Xét nghiệm bim bim, khoai tây: Tránh vỏ dưa nhưng đừng gặp vỏ dừa
Người dân Hà Nội vừa thở phào nhẹ nhõm khi Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu bim bim, khoai tây chiên không chứa chất gây ung thư Acrylamide và PAHs. Ðây là kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn nhanh như: Khoai tây chiên KFC, khoai tây chiên BBQ, khoai tây chiên Lotteria, bim bim, bò bít-tết Mahatan-Poca, bim bim khoai tây tươi cắt lát - Poca…
Năng lượng Mới số 341
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng cảnh báo rằng, những thức ăn nhanh này nếu ăn quá nhiều sẽ là cách tự đẩy mình vào chỗ… hiểm nguy.
Sau khi du nhập vào Việt Nam khoảng thập niên 90, thị trường fast food (thức ăn nhanh) ở Việt Nam phát triển như nấm sau mưa. Rất nhiều cửa hàng ăn nhanh như KFC, BBQ, Lotteria xuất hiện với phong cách trang trí rất “tây” với hai màu trắng - đỏ nổi bật kèm theo những bức tranh đậm chất nghệ thuật. Chính vì hình thức khác xa hình ảnh của các quán ăn truyền thống Việt Nam này nên các cửa hàng ăn nhanh có thể nói thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Thậm chí, nhiều bé còn đánh giá “đẳng cấp” sự sành điệu của trẻ em. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là khẩu vị của thức ăn nhanh rất hấp dẫn giới trẻ vì thực phẩm - chủ yếu là thịt gia cầm, bò - được tẩm bột chiên giòn hoặc rán kết hợp với khoai tây chiên, bánh mì và sa lát, được bán với giá khoảng 100 nghìn đồng/suất.
Với thành phần của thức ăn nhanh như vậy thì ai cũng thấy rõ ràng thịt nhiều hơn rau. Nói một cách công bằng, cả hai thành phần này đều cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin, protein… Nhưng dưới con mắt của các nhà y khoa, ăn rau nhiều hơn có khi lợi cho sức khỏe hơn là ăn thịt nhiều. Trong các khuyến cáo của giới y khoa bao giờ cũng thể hiện rõ điều này, đặc biệt là trong hoàn cảnh tỷ lệ trẻ em mắc bệnh béo phì tăng đột biến như hiện nay.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu khoai tây của Lotteria không chứa chất gây ung thư
Trong một nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, tất cả các thức ăn nhanh đều giàu năng lượng. Cụ thể, một khẩu phần bánh mì bít-tết (beaf steak) hoặc một chiếc đùi gà rô-ti cung cấp 800 calo, trong đó có 80g chất béo, 3 cánh gà chiên giòn cung cấp đến 1.000 calo và 100g chất béo. Một đĩa khoai tây chiên nhỏ cũng cung cấp 300 calo. Tuy nhiều, nhất phải kể đến một khẩu phần ăn nhanh kiểu Mỹ gồm một bánh hamburger kẹp thịt băm chiên, một phần khoai tây chiên cùng với một lon nước ngọt sẽ cung cấp 1.800 calo, tức là bằng lượng calo cần thiết cho một người trưởng thành đã lao động.
Nguyên nhân để lượng calo cao đến vậy chính là do lượng đạm nhiều trong mỗi khẩu phần ăn nhanh. Người ta đã tính, một chiếc bánh hamburger, ít nhất phải có 200-300g thịt bò (hoặc gà), một miếng bít-tết nặng 400g, một phần gà rán cũng tương tự. Như vậy là lượng đạm vào cơ thể quá nhiều trong một bữa. Chưa kể đến các bữa ăn khác trong ngày sẽ khiến cho lượng đạm nhiều hơn nữa, làm cho lượng calo cao hơn nữa. Ðiều này có tốt cho sức khỏe không, kể cả đối với giới trẻ được cho là tiêu hao năng lượng lớn?
Theo các bác sĩ dinh dưỡng, một người bình thường mỗi ngày ăn khoảng 15% năng lượng khẩu phần từ chất đạm. Hay một người trưởng thành không được ăn quá 30g đạm, trong đó chỉ có 15g đạm động vật, tương đương khoảng 120-125 các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc động vật. Dựa trên tiêu chí đó, lượng đạm tiêu thụ với trọng lượng trên rõ ràng là không tốt cho cơ thể.
