Vụ CSGT trạm Dầu Giây bắn nhau: Có 2 khẩu súng trong vụ án?
Sau khi xem xét các lời khai, chứng cứ vụ án, kết luận điều tra và cáo trạng, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh đã đưa ra nhận định về việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong vụ án.
>> Trả hồ sơ vụ CSGT bắn nhau ở trạm Suối Tre
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh.
Ngày 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ CSGT tại trạm Dầu Giây bắn nhau ra xét xử. Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, Giám đốc công ty Luật TNHH LNT đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình người bị hại là bà Nguyễn Thị Bích Vân (vợ nạn nhân Trần Ngọc Sơn).
Luật sư Vinh phân tích, khẩu súng K59 mang số hiệu E5894-1882 là vật chứng quan trọng, ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án đã không được chuyển sang cho Tòa án xem xét, đánh giá mà trả lại cho Phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Đồng Nai. Số hiệu của khẩu súng này không thống nhất trong các văn bản tố tụng.
Ngày 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ CSGT bắn nhau tại trạm Dầu Giây ra xét xử. Chiều cùng ngày, thẩm phán Trần Thanh Tùng, chủ tọa phiên tòa tuyên, từ những lời khai của nhân chứng, lập luận của Viện Kiểm sát cũng như chứng cứ của luật sư, bị cáo Vinh có dấu hiệu của tội “Giết người”. HĐXX yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu. |
Luật sư Vinh đã viện dẫn tại tòa: “Theo quy định tại Điều 74 và Điều 212 Bộ Luật tố tụng hình sự thì khẩu súng mà bị cáo Vinh dùng làm phương tiện gây án được xác định là vật chứng trong vụ án và phải được chuyển qua Tòa án xem xét tại phiên tòa”.
Khi cần thiết, HĐXX có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được.
Việc xem xét tại chỗ phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 95 Bộ Luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, vật chứng này phải được Tòa án xử lý theo quy định tại Điều 76 Bộ Luật tố tụng hình sự.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân (vợ nạn nhân Trần Ngọc Sơn) nghẹn ngào ôm luật sư Vinh ngay sau khi HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra lại.
Luật sư Vinh đưa ra dẫn chứng, theo quyết định xử lý vật chứng số 133/QĐ-PC45 ngày 19/2/2014 thì khẩu súng K59 màu đen số R5894-1882 là hung khí giết anh Trần Ngọc Sơn lại được Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định trả lại cho đơn vị quản lý là Phòng PC67.
“Việc tự xử lý vật chứng, không chuyển giao vật chứng là hung khí giết người cho Tòa án xem xét là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến đánh giá sai lệnh về chứng minh người phạm tội và xác định tội danh của bị cáo Ngô Văn Vinh”, luật sư Vinh nói.
Quyết định trưng cầu giám định ghi nhận, khẩu súng gây án là khẩu K59-5694. Kết luận giám định cho kết quả: “Dấu vết do súng tạo ra để lại trên đầu đạn và vỏ đạn bắn thực nghiệm từ khẩu súng ngắn K59-5694 gửi giám định trùng khớp với dấu vết do súng bắn tạo ra để lại trên các đầu đạn và các vỏ đạn gửi giám định”.
Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận: “Giáp chân giường hướng Tây Nam của giường số 3, cách tường hướng Bắc về hướng Nam 2m20, cách mép cửa hướng Đông về hướng Tây Bắc 1m90 phát hiện 1 khẩu súng K59, số súng E5894-1882 trên nền nhà, đầu súng quay hướng Bắc, băng tiếp đạn đã hết đạn, bộ khóa nòng đang ở trạng thái kéo lùi phía sau…”
Trạm CSGT Dầu Giây, nơi xảy ra vụ án mạng.
Bản kết luận điều tra thể hiện, khẩu súng gây án mang số hiệu E5894-1882. Nhưng bản cáo trạng lại ghi là súng K59 số E5694 và phần kết luận lại ghi là súng K59 số E5894. Bị cáo Vinh nhận súng ngày 9/4/2012, súng K59 mã số E5694”.
Trong bản cáo trạng nêu: “Chí lấy lại khẩu súng gây án của Vinh đưa cho anh Đông là cán bộ CSGT Suối Tre”. Biên bản khám nghiệm hiện trường mô tả chính xác vị trí của khẩu súng E5894-1882.
Luật sư Vinh nhận định: “Như vậy, ngay trong hồ sơ vụ án đã có sự khác biệt về mã số của khẩu súng gây án, khác biệt giữa biên bản hiện trường và kết luận điều tra. Điều này cần phải được xác định rõ liệu đây có phải là khẩu súng gây án hay không?”.
Luật sư Vinh tiếp tục công bố dẫn chứng tại phiên xét xử: “Lời khai của Lương Thành Chí trong Bản tự khai ngày 25/10/2013 là khi đưa Sơn đi cấp cứu từ trạm Suối Tre, Chí đã lấy súng nhét vào sau lưng, sau đó mới giao súng cho Nguyễn Văn Đông”.
Đông đã thừa nhận trong các biên bản ghi lời khai của mình.
“Như vậy, khẩu súng được phát hiện tại hiện trường có phải là khẩu súng đã được giao hợp pháp cho bị cáo Vinh sử dụng hay Vinh đã sử dụng khẩu súng tàng trữ trái phép?”, luật sư Vinh đặt câu hỏi trong phiên tòa.
Diễn biến vụ án: Chiều 22/9/2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Phó Trạm tưởng Trạm Suối Tre đi chung với nhóm thanh niên vào quán Karaoke Hân Linh (đường Lý Thường Kiệt, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) để cùng hát. Tại đây, đại úy Ngô Văn Vinh cũng đi với nhóm khác đang hát ở phòng gần đó và mang ly bia sang phòng của cấp trên để chào bàn. Trong phòng của thiếu tá Sơn lúc đó có người của salon ô tô nổi tiếng tại TP Biên Hòa. Sau vài câu xã giao, đại úy Vinh bất ngờ bị người của salon ô tô “tương” ly bia vào đầu. Nể mặt “sếp” đang ngồi với bạn, đại úy Vinh bỏ ra ngoài rồi đi về Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre để ngủ. Đến 18h cùng ngày, thiếu tá Sơn về Trạm và cùng theo còn có những vị khách đã từng giáp mặt cách đó vài giờ đồng hồ. Tại trạm CSGT Dầu Giây, đại úy Vinh xô xát với thiếu tá Sơn. Ngay sau đó, đại úy Vinh đã dùng súng bắn thiếu tá Sơn và những người “lạ” xuất hiện tại Trạm. Những phát đạn được bắn ra đã tước đi mạng sống của thiếu tá Sơn và làm bị thương thượng úy Đoàn Thanh Phú. Riêng một người tên Chí chỉ bị xây sát nhẹ. |
(còn tiếp)
Hưng Long