Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 5)
Có được tấm bằng tốt nghiệp Ðại học Ngoại thương, Lân đến Công ty Xây dựng Hoa Ban Trắng gặp ông Tuấn, Giám đốc công ty. Ðó là một người đàn ông hom hem, có nước da mai mái của một người mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính.
>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 4)
Ông nhận hồ sơ của Lân và niềm nở:
- Chúng tôi rất mừng khi thấy bác Hiển quyết định đưa anh về đây. Trong lúc tỉnh ta đang bị chảy máu chất xám nghiêm trọng mà anh về xây dựng quê hương, thật quý hóa quá.
Thế rồi không để cho Lân giãi bày, ông nói luôn về tình trạng chạy ăn từng ngày của công ty và tất nhiên là không quên than phiền và đổ mọi tội lỗi cho đội ngũ cán bộ cấp dưới.
Ngay chiều hôm đó, ông cho họp các cán bộ chủ chốt và trịnh trọng giới thiệu Lân với mọi người:
- Thưa các đồng chí, đây là anh Lân, con trai của đồng chí chủ tịch tỉnh, đã tốt nghiệp Ðại học Ngoại thương. Lẽ ra anh Lân nhận công tác ở một công ty lớn thuộc Bộ Thương mại nhưng vì thấy công ty chúng ta đang thiếu cán bộ có trình độ nên đồng chí chủ tịch đã đưa về cho chúng ta. Trước mắt sẽ là trợ lý kinh doanh cho trưởng phòng. Ðề nghị mọi người nhiệt liệt hoan nghênh.
Nói rồi ông vỗ tay trước. Mọi người vội vã hưởng ứng. Nhưng Lân cảm nhận được rõ ràng là tất cả mọi người đều đang nhìn mình bằng con mắt tò mò, pha chút ngạc nhiên. Tự dưng, một cảm giác ngại ngùng xen lẫn sợ hãi dâng lên trong lòng. Bởi vì Lân biết ở đây có người đã từng mua thịt lợn của mình. Nghĩ như vậy, Lân muốn đứng dậy chuồn khỏi phòng họp, nhưng cũng thừa biết số phận mình lúc này như mũi tên đã rời khỏi dây cung. Chỉ có điều là nó bay đi đâu mà thôi.
- Nào xin mời anh Lân phát biểu đôi lời - Ông Tuấn nói.
Lân hơi giật mình và lộ vẻ lúng túng, nhưng rồi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Hít một hơi dài cho trấn tĩnh, Lân từ tốn:
- Kính thưa anh Tuấn, Giám đốc công ty. Thưa các anh trong Ban Giám đốc, thưa anh Thảo, Trưởng phòng Quản trị kinh doanh, thưa các anh, các chị. Tôi rất may mắn là đã được về công tác ở tỉnh nhà mà lại trong một công ty có truyền thống lâu năm như ở đây. Tôi xin hứa với Ban Giám đốc, với anh chị em là sẽ đem hết khả năng của mình ra phục vụ. Tôi cũng mong được sự giúp đỡ, chỉ bảo của các anh, các chị đi trước. Tôi cũng mong một xin các anh các chị hãy cứ coi tôi như tất cả những người đang thử việc tại đây, đừng ai nghĩ tôi là con chủ tịch.
Nghe Lân khiêm tốn nói thế, mọi người tỏ vẻ hài lòng và vỗ tay.
Khi cuộc họp ra mắt kết thúc, mọi người ra về vừa đi vừa bàn tán:
- Ông Hiển có con trai từ khi nào nhỉ?
- Biết đâu đấy. Có khi ông ấy gửi ở đâu, nay mới đem về thì sao.
- Tớ trông mặt thằng cha này quen lắm.
- Lạ gì, nó bán thịt lợn ở chợ thị xã. Mà thằng này học hành bao giờ nhỉ?
- Thôi đi, "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Giám đốc mình bảo anh ta là con chủ tịch thì hẳn là con chủ tịch. Hơn nữa, tay Lân cũng nói vậy cơ mà. Chả lẽ dám mạo danh ư? Cứ để xem làm ăn ra sao.
***
Chiếc đồng hồ trong phòng trực ban khu giam phạm nhân tử hình chỉ 7 giờ tối.
Chương trình thời sự trên kênh VTV1 của Ðài Truyền hình Việt Nam bắt đầu, các quản giáo và cảnh sát bảo vệ xúm trước chiếc tivi màn hình 14 inch. Ðúng lúc đó, Trung tá Vũ Minh, Trưởng giám thị trại giam tới. Anh nói với Ðại úy Tự.
