Trung Hoa Thập Thánh
(PetroTimes) - 10 nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại được người đời sau tôn vinh, phong “Thánh”, là những người có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống văn hóa và quá trình phát triển của Trung Quốc.
Rất nhiều người Việt Nam từng biết về những vị “Thánh” nổi tiếng này, từng nghiên cứu tác phẩm hoặc học hỏi, ứng dụng các sản phẩm, trí tuệ của họ trong đời sống. Tuy nhiên dung mạo của các vị “Thánh” ra sao thì ngay cả người Trung Quốc cũng chỉ biết qua các bức vẽ, bức tượng mà cổ nhân sáng tác mà thôi. Chúng ta thử cùng chiêm ngưỡng các nhân vật này qua bộ tranh - tượng sưu tầm dưới đây.
1. Văn Thánh Khổng Tử, còn gọi là Khổng Phu Tử - người ấp Tưu, nước Lỗ thời Xuân Thu (nay là đông nam huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông) - là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo.
2. Binh Thánh Tôn Vũ - người Lạc An nước Tề, ở cuối thời Xuân Thu (nay là huyện Huệ Dân tỉnh Sơn Đông) - với tác phẩm lí luận quân sự "Tôn Tử binh pháp", ông được tôn là Tôn Tử. Tôn Tử binh pháp còn được gọi là Binh pháp Ngô Tôn Tử, được Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 trước Công nguyên, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại. Tuy là một bộ binh thư, nhưng tầm ảnh hưởng của Binh pháp Tôn Tử lại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, mà còn có thể áp dụng vào những lĩnh vực khác như kinh tế học, thể dục thể thao, khoa học…
3. Sử Thánh Tư Mã Thiên - sinh năm 145 trước Công nguyên ở Long Môn (nay là huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây) - nhà sử học thời Tây Hán là tác giả bộ Sử ký, công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Đặc biệt bộ Sử ký Tư Mã Thiên còn là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Bộ sử vĩ đại này miêu tả tổng quát về lịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế. Công trình cũng chính là nền tảng cho các phát triển sau này trong sử học Trung Hoa.
4. Y Thánh Trương Trọng Cảnh - người Nam Dương, Hà Nam, cuối thời Hán, y học gia kiệt xuất thời cổ Trung Quốc, một đời chữa bệnh cứu người, y đức song toàn. Ông sinh khoảng năm 150, mất khoảng năm 219 Trước Công nguyên - một thầy thuốc được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử Đông y vì những đóng góp mang tính hệ thống về cả lý luận và thực nghiệm. Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Thương hàn tạp bệnh luận, tuy đã thất lạc trong giai đoạn Tam Quốc nhưng sau đó đã được tổng hợp lại thành hai tập sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược, đây là hai trong bốn bộ y thư đặc biệt của Đông y, được coi là “Y kinh” đặt nền móng cho trị liệu học Trung y.
5. Võ Thánh Quan Vũ - cũng được gọi là Quan Công, tự là Vân Trường, người Giải Lương, quận Hà Đông, là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Quan Vũ cao chín thước (gần 3 mét ngày nay), mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt. Quan Vũ nổi tiếng trung nghĩa, can đảm, võ công cái thế, là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v... Ông cũng được thờ cúng ở nhiều nơi với tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt đao, cưỡi ngựa xích thố.
6. Thư Thánh Vương Hi Chi - người Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông, thời Đông Tấn. Với nghệ thuật thư pháp xuất thần nhập hóa, ông được nhìn nhận không chỉ là danh nhân thời Đông Tấn mà trong cả lịch sử Trung Quốc. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là: Đề Vệ phu nhân bút trận đồ hoạ (Bàn luận về bút pháp của Vệ phu nhân trên bức tranh), Bút thế luận (Lý luận về thế bút), Dụng bút tặc. Lương Vũ đế đánh giá thư pháp của ông: “Thế chữ hùng dật như rồng múa ở Thiên Môn, như hổ chầu ở Phượng khuyết, vì vậy là bảo vật của muôn đời, mãi mãi là mẫu mực để người đời học tập”. Chữ của ông hấp thu tinh hoa của các thư pháp gia thời Ngụy Tấn, từ đó sáng tạo ra một phong cách đặc biệt. Thể chữ khải do ông viết đã tiến một bước thoát khỏi hình bóng của thể chữ lệ, đạt đến một trình độ hoàn mĩ độc lập. Người đời khen chữ của ông là “phiêu nhược phù vân” (bồng bềnh như mây bay) “kiểu nhược kinh long” (mạnh tựa rồng cuốn). Vua Đường Thái Tông nhận xét: “Chữ của Vương Hi Chi tường sát cổ kim, tận thiện tận mỹ”.
7. Họa Thánh Ngô Đạo Tử - người Dương Cù thuộc huyện Vũ tỉnh Hà Nam, sinh năm 685, là họa sĩ lớn của Trung Quốc thời nhà Đường. Người dân Trung Quốc rất sùng bái Ngô Đạo Tử, coi ông như thần tiên và truyền tụng rất nhiều giai thoại thần kỳ về việc vẽ tranh của ông. Cảm xúc lập thể trong tranh của ông rất mạnh, ông sở trường về vẽ nhân vật, dùng phấn đỏ đậm nhạt biểu hiện cốt nhục cao thấp, chân thực như tượng. Ông cũng sở trường vẽ tượng Phật, rất sống động. Dải áo ở nhân vật ông vẽ phất phới như bay, sáng tạo ra phong cách nghệ thuật độc đáo "Ngô đới đương phong" (dải áo của Ngô Đạo Tử vẽ tung bay trong gió).
