Từ an ninh mạng tới chiến tranh mạng
Giới chuyên môn cảnh báo về an ninh mạng cùng những cuộc chiến trên mạng và chủ đề này đang được nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới tranh luận.
Ngày 6/8, hãng Bloomberg (Mỹ) cho biết, Trung Quốc đã cấm các cơ quan Chính phủ mua sản phẩm điện tử của hãng Apple vì lý do an ninh. Đề xuất cấm sản phẩm của Apple được đưa ra sau khi Bắc Kinh công khai danh sách mua sắm phần mềm, trong đó không có tên các hãng sản xuất phần mềm chống virus nước ngoài (như Symantec và Kaspersky). Lệnh cấm này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, từ trung ương đến địa phương. 2 tháng trước, giới truyền thông Trung Quốc từng cảnh báo, phần mềm theo dõi vị trí của điện thoại iPhone có nguy cơ dẫn đến lộ bí mật nhà nước.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã gọi Internet là dự án của CIA và cam kết bảo vệ các quyền lợi của Moskva trong lĩnh vực này. Được biết, từ năm 2011, Trung Quốc đã bố trí hệ thống định vị thủy âm dưới nước ở vùng duyên hải để theo dõi tàu ngầm tại các vùng biển gần, trong đó có Biển Đông. Tại thời điểm đó, Hàn Quốc cũng có hành động tương tự khi tuyên bố triển khai thiết bị định vị thủy âm tàu ngầm dưới nước và việc này hoàn tất trong năm 2013.
Giới chuyên môn cảnh báo về an ninh mạng cùng những cuộc chiến trên mạng và chủ đề này đang được nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới tranh luận.
Kỳ I: Mỹ muốn lãnh đạo tin tặc thế giới?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng cho biết, lực lượng phòng thủ không gian mạng thuộc Bộ tư lệnh không gian mạng Mỹ sẽ được tăng lên hơn 6.000 nhân viên vào cuối năm 2016 (hiện có 1.800 người). Kế hoạch này được Bộ trưởng Quốc phòng tiết lộ tại lễ nghỉ hưu của tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA.
Theo đó, việc xây dựng lực lượng tác chiến mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng vì khả năng tác chiến mạng toàn diện có thể bổ khuyết cho các phương tiện quân sự khác. Và lực lượng trên được chia thành nhiều nhóm, nhưng tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: các mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia, bảo vệ mạng thông tin của Bộ Quốc phòng và hỗ trợ các phái bộ tham chiến.
Ông Chuck Hagel cũng nhấn mạnh, Lầu Năm Góc không tìm cách quân sự hóa không gian mạng, và Washington sẽ ''kiềm chế'' các hoạt động không gian mạng bên ngoài các mạng của Chính phủ Mỹ, đồng thời hối thúc các nước khác hành động tương tự.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện tại văn phòng ở Nhà Trắng.
Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đưa ra tuyên bố kể trên trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang trong quá trình tăng cường lực lượng ứng phó với các vấn đề an ninh mạng. Trước đó (31/3), Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng hoan nghênh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ông Chuck Hagel nói rằng, Washington sẽ hạn chế sử dụng quân đội trong không gian mạng, và hy vọng Mỹ sẽ đưa lời nói vào thực tế.
Hơn 1 năm trước (18/7/2013), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Lầu Năm góc đang chuẩn bị thành lập một lực lượng không gian mạng với khoảng 4.000 người với nhiệm vụ tiến hành các cuộc tấn công mạng cũng như các hoạt động phòng thủ. Theo ông Ashton Carter, đây sẽ là đơn vị đầu tiên trong quân đội Mỹ và do ông Keith Alexander chỉ đạo trực tiếp.
Khi đó, ông Keith Alexander từng tiết lộ, quân đội Mỹ có kế hoạch thành lập 40 nhóm an ninh mạng, trong đó 27 nhóm tập trung vào phòng vệ và 13 nhóm tập trung vào việc tạo ra các vũ khí không gian mạng mới.
