Đồng thuận tối đa về lương tối thiểu
Luật Lao động năm 2012 đã có hiệu lực từ 1-5-2013. Khi soạn thảo, các nhà làm luật đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 thực hiện cho được mức lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu.
Năng lượng Mới số 346
Năm 2015 đã cận kề nhưng chưa có tín hiệu gì để đạt được yêu cầu tối thiểu này, trừ những kiến nghị rốt ráo của người đứng đầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hội đồng Tiền lương Quốc gia chỉ có 15 thành viên, gồm: Ðại diện của Bộ LÐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động VN, đại diện tổ chức sử dụng người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhưng vẫn chưa đạt được đồng thuận về lương tối thiểu.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động (TLÐLÐ) Việt Nam kiến nghị với các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần thống nhất với nhau một lộ trình để thực hiện cam kết này với người lao động. Theo đó, thời điểm có thể chấp nhận được, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, lợi ích chung của đất nước, được nhiều ý kiến đồng tình là lấy mốc năm 2017 mức lương tối thiểu của người lao động ở khu vực doanh nghiệp phải đạt mức sống tối thiểu.
Từ kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn và tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, để đạt mục tiêu này, bước sang năm 2015, lương tối thiểu phải tăng thêm 23% so với mức đang áp dụng, cụ thể là mức cao nhất (vùng 1) phải là 3,4 triệu đồng/tháng và thấp nhất (vùng 4) phải là 2,3 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2015 lương tối thiểu của công nhân sẽ được tăng lên 3.100.000đ/người/tháng
Vậy vùng 1 là vùng nào? Theo quy định hiện hành, vùng 1 gồm các địa bàn: Các quận và các huyện Gia Lâm, Ðông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Ðức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội; các quận và các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo thuộc thành phố Hải Phòng; các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Ðồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ðây là vùng đô thị có giá sinh hoạt đắt đỏ nhất hiện nay.
Ðề xuất tăng lương tối thiểu với mức nói trên của TLÐLÐ Việt Nam đã được tranh luận rất quyết liệt tại cuộc họp mới đây của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Trong khi đại diện của giới chủ (VCCI) đề xuất lương tối thiểu năm 2015 so với năm 2014 chỉ nên tăng 11%, nhưng TLÐLÐ Việt Nam không thống nhất với ý kiến của đại diện cho giới chủ. Tiền lương tối thiểu hiện nay thấp hơn mức sống tối thiểu 30-33%. Muốn đến năm 2017 lương tối thiểu đạt mức sống tối thiểu thì mỗi năm phải tăng 10-11%, cộng với trượt giá trong năm (khoảng 8%).
Trong thực tế, người lao động không thể sống được với mức lương tối thiểu. Sẽ không có công nhân nào làm việc cho các ông chủ với mức lương tối thiểu này. Họ còn nhận được số tiền cao hơn nhiều dưới hình thức phụ cấp chuyên cần, phụ cấp xăng, phụ cấp nhà... mà thực ra đây là lương.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch TLÐLÐ Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thể hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi chính đáng của người lao động, nếu không muốn nói vẫn còn một bộ phận trong bộ máy này thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm, kể cả vô cảm...
Theo tính toán của VCCI, việc tăng lương tối thiểu 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương doanh nghiệp 17-29% khiến chi phí đầu vào tăng khoảng 7-8%. Ðặc biệt, sẽ có tới 80% doanh nghiệp Việt Nam và 30% doanh nghiệp FDI không đạt được năng suất đề ra, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến thu hẹp sản xuất. Khi đó đời sống người lao động tiếp tục gặp khó khăn và việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng không thuận lợi… Hai bên đều có vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì thế, điều chỉnh lương cần được chia sẻ khó khăn chung của cả hai bên, không nên duy trì mức lương tối thiểu quá thấp và tạo áp lực với doanh nghiệp, chiếm 90% doanh nghiệp hiện đang sử dụng hàng triệu lao động thì mọi động thái điều chỉnh lương của Nhà nước đều ảnh hưởng rất lớn đến số đông này. Một mặt nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng cao quá sức chịu đựng của chủ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc có duy trì số lượng lao động hiện có hay tuyển mới lao động hay không, do đó cơ hội tìm việc làm mới sẽ giảm đi. Các chuyên gia lưu ý đến việc do khó khăn quá doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động và lẽ dĩ nhiên lao động không có việc làm sẽ tăng lên, gây thất nghiệp, dẫn đến nhiều hậu quả cho xã hội.
Do vậy, để thật sự khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới thì điều đầu tiên cần phải tạo cho họ dễ thở trước đã. Ðồng thời, cho doanh nghiệp quyền thảo luận, bàn bạc với người lao động việc tăng lương theo khả năng của doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận xét, chỉ có thể tăng lương dựa trên cơ sở giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và tiết giảm mức lãi của chủ doanh nghiệp thì tăng lương mới có bền vững.
Thông tin mới nhất cho biết, trong phiên họp ngày 6-8, với 64,3% số phiếu, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhất trí cho với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, mức tăng dao động trong khoảng 15% so với năm 2014. Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 năm 2015 là 3.100.000 đồng/người/tháng (tăng 400.000 đồng so với lương tối thiếu năm 2014), vùng 2 là 2.700.000 đồng (tăng 350.000 đồng), vùng 3 là 2.400.000 đồng (tăng 320.000 đồng), vùng 4 là 2.200.000 đồng (tăng 300.000 đồng).
Theo Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân, điểm thành công là các thành viên Hội đồng ít nhiều đã có sự đồng thuận về mức lương tối thiểu.
Về mức lương tối thiểu vùng năm 2015, ông Phạm Minh Huân thừa nhận mới chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu. Về lộ trình tăng lương tối thiểu tới năm 2017 sẽ phải đáp ứng mức sống tối thiểu, ông Phạm Minh Huân cho rằng, mức tăng trong các năm 2016, 2017 sẽ phải cao hơn để giải quyết nốt con số 25% còn thiếu của mức lương tối thiểu hiện nay.
Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Mai Ðức Chính nhận xét, mức lương này chưa thỏa mãn với đề xuất của TLÐLÐ Việt Nam. Mức lương này cũng chỉ là đề xuất để Chính phủ ra quyết định cuối cùng trong điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Hy vọng Chính phủ sẽ thông qua nhiều kênh thông tin khác để cân đối và đi đến quyết định cuối cùng về mức lương tối thiểu. Sự đồng thuận tối đa về mức lương tối thiểu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bảo Dân