Thị trường điện là cơ hội cho các đơn vị "chuyên nghiệp hóa"
Đây là khẳng định của Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - ông Đặng Hoàng An tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ tham gia thị trường điện của các đơn vị thuộc EVN.
Theo đó, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh sự cần thiết và tính tất yếu của thị trường điện nước ta, và các đơn vị dù là trong hay ngoài EVN cũng phải tham gia và nên tham gia "càng sớm, càng tốt".
Thị trường điện nước ta (cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh - VCGM) sau 2 năm chính thức vận hành đã không ngừng gia tăng số lượng các nhà máy tham gia trực tiếp chào giá. Tính cạnh tranh, minh bạch vì vậy cũng từng bước được nâng cao.
Đặc biệt, nhiều đơn vị tham gia đã tìm kiếm được cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận cho mình thông qua các chiến lược chào giá hợp lý. Điều này chứng tỏ thị trường đang từng bước trở thành "sân chơi" hấp dẫn, và "các đơn vị tham gia VCGM sẽ có lợi nhiều hơn so với các đơn vị không tham gia" - ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường Điện EVN, khẳng định.
Trung tâm điều khiển thủy điện Sê San 3
Tuy nhiên, do thị trường điện vẫn là một lĩnh vực hoàn toàn mới và rất phức tạp nên trong quá trình vận hành, một số khó khăn vướng mắc đã phát sinh khiến một số đơn vị chưa "vào cuộc" một cách nhanh chóng, đúng thời hạn theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Cụ thể, một số nhà máy điện lớn thuộc EVN chưa tham gia trực tiếp trên VCGM được trong thời gian qua như: Nhiệt điện Hải Phòng 2, Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Quảng Ninh 2...
Theo lý giải của các đơn vị này, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến nhà máy chưa thể tham gia thị trường kịp thời. Trong đó, có một số khó khăn vướng mắc chung như: chưa hoàn thiện được hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc tham gia thị trường, chưa đồng bộ được hệ thống đo đếm, thu thập dữ liệu từ xa (SCADA). Ngoài ra, tính ổn định của một số tổ máy chưa cao trong vận hành cũng khiến các đơn vị e ngại tham gia thị trường vì sợ ảnh hưởng đến an ninh chung của hệ thống (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện).
Đây đều là những nguyên nhân khách quan, tuy nhiên theo Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An thì dù vì lý do gì, thì các đơn vị vẫn phải nhanh chóng khắc phục để có thể sớm tham gia thị trường điện. Đây không chỉ là vấn đề tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ hay Bộ Công Thương, mà còn là vì chính lợi ích của các đơn vị.
Ông An phân tích, thực tế tham gia VCGM của rất nhiều các nhà máy điện trong 2 năm qua cho thấy, cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường dành cho các đơn vị là rất cao. Và để có thể tận dụng các cơ hội này, các đơn vị khi chào giá trên thị trường sẽ phải tự hoàn thiện chính mình, nâng cao khả năng cạnh tranh để có các "chiến thuật" chào giá cao mà vẫn thành công. Đây cũng chính là quá trình các đơn vị tự "chuyên nghiệp hóa", nâng cao uy tín, sức mạnh cho mình, chuẩn bị cho việc tham gia thị trường điện hoàn thiện sau năm 2023.
Với một số khó khăn của các đơn vị, đặc biệt là hạ tầng công nghệ, ông An đã khẳng định EVN sẽ hỗ trợ tối đa. Trong đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và Ban Thị trường điện EVN sẽ là đầu mối cùng các đơn vị tìm cách tháo gỡ vướng mắc, nhanh chóng tham gia thị trường.
"Thậm chí, các đơn vị cũng không cần thiết phải chờ đến lúc hoàn thiện tất cả mọi yếu tố mới tham gia VCGM, vì thực chất chẳng bao giờ mọi thứ hoàn hảo cả" - Phó Tổng giám đốc Đặng Hoàng An khẳng định. Quan trọng nhất là các đơn vị nhận thức được sự cần thiết phải tham gia thị trường điện, từ đó khẩn trương tháo gỡ khó khăn để có thể "nhập cuộc" kịp thời.
Nhất trí với quan điểm chỉ đạo này, hầu hết lãnh đạo các nhà máy điện cũng đã cam kết sẽ sớm đẩy nhanh tiến độ tham gia VCGM trong năm 2014.
Vĩnh Long