PGS. TS Trần Chủng: Chất lượng công trình kém vì thiếu tính chuyên nghiệp
Trước một loạt sự cố xảy ra tại các công trình xây dựng như vụ sập cầu Chu Va, hiện tượng lún nứt đường ở 2 đầu vào hầm đường bộ Ðèo Ngang... và đặc biệt là vụ đường ống nước sông Ðà, câu chuyện quản lý chất lượng các công trình xây dựng đã trở thành đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Những câu hỏi kiểu như vì sao chúng ta đã có cả một hệ thống quy phạm pháp luật về các tiêu chuẩn trong thi công, xây dựng công trình xây dựng nhưng rồi, cầu vẫn sập, đường vẫn lún và đường ống thì vẫn cứ vỡ đã được đặt ra. Ðể làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
Năng lượng Mới số 343
Cần nhưng chưa đủ!
PV: Trước hết, xin ông cho biết quan điểm của mình về tình trạng yếu kém, nhanh xuống cấp tại nhiều công trình xây dựng?
PGS.TS Trần Chủng: Trước tiên phải thấy rằng, chất lượng công trình xây dựng, bao gồm cả công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi... có chất lượng kém thể hiện thông qua những sự cố, thông qua những hư hỏng. Và nó đang gây những bức xúc rất lớn trong xã hội, tác động bất lợi tới cuộc sống của người dân và đương nhiên, nó gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Còn nếu nhìn rộng ra, vấn đề chất lượng công trình kém còn ảnh hưởng đến niềm tin quốc gia. Ðối với một quốc gia mà thấy nay có sự cố, mai có sự cố thì người dân sẽ mất dần niềm tin. Chính bởi lẽ đó mà thời gian qua, vấn đề này đã được rất nhiều người, rất nhiều chuyên gia bàn tới, trong đó có đề cập tới cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Và thực tế, những năm gần đây, Nhà nước cũng đã dành nhiều sự quan tâm, đặc biệt là xây dựng hệ thống thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng.
PGS.TS Trần Chủng
PV: Phải chăng hệ thống thể chế của ta chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Theo đánh giá của tôi, hệ thống thể chế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng là khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, nhiều quy định đã bám sát thông lệ quốc tế, tính minh bạch cũng được cải thiện ngày càng cao. Chúng ta cũng đã tổ chức hướng dẫn thực hiện những quy định đó nhưng vấn đề là nó được hiểu và thực hiện như thế nào, đã vào cuộc sống hay chưa, người ta có tuân thủ không... hay người ta chỉ nói miệng mà không làm hoặc làm chiếu lệ, hình thức. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng việc thực thi pháp luật còn rất hạn chế. Chính vì vậy mới có những câu chuyện kiểu như, chúng ta thực thi quy trình thì đúng nhưng kết quả lại không đúng.
PV: Nói như vậy thì con người là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi cho là vậy, bởi từng bước quy trình đó đều do con người thực hiện cả. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến 2 ý rất quan trọng: Thứ nhất là nguyên nhân khách quan, tức là hệ thống luật pháp ở đây đã khá hoàn thiện, đầy đủ và có quy định cụ thể liên quan đến chất lượng xây dựng. Thứ hai là nguyên nhân chủ quan, tôi nghĩ là do chúng ta chưa có sự chuyển biến tích cực về chất. Mà cụ thể ở đây, sự chuyển biến về chất ấy được thông qua một yếu tố hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện nay là tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong tổ chức đội ngũ làm xây dựng. Và đặc biệt, chúng ta vẫn chưa xây dựng được những đơn vị thi công chuyên nghiệp, những đơn vị quản lý giám sát chuyên nghiệp, những đơn vị thiết kế chuyên nghiệp... bởi có như thế thì người ta mới sống chết với nghề nghiệp. Nhưng rõ ràng, chúng ta hiện nay vẫn chưa có được nhiều đơn vị như vậy.
PV: Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
PGS.TS Trần Chủng: Tổ chức đội ngũ thì có 2 yếu tố rất quan trọng, thứ nhất là con người và thứ hai là khoa học quản lý tổ chức ấy. Hiện nay, người ta đang không quan tâm tới cái khoa học quản lý. Khoa học quản lý là môn khoa học rất khó. Ðây là vấn đề của năng lực quản trị và trên thế giới, điều này được đặc biệt coi trọng. Nước ta không thiếu những công trình đẹp, sạch và có chất lượng do con người Việt Nam làm ra nhưng vấn đề nằm ở chỗ, người quản lý ở đó lại toàn là các chuyên gia người nước ngoài. Từ giám đốc một công ty xây dựng, tư vấn quản lý dự án, đến giám đốc điều hành dự án, chúng ta đều phải thuê thì mới có được công trình với chất lượng như vậy.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đào tạo đội ngũ ngoài việc chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cho con người ấy thì đồng thời, cũng phải chuẩn bị khoa học quản lý chính con người ấy. Nhưng ở Việt Nam, khoa học quản trị lại đang bị xem nhẹ! Và chính vì lẽ đó, tính chuyên nghiệp trong hoạt động xây dựng ở nước ta là rất thấp, con người chưa chuyên nghiệp, còn công tác quản lý thì cũng chưa đạt được đến trình độ nhất định về mặt quản trị.
