Thương vụ khí đốt 400 tỉ USD và quan hệ Nga - Trung
Hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỉ USD với thời hạn 30 năm đã được ký giữa Tập đoàn Dầu khí Nga - Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - CNPC dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm cấp nhà nước của của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh.
Năng lượng Mới số 342
Nga - Trung vẹn cả đôi đường
Theo hợp đồng, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ m3 khí mỗi năm với trị giá 350USD/mcm (hoặc 9.90$/mcf). “Ðây là hợp đồng khí đốt lớn nhất trong lịch sử của Nga”, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định.
Hợp đồng khí đốt giữa Nga - Trung Quốc là thắng lợi kép đối với cả Tập Cận Bình và Vladimir Putin: Thắng lợi đối với mỗi quốc gia, đồng thời tăng cường sức mạnh của 2 tập đoàn dầu khí then chốt bằng việc chứng minh sự quan trọng của an ninh năng lượng đối với nền kinh tế 2 nước.
Trung Quốc và Nga đã chia sẻ ý thức về sức mạnh trong lịch sử của mình. Cả hai đều muốn làm hài lòng sân sau của mình. Nga sáp nhập Crimea và “quan tâm” đến miền Ðông Ukraine, còn Trung Quốc với âm mưu bành trướng trên Biển Ðông vốn đã gây lo ngại sâu sắc cho các nước láng giềng.
Sơ đồ hệ thống đường ống khí đốt Nga - Trung trong tương lai (sẽ được kết nối theo những đường chấm và gạch đứt quãng)
Trước đó, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3-2014 tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm loại bỏ việc trưng cầu dân ý ở Crimea do Nga hậu thuẫn trước khi sáp nhập Crimea vào Nga. Trung Quốc cũng cùng với Nga phủ quyết nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để trừng phạt chế độ Barshar Assad trong cuộc nội chiến ở Syria. Cả hai có cùng lập trường về chương trình hạt nhân tại Iran.
“Về mặt chính trị, điều quan trọng đối với Putin là cho thấy “Nga vĩ đại” đã trở lại trường quốc tế và chọn lựa không phụ thuộc phương Tây để khôi phục lại vị trí của mình” - theo Viện sĩ Học viện Harvard Morena Skalamera nhận xét.
Thứ nhất, trong khi lãnh đạo các công ty phương Tây miễn cưỡng nghe theo lời kêu gọi của Washington để tránh hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại St Peterburg, Tổng thống Putin cho thấy những nỗ lực để cô lập ông là một điều sai lầm.
Thứ hai, khi các nước phương Tây đang cố gắng tìm biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khủng hoảng tại Ukraine, Putin đã ký được một hợp đồng dài hạn giúp Nga ít bị tổn thương nhất trong tình hình này.
Thứ ba, một loạt các hoạt động của Trung Quốc ngầm ủng hộ Nga sáp nhập Crimea, đáp lại điều đó, Nga thể hiện thiện chí với Trung Quốc trong việc tranh chấp với Việt Nam khai thác dầu khí tại Biển Ðông.
Theo một nguồn tin mới đây, Trung Quốc sẽ cấp vốn cho việc đầu tư hạ tầng của Nga bằng đồng nhân dân tệ, việc làm đó sẽ đảm bảo cho Nga tránh được sự trừng phạt của phương Tây. Trong khi các nước phương Tây đang hạn chế các khoản vay mới cho Nga, thì nguồn tài chính từ Trung Quốc sẽ giúp Nga giải quyết vấn đề vốn.
Cuối cùng, trong tình thế hiện nay, hợp đồng khí đốt này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nga như tạo nhiều việc làm mới cho người Nga, nhất là ở khu vực nghèo đói chưa phát triển Siberia.
Tuy các khách hàng tại châu Âu, đặc biệt là Ðức và Italia đã có mối quan hệ thương mại lâu dài với Gazprom, Nga sẽ khó giữ thị phần tại khu vực này vì các nước Trung Âu, vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp khí của Nga, nay đang tăng tốc tìm nguồn cung mới và năng lượng thay thế.
