Tăng lương tối thiểu năm 2015: “Doanh nghiệp có thể chịu đựng được”
Xung quanh vấn đề điều chỉnh tăng lương tối thiểu ảnh hưởng đến điều kiện sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, phóng viên Năng lượng Mới đã trao đổi với TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Năng lượng Mới số 347
PV: Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiếu năm 2015 lên 15,1%. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này?
TS Cao Sỹ Kiêm: Không phải lần này mà lúc nào việc lựa chọn tăng lương ở mức bao nhiêu cho hợp lý luôn tồn tại hai mâu thuẫn. Thứ nhất, nếu tăng mức thấp quá không đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động kéo theo là không có động lực để sản xuất kinh doanh. Thứ hai, nếu tăng quá cao thì sẽ gây áp lực lên doanh nghiệp khi chi phí tăng theo, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến lợi nhuận của họ giảm sút, khả năng thúc đẩy sản xuất không tăng.
Vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn mức tăng như thế nào. Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 31-7 vừa qua, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng với khu vực 1 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất là 3,4 triệu đồng/người/tháng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra mức 3,05 triệu đồng/tháng/người, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra mức 3 triệu đồng/tháng/người. Theo phân tích của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện tại, mức lương tối thiểu vùng năm 2014 đang áp dụng là 2,7 triệu đồng đối với vùng 1 và 1,9 triệu đồng ở vùng 2. Mức lương này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị cần phải tăng lương tối thiểu vùng 1 năm 2015 lên mức 3,4 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 26% so với mức lương tối thiểu cũ.
TS Cao Sỹ Kiêm
So với mức đề xuất khá khá cao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng lương tối thiểu năm 2015 của đại diện doanh nghiệp đề xuất lại chỉ là 11%. Theo lý giải của VCCI, mức tăng lương tối thiểu năm 2015 nên thấp hơn của năm 2014, chỉ dưới 12% để tạo điều kiện củng cố thêm việc làm bền vững cho người lao động. Thậm chí, một số doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn còn đề nghị tạm dừng việc tăng lương.
Với đề xuất tăng lương tối thiểu lên 23% trong năm 2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo tôi là quá sức với doanh nghiệp. Nhưng với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) dưới 12% thì cũng không cải thiện được bao nhiêu, chỉ đảm bảo 70-80% đời sống cho người lao động.
Theo tôi với mức tăng 15,1% (tương đương 300.000-400.000đồng/người/tháng tùy từng vùng) mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa lựa chọn để trình lên Chính phủ là mức hợp lý vừa có động lực cho người lao động, đối với doanh nghiệp thì khả năng chịu đựng và thích nghi dần dần cũng có thể chấp nhận được. Chốt phương án này đồng nghĩa với việc hài hòa với mức mà VCCI và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông quyết định này sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào?
TS Cao Sỹ Kiêm: Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn cực kỳ cam go. May mắn là 6 tháng đầu năm nay có thể xem là thời gian “dễ thở” đối với họ. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp không có năng lực để nộp thuế, nợ bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều. Ðó còn chưa kể các chi phí đầu vào luôn trong xu hướng tăng, khiến chi phí doanh nghiệp đội lên cao. Ðiều này cho thấy khó khăn của doanh nghiệp chưa phải là hết. Theo số liệu của VCCI, 6 tháng qua vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể. Vì vậy, quyết định tăng lương tối thiểu lần này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do quy mô và năng lực hạn hẹp nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là đối tượng dễ tổn thương nhất nếu không có các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, xét về góc độ khác tôi nghĩ rằng, cho dù ảnh hưởng như thế nào doanh nghiệp vẫn có thể chịu đựng và chấp nhận được. Kể cả người lao động được hưởng thêm mức lương cũng có thể chấp nhận được vì rõ ràng đây là phương án “cực chẳng đã” để hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động, chứ không thể chọn phương án mà đối tượng này được hưởng, đối tượng khác phải chịu đựng.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi mức điều chỉnh tăng 15,1% được áp dụng?
TS Cao Sỹ Kiêm: Tôi đã nhận được một số lời phàn nàn của doanh nghiệp về vấn đề này. Các doanh nghiệp cũng thừa nhận việc tăng lương tối thiểu là cần thiết. Song trong bối cảnh này thì doanh nghiệp buộc phải tăng quỹ lương, đồng nghĩa tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Tăng lương thì giá thành sản xuất cũng phải tăng theo. Ðiều này khiến doanh nghiệp lo ngại sẽ giảm tính cạnh tranh doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tương tự, doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa cũng phải tăng giá bán vì giá thành tăng, khiến sức mua của thị trường ít nhiều đi xuống. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội khả năng còn tiếp diễn và tình trạng thất nghiệp cũng là tình huống có thể xảy ra.
