩn bị tốt chiến tranh mới đảm bảo được hòa bình. Ngày 28-8, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng, một số công trình xây dựng hạ tầng cơ sở do Trung Quốc triển khai tại khu vực biên giới với Ấn Độ chủ yếu để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, hy vọng Ấn Độ "không nên diễn giải quá mức".
Theo trang mạng Thời báo Kinh tế (Ấn Độ), New Delhi đang theo dõi chặt chẽ sức mạnh quân sự ngày càng tăng cường của Trung Quốc. Còn theo hãng Reuters, đứng trước quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, các nước ASEAN đang tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng của mình, sử dụng ngân sách quốc phòng ngày càng tăng cho phát triển khoa học công nghệ quốc phòng, giảm sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp công nghiệp quân sự lớn của Mỹ-Âu.
Dự kiến, chi tiêu quốc phòng của khu vực này đến năm 2016 sẽ lên 40 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2013). Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của ASEAN trong năm 2013 tăng 5% (35,9 tỷ USD), đến năm 2016 sẽ tăng đến 40 tỷ USD và đã tăng hơn gấp đôi so với năm 1992.
Ngày 29-8, tuần san Business Standard (Ấn Độ) và tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, việc Nga có thể bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến (có thể đồng thời bắn tới 72 mục tiêu, tấn công 36 mục tiêu có độ cao từ 5 đến 30 km) cho Trung Quốc sẽ khiến một số nước láng giềng lo ngại, thậm chí Ấn Độ còn tức giận. Bởi Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống này để chống lại tất cả mọi vũ khí tấn công đường không, kể cả tên lửa đạn đạo có tốc độ siêu thanh. |
Phù Lưu - Đông Ngàn