Mỹ có thể hợp tác với châu Âu để tạo nên mối đe dọa đối với Nga. Không chấp nhận ẩn họa này, Nga lập tức chuyển hướng sang châu Á để chứng tỏ không lệ thuộc vào thị trường châu Âu về năng lượng như các chuyên gia phương Tây trù liệu. Có thể phương Tây đã quá cường điệu vai trò của mình khi nghĩ rằng sẽ gây tổn thất cho lĩnh vực năng lượng của Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ngược lại, Nga đã cho thấy mình là một đối tác được chào đón nhiệt thành tại Trung Quốc và hơn nữa, làm tăng thêm mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc.
Trung Quốc “kê cao gối ngủ”?
Ðối với Trung Quốc, quá nhiều thành quả đã đến với họ.
Thỏa thuận khí đốt Nga - Trung sẽ nâng cao vị thế và sức mạnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi các nhà lãnh đạo trước đây đã từng rất mong muốn và nỗ lực nhưng đều thất bại trong việc đưa khí của Siberia vào hệ thống cung cấp khí cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã đưa khí đốt vào thị trường châu Á bằng giá với thị trường châu Âu, điều ít ai tưởng tượng nổi, khi trước đây thường phải chấp nhận mua với giá đắt hơn châu Âu tới 30%. Ðược biết, Nga sẽ dùng chính đường ống đang cung cấp sản lượng lớn khí đốt sang thị trường châu Âu để nối hai thị trường Nga - Trung. Việc này sẽ tác động mạnh lên giá khí tại châu Á và ảnh hưởng lớn tới các công ty, bao gồm cả các công ty của Mỹ, đã đầu tư cơ sở hạ tầng để xuất khẩu khí LNG.
Tất nhiên, không chỉ Trung Quốc mà tất cả các khách hàng tiêu thụ khí tại châu Á đều mong muốn có nguồn cung cấp với giá thấp hơn giá hiện nay họ đang phải chịu đựng. Bất kỳ phân tích nào cũng cho thấy nhà cung cấp giá rẻ luôn có ưu thế hơn khi bước vào thị trường cạnh tranh - Nga đang ở vị trí này.
Trung Quốc cần nguồn năng lượng tự nhiên, cái mà Nga có rất nhiều. Thỏa thuận khí đốt Nga - Trung sẽ giảm thiểu sự lo ngại bấy nay của Trung Quốc rằng hầu hết các nguồn cung cấp nhiên liệu hiện hữu đều đi qua các điểm nút chiến lược của eo biển Malacca; đồng thời cũng sẽ cho phép Trung Quốc không buộc phải đốt quá nhiều than gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn.
Trung Quốc có được nguồn cung cấp năng lượng mà không bị phụ thuộc vào sự “bảo hộ” của Hải quân Mỹ. Lâu nay, Hạm đội 5 của Mỹ thường theo dõi vận chuyển dầu khí của Trung quốc từ lúc rời vịnh Ba Tư và Hạm đội 7 lại giám sát tiếp khi vào Thái Bình Dương. Ðường ống trực chuyển nguồn năng lượng ổn định từ Nga cho phép Trung Quốc có thể “kê cao gối ngủ” khi thoát khỏi rủi ro chiến lược này.
Mặc dù vậy, Nga và Trung Quốc cũng còn phải “tranh đấu” để khắc phục một số khác biệt cơ bản. Riêng việc hai bên phải mất 10 năm mới ký được thỏa thuận về khí đốt này và chỉ quyết định thông báo kết quả vào phút cuối đã minh chứng là phải khó khăn đến thế nào hai bên mới đi đến được kết cục.
Chúng ta còn nhớ, năm 2009 Rosneft và CNPC - ChinaOil - đã bất đồng trong thanh toán hợp đồng cung cấp dầu thô từ Nga, theo đó CNPC phải trả 555,3 triệu USD nhưng đã đơn phương giảm 7% số tiền và chỉ chuyển trả 516,9 triệu USD. Mâu thuẫn là do khác biệt ở công thức tính giá dầu thô, mô hình được tiếp tục thực hiện đối với hợp đồng khí thế kỷ này.