Bức tranh "Tống tử Thiên vương đồ" là tác phẩm hội họa duy nhất của Ngô Đạo Tử còn tồn tại tới ngày nay. Bức tranh miêu tả cảnh Phật Thích ca mâu ni ra đời, được phụ thân Tịnh Phan vương ôm đến thái miếu để chư thần làm lễ. Bức tranh rộng lớn, bút mực thanh thoát, khắc họa nhân vật rất tinh tế. Ngô Đạo Tử đã thay đổi phương pháp cân bằng đường nét, sử dụng phương pháp tương phản: nặng - nhẹ, đậm - nhạt thể hiện, gọi là "thuần thái điều". Tranh sơn thủy của ông có tính chân thực, thể hiện phong cách hùng tráng. Ngô Đạo Tử chính là người khai sáng ra sự thay đổi phong cách tranh sơn thủy, gọi là "sơn thủy chi biến”.
8. Thi Thánh Đỗ Phủ - sinh năm 712, người huyện Củng, tỉnh Hà Nam, là nhà thơ vĩ đại thời Đường. Thơ của Đỗ Phủ đa phần phản ánh mâu thuẫn xã hội và cuộc sống hiện thực lúc bấy giờ, trong đó nổi tiếng nhất là Tam lại, Tam biệt, những bài thơ này đã vạch trần sự áp bức tàn khốc của giai cấp thống trị đối với nhân dân. Nhân vì thơ của ông phản ánh tương đối chân thực một thời đại lịch sử phức tạp đầy động loạn nên ông được tôn là “Thi sử”, “Thi thánh”. Những tác phẩm của ông gây ảnh hưởng nhiều đến cả văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản.
Giới phê bình văn học chú trọng tới tính sử, đạo đức và kỹ thuật sáng tác điêu luyện của ông. Vấn đề lịch sử được biểu đạt đầy sức thuyết phục trong thơ ông đã khiến ông trở thành một nhân vật trung tâm trong thi sử Trung Quốc. Đỗ Phủ đã thống nhất trong tác phẩm của mình những nét tiêu biểu mà người trước mới chỉ đề cập riêng lẻ. Ông là nhà thơ tài nghệ trong mọi phong cách thơ Trung Quốc. Ở bất cứ hình thức nào ông đều mang lại những tiến bộ vượt bậc hay đóng góp những ví dụ mẫu mực. Hơn nữa, thơ ông có phạm vi sử dụng từ vựng rộng lớn, từ cách nói trực tiếp và thông tục cho đến cách nói bóng và ngôn ngữ văn chương, mỗi nhà thơ Trung Quốc đều khó có thể không bị ảnh hưởng từ ông.
9. Trà Thánh Lục Vũ - sinh năm 733, người Cánh Lăng, Phức Châu thời nhà Đường (nay là thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc). Ông là người có kinh nghiệm sống phong phú, học vấn sâu rộng, có nhiều sáng tạo trong các lĩnh vực Văn học, Lịch sử, Kí kịch, Âm vận, Phương chí, Thư pháp... Tuy nhiên, ảnh hưởng được người đời sau nói đến nhiều nhất của ông lại là nghiên cứu về trà đạo. Ông suốt đời yêu thích trà. Cuốn sách chuyên nghiên cứu về trà của ông được gọi là “Trà kinh”, bộ sách lý luận chuyên khảo đầu tiên về trà học trên thế giới, được mệnh danh là Bách khoa toàn thư về trà lâu đời nhất và có ảnh hưởng sâu xa, rộng lớn đến các đời sau này.
Ngoài 10 chương của Trà Kinh, Lục Vũ còn tổng kết lần đầu tiên trên thế giới cách uống trà trong cuốn Trà Kinh thành cửu đạo trà, làm cơ sở cho cách uống trà ngày nay, bao gồm 9 chữ: phẩm, ôn, đầu, trúng, mân, phục, chân, kính, ẩm. “Trà kinh” đã được dịch ra tiếng Việt, bản dịch của Trần Quang Đức, NXB Văn học, 2008.
10. Tửu Thánh Đỗ Khang - còn được gọi là Thiếu Khang, sống vào cuối thời Tây Chu, tương truyền là người phát minh ra cách ủ men rượu, cách nấu rượu ở Trung Quốc, được những người nấu rượu, bán rượu thờ là ông tổ của nghề rượu. Tương truyền, Đỗ Khang do nổi tiếng với nghề nấu rượu, được Ngọc Hoàng triệu lên thiên cung nấu rượu ngự, thành tửu tiên. Một hôm, Vương Mẫu xuống trần hạ chiếu, nói rằng Lưu Linh vốn là đồng tử hầu rượu trong Diêu Trì của Vương Mẫu, say mê Đỗ Khang hạ trần để điểm hóa ông ta. Đỗ Khang mở quán rượu ở Long Môn sơn gần Lạc Dương, vừa bán rượu, vừa đợi Lưu Linh tới.
Hôm đó, Lưu Linh cưỡi xe đi chơi, đi qua quán của Đỗ Khang, ngửi thấy mùi thơm từ trong quán bốc lên, không thể đừng được, bèn xuống xe, vào quán rượu. Lưu Linh tự cho mình có tửu lượng cao, không ngờ mới uống được ba cốc lớn đã say nghiêng say ngả, say liền một mạch ba năm mới tỉnh. Từ khi Đỗ Khang phát minh ra nghề nấu rượu đến nay, Trung Quốc đã có biết bao nhiêu loại rượu ngon ra đời, song mỗi khi có liên hoan yến tiệc, người ta không bao giờ quên công đức của vị Tửu thánh - Đỗ Khang.
Ngân Hà (tổng hợp)