Cẩn trọng với bệnh lao màng não
Có đến 80% người mắc lao màng não bị tử vong. Nếu may mắn còn sống thì cũng rất dễ gặp phải những tai biến nặng nề như mù mắt, liệt nửa người, thiểu năng trí tuệ, vô kinh ở nữ giới… Chính từ sự nguy hiểm của bệnh này, mọi người cần biết để phòng tránh, chữa trị kịp thời.
Năng lượng Mới số 343
Theo các bác sĩ, lao màng não là do vi khuẩn lao theo đường máu đi lên não gây ra bệnh. Bệnh lao màng não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường tập trung vào độ tuổi từ 1-5 tuổi và 20-50 tuổi.
Triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác như cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý khi người mắc bệnh chỉ thấy nhức đầu, chóng mặt, liệt, nói nhảm, buồn bã… Tiếp đến, bệnh sẽ có những biểu hiện rõ ràng và đầy đủ hơn khi người bệnh bị sốt cao kéo dài, tăng nhiệt độ về chiều; nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, liên tục hoặc thành từng cơn, âm ỉ hoặc dữ dội và tăng lên khi có những kích thích tiếng động hoặc ánh sáng; nôn (khi tăng áp lực nội sọ) tự nhiên, nôn vọt không liên quan tới bữa ăn; rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy; đau bụng, đau các khớp, đau ở cột sống phối hợp với đau ở các chi; rối loạn cơ thắt gây bí đái, tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không tự chủ; liệt các dây thần kinh sọ, liệt các chi, các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thể, các biểu hiện rối loạn tâm thần. Các biểu hiện rối loạn ý thức có thể có với mức từ nhẹ đến nặng (hôn mê).
Do các biểu hiện này cũng gặp ở các bệnh khác về não như u não, xuất huyết não, màng não, viêm màng não mủ, viêm màng não do nấm... nên ngay cả thầy thuốc cũng chẩn đoán nhầm, tập trung điều trị các bệnh về não mà bỏ qua việc điều trị lao. Nguyên nhân gây bệnh lao màng não thường là do vi khuẩn lao người, ở những người có suy giảm miễn dịch yếu, người bị nhiễm HIV. Theo đó, một số người bị lao, suy giảm miễn dịch sẽ bị vi khuẩn đi theo đường máu lên não, gây ra lao màng não.
Một bệnh nhân bị lao màng não
Cơ chế gây bệnh: Lao màng não thường được cho là thể lao thứ phát, tức là sau lao sơ nhiễm. Lao màng não sẽ gây viêm nhiễm, tổn thương màng não tiếp đến là gây tổn thương ở nhu mô não với triệu chứng như mất kiểm soát bản thân.
Gây viêm và làm hẹp động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng não do đó có thể gây tổn thương một vùng của não, đây chính là nguyên nhân gây ra các dấu hiệu của bệnh nhồi máu não.
Những quá trình trên khi xuất hiện tùy ở từng nơi và mức độ sẽ tạo ra bệnh cảnh lâm sàng của lao màng não.
Là căn bệnh nguy hiểm, chưa có vaccin phòng ngừa, việc chẩn đoán cũng không mấy rõ ràng và hay bị âm tính giải (có bệnh nhưng không tìm ra vi khuẩn). Do đó, khi thấy cơ thể có những triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ù tai kéo dài, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Ðặc biệt, những người đã mắc các thể lao khác (như lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương...); những người có sức đề kháng suy giảm do suy dinh dưỡng, sau nhiễm virus, nhiễm HIV, đái tháo đường… cần tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không làm việc quá sức để vi khuẩn lao không có cơ hội tấn công não.
Việc chẩn đoán bệnh thường phải thực hiện những xét nghiệm cận lâm sáng như xét nghiệm dịch não tủy, chụp X quang phổi, thử phản ứng Mantoux, xét nghiệm công thức máu…
Mục đích của điều trị là giảm tỷ lệ tử vong và di chứng của bệnh vì vậy khi đã chẩn đoán xác định phải tiến hành điều trị sớm và phải đạt được các yêu cầu sau:
Phải luôn quan niệm đây là một thể lao nặng, diễn biến cấp tính với nhiều rối loạn nặng về thần kinh và tâm thần, hệ tuần hoàn và hô hấp, nên khả năng xảy ra tử vong cao trong quá trình bệnh. Do vậy bệnh nhân cần phải được theo dõi và điều trị tích cực ở trong bệnh viện nhất là những nơi có đủ phương tiện cấp cứu hồi sức. Việc điều trị ngoại trú chỉ nên áp dụng cho những thể rất nhẹ và ở giai đọan điều trị sau của bệnh.
Ðiều trị lao là biện pháp quan trọng nhất nên vận dụng các công thức có hiệu quả điều trị cao theo nguyên tắc. Phối hợp nhiều thuốc và liều dùng cao công hiệu ở giai đoạn tấn công. Thời gian điều trị phải đủ từ 9 tháng đến 1 năm. Các thuốc được ưu tiên chọn vào phác đồ điều trị là Rifampicin có tính diệt khuẩn mạnh và Rimifon dễ thấm vào màng não bị viêm.
Các phác đồ điều trị này đạt kết quả khá tốt nên phương pháp điều trị tại chỗ bơm thuốc vào tủy sống không sử dụng nữa. Liệu pháp corticoid có thể được áp dụng đồng thời với thuốc lao ở giai đoạn đầu (thường 4-8 tuần đầu) có tác dụng góp phần cải thiện nhanh tình trạng viêm và những rối loạn dịch não tủy do vậy có thể hạn chế bớt biến chứng bệnh.
Việc điều trị triệu chứng cần được quan tâm giải quyết để hạn chế tử vong, trong các tình trạng: sốt cao, co giật, hôn mê sâu có rối loạn tuần hoàn và hô hấp, suy kiệt, bội nhiễm, phù não do tăng áp lực nội sọ... Ở giai đoạn muộn cần quan tâm và kiên trì điều trị các di chứng bằng các biện pháp: châm cứu, lý liệu pháp, luyện tập phục hồi chức năng.
Theo dõi đánh giá kết quả điều trị lao màng não chủ yếu vẫn dựa vào diễn biến lâm sàng và xét nghiệm dịch não tủy. Những trường hợp điều trị bệnh có kết quả bệnh dần dần ổn định và khỏi. Lâm sàng phục hồi sớm, nhiều triệu chứng thuyên giảm rõ sau vài tuần điều trị trong khi đó sự phục hồi của dịch não tủy muộn hơn (sau một vài tháng).
Cách phòng ngừa Nếu có triệu chứng ho kéo dài từ hai tuần trở lên phải đi khám phổi. Nếu bị phát hiện lao phổi, phải nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế tiếp xúc với người thân ít nhất 2 tuần sau điều trị, mỗi khi ho phải che miệng, phải đeo khẩu trang y tế. Uống thuốc đúng và đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế… Trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng BCG đầy đủ. |
Nguyễn Linh