Công nhân Công ty may Quốc tế Wogin trong ca làm việc
Một bài toán đơn giản mà doanh nghiệp quy mô nhỏ vừa đang tính toán như thế này: Với một doanh nghiệp có gần 1.000 công nhân với mức lương hợp đồng khoảng 3,3 triệu đồng, thu nhập trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Mặc dù quy định lương tối thiểu là để doanh nghiệp không trả lương cho người lao động dưới mức này, nhưng thực tế công nhân thấy Nhà nước điều chỉnh tăng bao nhiêu là yêu cầu doanh nghiệp tăng bấy nhiêu. Do đó, nếu tăng lương tối thiểu lên 3,4 triệu đồng, công ty sẽ phải tăng đồng loạt các bậc lương thêm 700.000 đồng/tháng, mức lương hợp đồng theo đó sẽ tăng lên 4 triệu đồng. So với các doanh nghiệp lớn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã bất lợi trong lương thưởng để thu hút công nhân. Khi các doanh nghiệp lớn tăng lương theo đợt điều chỉnh lương tối thiểu thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải chạy theo. Ðiều này đồng nghĩa chi phí bù đắp tăng cao, doanh nghiệp chật vật xoay sở, chắc chắn lợi nhuận sẽ giảm sút. Thậm chí có doanh nghiệp đang lo sợ, nếu điều chỉnh tăng lương ngay lên mức 3,4 triệu đồng thì doanh nghiệp họ chỉ có thể gắng gượng trong vòng vài tháng và có nguy cơ phải đóng cửa.
Trong khi đó, người lao động cũng chưa kịp mừng thì đã phải lo lắng những chi phí sinh hoạt lại bị “té nước theo lương”. Ðiều đó cũng có nghĩa tăng mà không phải tăng. Và một rủi ro đằng sau việc tăng lương quá nhanh nữa là nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, bởi giữa chi phí tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp có sự tương quan. Khi chi phí tiền lương tăng cao thì doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng.
Thực tế cho thấy cả doanh nghiệp và người lao động đều có những lo lắng căn bản về mỗi lần có điều chỉnh tăng lương.
PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay năng suất lao động tại các doanh nghiệp còn thấp. Vì vậy, thời điểm này chưa phù hợp để đưa ra phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu. Ông nghĩ gì về điều này?
TS Cao Sỹ Kiêm: Là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng tôi hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải nhưng cũng cần phân tích thấu đáo để doanh nghiệp hiểu đúng vấn đề. Thời điểm tăng lương không còn quan trọng bằng sự cần thiết phải làm. Không thể chờ đợi khi nào là phù hợp hay không phù hợp.
Mọi khó khăn của người lao động lẫn doanh nghiệp đều đã xảy ra rồi, không nên chần chừ để chọn thời điểm mà phải làm càng nhanh càng tốt, càng sớm càng hay. Nếu chuẩn bị được các yếu tố thì nên bố trí sớm, kéo dài thời gian quá người lao động càng sống lay lắt hơn, từ đó tác động lên trách nhiệm xã hội, không có động lực để phát triển.
Khi nói về năng suất lao động cần phải hiểu đây là yếu tố trung tâm chịu tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Toàn bộ những nhân tố tác động đến đầu ra và đầu vào đều là những nhân tố tác động đến năng suất lao động. Các yếu tố này bao gồm: Khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, năng lượng, nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng. Trong đó khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, đây là yếu tố mạnh mẽ nhất làm tăng năng suất lao động. Trình độ kỹ thuật của sản xuất được biểu hiện thông qua tính năng của công cụ sản xuất, trình độ sáng chế và sử dụng các đối tượng lao động, các quá trình công nghệ sản xuất. Hiện nay, doanh nghiệp nào cũng nhận thấy được vai trò của máy móc hiện đại rất quan trọng để làm tăng năng suất lao động. Thật vậy sự phát triển của lực lượng sản xuất thường bắt đầu từ sự thay đổi của công cụ sản xuất, lấy máy móc thay thế cho lao động thủ công, lấy máy móc hiện đại thay thế cho máy cũ.
Một trong những nguyên nhân làm cho năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp là do trình độ ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, lao động thủ công còn nhiều. Cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động. Cơ sở vật chất - kỹ thuật đó biểu hiện thông qua các ngành năng lượng, cơ khí, luyện kim, hoá học, giao thông vận tải và hệ thống thông tin, liên lạc. Ðó là các yếu tố gắn với sự phát triển kinh tế, muốn tăng nhanh năng suất lao động doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm.