- Hôm qua có quyết định mới về tăng tiền bồi dưỡng cho những người đi thi hành án tử hình rồi đấy.
- Bao nhiêu hả anh?
- Ðội trưởng Ðội Hành quyết được bồi dưỡng 35.000 đồng, còn chiến sĩ được 15.000 đồng.
- Thế cảnh sát bảo vệ, quản giáo? - Một cán bộ hỏi.
- Không có gì cả!
Một cán bộ quản giáo đeo cấp hàm thiếu tá, nhưng quân hàm đã bạc phếch cười nhạt:
- Cứ hô hào chống tiêu cực tham nhũng... muốn chống thì phải chống bằng cơ chế chính sách, nói xuông thế nào được. Mấy hôm nay, báo chí cứ làm om lên vì mấy tay cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ. Nắng như thế này, đứng 8 tiếng ngoài mặt đường, bồi dưỡng cả ngày được 3 ngàn, thử hỏi có được nổi một chai Lavie không. Tôi mà là người có chức có quyền, tôi bắt thằng phóng viên nào cao giọng chửi công an, cho đi làm cảnh sát giao thông 1 tháng xem chúng nó còn "trong sạch" được không?
Vũ Minh lườm viên thiếu tá nói:
- Cậu nói năng chẳng cân nhắc gì cả. Mình là lực lượng vũ trang. Ðồng lương có thế, chế độ đãi ngộ có thế, ai chấp nhận thì phải nghiến răng mà làm. Gian khổ mấy cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Còn thích giàu có thì đi ra ngoài...
- Tôi thấy chẳng có quốc gia nào lại mang lực lượng vũ trang như công an đi giữ gìn trật tự giao thông, đi dẹp lòng lề đường, đi quản lý hộ khẩu, đi chữa cháy. Ðã là lực lượng vũ trang là phải dùng vào việc đấu tranh địch - ta, chú đi giải quyết việc dân sự thì là mang búa tạ đập ruồi; chỉ tổ làm cho dân ghét. Mà lực lượng vũ trang, cái quan trọng nhất là uy tín, là danh dự.
- Thôi, bây giờ không phải là lúc tranh luận. Việc đó có cấp trên lo. Các cậu kiểm tra số ngày mai bị thi hành án chưa.
Ðại úy Tự rụt rè:
- Báo cáo anh, riêng trường hợp Trần Hùng Lân thì... hắn biết là bị bắn rồi ạ.
Vũ Minh giật mình:
- Cái gì, hắn biết à? Thông tin từ đâu lọt ra. Mà vừa mới họp xong cơ mà.
- Lúc chiều, chúng tôi cho hắn tắm vì nghĩ mai có gió mùa đông bắc. Hắn tự xem bói cho mình và bảo hắn chỉ còn sống tính bằng giờ nữa thôi.
Nghe nói vậy, Vũ Minh tươi nét mặt:
- À, nếu vậy thì không ngại. Bói toán, chuyện nhảm nhí.
Ngừng một lát, anh hỏi lại:
- Hắn xem bói kiểu gì?
- Hắn hỏi ngày âm lịch rồi tự lập quẻ Dịch. Hắn bảo là gặp phải quẻ... quẻ hung quái (!). Báo cáo anh, nghe anh em cảnh sát điều tra kể lại thì Lân "xồm" xem tử vi, xem bói Dịch rất giỏi.
- Giỏi thì sao không tự xem cho mình từ trước để tránh họa đi. Mà thôi, đến gần nửa đêm, các cậu kiểm tra lại nhé.
- Theo tôi thì không nên anh ạ. Chúng ta chưa kiểm tra tử tù tử hình ban đêm bao giờ. Nếu kiểm tra, sợ chúng nghi ngờ.
- Có gì đâu, các cậu kiểm tra tất cả các buồng. Lấy lý do nào đó thì tùy.
***
Ðại úy Tự và một tổ cảnh sát bảo vệ đi kiểm tra một số buồng giam tù tử hình.
Có khuôn mặt ngơ ngác.
Có khuôn mặt lộ rõ vẻ bất cần và chửi làu bàu: "Ông đang mơ thấy ngủ với bồ thì kiểm tra làm... mất cả hứng".
Có khuôn mặt hoảng hốt: "Có chuyện gì đấy cán bộ. Mai bắn em à?".