Con người Việt Nam rất giỏi, rất tài năng nhưng chưa làm được những điều thật tốt, thật kỳ vĩ là do chúng ta chưa có những nhà quản lý giỏi, chưa coi trọng đào tạo, trân trọng người quản lý giỏi.
Hiện tượng sụt lún đường tại Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh)
Nhiều lỗ hổng chính sách
PV: Tuy nhiên cũng có một thực tế, tại không ít công trình xây dựng ở nước ta do người nước ngoài điều hành, quản lý nhưng chất lượng vẫn không đảm bảo. Vậy chúng ta phải nhìn nhận như thế nào?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi phải nhấn mạnh về quyền của chúng ta là người chủ. Dù là người nước ngoài cũng cần thỏa mãn điều kiện, không nên sùng bái vô điều kiện. Tình trạng nhiều công nghệ nhập nước ngoài, do người nước ngoài quản lý, chất lượng vẫn kém, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là chúng ta đã không quan tâm tới hoạt động nghiên cứu khoa học cho các vấn đề xây dựng. Có thể trong một thế giới phẳng như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu những công nghệ xây dựng tiên tiến nhất, hiện đại nhất nhưng điều quan trọng là cái công nghệ ấy có phù hợp với Việt Nam hay không, cái gì không phù hợp, cần cải tiến thì phải được nghiên cứu.
Một điểm nữa, mặc dù chúng ta đã nhập rất nhiều công nghệ mới nhưng lại chưa có những yêu cầu trích xuất công nghệ dù đã có Luật Chuyển giao công nghệ. Ðúng ra, những công nghệ ấy phải được nghiên cứu thông qua cơ quan khoa học ký hợp đồng khoa học nghiên cứu để Việt Nam hóa nó, hay đúng hơn là cho phù hợp, thích nghi với điều kiện của Việt Nam.
Tôi cũng muốn nói rằng, những vật liệu mới vào Việt Nam thì ngoài việc nghiên cứu, đánh giá những tiêu chí như độ bền, khả năng chịu lực... thì vì lợi ích con người, chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới độ an toàn trong sử dụng. Ví như tại nhiều vụ cháy, con người chết không phải do nóng mà phần lớn là do hít phải khí độc mà chết. Vậy nên, một vật liệu khi đưa vào các công trình xây dựng, theo quy định là phải được thử nghiệm xem có bắt cháy không, có cháy lan không và đặc biệt là có gây độc hại hay không?
Tuy nhiên, dù đã có các quy định, quy chuẩn như vậy nhưng chẳng mấy doanh nghiệp thực hiện và nếu có thì chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. Ví như Phòng Thí nghiệm vật liệu cháy - một trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất Việt Nam - của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chẳng hạn, hầu như không có doanh nghiệp Việt Nam nào mang vật liệu đến đây để thử nghiệm mà toàn là các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản...
PV: Liên quan đến câu chuyện này, hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng công trình xây dựng thấp có một phần nguyên nhân từ cơ chế bỏ thầu giá thấp của nước ta. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi hoàn toàn đồng ý với sự lo lắng này. Năm 1997, với tư cách là Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), tôi đã từng nói rằng, ở đâu có ép giá, ở đâu có ép tiến độ thì ở đó nhất định sẽ không có chất lượng đồng hành. Chúng ta có một thời kỳ rất dài thi nhau đấu thầu theo những tiêu chí hết sức định tính. Ví như xét trên tiêu chí kỹ thuật thì anh này cái gì cũng tốt nhưng rồi, cái tốt ấy lại có thể dễ dàng bị gạt đi bởi một tiêu chí hết sức định lượng là giá, cứ giá thấp nhất là trúng thầu.
Trước đây, chúng ta cứ nói “tiền nào của ấy” là nói lên ý thức kém, tôi cho là sai vì không thể có chuyện có ý thức mà biến từ cái kém thành cái tốt được, cái đó là phải có tiền, phải có vật liệu. Vậy nên, chúng ta mới có không ít công trình nay hỏng, mai hỏng, sửa chữa hết đợt này sang đợt khác, gây tốn kém, lãng phí rất nhiều.
Vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư có công bố, Luật Ðấu thầu đã tiết kiệm cho đất nước 4 tỉ USD, tôi cho rằng chưa chắc. 4 tỉ USD đó cộng trừ thì rất dễ nhưng với tư cách của một người làm trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước, có thể nhỡn tiền tôi nhận thấy, cái đấu thầu theo nguyên tắc giá thấp nhất nó đang gây thiệt hại rất lớn, có khi là hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng cho đất nước. Một công trình đáng nhẽ phải bền vững trong vòng 15 mới phải tu sửa nhưng 5 năm chúng ta đã phải làm. Hay một công trình đáng nhẽ tuổi thọ của nó phải là 100 năm nhưng chỉ 60 năm, thậm chí có khi là 30 năm, 20 năm đã hư hỏng, phải thay thế...
PV: Vì sao lại có sự nhìn nhận sai lệch như vậy, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi không cho rằng có nhìn nhận sai lệch. Như đã trao đổi, quy trình đúng nhưng vận hành quy trình ấy như thế nào mới quan trọng. Nguyên tắc đấu giá là đúng nhưng chúng ta đang nhầm lẫn việc đấu thầu một công trình xây dựng với một sản phẩm hàng hóa. Họ đã nhầm đấu thầu một cái tháp truyền hình với việc mua một cái tivi. Cái tivi nếu mang sang Mỹ, sang châu Phi hay ở Việt Nam, cứ dò đúng kênh thì anh có thể bắt được. Nhưng cái tháp truyền hình thì khác, có thể lắp đặt được ở Mỹ nhưng chưa chắc lắp đặt được ở Việt Nam, ở châu Phi bởi nó phụ thuộc vào đặc thù của mỗi quốc gia, trước hết là vấn đề về địa chất công trình, sau đó là vấn đề gió, vấn đề nhiệt độ...
Ngoài ra, sản phẩm xây dựng là sản phẩm hình thành sau. Ví dụ như mua cái tivi thì chỉ cần trả tiền là có nhưng khi ký một hợp đồng xây dựng thì phải một thời gian dài sau mới có sản phẩm. Và trong thời gian dài đó, có rất nhiều rủi ro làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm. Cho nên khi tiến hành đấu thầu theo cơ chế đó, cộng với những tiêu cực khác thì không thể làm ra sản phẩm xây dựng có chất lượng được.
PV: Nhưng rõ ràng, trên thế giới cũng có nhiều quốc gia làm như vậy, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Chúng ta phải thấy một điều, ở những quốc gia đó, nền kinh tế thị trường của họ rất phát triển, vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp đặc biệt được coi trọng. Giả sử, nếu anh xây dựng một công trình mà nó xuống cấp, hỏng hóc thì sẽ không ai thuê nữa. Nên họ không bao giờ chấp nhận giá thấp để bán rẻ thương hiệu của mình cả. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa đạt được đến trình độ đó. Vậy nên, ở nước ta, đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng cần phải thực hiện theo một cách khác, một phương thức khác. Vừa rồi chúng tôi cũng có đặt vấn đề nên đấu thầu theo 2 tiêu chí là giá cả và kỹ thuật. Không phải anh giá thấp nhất, điểm kỹ thuật cao nhất sẽ được chọn mà phải nghiên cứu theo những tiêu chí cụ thể.
Cần thể chế hóa cơ chế kiểm tra, giám sát
PV: Thực tế thì số lượng các trung tâm, phòng thí nghiệm thực hiện các chức năng thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình, vật liệu xây dựng không ít nhưng hiệu quả trong công tác này lại rất hạn chế, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi là nhà khoa học và tôi không phản đối chính sách của Nhà nước nhưng phải thấy rằng, rất nhiều viện khoa học lớn của chúng ta hiện nay đang trở thành công ty sản xuất, không có nghiệp vụ nghiên cứu dài hơi, đội ngũ khoa học không tập hợp được. Tôi sang nước Nhật, có những viện nghiên cứu, Nhà nước nuôi hết nhưng vấn đề là nhà khoa học của họ không nhiều như ở nước ta. Họ nuôi những nhà khoa học thực sự, làm ra những sản phẩm khoa học thực sự.
