Vinaphone, Mobiphone, Viettel phải trả lại tiền "ăn chia" từ lừa đảo khách hàng
Tài sản do hành vi phạm tội thì chính là tang vật của vụ án, phải được thu hồi và trả lại cho bị hại. Thế nhưng, trong vụ án lừa đảo bằng tin nhắn rác, các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel được hưởng khoảng 50%, tuy nhiên, các nhà mạng lại viện cớ... chối bay chối biến.
>> Thành lập công ty phát tán tin nhắn lừa đảo, chiếm đoạt 20 tỷ đồng
>> Vụ phát tán tin nhắn lừa đảo 20 tỷ: Các nhà mạng "hưởng lợi" từ hoạt động lừa đảo?
Lê Ngọc Tiến cầm đầu đường dây lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Vinaphone, Mobiphone, Viettel. Các nhà mạng này ăn chia với Lê Ngọc Tiến theo tỷ lệ từ 45-55% và đối tượng này đã lừa đảo khoảng 22 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam Lê Ngọc Tiến cùng các đối tượng liên quan.
Khách hàng đã và đang bị móc tui bởi những tin nhắn rác này.
Toàn bộ số tiền nói trên là do Lê Ngọc Tiến phạm tội mà có và các nhà mạng được hưởng khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, trả lời trên phương tiện thông tin đại chúng, các nhà mạng lại chối trách nhiệm và cho rằng không thể kiểm soát được toàn bộ nội dung tin nhắn dạng lừa đảo.
Theo các nhà mạng, để kiểm soát nội dung tin nhắn, cách duy nhất là ngồi đọc hàng triệu tin nhắn quảng cáo trước khi gửi đến khách hàng. Tuy nhiên, điều này không khả thi.
Bên cạnh đó, dự luận đặt ra nghi vấn, có phải do tỉ lệ ăn chia lớn nên các nhà mạng làm ngơ để đối tác thuê đầu số móc túi khách hàng. Về vấn đề này, đại diện MobiFone phủ nhận. Công ty cung cấp tin nhắn lừa đảo vừa bị bắt chỉ thu về hơn 20 tỉ đồng, nhà mạng được chia số tiền chẳng là bao so với tổng doanh thu mà lại làm mất uy tín.
Trao đổi với PetroTimes, đại diện truyền thông Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, hiện chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía cơ quan chức năng yêu cầu Viettel phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Viettel là đơn vị cung cấp dịch vụ đầu số, khách hàng trả phí là việc bình thường. Khi ký hợp đồng, Viettel có quy định, quy trình để kiểm soát khách hàng thuê đầu số.
Về lời khai của Lê Ngọc Tiến và đồng bọn tại cơ quan công an, về tỉ lệ ăn chia số tiền lừa đảo, đại diện truyền thông Viettel cho rằng, cơ quan công an cần xác minh, điều tra làm rõ vai trò từng cá nhân, tổ chức liên quan. Với các nhà mạng phải chịu trách nhiệm thì cơ quan điều tra sẽ phải thông báo.
Còn theo Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội), trong vụ lừa đảo lần này, các nhà mạng phải chịu trách nhiệm vì tiền chiếm đoạt trong đó họ cũng được hưởng với tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải có biện pháp quản lý để nhà mạng phải có trách nhiệm. Nếu cứ như hiện nay thì thiệt hại sẽ dồn về phía người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Cao (Hãng luật hợp danh FDVN) cho rằng, cơ quan điều tra cần xem xét, truy trách nhiệm của các nhà mạng trong việc để cho cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản. Thông thường, khi nhà mạng ký với các công ty cung cấp dịch vụ đầu số, hợp đồng sẽ thể hiện nội dung không can thiệp và không có trách nhiệm với những vi phạm của đơn vị thuê đầu số. Nhưng ở khía cạnh quản lý mạng viễn thông thì các nhà mạng không thể chối bỏ trách nhiệm.
Một điều đáng quan tâm là trong số tiền hàng chục tỉ đồng do các công ty lừa đảo, nhà mạng cũng thu lợi từ những khoản đó. Do vậy, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án về những hành vi vi phạm của các công ty này, cũng cần làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc hỗ trợ, giúp sức cho các hành vi lừa đảo thu lợi bất chính.
Nếu xác định, nhà mạng biết được các hành vi lợi dụng mạng viễn thông này để chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu các nhà mạng đã tiếp tay, giúp sức, tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm, thì cũng cần truy cứu trách nhiệm…
Điều 24 Nghị định 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 77/2012/NĐ-CP quy định rõ: Nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn không được cung cấp dịch vụ này cho các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp mã số quản lý. Phải có biện pháp giới hạn số lượng, tốc độ và tần suất nhắn tin từ một người sử dụng dịch vụ.
Còn Chỉ thị số 04/CT-BTTTT ngày 30/12/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ các doanh nghiệp viễn thông di động phải tăng cường rà soát, giám sát những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn. Khi phát hiện doanh doanh nghiệp nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo… thì phải chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh, đồng thời báo cáo ngay về Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý.
Từ những quy định của 2 văn bản trên có thể khẳng định rằng, trong vụ án do Lê Ngọc Tiến cầm đầu, Vinaphone, Mobifone và Viettel đã có dấu hiệu liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật.
>> Thành lập công ty phát tán tin nhắn lừa đảo, chiếm đoạt 20 tỷ đồng
>> Vụ phát tán tin nhắn lừa đảo 20 tỷ: Các nhà mạng "hưởng lợi" từ hoạt động lừa đảo?
T.Minh