Ðến buồng giam Lân "xồm".
Lân đang ngồi, thấy cán bộ vào, hắn vội nằm xuống và lấy tay che ánh đèn pin của cảnh sát bảo vệ:
- Có chuyện gì mà đi kiểm tra giờ này thế cán bộ.
- À, kiểm tra đột xuất. Hôm nọ, hai thằng tù tử hình trốn mất, khối người bị kỷ luật rồi đấy.
- Tôi nghe nói chúng bị bắt lại ngay rồi cơ mà.
- Ba ngày sau mới bắt được.
- Hai thằng ngu. Trốn tù xong lại chuồn về quê... Thật dại dột quá.
- Mấy đêm nay anh có ngủ được không?
- Tôi ngủ được cán bộ ạ. Ðối với tôi bây giờ, chết nhanh ngày nào, giờ nào là hạnh phúc đối với tôi sớm ngày ấy, giờ ấy.
- Anh bi quan quá - Một hạ sĩ cảnh sát bảo vệ nói chen vào. Lân nhìn anh ta bằng con mắt coi thường.
- Thưa ông cán bộ trẻ. Ông chỉ bằng tuổi con gái đầu của tôi thôi và ông đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cho nên ông chưa biết gì về cuộc đời để có thể dạy bảo khuyên can tôi. Chắc ông cũng chỉ nói được đến vậy, còn nói thêm nữa thì ông không biết nói gì. Nhưng thôi, lão Tử đã dạy thế này: Ðời người ta luôn phải đi trên những đoạn đường khác nhau mà không ai biết trước đoạn đường sắp đi có cái gì, lành hay dữ, phúc hay họa. Cái chết đến có nghĩa là ta rẽ sang con đường khác, mà không ai biết con đường ấy ra sao, dẫn người ta xuống địa ngục hay lên thiêng đường? Vậy cứ đi... thì mới rõ con đường ấy là thế nào! Các cán bộ kiểm tra xong chưa. Tôi đến giờ đọc Tam Quốc cho thằng Cao nghe rồi.
Nói xong, Lân gọi to:
- Cao ơi!
Từ buồng bên, có tiếng trả lời:
- Em nghe đây.
- Hôm qua đọc đến hồi nào rồi?
- Ðang đọc dở hồi "Gia Cát Lượng đau lòng khóc Bàng Thống/ Trương Dực Ðức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan".
Ðại úy Tự dẫn tổ kiểm tra đi sang dãy nhà khác và vào buồng giam tử tù Phan Hồng Hải.
Hải đang thiu thiu ngủ. Nghe tiếng lạch cạch mở cửa, hắn hốt hoảng vùng dậy:
- Em... em bị bắn à?
Tự lắc đầu:
- Chúng tôi đi kiểm tra bình thường thôi.
Hải đổ vật xuống, người run bần bật.
- Em sợ quá. Bây giờ mới hơn 7 giờ phải không các cán bộ.
- Ðúng rồi.
- Cán bộ có nghe tin gì về đơn xin tha tội chết của em không?
- Chúng tôi không được biết.
Hải bỗng nghiến răng:
- Mẹ cha thằng Lân "xồm", vì mày mà ông phải chết. Ông mà có chết thì sẽ làm ma hại cả ba đời con cháu mày.
- Thôi, anh ngủ đi nhé.
Các quản giáo khóa cửa cẩn thận rồi đi. Hải lấc láo nhìn quanh vẫn chưa hết sợ hãi.
Có tiếng gõ từ phía tường bên kia. Ðó là tiếng gõ theo kiểu tín hiệu đánh moóc mà phạm nhân nghĩ ra rồi truyền cho nhau. Nhưng để nghe được tiếng " moóc" này, phải là những phạm nhân từng ở tù lâu. Phan Hồng Hải học được cách liên lạc này từ cái đận bị tù lần trước.
Hải lắng nghe tiếng "moóc" gõ lúc nhanh, lúc chậm và tự dịch trong đầu:
- “Sáng mai, có ba thằng bị bắn”.
Hải đấm vào tường hỏi lại :
- “Ai”.
Tiếng bên kia gõ trả lời:
- “Tao chưa biết nhưng có thể là thằng Lân. Nó chờ lâu quá rồi”.
Hải hỏi lại:
- “Mày có cách nào hỏi gấp. Nếu thằng Lân bị thì có lẽ cả tao nữa”. “Ðược rồi, hãy chờ!”.