Tôi nói như lĩnh vực giao thông vận tải, chúng ta đã nói về nghiên cứu kết cấu mặt đường tại sao lại lún, cả Bộ trưởng cũng nói chuyện này nhưng chúng ta lại chưa có những nghiên cứu căn cơ về cấu trúc toàn bộ tuyến đường để chỉ nguyên nhân làm đường lún. Vừa rồi tôi có đến một công trình xây dựng đường giao thông ở miền Trung, họ đang làm lớp AC1 (lớp vỏ thô) với hạt thô là chính, tôi có bảo cứ chạy thử đi và sau 1 tháng thì đúng là không vết hằn nhưng tôi chắc chắn, khi rải lớp AC2 (lớp vỏ mịn) thì dứt khoát sẽ xảy ra lồi lõm bởi vì theo lẽ, hạt mịn nhỏ hơn, sức kháng nhỏ hơn, điều kiện khí hậu dọc đất nước thay đổi nóng như thế, rồi thì tải trọng xe... Vì vậy chúng ta phải nghiên cứu, phải đầu tư cho nghiên cứu cái chủ quan xem mặt đường ở Việt Nam nên như thế nào, cấu trúc như thế nào...
Vụ sập cầu Chu Va
PV: Vậy theo ông, để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải làm gì?
PGS.TS Trần Chủng: Như tôi đã đề cập tới ở trên, rất nhiều tiến bộ khoa học công nghệ mới đã được chúng ta nhập về và cũng đã có thành công, nhưng vấn đề là cái thành công ấy thì ít mà thất bại lại nhiều. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do họ không có những nghiên cứu, đánh giá sự thích hợp của loại công nghệ ấy trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, mà cái đó phải là do các nhà khoa học thực hiện.
Một khi chúng ta lấy bất kỳ một sản phẩm nào, đối tượng nào để đánh giá chất lượng, chúng ta hãy nghĩ tới cái đó vì ai. Ðặt những câu hỏi như vậy thì chúng ta sẽ có rất nhiều thứ phải trả lời và để trả lời những câu hỏi đó, chúng ta phải đầu tư phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
PV: Cụ thể trong lĩnh vực xây dựng thì sao, thưa ông?
PGS.TS Trần Chủng: Trong lĩnh vực xây dựng, người ta đã quy định, tất cả vật tư, vật liệu xây dựng đều phải thông qua các phòng thí nghiệm hợp chuẩn. Nó cũng giống như chuyện mũ bảo hiểm chẳng hạn, nếu chúng ta làm triệt để từ gốc thì người dân lấy đâu mũ bảo hiểm rởm để mà đội. Nhưng ở nước ta hiện nay, cái chức năng này có vẻ đang “cởi mở” với một số lượng lớn những phòng thí nghiệm, những trung tâm kiểu như vậy. Và vì nhiều nên nảy sinh cạnh tranh, nên dẫn tới hạ giá, thậm chí họ thành lập nên là để bán dấu. Cho nên đôi khi, có những quy định của chúng ta là bắt buộc như vậy nhưng họ lại sẵn sàng làm giả những quy định ấy, có khi cái thí nghiệm đó do một đơn vị không đủ năng lực thực hiện. Vậy nên, chúng ta cần có một cơ chế để kiểm soát thực sự quá trình này.
PV: Ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng về vấn đề này?
PGS.TS Trần Chủng: Tôi cho rằng, Nhà nước cần phải đưa chi phí cho việc thực thi kiểm soát, đánh giá chất lượng công trình xây dựng vào dự toán của công trình, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì không được lấy khoản đó. Bởi hiện nay có một thực tế, dù mình đã có quy định bắt buộc phải thực hiện các thí nghiệm, đánh giá đối với vật liêu, vật tư, công trình xây dựng nhưng trong dự toán công trình không có khoản chi phí này, nên nếu có làm thì họ lại phải trích từ nguồn nọ, nguồn kia, ảnh hưởng tới lợi ích. Vì thế mà họ không thích và tìm cách trốn tránh.
Có thể nói, hiện nay, có rất nhiều công trình mà nếu chúng ta dành ra chỉ 1/1.000 tổng mức đầu tư để thực hiện các nghiên cứu, thực nghiệm, kiểm định thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Nhưng chúng ta tiếc, vì đáng ra tôi được 10 triệu thì nay lại phải bỏ ra 2 triệu để làm việc này nên chả ai làm. Vậy nên phải có cơ chế giám sát và phải có tiền để làm việc đó. Ðồng thời phải công khai những cơ quan nào, những ai, những tổ chức tư vấn nào có thể làm được việc này.
Cần chọn mặt gửi vàng cho đơn vị nào đủ năng lực để thực hiện những đánh giá kiểu như vậy ví như Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Khoa học Giao thông Vận tải, Viện Khoa học thủy lợi là 3 viện lớn của 3 ngành lớn chẳng hạn, họ hoàn toàn đủ điều kiện chứng nhận cái cuối cùng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ngọc (thực hiện)