Ðiều đó cho thấy không hẳn giá khí tại Trung Quốc sẽ mãi mãi là 9.90USD/mcf, đổi lại là Trung Quốc sẵn sàng chi trả theo cách của Nga để có thỏa thuận cung cấp lâu dài. Trên thực tế, dự kiến giá khí tại châu Á sẽ giảm sau khi thị trường châu Á có nguồn cung cấp mới. Ðây mới chỉ là bước khởi đầu.
Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có sử dụng khí đốt để “gây áp lực” lên các cuộc đàm phán khác? Khả năng là việc này sẽ là khó xảy ra với Trung Quốc. Ðể đáp ứng nhu cầu về khí, Trung Quốc có chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp, ngoài các nguồn trong nước, các nước Trung Á, Nam Á và bây giờ là Nga đều cung cấp khí cho Trung Quốc. Thậm chí, Trung Quốc có hệ thống nguồn cung khí đốt còn đa dạng hơn là Mỹ. Mặc dù lượng cung cấp khí sang châu Á tăng lên, nhưng khả năng Nga dùng khí để đạt các mục tiêu chính trị với Trung Quốc còn hạn chế. Trong thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào Trung Á, xây dựng đường ống để vận chuyển khí đốt từ Turkmenistan thông qua Uzbekistan và Kazahstan. Vai trò của Trung Quốc đã lớn lên rất nhiều tại khu vực mà trước đây thuộc phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Bên cạnh đó, không thể mong đợi Gazprom từ bỏ các nỗ lực giữ thị trường châu Âu. Các dự án hạ tầng mà Nga đã triển khai và tích cực theo đuổi như “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam” (North Stream và South Stream) chính là thể hiện mục tiêu giảm thiểu rủi ro khi đi qua các nước thứ 3 và duy trì thị phần tại châu Âu.
Nga thông báo sẽ bắt đầu vận chuyển khí vào năm 2018, mặc dù nhiều chuyên gia dự kiến các mỏ khí phía đông Nga không có đủ lượng khí trước năm 2020. Ngoài ra vẫn còn vấn đề lớn là các đường ống vận chuyển khí cần được xây dựng. Theo Reuters, Nga cần đầu tư 55 tỉ USD vào việc xây dựng đường ống. Ðối tác của Gazprom, CNPC, chịu trách nhiệm về hạ tầng tương tự tại Trung Quốc ( Chi tiết xem trên bản đồ trong bài).
Theo các đánh giá thì thỏa thuận khí đốt Nga - Trung không phản ánh sự thỏa hiệp Âu - Á mới. Trung Quốc và Nga vẫn dò xét thận trọng về một số vấn đề, bao gồm căng thẳng hải quân tại phía bắc Thái Bình Dương và việc Nga tiếp tục cung cấp vũ khí cho các nước láng giềng của Trung Quốc.
Cả Nga và Trung Quốc đều muốn khẳng định vai trò quyền lực của mình tại khu vực. Cả hai nước đều có quan hệ căng thẳng với Mỹ, muốn buộc Mỹ kìm hãm sự phát triển. Hơn 40 năm trước, Richard Nixon và Henry Kissinger đã thuyết phục Trung Quốc quay lưng với Liên Xô và kết thân với Mỹ. Liệu sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc hôm nay có phủ định quá khứ và dựng lên một liên minh chống lại Mỹ hay không?
Cho dù cả hai nước có liên kết để chống lại Mỹ thì thực tế họ vẫn rất cần thị trường Mỹ và sự ảnh hưởng của nước Mỹ. Vả lại, cả hai nước cũng đều đang phải cạnh tranh để có ảnh hưởng tại Trung Á. Có biên giới chung rộng lớn cũng là một thách thức - phía Nga ít dân và nhiều năng lượng, phía Trung Quốc thì đông người và “khát” năng lượng. Về tương lai lâu dài, Nga và Trung Quốc đều có khả năng kết hợp cũng như tan rã. Ðấy còn là tình huống đáng báo động hơn.
Hồ Tú Mai