Washington từng công bố Dự thảo luật nhằm hướng dẫn các tổ chức trong mạng lưới hạ tầng thiết yếu của Mỹ cải thiện hệ thống an ninh mạng. Dự luật được công bố đúng một năm sau khi Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh kêu gọi đẩy mạnh công tác này. Theo ông Barack Obama, dự luật đánh dấu bước ngoặt trong việc đảm bảo an ninh mạng, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm bởi sự thịnh vượng kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia và quyền tự do cá nhân không chỉ phụ thuộc vào việc thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh mạng, mà còn phải duy trì được một hệ thống Internet mở, an toàn và tin cậy.
Tại cuộc điều trần hiếm hoi của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nguyên Giám đốc FBI Mueller từng thốt lên rằng: mối đe dọa không gian mạng sẽ là nỗi lo hàng đầu của Mỹ. Cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Janet Napolitano từng cảnh báo, mối lo an ninh lớn nhất của nước Mỹ ở thời điểm 10 năm sau vụ khủng bố 11/9/2001 là chiến tranh mạng.
Gần 1,5 năm trước (24/2/2013), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng, các tường thuật về nạn tin tặc Trung Quốc cho thấy Washington đang thua trong cuộc chiến tranh mạng. Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ từng cảnh báo, Lầu Năm Góc không thể bảo vệ bí mật quân sự khỏi các cuộc tấn công không gian mạng.
Bởi theo ông Samuel Locklear, hệ thống an ninh mạng của Mỹ (nằm dưới sự kiểm soát của Lầu Năm Góc và các nhà thầu) không phải là trở ngại lớn đối với tin tặc từ Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers.
Đô đốc Samuel Locklear cũng cho rằng, tin tặc Trung Quốc đang đánh cắp bí mật quân sự Mỹ - tận dụng lỗ hổng trong hệ thống bảo mật của mạng máy tính, bất chấp việc Washington nhiều lần phản đối vấn đề này. Mặc dù Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không đưa ra bất kỳ ví dụ cụ thể nào cho cảnh báo của mình, nhưng theo Ủy ban Chính sách đối ngoại, tin tặc từ Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu thiết kế của máy bay chiến đấu F/A-18, máy bay trực thăng F-35 Black Hawk và hệ thống chống tên lửa Aegis của Mỹ.
Trong lĩnh vực mạng, ngân sách tài khóa 2014 của Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu tăng 20% so với năm trước. Lầu Năm Góc đề xuất chi 4,7 tỉ USD cho an ninh mạng trong năm 2014 bất chấp ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm. Phần lớn ngân sách tăng thêm đều được dùng để tăng cường năng lực tấn công. Hơn 1 năm trước (18/4/2013), với tỷ lệ 288 phiếu thuận và 127 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật (ký hiệu H.R. 624) nhằm giúp các công ty và chính phủ Mỹ chia sẻ thông tin về các mối đe dọa qua mạng, mặc dù vẫn còn những quan ngại về mức độ bảo vệ thông tin cá nhân.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từng kêu gọi Trung Quốc (10/7/2013) chấm dứt hành vi "trộm cắp công khai" thông qua các cuộc tấn công mạng. Washington cáo buộc Bắc Kinh tiến hành chiến dịch tấn công mạng lớn chống lại Mỹ cùng các công ty của mình. Việc trộm cắp bí mật thương mại của tin tặc Trung Quốc đã gây ra thiệt hại cho các công ty Mỹ hàng trăm tỷ USD/năm.
Năm 2013, Mỹ hình thành 13 trung tâm bao gồm những tướng thông thạo việc chỉ huy qua mạng, các lập trình viên và các chuyên viên máy tính để đáp trả đòn tấn công trên mạng của đối phương. Ngoài ra, còn có 27 phân đội nhằm bảo vệ hệ thống mạng của Lầu Năm Góc và trợ giúp cho việc chỉ huy qua mạng của các quân chủng trong tác chiến.
Ngày 13/3/2013, tờ Los Angeles Times (Mỹ) trích tuyên bố từ các quan chức tình báo cấp cao của cộng đồng tình báo Mỹ cho biết, hơn bao giờ hết các cuộc tấn công và gián điệp mạng hiện đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ lớn hơn al-Qaeda và các tổ chức chiến binh khác.
