Dược và Thuốc
Bạn đọc: Tôi không biết chữ Hán, chỉ biết “dược” có nghĩa là “thuốc”, như trong “tân dược”, “thảo dược”, “y dược”, v.v... Nhưng một người bạn nói nửa đùa nửa thật rằng về từ nguyên thì “thuốc” là do “dược” mà ra. Anh bạn cũng chẳng biết chữ Hán; vậy liệu đó có đúng là sự thật không? Xin nhờ ông An Chi giải đáp giúp. Xin cảm ơn. Nguyễn Hải Bằng (Vĩnh Tuy, Hà Nội)
Năng lượng Mới số 344
Học giả An Chi: So với các nền văn tự ghi âm bằng chữ cái Latinh thì lĩnh vực từ nguyên học về các từ Việt gốc Hán có riêng một lợi thế thú vị là sự trợ giúp của các thanh phù trong công tác truy tầm từ nguyên liên quan đến những hình thanh tự. Hình thanh tự là chữ gồm hai bộ phận có chức năng riêng biệt, rõ rệt: nghĩa phù (cũng gọi là hình phù) và thanh phù. Nghĩa phù, thực cho ta biết phạm trù nghĩa rộng rãi nhất của chữ, như bộ “nhân” [人] chỉ người, bộ “mộc” [木] chỉ những gì liên quan đến cây, đến gỗ, bộ “thủy” [水] chỉ những gì liên quan đến nước, v.v... Còn thanh phù thì cho ta biết cách đọc của chữ đó. Nhưng riêng về thanh phù thì có khi khoảng cách giữa nó với chữ mà nó ghi âm lại rất xa. Xa nhưng thực sự đáng tin vì giữa thanh phù và chữ được nó ghi âm từng có giai đoạn đồng âm hoặc cận âm.
Chẳng hạn ta có từ “đã”, thường được xem là phó từ chỉ quá khứ; từ “đã” này chẳng qua là điệp thức của “dĩ” [已], có nghĩa là… “đã”. “Dĩ” và “đã” nghe rất khác nhau. Tuy ở đây ta không trực tiếp có hiện tượng liên quan đến thanh phù để phân tích vấn đề nhưng ta có thể thông qua một trường hợp tương tự để chứng minh. Ta biết chữ “di” [移] trong “di chuyển” là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là “hòa” [禾] (= lúa) còn thanh phù là chữ “đa” [多] (= nhiều). Nghĩa gốc sâu xa của chữ “di” [移] là “(nhánh lủa) mảnh mai (nên oằn xuống)” và với nghĩa này, ta có một điệp thức là “đà” trong “la đà” (còn “la” là “ở vị trí rất thấp, sát mặt đất” [Từ điển tiếng Việt của Vietlex, Hoàng Phê chủ biên]). “Ða” [多] hài thanh cho “di” [移]; rồi “di” [移] có điệp thức là “đà” trong “la đà”. Ðây là những trường hợp tương tự từ nguyên học “DI ↔ ÐA”, cho phép ta suy ra “đã” là điệp thức của “dĩ” [已].
Những trường hợp như trên không hiếm và vấn đề bạn hỏi cũng là một trường hợp như thế, mà chúng tôi xin phân tích như sau. Về mối quan hệ “D ↔ TH” giữa “dược” và “thuốc”, ta có nhiều trường hợp tương tự khác như:
Chữ “dã” [也] (= cũng) hài thanh cho chữ “tha” [他] (= nó, hắn);
Chữ “dặc” [弋] (= cái cọc) hài thanh cho chữ “thắc” [忒] (= sai lệch);
Chữ “dâm” [冘] hài thanh cho chữ “thẩm” [抌] (= đánh mạnh, đấm);
Chữ “dẫn” [引] trong “dẫn dụ”, “dẫn chứng”, v.v., hài thanh cho chữ “thẩn” [矧] (= lợi, nướu răng);
Một số chữ “dật” [泆] trong “dâm dật” được hài thanh bằng chữ “thất” [失] (= mất);
Chữ “dậu” [酉] hài thanh cho chữ “thu” [緧] (= dây buộc chân trâu, bò vào xe);
Chữ “du” [俞] (= vâng [tiếng trả lời ung thuận]) hài thanh cho chữ “thâu” [偷] (= cẩu thả);
Chữ “duệ” [兌] (= nhọn) hài thanh cho chữ “thuế” [稅] trong “tô thuế”;
Chữ “dư” [予] (= ta, tiếng dùng tự xưng) hài thanh cho chữ “thư” [紓] (= duỗi ra);
Chữ “duy” [維] và chữ “thùy” [誰] có cùng thanh phù là chữ “chuy” [隹] (bên phải);
Chữ “duyên” [沿] và chữ “thuyền” [船] có cùng thanh phù (trên “bát” [八], dưới “khẩu” [口]);
Chữ “dăng” [蠅] (= nhặng [ruồi lằng]) và chữ “thằng” [繩] (= dây) đều có thanh phù là chữ “mãnh” [黽];
Cuối cùng, chữ “dược” [藥] là thuốc và chữ “thước” [爍, 鑠] là nấu cho chảy ra có cùng thanh phù là chữ “lạc” [樂]. Qua trung gian của thanh phù “lạc” [樂], ta xác lập được quan hệ “D ↔ TH” giữa “dược và “thuốc” để đi đến kết luận rằng, đây là hai điệp thức trong đó “dược” là một hình vị phụ thuộc (không tự do) còn “thuốc” là một hình vị độc lập, có thể hành chức tự do trong lời ăn tiếng nói thông thường cũng như trong văn thơ hoa mỹ. Chẳng những thế, “thuốc” còn chuyển loại thành động từ có nghĩa là gây ra cái chết bằng chất độc.
Vậy điều mà bạn của bạn đã nói nửa đùa nửa thật chính là sự thật trăm phần trăm.
A.C