Vì vậy, hiển nhiên doanh nghiệp nào cũng tự hiểu vấn đề năng suất lao động hoàn toàn phụ thuộc nhiều vào trình độ công nghệ cũng như năng lực quản lý điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp. Vấn đề công nghệ có thể áp dụng nhanh hơn thì có điều kiện doanh nghiệp nên tiến hành. Còn vấn đề năng lực thì cần có thời gian và theo lộ trình chứ không thể một sớm một chiều. Trước mắt nếu doanh nghiệp tập trung vào công nghệ sẽ giúp người lao động hứng khởi làm việc giúp tăng năng suất lao động. Ðây là cơ hội để doanh nghiệp có thể tăng khả năng chịu đựng với nhiều yếu tố bên ngoài.
Công nhân Công ty CP Phát triển Thủy sản đang phân loại tôm xuất khẩu
Ngoài ra còn một điều mà tôi rất đồng tình với lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đó là trong năm 2015, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần đi sâu vào nghiên cứu mức lương tối thiểu theo nhiều căn cứ bổ sung, như: Chỉ số giá tiêu dùng, đời sống người lao động, sự chênh lệch mức lương giữa khu vực phi chính thức và chính thức, lương giữa doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Có thể nói, để phù hợp với điều kiện khách quan và đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động, nhất là mức tăng phải đảm bảo cuộc sống của người lao động cũng như duy trì ổn định sản xuất là mục tiêu quan trọng nhất của việc điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Vì vậy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự tính sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng nghiên cứu năng suất lao động, nhằm đảm bảo đời sống người lao động và đề xuất những giải pháp cạnh tranh của lao động Việt Nam là điều hoàn toàn cần thiết.
PV: Vậy còn tình trạng thất nghiệp khả năng sẽ diễn ra khi điều chỉnh tăng lương như nhiều người đang lo ngại thì sao, thưa ông?
TS Cao Sỹ Kiêm: Việc tăng mức lương tối thiểu một mặt tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động đang có việc làm, nhưng mặt khác có khả năng sẽ làm mất cơ hội được gia nhập vào đội ngũ lao động trong các ngành công nghiệp hiện nay khiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Ðiều này cũng có thể xảy ra.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động thì Việt Nam cùng một số rất ít nước phát triển đang có mức lương thu nhập cao hơn so với năng suất tạo ra. Trong khi các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam kể cả các quốc gia có mức phát triển cao hơn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều có mức thu nhập thấp hơn so với năng suất được tạo ra.
Do vậy, cần cân nhắc sao cho tăng lương không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước để có thể nhắm tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, trong bối cảnh chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chi phí thủ tục hành chính còn cao, việc nóng vội tăng lương tối thiểu có thể làm các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc nhiều hơn quyết định đầu tư vào Việt Nam, thậm chí sẽ chuyển sang các nước có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn và như thế sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng việc làm được tạo ra. Bên cạnh đó, tăng lương tối thiểu với quy mô vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế, thì sẽ có khả năng giảm đáng kể số lượng việc làm được tạo ra. Cần cân nhắc sao cho tăng lương không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, để có thể nhắm tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn, qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực doanh nghiệp.
Vì thế mới nói, việc tăng lương luôn có hai mặt vừa tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động đang có việc làm, thì cũng không được làm mất cơ hội được gia nhập vào đội ngũ lao động trong các ngành công nghiệp của một phần không nhỏ trong số gần 50 triệu người hiện còn đang làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp.
Nhưng trên thực tế, trước khi quyết định phương án nào chúng ta đều tính toán hết các mặt trái của nó. Mức tăng 15,1% có thể chấp nhận được và chi phí doanh nghiệp tăng lên, lao động thiếu việc làm có thể xảy ra nhưng chắc chắn tình trạng này không diễn ra ở tất cả các doanh nghiệp. Mà chỉ có số ít doanh nghiệp yếu kém, thu nhập thấp, lãi co hẹp nhanh. Nếu các doanh nghiệp này không thể cáng đáng thì phải chấp nhận thất bại để rời khỏi thị trường giúp thị trường có lối thoát hanh thông hơn.
Như đã nói ở trên, phải làm sao để việc tăng tiền lương phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả, để việc tăng tiền lương diễn ra đồng thời với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới đàng hoàng cho người dân và cho nền kinh tế. Do vậy, việc nghiên cứu và khảo sát định lượng về mức sống tối thiểu ở Việt Nam cũng cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và có cơ sở hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Thanh (thực hiện)