Trước đó (12/3/2013), Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ tổ chức điều trần với các quan chức đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ như ông James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia; Giám đốc CIA John Brennan; Giám đốc FBI Robert Mueller III; Trung tướng Lục quân Michael Flynn, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc; ông Matthew Olsen, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia và ông Philip Goldberg, Cục trưởng Cục Tình báo và Nghiên cứu của Bộ Ngoại giao.
Theo giới truyền thông, từ năm 2006, Mỹ đã có chiến lược nâng cao tiềm năng của các binh quân chủng chiến đấu và ngày 27/12/2012, Washington bổ sung, điều chỉnh, trong đó nhấn mạnh việc chỉ huy chiến đấu qua mạng được xếp ngang hàng với tất cả các phương tiện tác chiến chủ yếu khác. Trước đó (13/2/2012), Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một loại huy chương chiến công mới dùng để tuyên dương lực lượng chịu trách nhiệm triển khai các chiến dịch tấn công điện tử hoặc điều khiển máy bay không người lái.
Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã giới thiệu “Huy chương Chiến đấu xuất sắc” và cho biết, đã đến lúc cần vinh danh những người lính tham gia vào cuộc chiến tranh hiện đại ở đằng sau chiến tuyến. Sau đó (12/2/2012), Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh để bảo vệ tốt hơn các cơ sở quan trọng trước sự xâm nhập của tin tặc. Washington đã đầu tư hàng chục triệu USD/năm vào các hoạt động tấn công mạng nhằm khai thác những lỗ hổng bảo mật trong máy tính của đối thủ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder từng tuyên bố: Chỉ cần mất một bí mật thương mại cũng đủ làm thiệt hại hàng triệu hoặc hàng tỷ USD. Bởi công ty bị mất cắp bí mật thương mại buộc phải sa thải nhân viên, đóng cửa nhà máy, mất khách, mất lợi nhuận, mất sức cạnh tranh, thậm chí phải đóng cửa. Hơn 1 năm trước (10/5/2013), hãng Reuters đăng bài viết của phóng viên Joseph Menn, theo đó Washington và các nhà thầu cho Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường nỗ lực xâm nhập máy tính của các đối thủ nước ngoài. Việc này diễn ra cùng thời điểm Washington đang tiếp tục truy tố các tội phạm tin học trong nước đến mức làm phát sinh nhiều yêu cầu về cải cách luật công nghệ Mỹ.
Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper từng khẳng định (11/4/2013), khủng bố mạng là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh Mỹ. Đến nay, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn bị đánh giá là chưa có sự hợp tác hiệu quả để đảm bảo hiệu quả ứng phó khi xảy ra chiến tranh mạng. Đây là cảnh báo của cựu nhân viên CIA Edward Snowden.
Cũng từ cảnh báo của Edward Snowden, ngày 23/4, Quốc hội Brazil đã thông qua dự luật về quản lý Internet, trong đó chú trọng tăng cường tính bảo mật cho người sử dụng. Một trong những mục đích quan trọng nhất của dự luật nói trên là chống lại chương trình do thám toàn cầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Trước đó (4/2), Nhật-Mỹ đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực để đối phó với các cuộc tấn công mạng đang ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi.
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ James Cole từng cho rằng, việc các công ty chia sẻ thông tin an ninh mạng không vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ; đồng thời khẳng định, Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang đã phát hành một bản hướng dẫn chính thức, trong đó khẳng định các doanh nghiệp sẽ không bị truy tố nếu họ chia sẻ với nhau các thông tin kỹ thuật liên quan đến các cuộc tấn công mạng, các mã độc hoặc các mối đe dọa tương tự đang diễn ra. Và bản hướng dẫn này cũng thể hiện cam kết của Washington trong việc khuyến khích và mở rộng chia sẻ thông tin mạng giữa các công ty, các doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan chính phủ nhằm có các biện pháp phòng vệ và ứng phó hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công mạng. Được biết, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ quan ngại luật chống độc quyền có thể ảnh hưởng và cản trở việc chia sẻ thông tin an ninh mạng giữa các công ty. |
(Xem tiếp kỳ sau)
Tiên Du - Bắc Ninh