***
Tại nhà ông Hiển nguyên chủ tịch tỉnh. Lúc này ông đã nghỉ hưu.
Ông Hiển và gia đình đang ăn cơm. Thấy nét mặt ông ủ dột, bà vợ ông hỏi:
- Hôm nay ông làm sao thế? Tôi thấy ông nhai cơm cứ như nhai rơm?
- Tôi hơi mệt.
- Không phải. Hình như ông có điều gì buồn phiền?
Ông Hiển đặt bát cơm xuống, nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:
- Sáng mai bắn thằng Lân và thằng Hải rồi.
Bà vợ giật nảy người, rơi bát xuống sàn.
- Thế... thế ông không cứu được chúng nó à?
- Cứu làm sao được. Tội nó nặng quá.
Cô con gái út ông Hiển thở dài và cũng bỏ ăn:
- Giá như anh ấy... anh ấy đừng gặp bố và cứ đi bán thịt lợn thì lại tốt.
Bà mẹ quắc mắt:
- Cô ăn nói với bố cô thế à. Bố cô cho nó công ăn việc làm, cho nó quyền cao chức trọng, cho nó tiền bạc... Nó là thằng vong ơn bội nghĩa. Vì nó mà bố cô khốn khổ mấy năm nay.
- Con nói xin bố mẹ tha lỗi. Bố hạ cánh an toàn như thế còn là may đấy.
Ông Hiển buồn bã:
- Con nó nói đúng đấy! Giá như nó đừng gặp tôi... giá nó đừng gặp tôi... Ðúng đấy!
***
III.Tại nhà Trần Hùng Lân. Kim đồng hồ chỉ 7 giờ 30 phút tối.
***
Thượng tá Vũ ngồi như bất động. Anh nhìn đăm đăm lên bàn thờ, trên đó có hai bức ảnh bố, mẹ Trần Hùng Lân. Anh thở dài rồi đến ban thờ thắp hương, chắp tay vái ba vái và đứng thần ra.
"Thầy ơi, cô ơi! Xin thầy cô đừng trách con. Con nhớ ngày xưa thầy dạy con chữ Nho và bắt con học đi học lại mãi câu "Muốn tề gia thì trước tiên phải biết tu thân. Muốn tu thân thì trước tiên phải thành ý...". Con và Lân đều học thầy...".
Nghĩ đến đây, nước mắt Vũ bỗng ứa ra.
Anh nhớ lại ngày còn bé khi anh mới 10 tuổi, bố anh dắt anh đến gặp ông giáo Hàn, là bố của Lân...
Bố Vũ đặt một chai rượu, một bao thuốc lá Tam Ðảo, một gói chè Ba Ðình lên ban thờ, thắp hương rồi cung kính nói với ông Hàn:
- Anh ạ, giáo dục bây giờ người ta dạy thế nào ấy. Tôi thấy trẻ con ngày càng hư. Bé như mắt muỗi mà cãi bố, cãi mẹ nhem nhẻm. Những nề nếp gia phong cứ bay mất dần. Ðã thế nhà trường dạy nhiều thứ mà trẻ con không hiểu và học như học vẹt. Tôi gửi cháu cho anh, xin anh dạy cho cháu chữ Hán... Dạy theo kiểu như chúng mình đi học ngày xưa. Trước hết là phải có lễ có nghĩa anh ạ.
Ông giáo Hàn cười:
- Cha mẹ sinh con, giời sinh tính, cũng chả biết sau này chúng nó thế nào đâu. Thôi thì cứ dạy, cứ bảo, cứ làm gương cho chúng. Ðẻ con ra mà không dạy là cha có lỗi, trò học dốt là lỗi tại thầy. Các cụ đã dạy thế rồi. Ðược, anh cứ để cháu sang tôi dạy cùng với thằng Lân. Mà này, tôi phải nói trước là tôi cũng hơi dữ đòn đấy.
- Yêu cho roi cho vọt mà anh. Hồi xưa, khi tôi và anh đi học, chỉ không thuộc một chữ là thầy bắt quỳ lên mảnh gai mít...
- Bây giờ thì không thể như thế được rồi. Nhưng con mình, dạy được đến đâu thì phải cố mà dạy.
Bố Vũ lấy ra một mảnh giấy nhỏ trên đó ghi ngày tháng năm sinh của Vũ.
- Cũng nhờ anh lập cho cháu một bảng tử vi, để sau này biết cái vận, cái hạn của nó thế nào mà còn tránh.
