Khai thác hầm lò: Hướng phát triển bền vững của ngành than
Khi nguồn than lộ thiên ngày một cạn kiện, việc chuyển dịch và đổi mới công nghệ cơ giới hóa khai thác than hầm lò là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của ngành than.
Năng lượng Mới số 350
Giảm nhân lực nhưng tăng công suất
Theo quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, sản lượng than thương phẩm sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 65 triệu tấn (năm 2020) và 75 triệu tấn (năm 2030), trong đó, sản lượng hầm lò chiếm tỷ lệ lớn. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có chủ trương phát triển ngành than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu khấu than, chống giữ lò chợ, vận tải và đào lò tại những khu vực điều kiện địa chất cho phép, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng. Có thể thấy hiệu quả từ việc đổi mới công nghệ khai thác là rất lớn. Ðơn cử như Công ty Than Thống Nhất, 10 năm trước là đơn vị khai thác than hầm lò sản lượng thấp, chỉ khoảng hơn 300 nghìn tấn/năm. Song, nhờ áp dụng công nghệ cơ giới hóa hiện đại, sản lượng khai thác than của công ty tăng vọt, bình quân 30-40% mỗi năm. Việc đổi mới công nghệ, hiện đại hóa những đường lò, đó chính là cách làm của Than Thống Nhất, nên đã vươn lên ở tốp đầu trong các đơn vị khai thác hầm lò của ngành than, sản lượng hiện nay gần 2 triệu tấn/năm.
Khai thác hầm lò tại mỏ than Mạo Khê
Hiện nay, thay vì khai thác hầm lò thủ công bằng chống gỗ, buồng cột và đào lò lấy than thì hầu hết các lò chợ khai thác than tại các đơn vị trong ngành đã được áp dụng công nghệ khai thác than tiên tiến bằng cột chống thủy lực: từ cột thủy lực đơn, rồi giá thủy lực di động và khung giá thủy lực để chống giữ lò. Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ từ khâu đào than đến khâu vận chuyển, sử dụng máy khấu than combai, khoan tự hành tam-rốc, máy đào lò hiện đại AM-50Z, máy xúc đá, máy cào vơ vận chuyển bằng băng tải, xe điện ở lò bằng, tời trụ ở giếng nghiêng…
Theo thống kê, đã có chục lò chợ cơ giới hóa đồng bộ bằng dàn chống 2AHIII tại Công ty Than Mạo Khê, Hồng Thái, dàn chống tự hành VIALTA tại Công ty Than Vàng Danh, Nam Mẫu và nhiều đơn vị đã áp dụng thành công đào lò bằng máy combai AM-45 và AM-50Z để nâng cao tiến độ đào lò phục vụ mở rộng diện sản xuất. Thực tế áp dụng cơ giới hóa tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy, khả năng tăng sản lượng khai thác và tốc độ đào lò khi áp dụng cơ giới hóa cao hơn nhiều so với khoan nổ mìn thủ công.
So với đào lò thủ công, tốc độ đào lò bằng cơ giới hóa tăng hai đến ba lần, so với khai thác thủ công khoan nổ mìn sử dụng giá thủy lực di động và giá khung di động, công suất khai thác từ lò chợ cơ giới hóa tăng 1,5-1,8 lần. Hơn nữa, việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa, từ đó giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ 1,5-2 lần, năng suất lao động tăng 1,5-2,5 lần, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn hẳn so với lò chợ thủ công…
Thực tiễn đã chứng minh, việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hầm lò là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác. Theo tính toán, nếu áp dụng khoan nổ mìn thủ công, với công suất khai thác hiện nay, vào năm 2015 phải tăng 127 lò chợ lên 226 lò chợ, số lao động tăng 1,78 lần (hơn 32.000 công nhân) và năm 2025 tăng lên 364 lò chợ, số lao động tăng 2,86 lần (50.400 công nhân)… Vì vậy, triển khai áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong khai thác và đào lò là hướng đi đúng, vừa hạn chế tăng số lượng công nhân khai thác nhưng vẫn đáp ứng việc tăng sản lượng than khai thác theo quy hoạch.
Ðẩy nhanh tiến độ các mỏ hầm lò
Ðến năm 2018 các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh sẽ chuyển sang khai thác hầm lò, việc chuyển dịch này là điều tất yếu, vừa giúp tận thu nguồn tài nguyên, vừa bảo đảm môi trường sinh thái. Nhằm chủ động trong thi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mỏ mới cũng như phát huy cao nhất năng lực trong nước, ngành than đã thí điểm đầu tư xây dựng một số mỏ giếng đứng do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị, có liên danh hoặc thuê nhà thầu phụ nước ngoài.
Như Công ty CP Than Núi Béo hiện đang khai thác lộ thiên với mức sản lượng cao nhất (gần 6 triệu tấn/năm) và phần khai thác này dự kiến sẽ chấm dứt sau năm 2015. Do vậy, việc xây dựng mới mỏ hầm lò Núi Béo, công suất 2 triệu tấn than nguyên khai/năm được gấp rút đẩy nhanh tiến độ, đây là dự án giếng đứng đầu tiên do các đơn vị trong nước tự tổ chức, thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị, thời gian xây dựng cơ bản trong 4 năm và khai thác trong 30 năm, công nghệ tương đương các mỏ hiện đại của châu Âu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mỏ, các công đoạn sản xuất của mỏ Núi Béo sẽ được cơ giới hóa đến mức cao nhất, sử dụng giàn chống Vinaalta và máy khấu, giá khung di động, cột thủy lực đơn, máy đào lò combai, xe khoan tam-rốc; vận tải than liên tục bằng băng tải, máng cào... Từ khu vực phân tầng, sẽ xây dựng hệ thống sân ga, các đường lò xuyên vỉa, chuẩn bị các lò chợ tại các mức -140m, -350m.
Một dự án mở vỉa bằng giếng đứng khác của ngành than cũng đang được triển khai là mỏ Khe Chàm II-IV, quy mô vượt xa mỏ Hà Lầm đang thực hiện, công suất 3,5 triệu tấn/năm. Dự án do Công ty TNHH MTV Than Hạ Long làm chủ đầu tư, nguồn vốn gần 12.600 tỉ đồng, sẽ khai thông xuống mức 500m và dưới 500m. Mỏ Khe Chàm II-IV cũng có công nghệ tương đương các mỏ hiện đại của châu Âu, cơ giới hóa đến mức cao nhất các công đoạn sản xuất. Công tác tư vấn, thiết kế và thi công cũng do các đơn vị trong ngành thực hiện. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn thi công. Sau Hà Lầm, Núi Béo và Khe Chàm II-IV sẽ có thêm một số mỏ khác thi công giếng đứng đang trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án. Có thể thấy rằng, việc đầu tư và đổi mới công nghệ cho các mỏ than hầm lò là việc cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác, đáp ứng yêu cầu sản xuất than phục vụ nền kinh tế đất nước.
Nguyễn Kiên