Bác sĩ Lê Thị Tình, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thức ăn nhanh được phân chia thành 2 loại: thức ăn nhanh công nghiệp gồm: mỳ, cháo, phở ăn liền, bánh snack, khoai tây chiên… Và thức ăn nhanh bán công nghiệp gồm: gà rán, hamberger, bánh pizzza. Ðây là loại thức ăn tuy có năng lượng cao nhưng lại nhiều muối, ít vitamin, thiếu chất xơ, không có khoáng chất… nên không có lợi cho sức khỏe do không cân đối các chất dinh dưỡng, dễ dẫn đến các bệnh béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đặc biệt là bị ung thư do các chất sinh ra trong quá trình chế biến ở nhiệt độ cao.
Hiệp hội Tai biến mạch máu não Hoa Kỳ, vừa công bố một nghiên cứu, trong đó nói rõ: Những người hay ăn đồ ăn nhanh có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não. Còn Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo: Những người ăn thức ăn nhanh một lần mỗi tuần có nguy cơ bị tim mạch tăng hơn 20% so với những người không bao giờ ăn đồ ăn nhanh, tăng 50% đối với những người ăn 3 lần/tuần và 80% với những người ăn nhiều hơn thế.
Bên cạnh các trọng bệnh như vậy, việc ăn nhiều thức ăn nhanh còn dẫn đến bệnh suy thận, gout do lượng đạm vào cơ thể quá nhiều khiến thận phải hoạt động với “công suất” lớn hơn so với lượng đạm vào cơ thể đúng tiêu chuẩn cho phép. Bác sĩ Tình cảnh báo: “Ăn nhiều đạm làm tăng thải can-xi qua đường thận, làm tăng nguy cơ sỏi thận, loãng xương đồng đời tích tụ axit uric trong các khớp của cơ thể rồi gây bệnh gout”.
Ðể giảm nguy cơ thức ăn nhanh có chứa chất gây ung thư Acrylamide và PAHs, ông Nguyễn Lâm Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm Cục ATTP, cảnh báo: “Các thức ăn giàu đạm, béo, chất bột chỉ nên chế biến ở nhiệt độ phù hợp, nếu ở nhiệt độ cao sẽ làm mất đi các chất có lợi cho sức khỏe (ví dụ như vitamin C, B1). Ðáng lưu ý, nếu chất béo (như dầu, mỡ) khi chế biến ở nhiệt độ cao, dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ sinh ra một số chất nguy hại cho sức khỏe, trong đó có chất acrylamide”.
Ông Hùng nói tiếp: “Nguy cơ này có thể xảy ra ngay tại bếp gia đình nếu chế biến thực phẩm không đúng. Do đó, dầu ăn nên ở nhiệt độ không quá 120 độ C; mỡ nên dưới 150 độ C. Nếu chiên trong mỡ ở nhiệt độ 180-200 độ thì chỉ trong thời gian rất ngắn, không quá 2 phút. Dầu mỡ chiên rán nhiệt độ cao chỉ dùng một lần; không nên nướng thực phẩm trực tiếp trên lửa, không để cháy”.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), acrylamide là một hợp chất được sinh ra trong quá trình chế biến các loại thực phẩm giàu tinh bột và asparagine (một loại axít amin tự nhiên rất phổ biến) ở nhiệt độ cao (từ 150oC) bằng các phương thức như: chiên, bỏ lò... Acrylamide có nhiều trong cà phê, bánh snack, khoai tây chiên, bánh quy… Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm acrylamide, nhưng xét về tỷ lệ giữa nồng độ hợp chất này có trong thực phẩm với trọng lượng cơ thể thì trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bên cạnh đó, những phần “giòn, thơm, vàng ruộm” của các món ăn được chế biến ở nhiệt độ cao là nơi có lượng acrylamide cao nhất. Theo Cơ quan Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường Pháp (ANSES), trẻ em dễ bị hấp thu chất này qua các loại bánh kẹo chế biến sẵn, thức ăn nhanh. Còn người lớn thường “nạp” acrylamide qua cà phê, đặc biệt là cà phê đen. Cơ quan này cũng cho biết: “Acrylamide khi được hấp thụ qua hệ tiêu hóa sẽ được phân phối và chuyển hóa ở tất cả các cơ quan. Một trong những sản phẩm của quá trình chuyển hóa này là glycidamide bị xem là nguyên nhân hàng đầu gây đột biến gien dẫn đến ung thư trong các nghiên cứu trên động vật”. Từ năm 1994, acrylamide đã bị Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế (CIRC) xác nhận là tác nhân gây ung thư đối với động vật và có thể cả với con người. Ngoài ung thư, các nghiên cứu còn cho thấy chất này có thể gây tác hại đối với hệ sinh dục nam, hệ thần kinh, với thai nhi và trẻ sơ sinh.
|
Nguyễn Bách