Học tập Di chúc của Bác Hồ
Trong bài viết mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt” (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử.
Ðây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thứ “đạo đức bốn mặt” rất nguy hiểm. Trước mặt, nói rất hay rất tốt về người này người khác, về đạo đức, về lý tưởng nhưng sau lưng là quay ngoắt 180o, nói xấu người này chê bai người khác, dựng chuyện, tranh công, đổ tội. Nhũng kẻ “bốn mặt” này luồn cúi, bợ đỡ cấp trên để tìm cách tiến thân, tìm cách trục lợi, đó là loại “theo voi ăn bã mía”. Nhưng, thật đáng tiếc, không ít “quan chức” lại rất thích nghe những lời ngon ngọt, thế là trượt vào một cái bẫy vô hình được giăng ra một cách thâm độc. Mặt thứ tư của thói vô đạo đức chính là sự thể hiện trước dân. Có người, bất luận trước mình là người đáng bậc cha chú nói năng vô lễ, hạch sách ban ơn, không hề quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân. Ðây là loại cán bộ xa dân, khinh dân. Ở một loại trái ngược khác, lại là sự mị dân. Sống chết mặc dân, không ảnh hưởng đến cái ghế, đến túi tiền của mình là được.
Vạch trần thứ “đạo đức bốn mặt”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa phát đi thông điệp cần phải làm trong sạch đội ngũ, không thể để những kẻ cơ hội, vô đạo đức, thiếu lương tâm trong bộ máy. Vì nếu điều đó tồn tại sẽ làm mất lòng tin của dân đối với Ðảng, đối với chế độ; làm suy yếu bộ máy, suy yếu sức mạnh của dân tộc nhất là khi phải đương đầu với nguy cơ đến từ bên ngoài. Chủ tịch nước khẳng định, không trừ một ai, dù là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay một công dân bình thường luôn phải tự vấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn phải biết tự hổ thẹn với lương tâm về đạo lý làm người! Không trừ một ai, ở bất kỳ cấp nào, có việc làm hại cho dân cho nước, làm nhân dân bất bình, nếu đạo lý, lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng. Chúng ta không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, làm nghèo, suy yếu đất nước. Ðây là “giặc nội xâm”, là những “khối u” trên cơ thể đất nước cần phải cắt bỏ.
Nhớ lại nỗi đau đáu của Bác Hồ về vấn đề tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, có thể rút ra một hệ luận: Trên mỗi chặng đường cách mạng, nếu sao lãng việc rèn luyện tu dưỡng tất sẽ dẫn đến những suy thoái, biến chất (cả về con người và bộ máy), từ đó dẫn đến mọi suy thoái khác. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là từ khi đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng theo xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta lại càng thấy ý nghĩa quan trọng của luận điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Di chúc, Bác Hồ viết: “Theo ý tôi, việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Ðảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Ðảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng trong điều kiện Ðảng cầm quyền được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hơn 3 năm qua, các cấp, các ngành trong cả nước đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.
Việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị được đẩy mạnh, đi vào nền nếp, gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và từng cấp, từng ngành. Ở nhiều địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã xuất hiện những cách làm mới thiết thực, hiệu quả, nhiều điển hình tiên tiến gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhiều đơn vị đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào chương trình công tác hằng năm, xây dựng chuyên đề cụ thể cho từng tháng, đưa vào sinh hoạt chi bộ; tổ chức hội thảo, phát hành sổ tay văn hóa của cơ quan, đơn vị, gắn với những chuẩn mực đạo đức, để cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập và làm theo.
Qua thực hiện, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh và nhân rộng. Việc thực hiện tốt Chỉ thị đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên tại nhiều cơ quan, đơn vị.
Những thành tựu đạt được trong những năm tiến hành Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã khẳng định sự cần thiết của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong toàn Ðảng, toàn dân. Ðó là công việc lâu dài để xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần cho xã hội, đồng thời là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống hiện nay, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nâng cao phẩm chất, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Ðảng, rèn luyện ý thức và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với nhân dân.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cần tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, học lại Di chúc của Bác Hồ. Thế hệ cán bộ chủ chốt của chúng ta hiện nay cần học lại Di chúc cúa Bác Hồ. Phải xem việc học lại Di chúc của Bác Hồ, hành động theo di huấn của Người chính là lương tâm, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
B.D