Cán bộ Văn phòng Quốc hội cũng phải đi nghĩa vụ!
Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi được thảo luận rộng rãi làm lộ diện một thực tế là, thời gian qua người ta gọi nhập ngũ đến 90% con em nông dân, tạo bất bình đẳng trong nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.
Năng lượng Mới số 349
Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi được thảo luận rộng rãi làm lộ diện một thực tế là, thời gian qua người ta gọi nhập ngũ đến 90% con em nông dân, tạo bất bình đẳng trong nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã nêu ra thực tế: “Trong thời gian qua, số lượng nhập ngũ có tới 90% là con em nông dân. Vừa qua, chúng ta cũng chỉ tập trung tuyển chủ yếu con em nông dân”.
Năm ngoái có trường hợp một thủ khoa thi tuyển đại học được gọi nhập ngũ gây bàn luận rộng rãi. Người bảo nên cho hoãn, người bảo cần gọi nhập ngũ vì quân đội cũng cần người học giỏi và nhà cậu này chưa có ai đi NVQS… Nhưng rồi HÐNVQS đã cho hoãn.
Theo Luật NVQS hiện hành quy định địa phương cho tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học. Nghĩa là cậu thủ khoa kia chưa vào trường nhập học và được bảo lưu kết quả thi đại học, hết nghĩa vụ về học tiếp. Xem ra tiêu chuẩn tạm hoãn quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ.
Rất nhiều trai làng thực hiện nghĩa vụ quân sự
Trong Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo “đại học hệ chính quy” trong hệ thống giáo dục quốc dân. Như vậy, các sinh viên theo học các trường không chính quy sẽ không được tạm hoãn thực hiện NVQS đã gây bức xúc rộng rãi trong dư luận vì đã phân biệt và tạo thêm bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục. Giáo dục đại học đã có luật vậy mà trong Luật NVQS sửa đổi vẫn phân biệt trường công, trường tư.
Cho ý kiến về đối tượng được tạm hoãn NVQS, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với dự thảo luật thu hẹp diện đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên phân biệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, cần xây dựng một nguyên tắc, cứ đến tuổi là phải thực hiện NVQS. Việc làm này nhằm nâng cao trách nhiệm của giới trẻ phải ý thức bảo vệ Tổ quốc. Ðây là một trong những biện pháp nâng cao trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ. Anh em nào rèn luyện trong quân đội thì khi trở về sẽ trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Bên cạnh đó, môi trường quân đội cũng rất thích hợp để giáo dục đạo đức cho thanh niên. Không phân biệt đối với sinh viên chính quy hoặc không chính quy trong việc thực hiện NVQS để đảm bảo tính công bằng trong học tập.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện NVQS.
Ðiều này cũng nhằm khắc phục tình trạng như thời gian qua gọi nhập ngũ chủ yếu là con em nông dân, tỷ lệ gọi số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Cũng thể hiện sự nhất trí cao đối với các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình việc không tạm hoãn NVQS đối với người có trình độ học vấn cao. Phó chủ tịch Kim Ngân ủng hộ quan điểm của nhiều vị đại biểu cho rằng, không được phân biệt sinh viên hệ đại học chính quy và không chính quy trong thực hiện NVQS. Các cán bộ công chức, viên chức trong độ tuổi NVQS cũng cần phải bình đẳng như các thanh niên khác trong việc thực hiện nghĩa vụ. Hiện nay, thanh niên vào các cơ quan Nhà nước thì đa số không phải đi NVQS.
Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cán bộ Văn phòng Quốc hội trong độ tuổi thực hiện NVQS thì vẫn phải thực hiện NVQS.
Liên quan đến ý tưởng nộp tiền thay thế NVQS, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên đại biểu Quốc hội nhiều khóa đã thể hiện quan điểm về việc này. Tướng Thước nói: Ðây là một ý tưởng sai lầm. Tôi không đồng tình với ý tưởng này. Thực hiện NVQS là để bảo vệ Tổ quốc. Ðây là nghĩa vụ thiêng liêng, không thể lấy bất cứ vật gì ra để thay thế được mà phải bằng hành động cụ thể của con người đó.
Ai bỏ tiền ra để “mua” NVQS? Chắc chắn chỉ có con nhà giàu! NVQS là để bảo vệ Tổ quốc thì ai cũng phải đi.
Vẫn theo Trung tướng Thước, hằng năm số động viên đi NVQS ít hơn số thanh niên trưởng thành nên cần phải chọn một phương án, phương pháp khác để tất cả mọi người phải tham gia NVQS.
Nếu làm NVQS bằng tiền thì chỉ con nhà nghèo phải đi, còn con nhà giàu thì được ở nhà. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, thanh niên không phải đi NVQS là thế nào? Hoàn toàn sai với phương châm, quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ...
Bảo Dân