Ông giáo Hàn cầm tờ giấy xem rồi hơi tươi nét mặt:
- Thằng nhà anh được mùa sinh. Nó sẽ đi từng bước, từng bước chắc chắn trên con đường đời. Nó khác thằng Lân nhà tôi, bạo phát, bạo tàn.
- Thú thực với anh, nhà tôi thì cứ tin vào chuyện bói toán, nhưng tôi... tôi thì không.
- Cũng chẳng sao anh ạ. Ðời người ta có vận và có mệnh, chẳng ai giống ai.
- Tôi nghe nói vận và mệnh nhưng chả hiểu gì.
- Mệnh con người là cái cha mẹ để cho, là cái sinh ra đã có. Ví dụ anh thì to lớn, tôi thì gầy gò; hoặc người sống dai, người chết yểu... Nhưng vận thì lại khác. Vận là những cơ hội, những tác động của khách quan vào đời sống của người ta. Vận là do hoàn cảnh khách quan đem lại. Người ta không thể điều khiển nó mà chỉ có thể nắm bắt nó, tận dụng nó. Người nào nắm bắt được vận của mình khi nào vượng, lúc nào suy để mà biết tiến, biết thoái trên đường đời thì đó là người giỏi. Xưa nay các bậc thánh nhân, các bậc trí giả đều là những người nắm được vận của mình thậm chí nắm được vận của cả một quốc gia. Các cụ có câu "Nhất số, nhì mệnh, tam vận, tứ mộ phần "
Ông bố Vũ gãi đầu:
- Tôi là người đi buôn bè, những điều anh nói khó hiểu quá. Ngày xưa nhà nghèo, cha mẹ nuôi cho đi học được có hai năm. Anh biết quá còn gì?
- Ðơn giản thế này thôi. Khi anh biết vận anh đến thì lao vào mà làm, gắng sức mà làm. Còn khi vận suy thì hãy lùi lại, giữ gìn những thứ mình đã có và bằng lòng với những gì đã có.
- Anh nói vậy thì tôi hiểu. Nhưng biết lúc nào vận đến, lúc nào vận suy.
Ông giáo Hàn cười tinh quái:
- Thế mới sinh ra thầy bói.
Thế rồi từ sau lần đó, mỗi tuần mỗi buổi chiều, Vũ đến nhà ông giáo Hàn học chữ Nho cùng với Lân.
Lân học rất thông minh, chữ viết đẹp và luôn được ông giáo Hàn khen. Nhưng Lân lại chóng quên và cái đó trái ngược với Vũ. Vũ học chậm nhưng chắc. Ðã học được chữ nào là như in vào óc chữ đấy.
Một hôm, ông Hàn viết chữ Hán lên bảng rồi dạy:
- "Tri chi vi tri chi. Bất tri vi bất chi. Thị chi dã".
Lân và Vũ gào to:
- “Tri chi vi tri chi. Bất tri vi bất chi. Thị chi dã”.
Lân đọc xong cười khúc khích. Ông giáo Hàn vung thước gõ xuống bàn nghiêm giọng:
- Mày cười gì! Ðọc lại - Nói rồi ông xóa sạch chữ trên bảng.
Lân đọc lúng túng:
- Tri... chi... chi bất... bất chi! - Lân quên không đọc được.
- Ðọc thế à. Ðầu óc mày để đâu hả. Ðể đâu?
- Con không đọc được, nghe cứ... cứ líu lo như chim hót ấy.
Ông giáo Hàn nổi nóng, vụt thước lên lưng Lân, rồi ông viết lại dòng chữ và bảo Vũ:
- Cháu hiểu câu này không?
- Thưa... thưa thầy. Cháu chỉ nhớ chữ "Tri" là biết, còn "bất tri" là "không biết" ạ.
- Thằng Lân, mày biết nghĩa không.
- Biết chứ ạ... có... có nghĩa là - Lân lại ấp úng - Biết thì biết, không biết là không biết.
Ông giáo Hàn ngồi phịch xuống ghế, thở dài. Rồi ông cao giọng giảng giải:
- Biết thì nói là biết. Không biết nói là không biết. Ðó chính là biết... là người hiểu biết. Thằng Vũ không biết, nó nhận ngay là không biết, đó là đứa hiểu biết. Còn mày, không biết lại dám nói là biết... Vậy thì mày là đứa thế nào? Là đứa không biết, con ạ.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong