“Cam” trong “máu cam” nghĩa là gì?
Bạn đọc: Vẫn là màu đỏ chứ đâu có vàng, nhưng sao máu tự nhiên chảy từ mũi ra lại gọi là máu cam? Hay máu cam là máu ngọt (!) vì có một chữ “cam” có nghĩa là ngọt? Xin nhờ ông An Chi giải đáp giúp và xin hỏi thêm là có mấy chữ “cam”. Cảm ơn ông. Duy Thắng (Hải Phòng)
Học giả An Chi: Máu cam dĩ nhiên không phải máu có màu cam mà cũng chẳng phải là máu ngọt. Chữ “cam” [甘] với nghĩa “ngọt” là một hình vị Hán Việt không độc lập nên tất nhiên không thể kết hợp trực tiếp với danh từ “máu” theo kiểu “máu nóng”, “máu bầm”, “máu khô”, v.v… Nó chỉ có thể dùng độc lập với nghĩa phái sinh là bằng lòng, chấp nhận, thí dụ: Ðắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng cam (ca dao). Thường thấy nhất là trong các quán ngữ tiếng Việt như “cam lòng”, “cam chịu”, v.v… hoặc trong một số từ tổ cố định sẵn có của tiếng Hán như “cam chỉ” (vị ngon ngọt), “cam lộ” (thường đọc theo âm xưa của chữ thứ hai là “cam lồ”), “cam thảo”, v.v… Ðây là chữ “cam” thứ nhất, tạm gọi là “cam1”.
“Cam2” [柑] là một từ Hán Việt mà ta có thể thấy trong câu tục ngữ “quít làm cam chịu” hoặc câu thơ “Nghìn đầu cam quít ấy là tôi” của Nguyễn Trãi. Ðây là tên một loài thực vật mà ta có thể thấy trong các danh ngữ như “cam đường”, “cam giấy”, “cam Bố Hạ”, “cam Thuận Vi” (ở Thái Bình)”, “cam sành”, v.v... Xét về lịch sử thì “cam2” [柑] và “cam1” [甘] vốn là những chữ cùng gốc (đồng nguyên tự), như Vương Lực đã phân tích và chứng minh trong Ðồng nguyên tự điển, vì tuy cam vẫn có loại chua nhưng dân Tàu ngày xưa lại quan niệm rằng cam là một thứ trái cây ngọt.
“Cam3” [泔] là một yếu tố Hán Việt không độc lập, có nghĩa là nước vo gạo, mà theo chúng tôi thì có một điệp thức là “cơm” (với một sự chuyển nghĩa “nhẹ nhàng”) trong “cơm cháo”, “cơm nước”, “cơm ngon canh ngọt”, v.v…
Còn “cam” trong “máu cam” là “cam4”. Ðây là một từ Hán Việt, chữ Hán là [疳], mà tiếng Việt hiểu là “tên gọi chung một số bệnh dai dẳng ở trẻ em, thường do suy dinh dưỡng sinh ra” (Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên), như cam còm, cam răng, cam sài, cam tẩu mã, cam thũng, v.v... Dân gian ngầm hiểu máu cam là hệ quả của một thứ cam về mũi, chắc cũng có phần do ảnh hưởng về biểu hiện của cam răng và cam tẩu mã (chả là mũi, miệng, răng cận kề với nhau!). Sự thật là như thế chứ máu cam chẳng có liên quan gì tới màu cam hay vị ngọt cả.
Vậy “cam” trong tiếng Việt là một từ gốc Hán, chữ Hán là [疳] mà Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “a disease of children” (một chứng bệnh của trẻ con) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur thì dịch là “maladie que les enfants contractent par l’usage habituel d’une nourriture trop peu épicée” (chứng bệnh mà trẻ con mắc phải vì việc thường ăn thức ăn quá ít đậm đà). Nhưng Henri Maspéro đã nhầm khi gán cho từ này một nguồn gốc Thái. Trong công trình Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite (Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, 1912), ông đã so sánh từ “cam” với những từ tương ứng trong các thứ tiếng Xiêm (Thái Lan), Lào, Ahom, Shan, Thái Ðen, Thái Trắng, Thổ (Tày) và Dioi. Ðây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc vì những từ tương ứng đang xét cũng là do những thứ tiếng này mượn từ tiếng Hán. Rồi cả từ “cam” [柑] chỉ thực vật, cùng gốc với [甘] là ngọt, cũng bị Maspéro cho là cùng gốc với những từ tương ứng trong các thứ tiếng trên đây. (Xin x. sđd, tr.22). Sự nhầm lẫn của Maspéro xuất phát từ chỗ ông đã mặc nhiên xem một số hình vị Hán Việt được dùng độc lập, tức những từ chính danh, mà chính mình không biết được từ nguyên, là những từ phi Hán Việt. Xin dẫn chứng bằng trường hợp mà Maspéro đưa ra ngay dưới hai từ “cam” trên đây. Ðó là từ “cả” trong “giá cả” mà ông đã ghi nghĩa bằng tiếng Pháp là “prix”, với cước chú như sau: “On emploie généralement giá qui est le mot chinois 價” (Thông thường, người ta dùng [từ] giá, là từ tiếng Hán [ghi bằng] chữ 價). Thực ra thì “giá” là điệp thức của “cả”; cả hai đều là Hán Việt mà “cả” thì xưa hơn. Ta còn có thể thấy chữ “cả” này trong “mặc cả”, “mà cả”.
Trở lại với “cam” trong “máu cam”, chúng tôi xin khẳng định rằng đây là từ chỉ một chứng bệnh của trẻ con chứ không có liên quan gì đến vị ngọt hay màu vàng cam cả.
A.C